Vay theo thị trường

LIÊN TRẦN - MAI THỊ NHÌ 07/04/2016 02:04 GMT+7

TTCT - “Theo dự kiến, từ tháng 7-2017 Việt Nam sẽ không còn được vay theo điều kiện ODA, khi các đối tác cho vay chuyển dần sang sử dụng các nguồn vốn vay với ưu đãi thấp hơn và tiến tới cho vay theo lãi suất thị trường. Đồng thời nguồn vốn ODA đã vay cũng sẽ chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi, hoặc tăng lãi suất lên từ 2-3,5%”.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD, trong đó vốn ODA là 169 triệu USD -Nam Trần
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD, trong đó vốn ODA là 169 triệu USD -Nam Trần

Đây là thông tin Bộ Tài chính công bố ngày 22-3 trong cuộc họp báo về chính sách cho vay lại từ nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi của Chính phủ và cho vay lại chịu rủi ro tín dụng. 

Cụ thể đối với việc vay nguồn vốn ODA, trước năm 2010 thời hạn vay bình quân 30-40 năm với lãi suất trung bình 0,7-0,8%/năm, bao gồm cả thời gian ân hạn. 

Từ năm 2011 đến nay, thời hạn vay bình quân chỉ còn 10-20 năm tùy theo từng đối tác và từng loại vay với lãi suất khoảng 2%/năm trở lên. Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ vốn vay ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp.

Tại sao các điều kiện vay vốn ODA của Việt Nam lại kém ưu đãi hơn?

Sở dĩ có các thay đổi trong điều kiện vay ODA của Việt Nam là do từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp với mức thu nhập bình quân đầu người là 1.068 USD/năm và trở thành nước thu nhập trung bình từ năm 2016 với mức thu nhập bình quân 2.019 USD/năm.

Các quy định cho vay vốn ODA của các tổ chức và các quốc gia đều có những thay đổi khác nhau đối với các nhóm nước có thu nhập thấp, thu nhập trung bình thấp và thu nhập trung bình cao. Điều kiện cho vay ODA của Nhật Bản - đối tác cho vay ODA lớn nhất của Việt Nam (năm 2015) - thay đổi giữa các nhóm nước.

Sự hạn chế trong nguồn vốn ODA ưu đãi cho nhóm nước có thu nhập trung bình còn thể hiện ở thành tố hỗ trợ hay yếu tố không hoàn lại (Grant Element - GE) trong thành phần ODA.

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD, 2015), thành tố hỗ trợ trong thành phần ODA ở các nước chậm phát triển có thu nhập thấp ít nhất là 45%, trong khi ở các nước có thu nhập trung bình thấp (LMICs) là 15% và các nước có thu nhập trung bình cao (UMICs) là 10%.

Do đó, vốn ODA sẽ giảm đáng kể đối với các nước có thu nhập trung bình. Tỉ lệ ODA/GNI năm 2013 ở các nước có thu nhập thấp là 9,1%, trong khi ở nhóm nước thu nhập trung bình thấp và thu nhập trung bình cao lần lượt là 0,8% và 0,1% (World Bank).

Vì lý do này, Việt Nam bắt đầu vay vốn ODA với ít ưu đãi hơn từ năm 2010 đến nay, đồng thời sẽ tiến tới vay theo lãi suất thị trường trong thời gian tới. Các khoản vay mới sẽ phụ thuộc vào mức độ đánh giá của các tổ chức bên ngoài về mức độ tín nhiệm quốc gia.

Các nhà đầu tư luôn có xu hướng tìm kiếm thị trường đầu tư ít rủi ro, trong khi điểm xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức thấp, thể hiện rủi ro cao. Ví dụ cụ thể, xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam theo đánh giá của ba công ty xếp hạng tín nhiệm quốc gia hàng đầu trên thế giới là Standard & Poor’s, Moody’s và Fitch Ratings năm 2015 lần lượt là BB-, B1 và BB-3.

Mức BB- (Non - investment grade speculative - không khuyến khích đầu tư) của Standard & Poor’s và Fitch Ratings có nghĩa rằng trái phiếu Chính phủ Việt Nam có rủi ro cao do luôn phải đối mặt với các bất ổn liên tục hay bị ảnh hưởng trước các điều kiện kinh tế, tài chính bất lợi khiến người đi vay không đủ khả năng đáp ứng các cam kết nghĩa vụ tài chính.

Mức B1 theo đánh giá của Moody’s thể hiện mức độ rủi ro cao hơn (highly speculative). Do đó, khi các nguồn vốn Việt Nam đi vay sẽ phải chịu mức lãi suất cao hơn.

Ảnh hưởng của việc cắt giảm ưu đãi

Mặc dù có nhiều bằng chứng chứng minh việc sử dụng không hiệu quả vốn vay ODA tại Việt Nam, nhưng nguồn vốn vay này vẫn góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2005-2015 tổng vốn ODA được ký kết khoảng 45 tỉ USD.

Trong đó 1/3 được phân chia cho ngân sách trung ương để cấp phát cho các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương; 1/3 dành cho các chương trình, dự án của địa phương và 1/3 cho các dự án trọng điểm của Nhà nước. Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và đầu tư 2014, giai đoạn 1993-2014 tổng vốn ODA các đối tác cam kết hơn 92 tỉ USD, đã ký kết hơn 69 tỉ USD và giải ngân được hơn 48 tỉ USD.

Do đó khi nguồn vốn ODA bị cắt giảm sẽ gây ra một số bất lợi cho nền kinh tế bởi nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam rất lớn, điều kiện vay các nguồn vốn mới cũng bị thu hẹp với chi phí đắt đỏ hơn, đồng thời áp lực trả nợ các khoản ODA cũ ngày càng lớn khi các khoản vay ODA của Việt Nam chủ yếu đến hạn trong giai đoạn 2022-2025 (Bộ Tài chính).

Tuy nhiên, việc không được vay theo điều kiện ODA không hoàn toàn là bất lợi bởi nguồn vốn này cũng có nhiều mặt trái như chi phí tiêu cực, thất thoát, các điều kiện về kinh tế, tài chính và chính trị nước cho vay áp đặt... Khi ODA bị hạn chế, các tác động bất lực trên cũng được giảm thiểu.

Phải cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia

Như vậy để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế trong điều kiện Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, không thể tiếp tục vay ODA ưu đãi, Chính phủ vừa cần có biện pháp sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA vay được đồng thời phát triển thị trường vốn, cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia để thu hút các dòng vốn mới, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, Chính phủ cũng mới chỉ chủ yếu tập trung vào giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA được vay. Nghị định 16/2016/NĐ-CP4 được ban hành thay thế nghị định 38/2013/NĐ/CP về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Theo đó, nghị định mới này xác định rõ chỉ có sáu lĩnh vực ưu tiên sử dụng các nguồn vốn ODA. Ngoài ra, nguồn vốn vay ODA còn được Chính phủ thực hiện cơ chế cho vay lại đối với chính quyền địa phương và cho vay lại chịu rủi ro tín dụng, hạn chế phương thức cấp phát vốn ODA cho địa phương như đang dùng.

Tuy nhiên, trong dài hạn Chính phủ cần tập trung thu hút các nguồn vốn khác từ các nhà đầu tư nước ngoài để thay thế nguồn vốn ưu đãi ODA. Với mức độ tín nhiệm ở mức không khuyến khích đầu tư, Việt Nam sẽ khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn vốn từ bên ngoài và lãi suất vay vốn sẽ cao do rủi ro cao. 

Do đó Việt Nam cần cải thiện điểm xếp hạng tín nhiệm quốc gia, chí ít được nâng lên cấp khuyến khích đầu tư, trong những năm tới để đáp ứng yêu cầu cho việc huy động vốn từ các tổ chức bên ngoài.

Đồng thời cần xây dựng và củng cố thị trường vốn khi thị trường này ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Đặc biệt khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực trong một vài năm tới, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam để tận dụng các lợi thế của TPP, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tăng mạnh. Thị trường vốn cần được phát triển chắc chắn để đón nhận dòng vốn trên.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận