Về con số thất nghiệp 2,62%

HỒ QUỐC TUẤN 10/08/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 2-2021 là 2,62%. Đây là con số khiến nhiều người ít quan sát các số liệu thống kê kinh tế cảm thấy khó hiểu.

 
Giãn cách xã hội khiến sinh kế của nhiều người lao động gặp khó khăn. Ảnh: Tự Trung

 

Ba tôi đặt câu hỏi “con số này có đúng không?”, khi ông thấy xung quanh nhà nhiều chỗ làm ăn đã phải đóng cửa từ tháng 4 đến nay. 

Với dân quan sát thị trường lao động, đây là con số không bất ngờ, thậm chí còn phản ánh thị trường lao động đang xấu đi, vì con số thất nghiệp đầu năm chỉ là 2,4%. Nhưng ngay cả như vậy, mức 2,62% là quá thấp so với cảm nhận của nhiều doanh nghiệp. 

Trong thời COVID-19, rất nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp phải dừng hoạt động, 80 - 90% người lao động trong khu vực du lịch, khách sạn bị mất việc làm..., vậy thì vì đâu mà con số thất nghiệp chỉ là 2,62%? Con số này phản ánh điều gì?

Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới. Nhưng “thành tích” đó lại nói lên một mặt trái nhiều hơn là mặt tốt. Một tỉ lệ thất nghiệp cao thường chỉ có ở các nước phát triển, với an sinh xã hội tốt, tỉ lệ hộ nghèo thấp, nơi người ta có thể “chấp nhận” thất nghiệp.

Ngược lại, ở những quốc gia mà bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các phúc lợi xã hội khác không đầy đủ, người dân đơn giản là không thể tồn tại nổi nếu thất nghiệp.

Theo định nghĩa của Tổng cục Thống kê, người thất nghiệp là những người từ đủ 15 tuổi trở lên mà trong thời kỳ tính toán hội đủ các yếu tố sau: hiện không làm việc, đang tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc.

Với nhiều người ở Việt Nam, không làm việc đồng nghĩa không thể tồn tại.

Trong thời gian dịch bệnh, một số người lao động mất việc có thể quay về làm việc hỗ trợ gia đình, chạy xe ôm công nghệ, làm những công việc vặt trả lương theo giờ kiểu “thợ đụng”. Như vậy, họ không được tính là thất nghiệp theo định nghĩa của Tổng cục Thống kê.

Một người bạn của tôi học kinh tế ở Oxford thường đùa là ở những nước nghèo như Việt Nam hay Indonesia (quê hương của bạn ấy), rào cản để trở thành người thất nghiệp có khi còn nhiều hơn rào cản vào Oxford hay Cambridge!

Bạn tôi tất nhiên là thậm xưng, nhưng cũng đã nói lên ít nhiều thực tế. Trong khi những người nghỉ giãn việc kéo dài suốt 5 - 6 tháng ở Anh và một số nước châu Âu được chính phủ hỗ trợ trả 80% lương hoặc hơn miễn là doanh nghiệp không sa thải họ (và họ được nhận trợ cấp thất nghiệp dài hạn nếu quả bị sa thải), thì ở Việt Nam, nói ví dụ, gói cứu trợ kinh tế năm ngoái bị nhận xét là “lên tivi mà nhận”. 

Tình trạng như vậy thì tầng lớp lao động ai mà “dám” thất nghiệp.

Thay vì vậy, nhiều người lao động ở Việt Nam thiếu giờ làm việc, làm việc dưới mức mong muốn, và phải nhận mức lương thấp, với những hợp đồng làm việc bấp bênh, thậm chí không có hợp đồng là phổ biến. 

Nhiều người làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức còn không được đảm bảo quyền lợi hợp pháp cơ bản nhất của người lao động.

Đây là vấn đề nhức nhối trong xã hội bao lâu nay. Trong dịch COVID-19 lần này, nó lại càng đau đớn hơn. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận