Vẫn lượng nhiều, chất thấp

NGUYỄN VĂN TUẤN 07/04/2013 02:04 GMT+7

TTCT - Đã có rất nhiều số liệu sống động để nhìn nhận lại tương đối toàn diện hiệu quả hoạt động của một trong những mô hình tài trợ nghiên cứu khoa học vốn được rất nhiều người kỳ vọng: Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted).

Phóng to

Năm ngoái, bảng xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (World Intellectual Property Organization - WIPO) cho thấy Việt Nam đứng thứ 76 trên 141 nước về khả năng sáng tạo và cách tân. Còn một báo cáo của UNESCO cho thấy trong thời gian 2000-2007, các nhà khoa học Việt Nam chỉ đăng ký được 19 bằng sáng chế, tức mỗi năm trung bình chỉ có hai bằng sáng chế.

Có năm (như 2002, 2011) không có bằng sáng chế nào được đăng ký. Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) ở nước ta tiếp tục trong tình trạng khá lu mờ so với các nước trong vùng, với số công trình NCKH và ấn phẩm khoa học thuộc vào nhóm các nước thấp nhất trên thế giới.

Gieo hi vọng với Nafosted

Một trong những vấn đề (có thể nói là rào cản) cho NCKH là vấn đề tài trợ cho nghiên cứu. Trong quá khứ, cơ chế tài trợ cho NCKH không thỏa đáng, và cách xét duyệt thiếu tính khách quan nên dẫn đến nhiều bất công. Người có khả năng làm nghiên cứu thì không được tài trợ; ngược lại, người được tài trợ thì thiếu khả năng làm NCKH có thể công bố quốc tế. Hệ quả là rất nhiều tiền chi cho khoa học, nhưng hàm lượng tri thức đóng góp cho thế giới thì chẳng bao nhiêu.

Trước tình hình đó, Nhà nước tìm cách thay đổi cơ chế xét duyệt và tài trợ cho NCKH. Quỹ Nafosted ra đời. Sứ mệnh của Nafosted là tạo ra một sân chơi công bằng hơn trong hoạt động khoa học, và nâng cao hàm lượng tri thức cho nền kinh tế nước nhà.

Nafosted được chính thức phê chuẩn từ năm 2003, nhưng mãi đến cuối năm 2008 mới bắt đầu đi vào hoạt động. Trong thời gian năm năm, Nafosted đã nhận được nhiều lời khen ngợi và được cho là thành công. Có người đánh giá Nafosted là một “cuộc cách mạng trong quản lý khoa học của Việt Nam”, và “Quỹ sẽ trở thành chỗ dựa tin cậy của các nhà nghiên cứu”.

Tuy nhiên, những đánh giá đó chủ yếu là nhận xét cá nhân chứ chưa dựa trên một cơ sở định lượng nào. Để có cái nhìn khách quan hơn, cần phải xem xét đến tiêu chí hoạt động, hiệu suất nghiên cứu và đóng góp cho khoa học quốc gia nói chung.

Mục tiêu của Nafosted là xiển dương NCKH cơ bản, gia tăng ấn phẩm khoa học và hợp tác quốc tế. Đạt được những mục tiêu đó cũng là một cách để nâng cao hàm lượng tri thức trong nền kinh tế. Đó không phải là những mục tiêu quá cao hay tham vọng, nhưng cũng là một nỗ lực ban đầu rất đáng khuyến khích.

Có thể nói rằng ở một chừng mực nào đó, Nafosted đã đạt được mục tiêu ban đầu. Theo số liệu của Nafosted, trong thời gian bốn năm qua, Nafosted đã cấp tài trợ cho khoảng 1.000 đề tài khoa học. Số nhà khoa học được tài trợ khoảng 3.500 người.

Số bài báo khoa học năm 2009-2012 phân nhóm theo một số lĩnh vực nghiên cứu chính

Ngành

Số bài báo

của cả nước

Số bài báo khoa học do Nafosted tài trợ

Phần trăm đóng góp của Nafosted

Toán

798

258

32,3

Vật lý

666

191

28,7

Hóa học

592

99

16,7

Kỹ thuật

451

66

14,6

Khoa học vật liệu

346

88

25,4

Y sinh học

1.130

59

5,2

Một mục tiêu quan trọng của Nafosted là tăng số ấn phẩm khoa học trên các tập san quốc tế. Do đó, để biết hiệu suất của số tiền đầu tư trên, cần phải xem qua số ấn phẩm khoa học công bố trên các tập san quốc tế. Tổng số bài báo khoa học công bố trên các tập san quốc tế trong thời gian bốn năm qua là 721 bài.

Trong cùng thời gian, tổng số bài báo khoa học từ Việt Nam là 5.511. Nói cách khác, Nafosted đã đóng góp khoảng 13% cho tổng số bài báo khoa học của Việt Nam (hình 1, trang 12). Nhưng đóng góp của Nafosted tăng theo năm. Chẳng hạn như năm 2010, số bài báo do Nafosted tài trợ chỉ chiếm 10% tổng số bài báo, nhưng con số này tăng gấp hai lần vào năm 2012.

Tuy nhiên, đóng góp của các công trình do Nafosted tài trợ không đồng đều giữa các ngành khoa học. (Xem bảng) cho thấy trong thời gian 2009-2012 các nhà khoa học Việt Nam công bố được 798 bài báo liên quan đến ngành toán, trong số này có 258 bài do Nafosted tài trợ. Nói cách khác, gần 1/3 công trình về toán trong thời gian bốn năm qua là do Nafosted tài trợ. Con số này cho ngành vật lý là 29%. Ngành khoa học vật liệu cũng có đóng góp đáng kể của Nafosted, với tỉ trọng 25%.

Riêng trong lĩnh vực y sinh học, đóng góp của Nafosted rất thấp: trong thời gian 2009-2012, Việt Nam công bố được 1.130 bài báo về y sinh học, chiếm 20% trên tổng số bài báo từ Việt Nam. Nhưng trong tổng số bài báo do Nafosted tài trợ, chỉ có 8% bài liên quan đến lĩnh vực y sinh học. Nói cách khác, Nafosted chỉ đóng góp khoảng 5% bài báo y sinh học cho cả nước. Điều này có thể hiểu được, vì tiền tài trợ cho mỗi dự án của Nafosted còn khá khiêm tốn, chưa đủ để thực hiện các dự án nghiên cứu quy mô và tầm cỡ quốc tế.

Thật ra, toàn bộ ngân sách của Nafosted cũng tương đối khiêm tốn. Tính trung bình mỗi năm Nafosted chỉ có 200 tỉ đồng (tức khoảng 10 triệu USD). Con số này phải đặt trong bối cảnh ngân sách nhà nước dành cho khoa học mỗi năm là khoảng 15.000 tỉ đồng (tức 750 triệu USD). Nói cách khác, ngân sách tài trợ của Nafosted chỉ chiếm khoảng 1,3% tổng ngân sách cho khoa học của cả nước.

Phần lớn tài trợ của Nafosted có thể ví von là “xóa đói giảm nghèo”, chứ không hẳn là cho hoạt động NCKH. Mỗi đề tài nghiên cứu được tài trợ, Nafosted trả lương cho người chủ trì khoảng 18 triệu đồng mỗi tháng, thành viên nghiên cứu chính là 11 triệu/tháng, nghiên cứu sinh khoảng 6 triệu/tháng, kỹ thuật viên 3,6 triệu đồng/tháng. Do đó, nếu một đề tài gồm bốn người và kéo dài hai năm thì tiền lương đã lên đến 720 triệu đồng.

Đối với các đề tài nghiên cứu thực nghiệm, có lẽ không còn tiền để làm thí nghiệm. Hoặc nếu chi tiền để làm thí nghiệm thì người chủ trì đề tài bắt buộc phải “thắt lưng buộc bụng”!

Phóng to
Hình 1: Số lượng bài báo khoa học công bố trên các tập san quốc tế trong thời gian 2009-2012 phân theo nhóm được Nafosted tài trợ (thanh chéo) và ngoài Nafosted (thanh màu đậm). Hình cho thấy đóng góp của Nafosted cho hoạt động NCKH tăng nhanh trong năm 2012 - Nguồn dữ liệu: Web of Science của ISI, ngày truy cập: 28-2-2013

Chất lượng nghiên cứu

Trên đây là những kết quả phản ảnh khía cạnh lượng, chứ chưa nói lên khía cạnh phẩm chất và tầm ảnh hưởng của nghiên cứu. Chất lượng nghiên cứu có thể phản ảnh một phần qua chỉ số ảnh hưởng của tập san khoa học (còn gọi là impact factor hay IF). Tập san có tầm ảnh hưởng cao thường có IF cao. Nói chung, hầu hết các bài do Nafosted tài trợ đều được công bố trên những tập san có chỉ số IF rất thấp (dưới 2). Điểm qua danh sách 721 bài, tôi không thấy một bài nào được công bố trên tập san có IF trên 6.

Do đó, không ngạc nhiên khi thấy tần số trích dẫn của các bài do Nafosted tài trợ còn rất thấp. Tính trung bình (cho tất cả các ngành khoa học), mỗi bài của Nafosted tài trợ được trích dẫn 0,74 lần. Trong cùng thời gian, số bài không do Nafosted tài trợ có chỉ số trích dẫn là 2,35 lần, cao hơn 3 lần so với những bài của Nafosted tài trợ. Thật ra, gần 75% (537 trên 721) công trình do Nafosted tài trợ chưa bao giờ được trích dẫn trong thời gian từ năm 2009 đến tháng 2-2013. Chỉ có 10 bài (trong số 721 bài) được trích dẫn từ 10-20 lần!

(Hình 2) cho thấy tần số trích dẫn dao động lớn giữa các ngành khoa học. Như kỳ vọng, ngành toán có tần số trích dẫn thấp nhất, một phần là do “văn hóa” trong ngành. Nhưng bất cứ ngành nào, các công trình do Nafosted tài trợ đều có chỉ số trích dẫn thấp hơn các công trình ngoài Nafosted. Chẳng hạn như ngành y sinh học, tần số trích dẫn của các công trình Nafosted tài trợ chỉ 0,39, trong khi đó công trình ngoài Nafosted có tần số trích dẫn lên đến 4,33.

Bài báo trong ngành vật lý và hóa không do Nafosted tài trợ có chỉ số trích dẫn cao gấp 2,6-3,2 lần so với các công trình do Nafosted tài trợ.

Phóng to
Hình 2: Số lần trích dẫn tính trên mỗi bài báo khoa học do Nafosted tài trợ (thanh chéo màu đỏ) và ngoài Nafosted (thanh màu xanh đậm), phân theo lĩnh vực nghiên cứu. Hình này cho thấy tầm ảnh hưởng của các nghiên cứu do Nafosted tài trợ còn rất thấp - Nguồn dữ liệu: Journal Citation Report của ISI, ngày truy cập: 28-2-2013

Cần nhiều cải cách

Những phân tích trên cho thấy mặc dù đã đạt được mục tiêu ban đầu về nâng cao số lượng bài báo khoa học, nhưng Nafosted vẫn còn giải quyết một vấn đề khó hơn và gai góc hơn: chất lượng nghiên cứu. Chất lượng nghiên cứu của những công trình do Nafosted tài trợ, như đã thấy qua chỉ số trích dẫn, vẫn còn quá thấp. Ngoài ra, một số vấn đề khác cũng cần cải cách, nhất là vấn đề “đấu thầu ý tưởng” và quy định về bằng cấp.

Hiện nay, quy trình “đấu thầu” có thể tóm tắt như sau: (i) bước đầu, Bộ Khoa học - công nghệ kêu gọi các nhà khoa học nêu ý tưởng; (ii) các nhà khoa học nộp ý tưởng; và (iii) các nhà khoa học khác, có thể không phải là người nêu ý tưởng, tham gia đấu thầu, và người đấu thầu giá thấp nhất sẽ được cấp tài trợ. Có thể nói ngay rằng đó là một quy trình rất... kỳ lạ.

Trong khoa học, người ta bảo vệ ý tưởng và giữ kín ý tưởng, chứ không phải đấu thầu trước công chúng như thế. Càng không có chuyện người khác lấy ý tưởng rồi ra giá thấp nhất. Ngay cả các chuyên gia bình duyệt đề cương nghiên cứu cũng phải cam đoan bảo mật tuyệt đối, không được phép tiết lộ ý tưởng và phương pháp của đề cương nghiên cứu. Do đó, cần phải xem lại quy trình đấu thầu ý tưởng nghiên cứu của Bộ Khoa học - công nghệ.

NCKH không phải là đấu thầu xây dựng. Quy trình này trong thực tế đã gây ra nhiều bức xúc trong giới khoa học, nhất là những người trẻ, và làm cho họ thiếu động cơ để xin tài trợ từ Nafosted.

Một quy định của Nafosted là chủ trì đề tài phải có bằng tiến sĩ, và quy định này làm cho nhiều bạn trẻ trong ngành y có kinh nghiệm nghiên cứu nhưng vì không có bằng tiến sĩ nên không có cơ hội tham gia NCKH. Ở nước ngoài, không ai ngăn cản người có văn bằng MD (bác sĩ) làm nghiên cứu.

Trong thực tế, rất nhiều MD có công trình nghiên cứu tốt hơn nhiều so với những người có bằng tiến sĩ, bởi vì bác sĩ tiếp cận với bệnh nhân và phát hiện vấn đề thiết thực hơn những người không có cơ hội đó. Ngoài ra, những người ngoài ngành y với bằng thạc sĩ vẫn có thể làm nghiên cứu, và làm tốt hơn so với những người có bằng tiến sĩ. Do vậy, tốt nhất là áp dụng tiêu chí cấp tài trợ là ý tưởng, tính khả thi, tầm ảnh hưởng và đạo đức khoa học, chứ không phải bằng cấp.

Đặt ra quy định chỉ có người với bằng này hay bằng kia mới được làm nghiên cứu là một hình thức kỳ thị, và trong môi trường thật giả lẫn lộn như ở Việt Nam, quy định như thế chỉ gây thiệt thòi cho khoa học.

Những dữ liệu trên đây cho thấy Nafosted đã có một đóng góp tích cực vào môi trường và hoạt động NCKH của nước nhà, tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho các nhà khoa học trẻ, dù vẫn còn hạn chế về quy định bằng cấp. Ngân sách của Nafosted chỉ chiếm 1,3% tổng ngân sách cho khoa học của cả nước, nhưng đã đóng góp 20% tổng số bài báo khoa học của cả nước, và đó là một thành công đáng kể.

Tuy nhiên, thành công của Nafosted chỉ mới ở khía cạnh lượng, chứ chưa ở khía cạnh chất. Như phân tích trên chỉ ra, những công trình do Nafosted tài trợ chưa gây ảnh hưởng trong chuyên ngành vì chỉ số trích dẫn quá thấp. Song có lẽ thời gian năm năm vẫn còn khá ngắn để đánh giá về tầm ảnh hưởng, nhất là đối với các công trình liên quan đến ngành kỹ thuật và toán. Nhưng số lần trích dẫn trong vòng năm năm có mối tương quan với số lần trích dẫn về lâu về dài, vì thế có thể nói rằng 2/3 bài báo chưa bao giờ được trích dẫn sau năm năm là một con số gần mức báo động.

Năm 2012, Nhà nước chi khoảng 15.000 tỉ đồng (khoảng 750 triệu USD) cho NCKH. Con số này tương đương với 2% ngân sách nhà nước hằng năm và 0,25% tổng GDP quốc gia (tương đương với tỉ trọng của Thái Lan 0,25%). Tuy nhiên, 90% của số tiền này là để nuôi sống hơn 60.000 người làm NCKH trong 1.600 tổ chức khoa học và công nghệ. Chỉ 10%, tức khoảng 1.500 tỉ đồng, là dành cho hoạt động NCKH, và đó có lẽ là một giải thích tại sao năng suất khoa học của Việt Nam chỉ bằng 1/5 của Thái Lan.

Sự thành công ban đầu của Nafosted cho thấy nếu việc phân phối tài trợ cho NCKH bình đẳng hơn và phù hợp với chuẩn mực khoa học quốc tế, thì chúng ta có thể kỳ vọng rằng hoạt động khoa học Việt Nam sẽ nhanh chóng cận kề với các nước trong vùng như Thái Lan và Malaysia.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận