Tuyển sinh ĐH 2015: Để chữa chạy nỗi bất an

TTCT - Những ngày vừa qua, cả triệu thí sinh, gia đình và tất cả trường ĐH đều bị cuốn vào cuộc “đấu trí” căng thẳng khi tất cả các bên đều phải giải một bài toán không có đủ dữ kiện, tạo ra tâm trạng bất an, tốn kém và những hệ quả dự đoán là sẽ lâu dài.

Thí sinh và phụ huynh đến nộp và rút hồ sơ xét tuyển ĐH, CĐ 2015 tại Trường đại học Công nghiệp TP.HCM

Ảnh: NHƯ HÙNG

Trước những rắc rối của kỳ thi năm nay, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ GD-ĐT phải lắng nghe phản ảnh của thí sinh, xã hội để có những giải pháp điều chỉnh thật nhanh, kịp thời. Thậm chí “cần phải điều chỉnh cái gì thì điều chỉnh, kể cả vượt thẩm quyền của bộ hoặc cần sự phối hợp của các bộ khác, nếu cần thiết thì Chính phủ sẵn sàng vào cuộc” (*).

Việc rút kinh nghiệm là điều cần thiết để cải thiện công tác tuyển sinh những năm tới, nhưng quan trọng và cấp bách hơn là có ngay các giải pháp tức thời nhằm sửa những bất ổn đã dẫn đến tình trạng rối như tơ vò hiện nay.

Nhận diện những hệ quả

Một trong những mục tiêu của việc kết hợp hai kỳ thi tốt nghiệp phổ thông (TNPT) và tuyển sinh ĐH là tiết kiệm và giảm áp lực, nhưng thực tế thí sinh phải tốn kém hơn gấp bội, nhất là những gia đình ở tỉnh xa, vì phải đi lại rút hồ sơ nơi này, nộp hồ sơ nơi khác.

Áp lực tâm lý cũng gấp bội so với mọi năm, vì ngay cả với những em điểm cao, khả năng rớt cũng vẫn đáng kể vì những lý do sẽ phân tích ở phần sau. Và tuy việc sử dụng kết quả thi TNPT để làm một trong những cơ sở xét tuyển ĐH không phải là hiếm ở các nước, nhưng cách tổ chức thực hiện theo kiểu nộp vào - rút ra dựa trên thông tin cập nhật trên website của các trường như đang thấy thì lại là một cách làm độc nhất vô nhị trên thế giới.

Hệ quả của việc cộng điểm ưu tiên sẽ là loại bỏ những em có khả năng cao để nhận vào ĐH những em có khả năng kém hơn. Quan trọng hơn, một hệ quả khác của việc cộng điểm là hủy hoại nguyên tắc cạnh tranh công bằng, vốn là động lực mạnh mẽ nhất nhằm đạt tới sự ưu tú, vốn là sứ mạng và là lý do tồn tại quan trọng bậc nhất của trường ĐH.

Một khảo sát cụ thể trên danh sách 1.000 thí sinh cho thấy trên 84% được cộng điểm ưu tiên với những mức độ khác nhau.

Tổng điểm ưu tiên trong trường hợp cao nhất có thể lên tới 6,5 điểm (2 điểm đối tượng + 1,5 điểm khu vực + 3 điểm thưởng), tạo ra một sự chênh lệch quá lớn trong cơ hội trúng tuyển và hoàn toàn không hợp lý.

Điểm số là sự thể hiện năng lực, và năng lực là thứ mỗi người phải tích lũy và rèn luyện để có, không thể được ban phát như một ơn huệ. Cần có chế độ ưu tiên và hỗ trợ cho người có công, cho học sinh vùng sâu vùng xa để họ có cơ hội vào ĐH, nhưng ưu tiên này phải được thể hiện bằng việc cung cấp điều kiện học tập chứ không phải bằng điểm số.

Thay cho các mức điểm ưu tiên khác nhau, cần đưa ra các mức hỗ trợ tài chính khác nhau, từ miễn giảm một phần tới miễn giảm toàn bộ học phí và cung cấp thêm học bổng cho những đối tượng cần được ưu tiên, nhưng cạnh tranh về điểm số thì phải tuyệt đối công bằng.

Vì sao chính sách cộng điểm ưu tiên tuy đã tồn tại nhiều năm qua nhưng không gây bức xúc trong xã hội như năm nay? Xét về mặt kỹ thuật, mọi năm có hai kỳ thi khác nhau, tức là hai đề thi hoàn toàn khác nhau. Việc cộng điểm cho việc xét TNPT không gây trở ngại gì, vì tỉ lệ TNPT bao giờ cũng gần 100%.

Đối với kỳ thi ĐH, đề thi ĐH mọi năm bao giờ cũng khó hơn nhiều so với đề thi TNPT, vì vậy mang tính chất phân loại rất rõ. Nói cách khác, đạt được 15 điểm cho ba môn thi không phải là dễ, nếu đạt được 15 điểm đã là học lực loại khá, và dù có được cộng thêm 3 điểm ưu tiên thì 18 điểm không đủ để chiếm chỗ những em thật sự giỏi.

Vấn đề của năm nay là vì 60-70% đề thi dành cho mục tiêu xét tốt nghiệp, cho nên hầu hết học sinh có thể đạt tổng điểm 21 cho ba môn khá dễ dàng. Từ 21 điểm trở lên là khoảng phân biệt học sinh khá giỏi và nhích lên được 1 hay 2 điểm trong khoảng này rất khó.

Nếu mọi năm có một thang đo 10 bậc để so kè năng lực trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, thì năm nay thang đo này chỉ còn lại 3 bậc, 3 bậc này đã bị điểm ưu tiên chiếm mất. Với 21 điểm phổ biến đại trà cộng với 1-3,5 điểm ưu tiên, hầu như tất cả những em khá giỏi (đạt điểm 24-25) nhưng không được cộng điểm ưu tiên đã bị đánh bạt ra ngoài.

Điểm ưu tiên đã tự động chiếm chỗ khoảng được dùng để phân biệt học sinh trung bình kém với học sinh khá giỏi; hậu quả là ngay cả những em điểm cao cũng có nhiều khả năng thi rớt.

Một lý do khác khiến học sinh nháo nhào rút hồ sơ, mà rõ ràng bộ đã không lường trước, là với tình hình cộng điểm như trên, số thí sinh đạt tổng điểm 24 trở lên (sau khi cộng ưu tiên) có số lượng rất cao và làm thay đổi cán cân tuyển sinh ở các trường, tạo ra bức tranh khác hẳn mọi năm.

Bộ GD-ĐT và các chuyên gia đều khuyên học sinh căn cứ vào điểm tuyển năm trước của các trường để cân nhắc chọn trường và chọn ngành, nhưng thực tế là điểm tuyển công bố của các trường không có nghĩa là đạt điểm ấy sẽ đương nhiên đỗ. Ví dụ, ĐH Y Phạm Ngọc Thạch công bố điểm sàn 17-21, nhưng số hồ sơ từ điểm 23,75 trở lên đã là 801 em, chiếm toàn bộ chỉ tiêu.

Những em có điểm thi từ 21-23,75 nếu không được cộng ưu tiên sẽ bị dạt ra ngoài. Trường ĐH Y dược TP.HCM đến ngày 12-8 đã có 310 thí sinh đạt từ 28 điểm trở lên ở ngành bác sĩ đa khoa, trong khi ngành này có 349 chỉ tiêu (đã trừ các chỉ tiêu tuyển thẳng, cử tuyển và dự bị). Nếu có thêm thí sinh trên 28 điểm nộp hồ sơ thì ngay cả các em 28 điểm đã nộp hồ sơ cũng sẽ rớt. Cộng thêm hồ sơ ảo do bốn nguyện vọng, tình hình rối như tơ vò.

Mọi thứ đang rối như tơ vò. Ảnh Như Hùng

Mục tiêu thật sự là gì?

Mục tiêu của tuyển sinh ĐH đối với nhà trường là chọn lựa những em có khả năng thích hợp nhất trong lĩnh vực đào tạo để giúp các em phát triển hết khả năng và thiên hướng. Mục tiêu vào ĐH của học sinh là theo đuổi một quá trình chuẩn bị một nghề nghiệp thích hợp nhất với tố chất và năng lực của mình.

Với cách tuyển sinh hiện nay, do thông tin tắc nghẽn giữa nhà trường và học sinh, có nguy cơ nhiều em, kể cả những em điểm cao, chấp nhận vào bất cứ trường nào mình có khả năng đậu, bất kể có thích hợp với em hay không.

Các trường, do chỉ dựa trên một thông tin duy nhất là điểm thi TNPT, không thể đánh giá được những yếu tố khác của thí sinh (như năng lực thể chất, đặc điểm tâm lý và tính cách, năng khiếu...) để tìm người phù hợp. Việc cộng điểm ưu tiên đã khiến bức tranh về năng lực thí sinh bị sai lệch rất đáng kể, kết quả là nhà trường khó lòng tuyển được đúng đối tượng.

Ở cấp độ hệ thống, mặc dù các trường “có vẻ như” được tự chủ trong việc xây dựng phương án tuyển sinh, xác định điểm tuyển và thí sinh “có vẻ như” có nhiều lựa chọn hơn trong việc chọn trường và chọn ngành, nhưng trong thực tế hầu hết các trường, đặc biệt là nhóm dưới và trường ngoài công lập cũng như các thí sinh, đều hết sức bị động vì mức độ tự chủ và khả năng lựa chọn của họ bị đóng khung trong giới hạn những hướng dẫn có tính chất kỹ thuật và hạ tầng công nghệ thông tin bất cập của bộ.

Câu hỏi đặt ra

Vì sao bộ không thể làm được một phương án hợp lý hơn như nhiều nước đã làm: xét tốt nghiệp THPT để công nhận tốt nghiệp và tổ chức thi đánh giá năng lực như ĐHQG Hà Nội đang thực hiện (tương tự kỳ thi SAT ở Mỹ). Dựa vào dữ liệu điểm số này, các trường xác định điểm tuyển cùng những căn cứ khác?

Vì bức tranh điểm sàn bất thường như vậy, phần lớn học sinh buộc phải chọn tổ hợp môn thi nào mình có điểm cao nhất, dựa vào đó để chọn ngành, chọn trường cho an toàn dù ngành ấy các em không hề yêu thích. Ví dụ một em 27,5 điểm bị loại khỏi trường y mà em mơ ước, nộp đơn vào trường bách khoa (nơi mà tổ hợp toán lý hóa của em đủ điểm đậu). Kết quả là xã hội rất có thể mất một bác sĩ tâm huyết và cho ra trường một kỹ sư tồi.

Xét công nhận tốt nghiệp thay cho thi tốt nghiệp sẽ nhấn mạnh đánh giá trong tiến trình thay vì chỉ đánh giá dựa trên một bài thi lý thuyết, nhờ đó khích lệ các em tham gia nhiều hoạt động khác nhau trong quá trình học tập ở trường phổ thông, là điều có lợi cho việc phát triển toàn diện nhân cách.

Giao việc xét tốt nghiệp cho các trường, liệu có “tiêu cực”? Chỉ khi nào tỉ lệ TNPT quá thấp thì khả năng tiêu cực để được công nhận tốt nghiệp mới dễ xảy ra.

Nhiều năm nay, kết quả thi tốt nghiệp luôn là 95-100%. Muốn rớt cũng khó! Vả lại, xét tốt nghiệp dựa trên cả một quá trình ba năm, liên quan tới đánh giá của nhiều giáo viên, dựa trên những tiêu chuẩn rõ ràng, “tiêu cực” là không dễ.

Tách việc thi và tuyển trong tuyển sinh ĐH bằng cách tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực nhiều lần trong năm tại nhiều địa điểm sẽ giúp giảm áp lực với học sinh, vì họ có nhiều cơ hội cải thiện điểm số. Thi một lần kết quả chưa cao, học tiếp và thi lại đến khi có kết quả phù hợp với mức điểm tuyển vào một trường nào đó mà học sinh mong muốn.

Nhà nước có thể tập trung nguồn lực tổ chức tốt kỳ thi này, kết hợp với thu phí dự thi (từ lần 2) để chia sẻ chi phí và nâng cao trách nhiệm của người học. Dữ liệu điểm thi này có thể công khai để tránh tiêu cực. Vả lại, điểm thi này chỉ nên được xem là một trong các yếu tố xét tuyển vào ĐH.

Những điều làm được ngay

Vì vậy, giải pháp cấp thời đối với vấn đề điểm ưu tiên là: 1) cộng thêm 1 điểm cho tất cả thí sinh hiện chưa được cộng điểm ưu tiên hoặc đã được cộng 0,5 điểm; (2) giới hạn tổng điểm ưu tiên và khuyến khích tất cả các loại không vượt quá 3 điểm. Mục đích của việc này là làm giảm khoảng cách bất hợp lý và làm giảm nhẹ hậu quả mà việc cộng điểm đang gây ra.

Với vấn đề hồ sơ ảo: Thực hiện đăng ký chỉ một nguyện vọng (NV) duy nhất, gọi là NV1 (ứng với tuyển sinh đợt 1). Sau khi có kết quả tuyển sinh đợt 1, những thí sinh không trúng tuyển sẽ đăng ký NV2 để được xét tuyển đợt 2. Khi có kết quả đợt 2, những thí sinh chưa trúng tuyển sẽ đăng ký NV3 để được xét tuyển đợt 3. Không cần giới hạn điểm số giữa các NV 1, 2, 3. Mỗi đợt xét tuyển kéo dài 10 ngày, bao gồm 5 ngày đăng ký và 5 ngày xét tuyển, công bố kết quả.

Với việc rút và nộp hồ sơ: Toàn bộ việc đăng ký hồ sơ thực hiện trực tuyến trên website của các trường. Mỗi thí sinh dùng mã số báo danh của mình để truy cập hệ thống. Không cần nộp hồ sơ bản cứng. Danh sách đăng ký sẽ hiển thị ngay trên hệ thống.

Cơ sở dữ liệu của các trường phải liên thông để tránh trường hợp một em đăng ký cùng lúc nhiều trường. Trường hợp số thí sinh cùng điểm số vượt quá chỉ tiêu của trường, mỗi trường sẽ áp dụng tiêu chí phụ của riêng mình để xét tuyển và công bố công khai.

 

(*): Báo Người Lao Động,15-8-2015.

 

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận