Từ eo biển Hormuz đến Biển Đông

DANH ĐỨC 28/07/2019 22:07 GMT+7

TTCT - Những căng thẳng ở khu vực eo biển Hormuz và toàn bộ vùng Trung Đông cũng như các biện pháp trừng phạt với Iran càng thôi thúc ý đồ “làm chủ” Biển Đông bằng mọi giá của Trung Quốc.

Lực lượng tuần duyên Iran biểu dương lực lượng. Ảnh: Nydaily.nyc
Lực lượng tuần duyên Iran biểu dương lực lượng. Ảnh: Nydaily.nyc

Hôm 22-7, Anh công bố kế hoạch triển khai “sứ mệnh bảo vệ hàng hải” do châu Âu lãnh đạo để đảm bảo an ninh cho giao thông qua eo biển Hormuz trong bối cảnh Iran bắt giữ một tàu chở dầu treo cờ Anh tuần trước.

Tường trình với Quốc hội Anh về cuộc khủng hoảng vừa chớm bắt đầu, Ngoại trưởng Jeremy Hunt cáo buộc “hành động nhà nước cướp biển của Iran phải được đáp trả bằng một phản ứng quốc tế phối hợp”, theo AP ngày 22-7.

Ông Hunt công bố một vài chi tiết về sứ mệnh bảo vệ được đề xuất, nhưng cũng cho biết các đồng minh châu Âu của Anh sẽ đóng vai trò chính trong việc giữ cho các tuyến đường vận chuyển qua eo biển hẹp giữa Iran và Oman được mở và thông suốt. 1/5 toàn bộ sản lượng dầu thô xuất khẩu của thế giới đi qua đây.

Ông Hunt nhấn mạnh: “Iran phải hiểu rằng hành động của họ sẽ chỉ dẫn đến sự hiện diện quân sự phương Tây lớn hơn trong khu vực. Chúng tôi buộc lòng phải loan báo sự hiện diện quốc tế gia tăng ở vùng Vịnh, vì trọng tâm trong chính sách ngoại giao của chúng tôi là giảm dần căng thẳng với hi vọng những thay đổi (tăng thêm sự hiện diện quân sự) là không cần thiết”.

Toàn bộ 23 thủy thủ gồm 18 người Ấn Độ, 3 người Nga, 1 người Latvia và 1 người Philippines trên chiếc tàu bị Iran giữ đều an toàn, tình trạng sức khỏe tốt và hiện đang ở cảng Bandar Abbas. Sự việc thu hút sự quan tâm quốc tế khi các quốc gia châu Âu và những nước có công dân là thủy thủ trên tàu đồng loạt kêu gọi Iran thả tàu.

Về phần mình, người phát ngôn Chính phủ Iran Ali Rabiei phát biểu trong một cuộc họp báo cũng hôm 22-7 rằng việc bắt tàu dầu Anh “là hành động hợp pháp của Iran, nhằm bảo đảm an ninh trong khu vực”.

Trước đó, hôm 19-7, Iran đã bắt tàu dầu Stena Impero treo cờ Anh ở eo biển Hormuz với lý do tàu này “không tôn trọng các quy tắc hàng hải quốc tế”, cho rằng tàu không hồi đáp tín hiệu cấp cứu và tắt hệ thống định vị sau khi đâm vào tàu cá Iran.

London cáo buộc đây là hành động trả đũa vụ cảnh sát Gibraltar (vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh ở cực nam bán đảo Iberia) bắt tàu dầu Grace 1 của Iran hôm 12-7, với cáo buộc tàu này vận chuyển dầu thô đến Syria, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) với Syria.

Chiến tranh hay không chiến tranh?

Không phải là “có ít xít ra nhiều”, tình hình eo biển Hormuz gần đây buộc cả giới phân tích chính trị lẫn các công ty dầu hỏa, tài chính, ngân hàng... phải đặt câu hỏi đầy lo ngại đó cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.

Mọi diễn biến tại đây sẽ tác động lên giá dầu tuần tới, tháng tới, và cả năm tới nữa, qua đó tác động lên nền kinh tế toàn cầu và “ruột tượng” của từng nước, dù là xuất hay nhập khẩu mặt hàng thiết yếu này.

Khủng hoảng Hormuz nóng lên sau vụ Iran hôm 20-6 bắn rơi một máy bay không người lái (UAV) của Mỹ bị cho là bay cách bờ biển Iran 8,3 hải lý, tức trong phạm vi 12 hải lý thuộc chủ quyền quốc gia.

Đáp trả, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn. Đến ngày 18-7, tới lượt một UAV của Iran bị bắn rơi vì bay sát tàu đổ bộ USS Boxer của Mỹ “ở khoảng cách nguy hiểm”. Sự cố này kết lại một ngày bắt đầu bằng việc một trực thăng Bell 212 không mang vũ khí của Iran áp sát tàu đổ bộ USS Boxer ở khoảng cách gần tới mức có thể đáp xuống boong tàu.

Một trực thăng Mỹ cất cánh từ USS Boxer đã xua chiếc trực thăng của Iran đi. Không lâu sau, một tàu hải quân Iran lại tiếp cận và bám đuổi nhóm tác chiến USS Boxer ở khoảng cách 500m, giới hạn được hải quân Mỹ đặt ra trước khi phát cảnh báo.

Một trực thăng Mỹ lại xuất kích, bay giữa hai tàu nhằm răn đe phía Iran, trước khi đuổi theo một máy bay trinh sát Y-12 của Iran. Vài giờ sau, Mỹ tuyên bố bắn hạ UAV của Iran, dù Tehran phủ nhận tin này, nói phi đội UAV của họ đã trở về căn cứ an toàn và cho rằng Mỹ đã bắn hạ chính phi cơ của mình.

Quan hệ giữa Mỹ và Iran đang có chiều hướng cải thiện dưới trào tổng thống Barack Obama đã xấu hẳn đi dưới thời Trump sau khi ông này tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015. Sau vụ Iran bắn rơi UAV của Mỹ hôm 20-6, ông Trump đã áp đặt nhiều lệnh cấm vận với các quan chức cấp cao Iran, khiến Tehran đáp lại bằng cách tuyên bố “dấu chấm hết cho nỗ lực đàm phán ngoại giao”.

Sau đó là việc hai bên bắt tàu chở dầu của nhau. Cho tới lúc này, phản ứng của các bên vẫn chỉ ở mức dọa nạt, nhưng diễn biến tình hình trong tương lai thật khó đoán và tiềm tàng rất nhiều rủi ro.

Nỗi lo của Trung Quốc

Dù đã kiềm chế để không nổ ra chiến sự, song mâu thuẫn giữa Mỹ - Iran dưới trào Trump vẫn tạo ra nhiều lo âu cho các nước nhập khẩu dầu. Từ cách đây gần một năm, tờ South China Morning Post ngày 28-10-2018 đã loan tin: “Chính phủ Trung Quốc đã thông báo với ít nhất hai trong số các công ty dầu khí quốc doanh tránh mua dầu của Iran khi Mỹ chuẩn bị áp các biện pháp trừng phạt với nước Cộng hòa Hồi giáo...

Các công ty tiếp tục mua dầu thô của Iran sau khi lệnh trừng phạt có hiệu lực vào ngày 4-11-2018 sẽ đối mặt nguy cơ bị cấm cửa khỏi hệ thống tài chính Mỹ. Người phát ngôn của cả CNPC (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc) và Sinopec (Tập đoàn Hóa chất và dầu khí Trung Quốc) đều từ chối bình luận”.

11 tháng sau, tờ New York Times ngày 22-7-2019 loan tin: “Lần đầu tiên, chính quyền Trump sẽ áp trừng phạt kinh tế với một công ty Trung Quốc do nhập khẩu dầu của Iran, một quyết định chắc chắn làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.

Hôm thứ hai (22-7), Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Công ty Zhuhai Zhenrong (Chu Hải Chấn Nhung) và giám đốc điều hành công ty này - Li Youmin (Lý Hữu Dân), đã vi phạm các hạn chế của Hoa Kỳ về dầu mỏ của Iran”.

Theo Reuters Hoa ngữ, Chu Hải Chấn Nhung đặt trụ sở ở Bắc Kinh và hoạt động chủ yếu của công ty này là mua dầu từ Iran. Năm 2012, công ty này từng bị chính quyền Obama trừng phạt vì làm ăn với Iran và hiện là một chi nhánh của Tập đoàn Nam Quang - một công ty đầu tư nhà nước Trung Quốc có trụ sở tại Macau.

Tờ Financial Times ngày 3-6-2019 từng phân tích: “Bắc Kinh nay phải đối mặt với sự khẳng định quyền lực của Mỹ... Hành động đầu tiên của Mỹ là trực tiếp: cuộc chiến thuế quan ảnh hưởng lên mọi thứ, từ máy giặt đến gạo và thậm chí là bóng chày. Hành động thứ nhì là gián tiếp: các lệnh trừng phạt của Mỹ cấm buôn bán với các nước thứ ba như Iran, qua các mặt hàng thiết yếu như dầu mỏ”.

Theo Financial Times, trong cuộc chiến thương mại, do lợi ích của cả hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ hai thế giới trong việc duy trì một nền thương mại mở, có vẻ hợp lý khi hi vọng rằng cuối cùng hai phía cũng sẽ đạt được một thỏa thuận.

Nhưng vấn đề cấm vận thì phức tạp hơn do hàng thập kỷ thù địch giữa Mỹ và Iran, càng rối rắm thêm bởi không có bất kỳ giải pháp rõ ràng nào cho vấn đề hạt nhân của Iran để làm ông Trump và cố vấn an ninh quốc gia của ông, John Bolton, hài lòng.

Thành ra, hành động quân sự giữa Mỹ và Iran là không thể loại trừ, mà trước đó là việc siết chặt các lệnh cấm vận. Nhìn từ Bắc Kinh, “một bên thua cuộc từ cuộc xung đột như thế chính là Trung Quốc!”.

Bất cứ trục trặc nào ở Iran và khu vực Trung Đông cũng đe dọa tới tăng trưởng kinh tế, an ninh năng lượng của một đất nước như Trung Quốc, nơi đang có hơn 300 triệu phương tiện chạy bằng diesel và xăng, cùng một ngành hàng không nội địa đang mở rộng không ngừng, điều cũng sẽ tạo ra áp lực lên trật tự xã hội, bởi xăng dầu là mặt hàng gắn chặt với đời sống người dân.

Trung Quốc không muốn phải ở mãi trong cảnh bấp bênh về năng lượng như thế. Nhu cầu tự chủ năng lượng này cũng góp phần giải thích cho việc Bắc Kinh đột ngột áp đặt các yêu sách phi lý của “đường chín đoạn” bao phủ đến 90% diện tích Biển Đông, đi kèm là các động thái bồi đắp, quân sự hóa, chiếm đóng, quấy rối...

Cũng chính vì thế, theo phân tích của trang chuyên môn về dầu hỏa và thị trường dầu hỏa Oil Price ngày 14-3-2018, “Tập đoàn Dầu khí viễn dương nhà nước Trung Quốc đã chi hơn 1 tỉ USD để đóng giàn khoan nước sâu Hải Dương 981. Khi giàn khoan này được hạ thủy năm 2014, nhà chức trách Trung Quốc từng tuyên bố giàn khoan này chính là “chủ quyền lãnh thổ” của Trung Quốc”.

Tiếp nối động thái đó là giàn khoan Hải Dương 982, hạ thủy năm 2017. Ngoài ra còn phải kể đến giàn khoan Lam Kình 1, trọng lượng 42.000 tấn, độ sâu tác nghiệp tối đa 3.653m, độ sâu mũi khoan tối đa 15.240m, chi phí 700 triệu USD.

Theo South China Morning Post, Lam Kình 1 “được thiết kế riêng để hoạt động trên Biển Đông, nơi có những mỏ dầu chưa khai thác ở độ sâu 3.000m hoặc hơn dưới mực nước biển”. Kế tiếp là giàn khoan Hưng Vượng, giàn khoan bán ngầm nước sâu thứ tư được Trung Quốc triển khai tại Biển Đông, được đánh giá là còn hiện đại hơn Hải Dương 981 vì có trang bị hệ thống khoan tiên tiến nhất thế giới, có thể hoạt động ở vùng biển sâu đến 1.500m, khoan sâu tối đa tới 7.600m.

Giàn khoan Nam Hải 9, nặng 21.741 tấn, có khả năng hoạt động ở vùng biển sâu 1.500m, khả năng khoan tối đa 7.600m. Tất cả các giàn khoan đó, hoặc để thực hiện những động thái nay được chính thức gọi là “dọa nạt” hoặc để hờm sẵn cho trường hợp “khai thác chung” - dù còn rất mơ hồ - như với Philippines.

Trở lại câu chuyện Iran, tình hình càng khẩn trương ở vùng Vịnh, nguy cơ bất ổn năng lượng càng lớn, thì đi kèm nhu cầu phát tác trên Biển Đông của Trung Quốc càng bức bách.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận