Ukraine giữa hai làn đạn

DANH ĐỨC 08/12/2018 02:12 GMT+7

TTCT - Cuộc chạm trán hôm 25-11, hi vọng là ngắn ngủi, giữa Nga và Ukraine như một lời nhắc lại thân phận của Ukraine, một nước nhỏ không may ở giữa hai làn đạn.

Thật tai hại nếu trở thành võ đài so găng của các cường quốc. Ảnh: transmissions
Thật tai hại nếu trở thành võ đài so găng của các cường quốc. Ảnh: transmissions

 

11h35 sáng hôm sau, 26-11, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) họp khẩn theo yêu cầu của Ukraine, dưới sự điều khiển của đại sứ Trung Quốc Ngô Hải Đào, chủ tịch luân phiên tháng 11. Cùng tham dự có đại diện các nước Anh, Ba Lan, Bolivia, Bờ Biển Ngà, Guinea Xích Đạo, Ethiopia, Hà Lan, Kazakhstan, Kuwait, Mỹ, Nga, Peru, Thụy Điển và Pháp.

Chủ tịch Ngô Hải Đào phát biểu khai mạc: “Đúng theo quy tắc 37 của Bộ quy tắc thủ tục tạm thời của hội đồng, tôi mời đại diện của Ukraine tham gia cuộc họp này. Theo quy tắc 39, tôi mời bà Rosemary DiCarlo, phụ tá tổng thư ký LHQ về các vấn đề chính trị, tham gia cuộc họp này”.

LHQ khuyên giải

Bà DiCarlo tiếp lời: “Cách đây chưa tới một tháng, lần chót báo cáo HĐBA về tình hình Ukraine, tôi đã muốn hội đồng chú ý tới căng thẳng gia tăng ở biển Azov và nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh bất kỳ nguy cơ leo thang nào. Tiếc thay, một sự cố an ninh nghiêm trọng đã xảy ra hôm qua gần Crimea, sát biển Azov...”.

Bà phụ tá tóm tắt: “Vùng biển của biển Azov được tuyên bố là nội hải lịch sử của cả Ukraine và Liên bang Nga, trước kia tàu bè của hai quốc gia đã được tự do hàng hải. Tuy nhiên, căng thẳng tăng lên trong vùng biển này và khu vực xung quanh từ khi xảy ra việc sáp nhập Crimea vào Nga năm 2014, vốn đã là chủ đề một số nghị quyết của Đại hội đồng (chẳng hạn nghị quyết 68/262 ngày 27-3-2014 “Về sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”).

Tháng 9-2016, Ukraine đã bắt đầu thủ tục tố tụng trọng tài theo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) chống lại Liên bang Nga liên quan đến “tranh chấp quyền của các nước ven biển ở biển Đen, biển Azov và eo biển Kerch”.

Liên bang Nga thì cho rằng biển Azov và eo biển Kerch không chịu sự ràng buộc vào Tòa trọng tài UNCLOS”. Đến đây, có thể hiểu rằng Ukraine đã đưa vụ tranh chấp trên các vùng biển ra trước Tòa trọng tài The Hague, như Philippines từng làm với Trung Quốc, song Nga, cũng như Trung Quốc, đã phủ định thẩm quyền của tòa.

Sau phát biểu của bà phụ tá tổng thư ký LHQ là phát biểu của đại diện các nước. Đại sứ Trung Quốc Ngô Hải Đào xin tạm ngưng vai trò chủ tịch HĐBA để phát biểu trong tư cách đại diện Trung Quốc. Ông nói: “Trung Quốc ghi nhận những va chạm giữa Nga và các tàu hải quân Ukraine ở vùng biển gần eo biển Kerch... Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan thực hiện kiềm chế...”.

Sau khuyến cáo, ông Ngô tái khẳng định lập trường của Trung Quốc: “Trung Quốc luôn duy trì tính khách quan và vô tư liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Trung Quốc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, bao gồm Ukraine, và phản đối sự can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Ukraine bởi bất kỳ lực lượng bên ngoài nào” trước khi lặp lại những khuyến cáo cũ: “Chúng tôi luôn cho rằng các giải pháp quân sự sẽ chẳng đi tới đâu. Cách duy nhất để giải quyết các cuộc khủng hoảng là thông qua đối thoại và đàm phán”.

Phát biểu của đại diện Trung Quốc đã được đại diện Nga Dmitri Polyanskiy “mát mẻ” đáp trả: “Do ngài đại diện cho Trung Quốc, thưa ngài chủ tịch, tôi muốn nhắc ngài một câu nói nổi tiếng của Khổng Tử: Rất khó để tìm ra con mèo đen trong một căn phòng tối, nhất là khi trong phòng đó không có con mèo nào. Đó chính xác là những gì các vị đang làm, thảo luận về một hành động xâm lược tưởng tượng của Nga, mà không nói về lý do thực sự cho cuộc họp ngày hôm nay”.

Vấn đề chủ quyền

Tiếp đó, Chủ tịch HĐBA Ngô Hải Đào mời đại diện Ukraine, ông Volodymyr Yelchenko, phát biểu. Ông Yelchenko lập luận rằng: “Căn cứ luật quốc tế, Crimea cùng các vùng biển liên quan là lãnh thổ Ukraine, tạm thời bị Liên bang Nga chiếm đóng. Thành ra không có biên giới Nga nào trong khu vực xảy ra sự cố”.

Ông nhắc lại rằng tới nay, “phía Ukraine đã chỉ hành động đúng theo thỏa thuận song phương với Nga năm 2003 về việc sử dụng biển Azov và eo biển Kerch”, áp dụng cho cả tàu dân sự lẫn quân sự. Ông Yelchenko trưng ra văn bản thỏa thuận này.

Theo ông, các tàu vũ trang cỡ nhỏ và tàu kéo của Ukraine hôm ấy cũng đi đúng lộ trình, mà vào tháng 9 hai tàu hải quân khác của Ukraine đã đi từ cảng Odessa tới cảng Mariupol mà không xảy ra sự cố nào. Rồi Ukraine đột ngột nhận được thông báo từ phía Nga rằng khu vực eo biển Kerch đã đóng cửa. Tuy nhiên, trung tâm kiểm soát hàng hải quốc tế tại Tây Ban Nha đã không khẳng định thông báo này.

Đại sứ Nga Polyanskiy trả lời: “Cho dù có người nào thích hay không thích, câu hỏi Crimea thuộc về đâu đã kết thúc từ lâu rồi đối với chúng tôi và người dân Crimea. Không có biện pháp trừng phạt hoặc hạn chế nào sẽ thay đổi quyết định của chúng tôi.

Vấn đề đó đã khép lại sau khi người dân Crimea bỏ phiếu đoàn tụ với Nga trong một cuộc trưng cầu ý dân tự do dựa trên quyền tự quyết của một quốc gia... Nga có hối hận về những gì đã xảy ra không? Tuyệt đối không.

Còn hơn thế nữa, tôi muốn nói rằng đa số người Nga tự hào về điều đó, vì nếu chúng tôi không đứng ra bảo vệ người Crimea thì nay họ đã chết vì súng đạn của quân đội Ukraine, giống như người nói tiếng Nga ở Donbass đang chết dần chết mòn vậy. Họ đang chết chỉ vì muốn nói tiếng Nga, dạy con cái họ bằng tiếng Nga và tôn trọng những người đã giải phóng Ukraine khỏi tay phát xít, thay vì những kẻ cộng tác với chúng”.

Có thể thấy sự cố ở eo biển Kerch chỉ là một biểu hiện mới - một sự cố phát sinh - từ vấn đề cốt lõi là chủ quyền Crimea và ở bình diện rộng hơn, cả vùng đông Ukraine nữa. Về vấn đề sau, ngày 30-10, bà phụ tá DiCarlo từng nêu quan điểm của LHQ: “Hôm 7-9, các cơ quan cầm quyền trên thực tế ở Donetsk và Lugansk (hai tỉnh miền đông Ukraine ly khai) công bố việc tổ chức... cuộc bầu cử dự kiến vào ngày 11-11...

Theo hiểu biết của chúng tôi, hai cuộc bỏ phiếu riêng biệt ở Donetsk và Lugansk nhằm bầu một “chủ tịch nước cộng hòa” và một “hội đồng nhân dân” cho nhiệm kỳ 5 năm. Tôi muốn nhắc lại rằng các vấn đề liên quan đến bầu cử đã được xử lý trong Thỏa thuận Minsk như một gói giải pháp toàn diện, cần xem xét trong các cơ chế thương lượng hiện có.

Thành ra, tôi lưu ý rằng bất cứ biện pháp nào như thế (tức tổ chức bầu cử), tiến hành bên ngoài khung hiến pháp và luật pháp Ukraine đều là không tương thích với Thỏa thuận Minsk”.

Nga tất nhiên không nghĩ thế. Hôm sau cuộc bầu cử, Hãng tin Nga Sputnik 12-11 công bố kết quả kèm lời bình của Điện Kremlin: “Ông Denis Pushilin thắng cử chức vụ người đứng đầu Cộng hòa nhân dân Donetsk (DNR) tự xưng với 60,85% phiếu bầu... Ông Leonid Pasechnik thắng cử chức vụ người đứng đầu Cộng hòa nhân dân Lugansk tự xưng (LNR) với 68,3% phiếu bầu...

Thư ký báo chí tổng thống (Nga) Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng các cuộc bầu cử tại DNR và LNR không mâu thuẫn với Thỏa thuận Minsk”.

Số phận con chốt

LHQ bảo sai, Nga bảo đúng. Chỉ biết từ cuối năm 2013 tới giờ, Ukraine bị giành giật đến nước nát, nhà tan, dân tình khốn đốn, không làm ăn được gì (GDP là -6,6% và -9,8% vào các năm 2014 và 2015).

Gần như ngay sau khi độc lập vào tháng 12-1991, Ukraine đã rơi vào tình cảnh bị giằng xé như thế, một phần lớn bởi họ không may nằm ở vị trí “địa chính trị chiến lược”, phần khác vì người Nga là thiểu số lớn nhất ở đây (8,1% dân số hơn 42 triệu người, theo thăm dò năm 2015).

Trong quá trình đó, đến năm 2013, Ukraine nghiêng hẳn về phía Nga với quyết định ngày 21-11 của tổng thống lúc đó Viktor Yanukovych ngưng ký kết thỏa thuận hợp tác liên kết với EU, thay vào đó là Hiệp ước 17-12-2013 ký với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đổi lấy hứa hẹn Nga sẽ cho Ukraine vay 15 tỉ USD để trả nợ, với điều kiện lãi suất được thương thuyết lại mỗi 3 tháng, bán khí đốt giá rẻ...

Đổi lại, Ukraine sẽ nhượng cho hải quân Nga khu vực cảng Kerch ở cực đông Crimea. Trước đó, vào tháng 4-2010, tức chỉ hai tháng sau khi đắc cử tổng thống, ông Yanukovych gia hạn hợp đồng sắp hết hạn vào năm 2017 cho hạm đội Biển Đen của Nga được đóng tại quân cảng Sevastopol ở tây nam Crimea thêm 25 năm, tức đến năm 2042, cộng thêm 5 năm ân hạn.

Bấy nhiêu là đủ để Mỹ nổi trận lôi đình. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ lúc đó, bà Victoria Nuland, ngay lập tức sang Ukraine dồn dập, không dưới 4 lần từ tháng 12-2013 tới tháng 2-2014, gặp các phe đối lập, hỗ trợ khởi động cuộc cách mạng Euromaidan, bùng nổ hôm 18-2-2014 và kết thúc bằng việc truất phế tổng thống Yanukovych - ông này bỏ chạy sang Nga.

Từ đó tới nay là 5 năm trời bế tắc, leo thang căng thẳng, đụng độ và xung đột không biết bao giờ mới có lối thoát, với mọi tai ương thuộc cả về người dân và đất nước Ukraine.■

Giải pháp trên giấy

Bà DiCarlo nhắc lại lập trường của LHQ cũng như giải pháp đã được đề xuất, song chưa được thực thi: “LHQ rất quan ngại trước sự leo thang căng thẳng đang diễn ra ở quy mô rộng lớn hơn - cuộc xung đột ở miền đông Ukraine và sự sáp nhập Crimea.

Trong các báo cáo trước với hội đồng, chúng tôi đã kêu gọi tất cả các bên tránh bất kỳ bước đi đơn phương nào gây thêm chia rẽ hoặc trái với tinh thần Thỏa thuận Minsk (thỏa thuận thông qua ngày 12-2-2015 về ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng khỏi đông Ukraine). Trong bối cảnh đó, tôi muốn nhắc lại rằng LHQ hoàn toàn ủng hộ vai trò dẫn đầu của bộ tứ Normandy (Nga, Ukraine, Đức, Pháp), nhóm liên hệ ba bên (Ukraine, Nga và OSCE)... trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận