Ukraine: Trước bầu cử và trưng cầu là đứt gãy

DUY VĂN 11/05/2014 05:05 GMT+7

TTCT - Báo chí Nga và Ukraine sau vụ xung đột ngày 2-5 làm chết 46 người ở Odessa đã gọi tình hình ở Ukraine hiện nay “đến điểm bước ngoặt - perelom”. Nhưng perelom còn có nghĩa đứt gãy. Liệu có điều gì đó đã đứt gãy? Và hàn gắn là còn có thể?

Các điểm giao tranh giữa quân đội Kiev với các đội dân quân địa phương ở đông nam Ukraine - Nguồn: KP - Đồ họa: M.N.

Một điều mà rất nhiều người thừa nhận là Ukraine không còn như xưa nữa. Nhà phê bình chính trị Ukraine Taras Chornovil đã thốt lên trên TTX Ukraine (UNIAN): “Đừng dối lừa nhau nữa. Donetsk và Lugansk, theo chân Crimea, đã mất rồi đối với Ukraine”. Ba tỉnh miền đông Ukraine đã chọn ngày 11-5 làm ngày trưng cầu ý dân về độc lập ở các vùng đông Ukraine này.

Ba “cộng hòa nhân dân” muốn trưng cầu

"Tháng 5-2014, người Nga vừa kỷ niệm chiến thắng thần thánh 1945, vừa nghe những loạt súng tăng phát xít ở đông nam Ukraine"

Nhà văn Nga Alesandr Prokhanov

Làn sóng thành lập các “Cộng hòa nhân dân” được khởi động cuối tháng 2-2014, sau khi tổng thống V. Yanukovich bị phế truất. Một ngày sau khi lên nắm quyền, chính quyền lâm thời Ukraine ngày 23-2 đã bác bỏ Luật ngôn ngữ (cho phép tiếng Nga hưởng quy chế đặc biệt ở các vùng miền đông Ukraine). Phản đối quyết định này, những người Nga và nói tiếng Nga đã biểu tình ở Donetsk rồi Kharkov và Lugansk, không công nhận chính quyền Kiev mới.

Những quyết định tiếp sau đó càng làm tăng làn sóng phản kháng: ngày 25-3, tòa án Kiev cấm chuyển tiếp sóng các kênh truyền hình Nga. Rồi quyết định thanh lọc các quan chức tòa án đầu tháng 4. Ngày 6-4 những người chống chính quyền Kiev đã chiếm tòa nhà của Hội đồng tỉnh Donetsk tuyên bố thành lập “Cộng hòa nhân dân Donetsk” (DNR).

Trung tâm lãnh đạo DNR là Hội đồng vùng Donetsk tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về tương lai DNR vào ngày 11-5, kêu gọi tổng thống Nga đưa tới đây lực lượng gìn giữ hòa bình. Hội đồng vùng Donetsk cũng cho biết quyết định tiến hành trưng cầu này đã được thỏa thuận cả với Kharkov và Lugansk.

Tại Kharkov, các “đại biểu nhân dân đối lập” quyết định thành lập Cộng hòa nhân dân Kharkov (KNR) trong cuộc họp ngày 7-4. Cuộc họp cũng đề nghị Chính phủ Nga đóng vai trò trung gian và bảo đảm cho cuộc trưng cầu được diễn ra yên bình.

Sinh sau đẻ muộn hơn là Lugansk, với Cộng hòa nhân dân Lugansk (LNR) ra đời từ một cuộc mittinh hôm 28-4.

Đến ngày 5-5, từ các vùng Donetsk và Lugansk, thông tin cho biết nội dung câu hỏi trưng cầu dự kiến như sau: “Quý vị có ủng hộ dự luật thành lập cộng hòa nhân dân Donetsk (Lugansk)?”. Và chỉ có hai phương án trả lời: có, hay không. Các đại diện DNR và LNR đều cho rằng chỉ khi đi bỏ phiếu trưng cầu, người dân miền đông mới trở thành các chủ thể tại những cuộc đàm phán, và chỉ bằng cách đó họ mới được lắng nghe và tìm ra lối thoát khỏi khủng hoảng (1).

Cần phải nói là càng gần đến ngày 11-5, tình hình càng rối ren khi những nhóm thân Kiev cũng tổ chức những cuộc thăm dò mà họ gọi là “trưng cầu - thăm dò”. Ngày 4-5, những cuộc trưng cầu - thăm dò như thế đã diễn ra lưu động ở một số vùng tỉnh Donetsk và Lugansk, với những nhóm người đi phát câu hỏi và nhận câu trả lời. Nội dung câu hỏi là “Bạn có đồng ý với tính toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine không?”.

Ngày 5-5, UNIAN đã công bố kết quả cuộc trưng cầu - thăm dò này: 72,8% người ở Donetsk và 70,1% người ở Lugansk được hỏi ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ. Với câu hỏi thứ hai về mở rộng quyền hạn của các cộng đồng địa phương, 84,79% người Donetsk và 87,7% người Lugansk đều đồng ý việc gia tăng quyền hạn này.

Nhận định kết quả thăm dò, UNIAN đưa phát biểu của điều phối viên tổ chức thăm dò ở vùng Donetsk, ông D. Tkachenko cho rằng “thăm dò cho thấy ý tưởng về liên bang hóa hay thành lập các cộng hòa nào đó là đề tài ngụy tạo, được tổ chức từ bên ngoài”. Tuy nhiên, bản tin UNIAN cũng khẳng định cuộc thăm dò chỉ có tính tham khảo và không có giá trị pháp lý (2).

Kiev muốn bầu cử

Từ Kiev, việc trưng cầu ý dân Ukraine về tương lai chính trị của đất nước này đã được đề cập từ lâu, nhưng chỉ được Kiev thật sự đưa vào chương trình nghị sự gần đây. Vesti.ua dẫn nguồn tin từ Hội đồng an ninh và quốc phòng Ukraine cho biết trong phiên họp ngày 29-4, Ủy ban bầu cử trung ương Ukraine đã đề nghị in thêm câu hỏi trưng cầu ý dân Ukraine về tương lai đất nước này lên phiếu bầu cử tổng thống.

Lý do phải ghép hai sự kiện bầu cử và trưng cầu ý dân: dự kiến nếu tổ chức trưng cầu ghép vào bầu cử tổng thống, chi phí sẽ giảm từ 1 tỉ grivna (hơn 87 triệu USD) còn 30 triệu grivna (khoảng 2,6 triệu USD). Tuy nhiên, ngày 6-5 Quốc hội Ukraine đã quyết định không tiến hành trưng cầu cùng ngày với bầu cử tổng thống 25-5.

Nhưng vấn đề lớn nhất ở Kiev là ý chí và mục đích chính trị cho việc trưng cầu. Trong khi miền đông muốn dùng kênh trưng cầu để được độc lập nhiều hơn khỏi Kiev, thì các đảng phái chính trị Kiev nhìn cuộc trưng cầu như kênh tham khảo để tăng thêm quyền hạn cho địa phương trong khi vẫn giữ các khu vực phía đông trong một Ukraine thống nhất. Vì vậy họ cương quyết chống lại việc các địa phương tự tổ chức trưng cầu.

Viết về vấn đề này, một bài báo trên UNIAN có nhan đề “Các cuộc trưng cầu như một trò tiêu khiển quốc gia” (3), cho rằng nếu lắng nghe miền đông mà tổ chức trưng cầu đi chăng nữa thì “Kiev chẳng có tiền cũng chẳng biết sẽ hỏi gì”! Rõ ràng với Kiev, trưng cầu không cấp thiết hoặc quan trọng lắm.

Điều quan trọng hơn: chính quyền Kiev cần một tư thế chính thống thay cho hai chữ tạm quyền. Vì vậy họ phải tổ chức được bầu cử tổng thống dự kiến vào ngày 25-5. Đã có lo ngại không thể có bầu cử tự do, dân chủ trong điều kiện hỗn loạn hiện nay.

Trong 23 ứng viên tổng thống đã có hai ứng viên ở khu vực phía đông rút khỏi danh sách tranh cử vì nhiều lý do, trong đó có việc bị đối xử bất công (tính mạng bị đe dọa, không được bảo vệ như những ứng viên thân Kiev) và vì bạo động ở miền đông. Tuy vậy, theo luật bầu cử mới ở Ukraine, người dân một số vùng có thể không đi bỏ phiếu nhưng bầu cử vẫn có thể xem như đã diễn ra (4)! Kiev chỉ cần có sự kiện này để hợp pháp hóa chính quyền mới.

Liên bang, là liên bang nào?

Từ đầu những ngày Ukraine rơi vào hỗn loạn đã thấy xuất hiện cụm từ “những người ủng hộ liên bang hóa” khi nói về những người thân Nga ở đông và đông nam Ukraine. Nhưng càng ngày, từ “liên bang” này càng mang nội dung khác trước.

Lúc đầu, những người thân Nga chủ trương thành lập các khu tự trị độc lập nhưng vẫn nằm trong thành phần Ukraine như một liên bang. Như luật sư Yegor Kvasniuk, 39 tuổi, một điều phối viên của phong trào “Anti - Maidan” ở Odessa, cho nhà báo Christian Caryl trên tờ Foreign Policy biết vào ngày 14-4-2014:

“Đến giờ chúng tôi vẫn hi vọng có thể tự giải quyết những vấn đề của mình mà không cần Matxcơva giúp đỡ. Nhưng nếu chính quyền Kiev không muốn trao cho chúng tôi nhiều quyền tự trị như những người thân Nga mong muốn? Nếu chúng tôi không có được liên bang như thế thì sẽ không có cách nào để bảo đảm sự hợp nhất ở Ukraine”.

Và trong trường hợp đó, giải pháp sẽ ra sao? Yegor Kvasniuk cho rằng các khu vực thân Nga của Ukraine có thể thống nhất với nhau thành một quốc gia mới mà ông gọi là Novorossiya (Nước Nga mới). “Với khoảng 20 triệu dân, công nghiệp phát triển, tại sao chúng tôi lại cần trở thành một phần của nước Nga? Theo các tiêu chuẩn châu Âu, chúng tôi đã có thể là một quốc gia coi được rồi” - luật sư này hi vọng.

Chỉ vài ngày sau đó, tổng thống Nga cũng đề cập đến “nước Nga mới” này. Trong cuộc giao lưu trực tuyến ngày 17-4, khi được hỏi về khả năng Nga có đưa quân vào miền đông Ukraine giống như đã từng đưa vào Crimea không, ông V. Putin đã trả lời rằng “thành phần dân tộc và sắc tộc của Crimea rất khác với ở miền đông Ukraine”.

Có nghĩa, sự can thiệp của Nga vào Crimea là hiển nhiên vì Crimea từng là lãnh thổ Nga trước khi bị chuyển cho Ukraine năm 1954. Còn đông và đông nam Ukraine là một lịch sử khác. Ông Putin đã nhắc lại lịch sử này: “Thời sa hoàng, khu vực này từng được gọi là Novorossiya. Sau đó chúng được chuyển cho Ukraine những năm 1920”.

Như vậy giữa cái nhìn về một liên bang của miền đông Ukraine và quan điểm của Kiev về một Ukraine thống nhất với những quyền mở rộng cho các địa phương là một khoảng cách không nhỏ. Bạo động càng leo thang, giấc mơ liên bang của những người phía đông, lẫn một cuộc bầu cử công bằng ngày 25-5 càng xa vời. Kể cả trưng cầu nếu diễn ra được ở phía đông (và chắc chắn sẽ không được Kiev công nhận), hay bầu cử có tổ chức được trên Ukraine (mà miền đông nhiều khả năng sẽ tẩy chay), ổn định cũng không dễ lập lại.

Cần một giải pháp căn cơ và thiện chí của các nước lớn trên bàn cờ Ukraine. Những tín hiệu từ phương Tây vẫn chưa thống nhất. Trong khi ngoại trưởng Đức kêu gọi tổ chức một Hội nghị Geneva 2 cho Ukraine thì từ Washington, thượng nghị sĩ John McCain cho biết các thượng nghị sĩ Cộng hòa đang đề nghị Tổng thống Obama thông qua dự luật trợ giúp quân sự 100 triệu USD cho Kiev.

(Trước đó, báo Đức Bild cũng cho hay CIA và FBI đã cử nhân viên sang hỗ trợ Kiev vãn hồi trật tự và xây dựng lực lượng trấn áp hiệu quả).

Từ Nga, tín hiệu cũng không lạc quan: sau sự kiện Odessa ngày 2-5, thư ký báo chí tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết các đường dây trực nhật của các cơ quan công quyền Nga đã nhận được nhiều cuộc điện thoại kêu cứu từ Ukraine, tuy nhiên như ông này nói: “Từ nay thật sự Nga đã mất ảnh hưởng của mình đối với những người (dân quân) này. Sẽ khó thuyết phục họ giải giới, chấm dứt phản kháng khi mà mạng sống của họ bị trực tiếp đe dọa”.

(1): http://www.rbc.ru/rbcfreenews/ 20140502222101.shtml

(2): http://www.unian.net/politics/914670-bolee-70-jiteley-donbassa-podderjivayut-territorialnuyu-tselostnost-ukrainyi-narodnyiy-referendum.html

(3): http://www.unian.net/politics/913816-referendumyi-kak-natsionalnaya-zabava.html

(4): http://russian.rt.com/article/30502

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận