Vai trò của GS, TS trong nền kinh tế và giáo dục

DAVID KOH 28/03/2018 03:03 GMT+7

TTCT - Câu chuyện “giáo sư, phó giáo sư” (GS, PGS) đang thu hút sự chú ý của các học giả nước ngoài nghiên cứu về VN. Từ đây có hai vấn đề đáng suy ngẫm: 1) Bằng cấp giữ vai trò nào trong phát triển và tăng trưởng kinh tế? 2) Nhà nước có nên giữ vai trò đánh giá, phong hàm GS?

 

 

Ngày nay, do nhu cầu bằng cấp đại học (ĐH) quá lớn, ở nhiều quốc gia xảy ra hiện tượng bùng nổ số lượng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ... đến mức nhu cầu việc làm của nền kinh tế không đáp ứng nổi. Hậu quả là “người dư thừa” phải làm những công việc không đòi hỏi bằng cấp, hoặc đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.

Tình trạng đó còn là chỉ dấu cho thấy có sự mất cân bằng trong ngành giáo dục. Cung vượt quá cầu còn dẫn đến chất lượng đào tạo đi xuống vì để tồn tại, các trường ĐH sẽ đua nhau hạ thấp tiêu chuẩn đầu vào và đầu ra; còn giảng viên muốn thăng tiến sẽ phải tìm cách có được học hàm, học vị cao càng sớm càng tốt.

Sự bùng nổ về số lượng GS, PGS và trường ĐH không phải là tin tốt nếu nó không phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế. Trong ngành giáo dục các nước phương Tây, không phải tất cả GS đều có trình độ và uy tín như nhau. Theo thời gian, người ta hiểu rằng một GS giữ được cho mình những tiêu chuẩn cao đáng giá gấp 10 ông GS tầm trung.

Chất lượng GS biểu hiện chính qua chất lượng nghiên cứu và giảng dạy. Việc phong hàm GS ở phương Tây thuộc về thẩm quyền của trường ĐH nơi người đó giảng dạy. Một GS rời trường ĐH phong hàm cho ông sẽ mất đi chức danh GS đến khi được một ĐH khác phong lại. Điều này khác VN, nơi chức danh GS, PGS được công nhận vĩnh viễn bởi Hội đồng Chức danh GS nhà nước.

Giới phê bình nhận xét: gia tăng số lượng GS sẽ không có ý nghĩa bao nhiêu nếu số người cũ thoái ẩn ít hơn số người mới kế thừa. Chưa kể nếu chức danh đi kèm với nhiều lợi ích (lương bổng, thăng tiến...) không sớm thì muộn mọi giảng viên ĐH, dù làm công tác giảng dạy, nghiên cứu hay hành chính, đều sẽ muốn trở thành GS. Câu hỏi đặt ra là số GS các trường ĐH nên có là bao nhiêu? Các tính toán nên dựa trên vài yếu tố.

Thứ nhất, GS tiêu tốn tiền bạc, quá nhiều GS sẽ khiến các trường ĐH chi phí nhiều cho tài nguyên con người. Lý tưởng nhất, các trường nên giới hạn số lượng GS nhiều nhất là 2 người ở mỗi khoa.

Ở vài ĐH phương Tây, có một luật bất thành văn là chỉ có trưởng khoa mới được phong hàm GS, hoặc cao lắm thì thêm một người có thành tích giảng dạy - nghiên cứu tốt. Khi trưởng khoa rời khỏi chức vụ, do tuổi tác hoặc nghỉ việc, chỉ một người được chỉ định trám vào chỗ trống. Việc không có chức danh GS hẳn không là vấn đề gì đối với những ai có đam mê nghiên cứu, giảng dạy.

Thứ hai, cần thiết phải có những cải cách rộng hơn để các trường ĐH tự chủ trong việc phân bổ ngân sách, quá trình này có thể làm từ từ. Khi đã làm được, các trường sẽ thận trọng hơn khi sử dụng tiền bạc (và khi phong hàm GS). Họ cũng có thể tìm nguồn tài trợ từ tư nhân, đặc biệt những cá nhân giàu có muốn quyên góp tiền bạc đổi lại việc tạo ra một chức danh GS theo ý họ.

Ví dụ, một nhà sản xuất cà phê giàu có nghĩ ra một chức danh GS, và ứng viên cho chức danh GS đó có thể do trường ĐH lựa chọn. Khi đó, mọi chi phí nghiên cứu và lương cho GS sẽ do doanh nghiệp chi trả.

Thứ ba, các trường ĐH nên cân nhắc khuyến nghị Nhà nước bãi bỏ phúc lợi hưu trí cho GS và đội ngũ giảng viên. Như vậy, thay vì ngồi một chỗ để làm GS cả đời, họ sẽ phải vận động tích cực, thể hiện khả năng nghiên cứu và giảng dạy để được các trường săn đón với mức lương cao hơn. Khối ĐH tư có thể bắt đầu làm điều này, nếu họ có nhiều tự do hơn các trường công trong thu hút nhân tài.

Thứ tư, một ý tưởng khác là quy định thời hạn cho chức danh GS và tái thẩm định mỗi 2 năm một lần. Nếu số vị trí GS có hạn, người ta sẽ cẩn thận hơn trong việc lựa chọn ứng viên phù hợp, trong khi những người được chọn không thể ngủ quên trên vòng nguyệt quế và phải phấn đấu từng ngày để giữ vinh dự đó.

Vai trò của lực lượng GS, tiến sĩ đối với sự phát triển kinh tế của một quốc gia là chủ đề gây tranh cãi. Lẽ thường, những người giỏi chuyên môn nên được chọn làm lãnh đạo, nhưng thực tế các học giả có thể bị sa đà vào những tranh luận, lý thuyết hàn lâm và không có tố chất lãnh đạo cần thiết.

Do đó, để một hội đồng nhà nước thẩm định chức danh GS có thể không đóng góp gì cho phát triển kinh tế, ngược lại còn làm tăng gánh nặng cho ngân sách. Trách nhiệm này nên trao cho các trường ĐH.■

PHÚC LONG chuyển ngữ

Hiếm có GS, TS trong Chính phủ Singapore

Trong nội các Chính phủ Singapore có những quan chức là bác sĩ, cử nhân ĐH nhưng GS thì rất ít, thậm chí tiến sĩ (TS) cũng hiếm. Chính phủ Singapore chỉ xem học vị TS là sự công nhận dành cho một người trong lĩnh vực hàn lâm. Có bằng TS không có nghĩa người đó đủ tiêu chuẩn làm lãnh đạo. Khả năng đó chỉ có thể chứng minh qua một quá trình phấn đấu dài.

Trong các bộ thuộc chính phủ sẽ có những người giỏi chuyên môn và có bằng TS, nhưng họ không bao giờ dùng học vị GS và hiển nhiên không bao giờ được cất nhắc lên làm lãnh đạo chỉ vì họ là TS hoặc từng là GS. Singapore cũng không có hội đồng nhà nước nào quản lý chuyện phong chức danh GS, mà do các trường ĐH quyết định. Những quan chức xuất sắc nhất có tiềm năng trở thành lãnh đạo cấp cao thường sẽ được gửi đến trường ĐH đào tạo ngành chính sách công khi họ còn rất trẻ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận