Vì sao đàm luận bất thành ?

TƯỜNG ANH (TRÍCH DỊCH) 22/11/2018 02:11 GMT+7

TTCT - ​Vladimir Putin được xếp ngồi phía sau một bàn tròn lớn đối diện với Donald Trump, tức không thể tiếp cận được cho một cuộc trao đổi. Thậm chí xin trao cho lọ muối cũng là vô ích. Đó là cái giá bất ngờ, của việc thay đổi các bảng tên, vào giờ chót…

Ông Trump và ông Putin chỉ kịp bắt tay nhau ở Paris - Ảnh: AP
Ông Trump và ông Putin chỉ kịp bắt tay nhau ở Paris - Ảnh: AP

 

Andrey Kolesnikov, nhà báo của báo Kommersant đã hơn 17 năm theo chân Tổng thống Nga Vladimir Putin trong các sự kiện quốc tế, tường thuật cuộc gặp ở Paris ngày 11-11-2018, tìm cách lý giải nguyên nhân đàm luận bất thành giữa ông Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump, trong một bối cảnh nhiều ý nghĩa: kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến I. TTCT trích giới thiệu.

Từ… ngôn ngữ cơ thể

Tổng thống chủ nhà Pháp Emmanuel Macron đón khách từ hơn 70 nước ở lối vào cung điện Élysée… Tôi đã chứng kiến ông đón, nói ví dụ, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thế nào. Vị này bước khỏi ôtô, tiến về phía Emmanuel và Brigitte Macron, và đơn giản là đã được chủ nhà Pháp âu yếm, vuốt vai ông, chạm vào khuỷu tay, rồi nắm tay ông… Và Emmanuel Macron cũng nắm và giữ tay như vậy, khi sau đó, thủ tướng Áo, rồi thủ tướng Hungary đến - lần nào cũng lâu hơn một chút so với những thủ tục lễ tân đòi hỏi.

Tôi phải mạo hiểm nói rằng ở đây chẳng có gì riêng tư, chẳng qua Emmanuel Macron muốn chứng tỏ ông quý trọng những ai đến với ông vào ngày này ở Paris, để trông có vẻ ấm áp, hay gì đó.

Nhưng một nhà báo soi mói có lẽ sẽ tìm thấy trong tất cả những chuyện này những điều đáng quan tâm (và dĩ nhiên, đó là cái đầu gối của Donald Trump, người mà cũng ông Macron trong cuộc gặp đã dừng tay trên đó).

Người cuối cùng đến với tổng thống Pháp gần như chạy là bà (Thủ tướng Đức) Angela Merkel và đồng thời lại nhanh chóng đi ngang qua ông: bà vội vã để không là người cuối. Tuy nhiên, chẳng ai dọa bà sẽ là người cuối cùng ngày hôm đó. Vinh dự này Putin không chịu trao cho ai.

Trong lúc đó, các nguyên thủ đã gặp Emmanuel Macron sử dụng cung điện Élysée làm phòng chờ và chỉ vài phút sau đã bước ra ngồi vào xe để di chuyển đến Khải Hoàn Môn trên đại lộ Champs Élysée.

…Trong cung điện Élysée giờ chỉ còn lại nhà báo. Trong tất cả, chỉ mỗi nữ nhà báo Nataliya Yuryeva của “Kênh 1” trông như nữ hoàng, bởi dám hét lên hỏi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, khi ông này cùng các nguyên thủ khác đi trong mưa đến chiếc xe của mình: “Ukraine ở đây với tư cách gì? Như một đất nước, tham chiến trong thành phần đế chế Nga?”.

Nataliya Yuryeva nói với Petro Poroshenko bằng tiếng Anh, có lẽ vì cô hiểu rất rõ rằng ông sẽ không trả lời những câu hỏi tiếng Nga, và cách đó có tác dụng ngay lập tức: các đồng nghiệp của Poroshenko hiểu câu hỏi và một số cười to.

Nếu không có chuyện đó, hẳn tổng thống Ukraine sẽ phớt lờ câu hỏi, nhưng khi nghe tiếng cười, dường như ông cho rằng nếu để câu hỏi không có lời đáp, ông sẽ bị hạ thấp khi rời khỏi đó, thậm chí là bị sỉ nhục. Nên ông ném ra câu trả lời, cũng bằng tiếng Anh: “Học lịch sử đi!”.

Suy nghĩ này của ông chẳng có ý nghĩa đặc biệt gì (ít ra nó không bác bỏ sự thật là Ukraine khi đó thuộc đế chế Nga), nhưng mặt khác, cũng không thể nói là Petro Poroshenko không nói được gì để đáp lại.

…Sau đó, một đoạn video ba phút được gửi tới cánh nhà báo Pháp, mà họ xem đi xem lại vô số lần, thưởng thức bộ ngực trần của cô gái từ Femen (phong trào phụ nữ để ngực trần phản đối chính trị) bất thần lao vào ôtô của tổng thống Mỹ, hơi trượt một chút, nhưng cũng hãm phanh đoàn xe còn lại (và xe của Tổng thống Donald Trump vì thế cũng dừng lại, mà lẽ ra không được thế, nếu hiểu rằng an ninh của tổng thống Hoa Kỳ là trên hết, và ngược lại, lẽ ra nên nhấn ga).

Người ta không ngăn cô lại ngay, mà chỉ nhẹ nhàng nắm tay dẫn ra khỏi đoàn xe, sau đó muốn dẫn cô đi xa hơn nhưng cô không đồng ý và nằm lăn xuống đường lát đá, mở ra cho thế giới thấy tất cả những gì cô đã chuẩn bị, trong đó có hàng chữ: “Fake peace” (Hòa bình giả tạo). Nghi lễ cá nhân của cô vào hôm đó, không nghi ngờ gì, đã thành công.

…Trên đại lộ Champs Élysée, Emmanuel Macron đi ngang các cựu chiến binh đang đứng cạnh những ngọn cờ của mình, đúng hơn là vịn vào chúng (tôi nghĩ, dẫu sao họ cũng không phải là cựu binh Thế chiến I), và ngồi vào chỗ của ông, trong khi các cựu binh vẫn đứng và đứng suốt buổi lễ, chỉ những người đến đây trên xe lăn được ngồi.

Và cảnh tượng đó - vài chục nhà lãnh đạo thế giới ngồi trên ghế và một số những cựu binh đứng gần họ - không sao rời khỏi đầu.

…Tổng thống Pháp phát biểu khá lâu (có lẽ là tôi tưởng thế do lúc nào cũng nghĩ về các cựu binh đang đứng). “Chúng ta đã mất một thời gian dài để toa tàu cuối cùng với binh lính chúng ta trở về tổ quốc”. Ông nói Pháp đã tay trong tay chiến đấu cùng với Mỹ và các nước Thái Bình Dương (mặc dù hiện giờ không phải là hội nghị thượng đỉnh APEC) và không lời nào nhắc tới các nước gần hơn…

Vai trò của những bảng tên

Bây giờ tất cả họ phải quay trở lại cung điện Élysée để ăn trưa. Các nguyên thủ chờ xe khá lâu, và tôi nghĩ, Putin và Trump, tại bến xe, đã có thể nói chuyện lần đầu tiên trong ngày. Nhưng chuyện đó không xảy ra.

Lúc đó Tổng thống Putin đang trả lời phỏng vấn ngắn cho Russia Today, trong đó ông nói nhìn chung ông ủng hộ ý tưởng về các lực lượng vũ trang của EU mà Tổng thống Macron mới đề ra vài ngày trước (và Tổng thống Trump cũng đã kịp phản ứng, nói rằng trước tiên người châu Âu nên tài trợ cho NATO như cần phải vậy) bởi vì nó một lần nữa sẽ dẫn tới sự đa cực của thế giới.

…Một lúc sau đoàn xe của tổng thống Nga đã ở trong sân điện Élysée… Tổng thống Putin lặng lẽ băng qua sân, còn Donald Trump trả lời câu hỏi liệu ông có nói chuyện với Putin chưa, đã dừng lại, lắng nghe cho hết câu và thông cảm trả lời nữ nhà báo Pháp: “Good lunch” (Bữa trưa ngon)…

Chỉ còn phải kể về một tình tiết bất ngờ xuất hiện về chỗ ngồi của Donald Trump và Vladimir Putin. Thực tế là cho đến ngay trước giờ ăn trưa, các bảng tên của họ đứng cạnh nhau. Tức là họ sẽ là hàng xóm và chắc chắn sẽ trò chuyện với nhau trong một tiếng rưỡi. Và khi đó có thể cho rằng cuộc trò chuyện này, trong ý nghĩa nào đó, là cuộc trao đổi đầy đủ giá trị, mà theo một số thông tin, các nhà tổ chức buổi lễ đã phản đối vì không muốn tất cả những sự long trọng mà họ tổ chức trở thành nền cho cuộc gặp thế này.

Có thể chính vì thế mà khi các nguyên thủ bước vào, hóa ra các bảng tên đã bị đổi chỗ vào giờ chót. Và Vladimir Putin được xếp ngồi phía sau một bàn tròn lớn đối diện với Donald Trump, tức không thể tiếp cận được cho một cuộc trao đổi. Thậm chí xin trao cho lọ muối cũng là vô ích. Đó là cái giá bất ngờ, của việc thay đổi các bảng tên, vào giờ chót…

Khi Putin rời Élysée, các nhà báo hét lên hỏi ông: “Ông có trò chuyện được với Donald Trump không?” Tổng thống Nga khẳng định: “Có”. Theo thông tin của Kommersant, thật sự họ đã nói chuyện, khi đứng dậy khỏi bàn, nhưng không quá vài phút, chủ yếu là nói về việc nhất định sẽ gặp nhau ở Argentina.

Còn một câu hỏi nữa: Cuộc gặp có thành công không? Tổng thống Nga giơ tay… Mọi người đều biết rất nhiều điều phụ thuộc vào cuộc gặp riêng của họ. Vậy mà họ không háo hức ngay lập tức thảo luận mọi thứ (thí dụ như Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung) càng sớm càng tốt. Phải chăng có thể vì bản thân họ cũng hiểu, chẳng có gì phụ thuộc vào một cuộc gặp như thế nữa?■

(Nguồn: //www.kommersant.ru/doc/3797600#id1671073)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận