Tương lai việc làm: Chuyển dịch từ lao động giản đơn sang lao động kỹ thuật bậc trung

VŨ THỦY 06/01/2020 22:01 GMT+7

TTCT - Chuyển dịch cơ cấu việc làm diễn ra khá nhanh trong 5 năm gần đây. Số lao động làm việc trong khu vực nông, lâm, thủy sản giảm nhanh, từ 24,4 triệu người (2012) còn 20,5 triệu người (2018) và số lao động làm công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng. Nhưng theo ông PHẠM NGỌC TOÀN - giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo chiến lược (Viện Khoa học lao động và xã hội - Bộ LĐ-TB&XH), VN vẫn chưa phát triển đến ngưỡng cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Phạm Ngọc Toàn. Ảnh: NVCC
Ông Phạm Ngọc Toàn. Ảnh: NVCC

Theo ông, những năm gần đây tình hình việc làm tại VN có những chuyển biến đáng kể nào?

- Tăng trưởng kinh tế ổn định đã thúc đẩy phát triển việc làm và việc làm có chất lượng. Năm 2018, VN có hơn 54 triệu người có việc làm, tỉ lệ dân số có việc làm đạt 74,74%. Tỉ trọng lao động (LĐ) giản đơn đã giảm nhanh sau năm 2013, từ 40,8% (2013) xuống 35,6% năm 2018.

Ở các nhóm nghề nghiệp còn lại, ngoài tỉ trọng LĐ có kỹ thuật trong nông lâm thủy sản có xu hướng giảm thì tỉ trọng LĐ làm các nghề nghiệp đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật đều có xu hướng tăng, nhất là nhóm nghề nghiệp kỹ thuật lắp ráp, vận hành máy móc thiết bị và nhóm chuyên môn kỹ thuật bậc cao. Đồng thời thu nhập của LĐ làm công ăn lương đã tăng 1,5 lần giai đoạn 2012-2018.

Theo nghề nghiệp, LĐ quản lý luôn có thu nhập cao nhất, tiếp đến là những công việc có yếu tố chuyên môn kỹ thuật. Tuy nhiên, áp lực tạo việc làm vẫn còn lớn, thể hiện ở số người mới tham gia lực lượng LĐ lớn hơn số việc làm tăng thêm.

Những xu hướng lớn nào sẽ chi phối thị trường LĐ, việc làm trong thời gian 5-10 năm tới? Thị trường LĐ, việc làm sẽ có những thay đổi như thế nào?

- Sự phát triển kinh tế kéo theo sự giàu lên của các tầng lớp dân cư, hành vi tiêu dùng cũng thay đổi theo hướng giảm chi cho lương thực thực phẩm, tăng tiêu dùng cho y tế, giáo dục, hàng hóa phi lương thực thực phẩm. Chính điều này sẽ kích cầu sản xuất và tạo việc làm trong nền kinh tế. Xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế của VN với việc đón nhận dòng đầu tư FDI sẽ tiếp tục giải quyết lượng việc làm lớn trên thị trường.

Tuy nhiên, các dòng đầu tư vào VN chủ yếu sử dụng LĐ phổ thông, đây cũng là kênh giải quyết việc làm cho dòng LĐ từ nông thôn ra thành thị. Bên cạnh đó, dòng luân chuyển đầu tư thương mại có thể đến các nước có lợi thế về LĐ, về nguyên liệu hơn VN như Campuchia hay các nước châu Phi cũng dẫn đến giảm việc làm trong nước.

Sự phát triển về khoa học công nghệ đã và đang tác động đến phương thức sản xuất của mỗi quốc gia, ảnh hưởng đến việc các công ty, tập đoàn đa quốc gia lựa chọn nơi để sản xuất, các công ty sử dụng nhiều việc làm giản đơn như trước đây có thể không cần đến lợi thế về LĐ ở các nước đang phát triển như VN.

Do vậy, xu hướng “reshoring” (chuyển sản xuất về nước sở tại) có thể diễn ra, làm giảm việc làm trong nước. Sự phát triển của nền kinh tế tri thức sẽ gắn chặt với sự phát triển của khoa học công nghệ. Xu hướng này tạo ra nhu cầu việc làm cho người LĐ có kiến thức và kỹ năng trong các lĩnh vực từ nông nghiệp đến công nghiệp dịch vụ, khi đó trong thị trường sẽ có việc làm tri thức.

Với vị trí việc làm này, người LĐ được trả lương cao hơn, được đảm bảo điều kiện làm việc. Xu hướng trên hầu như sẽ tác động đến tất cả các ngành lĩnh vực của nền kinh tế nhưng có thể diễn ra nhanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, sản xuất công nghệ cao.

Nhìn chung, các xu hướng lớn diễn ra sẽ tạo ra các vị trí việc làm có năng suất hơn, tiền lương, thu nhập được cải thiện, tỉ lệ LĐ làm công hưởng lương sẽ tăng lên mạnh mẽ và giảm tỉ lệ LĐ tự làm, không có hợp đồng LĐ hay bảo hiểm xã hội. Việc làm sẽ chuyển dịch mạnh từ nhóm LĐ giản đơn sang nhóm LĐ chuyên môn kỹ thuật bậc trung.

Những ngành sử dụng lao động phổ thông vẫn là kênh giải quyết việc làm chính trong những năm tới. Ảnh: Vũ Thủy
Những ngành sử dụng lao động phổ thông vẫn là kênh giải quyết việc làm chính trong những năm tới. Ảnh: Vũ Thủy

Hai xu hướng được dự đoán ảnh hưởng đến tương lai việc làm là tự động hóa và quá trình cơ giới hóa trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại VN, hai xu hướng này có thể tạo ra những thay đổi gì về việc làm trong tương lai, thưa ông?

- Đây là những điều đang diễn ra. VN đã và đang phát triển “tự động hóa” trong các ngành nghề nhưng chưa đến ngưỡng phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 đúng theo nội hàm của nó. Xu hướng tự động hóa và quá trình cơ giới hóa trong lĩnh vực nông nghiệp chia thành hai giai đoạn.

Thứ nhất, vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất. Nhà đầu tư bỏ chi phí lớn để thay đổi phương thức sản xuất dựa trên quá trình tự động hóa và mục tiêu của doanh nghiệp hướng đến lợi nhuận. Họ cần mở rộng quy mô sản xuất để tận dụng lợi thế hiệu quả theo quy mô. Khi đó việc làm cho LĐ kỹ thuật tăng lên và việc làm cho LĐ giản đơn cũng tăng lên, không như nhiều người cảm nhận và nói theo lý thuyết là LĐ kỹ thuật sẽ thay thế việc làm giản đơn.

Giai đoạn thứ hai sẽ diễn ra trong dài hạn, khi mà tổng nhu cầu hàng hóa trên thị trường đạt quy mô nào đó hay đến giới hạn sản xuất thì các doanh nghiệp sẽ phát triển theo chiều sâu, quá trình đầu tư mở rộng quy mô sẽ chậm lại nhưng năng suất tăng lên rất nhiều. Lúc đó LĐ giản đơn sẽ có nguy cơ mất việc.

Ngành nông nghiệp ở VN đang phát triển theo hướng nông nghiệp xanh và nông nghiệp thông minh, điều này sẽ thay đổi khá lớn về lực lượng LĐ ngành này trong tương lai. Nhưng nó cũng đặt ra thách thức đối với hệ thống đào tạo nghề trong nông nghiệp, chương trình đào tạo nghề phải chuyển đổi theo hướng phát triển mới trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nguy cơ giảm sút việc làm sẽ diễn ra ở nhóm LĐ lớn tuổi và sự dịch chuyển việc làm của nhóm LĐ trung niên do hạn chế về thể lực, tác phong làm việc trong bối cảnh mới và đặc biệt thiếu những kỹ năng mới để đáp ứng yêu cầu công việc.

Tự động hóa, sự phát triển của khoa học máy tính diễn ra cũng dẫn tới chuyển đổi việc làm ở các nghề có tính lặp đi lặp lại như kế toán, tư vấn, bán hàng hay các vị trí LĐ phổ thông: bốc xếp, đứng máy, làm trên các dây chuyền sản xuất. Những LĐ này có thể phải chuyển đổi sang công việc thích hợp, tiền lương thu nhập có thể thấp hơn.

Ông nhận định như thế nào về khả năng đáp ứng của lực lượng LĐ VN đối với sự thay đổi việc làm trong thời gian 5-10 năm tới?

- Sự thay đổi việc làm trong tương lai đòi hỏi người LĐ không chỉ có trình độ, mà cần có kiến thức và kỹ năng. Lực lượng LĐ VN đang diễn biến theo xu hướng già hóa (giảm dần tỉ trọng lực lượng LĐ trong độ tuổi LĐ), LĐ ở khu vực nông nghiệp chiếm tỉ lệ lớn, tỉ lệ LĐ qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ thấp, kỹ năng theo các vị trí việc làm nhìn chung ở mức thấp, chưa thực sự tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đây là những điểm nghẽn chính đối với việc đáp ứng nhu cầu thị trường LĐ trong tương lai. Với các xu hướng chính như trên diễn ra trong 5-10 năm tới thì lực lượng LĐ VN sẽ gặp nhiều thách thức, trong đó đáng chú ý là khả năng chuyển đổi việc làm từ nơi có năng suất thấp sang nơi có năng suất cao hơn. ■

Xu hướng ứng dụng công nghệ vào quá trình vận hành doanh nghiệp

Bà Nguyễn Phương Mai, giám đốc điều hành Navigos Search (thuộc Navigos Group), cho biết nhu cầu tuyển dụng lao động cấp trung và cấp cao được dự đoán tiếp tục tăng mạnh trong năm 2020. VN sẽ tiếp tục đón nhận làn sóng đầu tư ở đa dạng các ngành mũi nhọn: ngành sản xuất, công nghệ cao, tiêu dùng nhanh, công nghệ thông tin với các vị trí như kỹ sư; bảo trì/sửa chữa; bán hàng, kỹ thuật, cơ khí.

Nhìn chung, các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh để thu hút nhân tài khi mà nguồn ứng viên chất lượng cao tại VN có hạn. Đặc biệt, nhu cầu tuyển dụng ứng viên am hiểu công nghệ, có kỹ năng số hóa ở mọi ngành đều đang tăng cao.

Nông nghiệp công nghệ cao ở mức “bán tự động”

Anh Nguyễn Đức Dũng, quản lý trang trại nông nghiệp công nghệ cao tại Quảng Nam, cho rằng xu hướng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp là tất yếu trong thời gian tới. Hiện trang trại công nghiệp cao do anh quản lý với hệ thống nhà kính trồng rau, quả được vận hành bởi hai đội ngũ: người có chuyên môn về cơ điện và người có chuyên môn kỹ thuật trồng trọt.

“Hiện nhu cầu nhân lực nông nghiệp vẫn đáp ứng được bởi cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp chỉ ở mức độ bán tự động, nhiều công đoạn vẫn sử dụng lao động thủ công. Trang trại chúng tôi mỗi nhà kính chỉ cần một nhân sự phụ trách vận hành máy móc, kỹ thuật cơ điện và một người phụ trách kỹ thuật về cây trồng, phân bón, cắt tỉa… Đội ngũ lao động phổ thông làm các công việc chân tay như trồng trọt, thu hoạch, phân loại, đóng gói khoảng 5-10 người” - anh cho biết.

Theo anh, trong những năm tới nhu cầu nhân lực có chuyên môn kỹ thuật trong nông nghiệp sẽ tăng với mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp công nghệ cao hình thành những vùng chuyên canh lớn. Khi đó, việc đầu tư máy móc sẽ hiệu quả bởi sẽ tối ưu hóa được hiệu suất sử dụng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận