Việc làm 2019 - 2022: Ưu tiên kỹ năng công nghệ

TỊNH ANH 18/01/2019 19:01 GMT+7

TTCT - Báo cáo Future of Jobs 2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đưa ra dự báo về các nghề sẽ thịnh suy từ đây cho đến năm 2022. Các phân tích xoay quanh kỹ năng cần có để đáp ứng nhu cầu công việc mới, và sẽ không ngạc nhiên khi biết cả kỹ năng và tính chất công việc đều liên quan đến công nghệ.

 

Báo cáo WEF khảo sát các công ty có số lao động tổng cộng trên 15 triệu người với tầm nhìn đến năm 2022, nhưng mọi thứ sẽ bắt đầu từ năm 2019 này. Tuy nhiên, tình hình không đến mức bi quan, vì trong khi một số công việc có thể sẽ mất đi, nhu cầu cho các công việc và vị trí mới mà chỉ có con người mới đảm nhiệm được cũng sẽ xuất hiện. Cụ thể, có khoảng 75 triệu việc làm sẽ chuyển dịch từ con người sang máy móc, trong khi 133 triệu công việc và vị trí mới sẽ xuất hiện, yêu cầu nhân lực am hiểu máy móc và các thuật toán.

Những đòi hỏi thay đổi

Theo báo cáo WEF, động lực thay đổi bức tranh việc làm trong 4 năm tới là 4 tiến bộ khoa học công nghệ cụ thể: sự phổ biến rộng khắp của Internet di động tốc độ cao, trí tuệ nhân tạo (AI), sự ứng dụng rộng rãi của việc phân tích dữ liệu lớn (big data), và công nghệ đám mây. Các thành tựu khoa học công nghệ này sẽ là yếu tố ảnh hưởng lên tăng trưởng của doanh nghiệp trong giai đoạn 2018-2022.

Tự động hóa cũng sẽ là yếu tố thay đổi tính chất việc làm trong tương lai, và điều này hiển nhiên không phải chờ đến năm 2019 mới xảy ra. Sẽ có thay đổi trên “mặt trận” giữa người lao động và máy móc trong giai đoạn 2018-2022. Nếu trong năm 2018, 71% số giờ làm việc trong 12 ngành nghề được WEF khảo sát là do con người đảm nhiệm và máy móc chiếm 29%, thì đến năm 2022, tỉ lệ phân chia lao động là 58% con người và 42% máy móc.

Các thuật toán hiện vẫn chưa hoàn toàn lấn lướt con người trong một số tác vụ cụ thể, song đến năm 2022, tự động hóa sẽ phổ biến sâu rộng hơn, ngay cả trong các tác vụ hiện vẫn do con người đóng vai trò chủ đạo như tương tác, truyền thông, điều phối, quản trị, tư vấn, tư duy và ra quyết định. Trước tình hình đó, gần 50% doanh nghiệp được WEF khảo sát dự kiến tự động hóa sẽ dẫn đến cắt giảm nhân sự toàn thời gian vào năm 2022. Tuy nhiên, có 38% doanh nghiệp cho rằng tự động hóa sẽ làm tăng nhu cầu nhân lực, và hơn 25% tin rằng tự động hóa sẽ tạo ra các vị trí công việc mới trong doanh nghiệp của mình.

Cách vận hành của các doanh nghiệp cũng sẽ thay đổi, theo hướng thuê ngoài cho các công việc đặc thù, trong khi sử dụng lực lượng lao động cơ hữu linh hoạt hơn và đặc biệt là ứng dụng các hình thức làm việc từ xa.

Những vị trí mới

Theo WEF, các vị trí việc làm mới mà thị trường có nhu cầu tuyển dụng cao trong bối cảnh việc làm trong các năm tới sẽ là chuyên viên phân tích/nhà khoa học dữ liệu, lập trình viên/nhà phát triển phần mềm/ứng dụng, chuyên gia mạng xã hội và thương mại điện tử. Đây đều là các công việc dựa trên công nghệ.

Khi hàm lượng tự động hóa ngày càng tăng, nhu cầu tuyển dụng nhân lực mạnh về các kỹ năng chỉ có con người mới có như chăm sóc khách hàng, chuyên gia bán hàng và marketing, huấn luyện và phát triển nhân sự, và giám đốc sáng tạo cũng sẽ tăng. Nếu những công việc này khá “truyền thống”, thì nhu cầu nhân sự để đảm đương các vai trò hoàn toàn mới, có chuyên môn về các công nghệ mới cũng sẽ tăng cao như chuyên gia AI và công nghệ học máy (machine learning), phân tích dữ liệu lớn, chuyên gia xử lý tự động hóa, chuyên viên phân tích bảo mật thông tin, thiết kế giao diện người dùng và tương tác người - máy, kỹ sư robot và chuyên gia về thuật toán chuỗi khối.

Những công nghệ kể trên ngày càng phổ biến trong đời sống, và nó cũng là những kỹ năng mà người lao động cần tự trang bị để đáp ứng vai trò mới của doanh nghiệp. Ngoài ra, mô hình làm việc từ xa qua mạng Internet, không cần có mặt ở văn phòng nhưng phải liên lạc với nhiều người, đội nhóm ở khắp nơi cùng một lúc cũng đặt ra yêu cầu về kỹ năng mới cho người lao động.

Trong bối cảnh đó, báo cáo WEF dự báo đến năm 2022, không dưới 54% người đi làm sẽ phải tái trang bị hoặc nâng cấp kỹ năng đáng kể để trụ được. Trong số này, khoảng 35% sẽ phải đào tạo bổ sung đến 6 tháng, trong khi 9% phải học thêm từ 6-12 tháng và 10% cần phải tái trang bị kỹ năng trong hơn một năm.

Và không chỉ phải trang bị kỹ năng về chuyên môn như phân tích, sáng tạo, thiết kế và lập trình, người lao động cũng cần chú ý nâng cao những “kỹ năng con người” như óc sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng đàm phán và thuyết phục, cũng như tính nhẫn nại, cẩn thận và linh hoạt, kỹ năng giải quyết vấn đề. Đương nhiên người lao động cũng cần trí tuệ cảm xúc và kỹ năng lãnh đạo.■

Ảnh: Chicago Booth Review
Ảnh: Chicago Booth Review

Với những đòi hỏi mới, người chủ lao động sẽ thay đổi như thế nào? Họ sẽ tuyển dụng lực lượng hoàn toàn mới, những người đã có sẵn các kỹ năng liên quan đến công nghệ hay giữ lại người cũ để tái đào tạo?

Báo cáo WEF cho thấy khả năng các doanh nghiệp sẽ tuyển người mới hoàn toàn cao gấp đôi việc giữ lại nhân viên cũ có kỹ năng lạc hậu. Tuy nhiên, vẫn có gần 1/4 doanh nghiệp được hỏi cho biết chưa quyết định hoặc chưa chắc có giữ lại người cũ không, trong khi 2/3 mong muốn người lao động tự thích nghi với yêu cầu mới. Một số công ty cho biết có thể sẽ thuê ngoài và sử dụng nhân lực thời vụ hay những người làm tự do (freelance) nhiều hơn để “điền vào chỗ trống” khi nhân sự của họ không đủ kỹ năng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận