Vụ kiện chất độc màu da cam: Con kiến mà kiện củ khoai?

HỮU NGHỊ 01/08/2004 19:08 GMT+7

TTCN - “Lần đầu tiên, một hành động pháp lý đã được tiến hành tại Mỹ nhân danh các nạn nhân người Việt của cuộc chiến tranh VN. Hôm 30-1-2004, một hồ sơ kiện đã được Hội Các nạn nhân chất độc da cam/dioxin nộp tại một tòa án cấp quận của New York.

.“Hai cha con anh Nguyễn Văn Trác cười vui bỏ lại quá khứ đau khổ phía sau của một thời đạn bom chiến tranh. Nhìn bức ảnh này khó mà tưởng tượng được gia đình anh Trác có đến hai đứa con bị mù, câm và tâm thần. Người lính hậu cần dũng cảm năm xưa nay vẫn hăng say làm công việc tại địa phương. Tôi ghi ảnh hai cha con anh và thích cái cười đôn hậu của họ biết bao!”. (Đòan Đức Minh)

Tuy chỉ ba công dân VN đứng nguyên đơn, song phán quyết của vụ kiện sẽ được áp dụng cho mọi công dân VN nào đã từng là nạn nhân của chất độc da cam từng được (Mỹ) phun xịt. 

Do lẽ Chính phủ Hoa Kỳ không thể bị truy tố, nên vụ kiện nhắm đến mấy chục công ty Mỹ, trong đó có các công ty Dow Chemical và Monsanto, vốn là chủ chốt trong việc sản xuất chất độc gọi là da cam được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh. 

Bất cứ ai đã từng quen thuộc với các tác hại kinh khủng của chất độc da cam này sẽ hài lòng vì bước đầu tiên trong việc tìm kiếm công lý cho hàng triệu nạn nhân người Việt đã được tiến hành” - mãi đến 5-2-2004 Thông tấn xã AP mới loan đi tin này. Mạng Military.com của quân đội Mỹ sau đó đã đăng lại. 

Theo số liệu của Hội Chữ thập đỏ, ở VN có khoảng 150.000 trẻ em bị ảnh hưởng chất da cam, trong thời chiến có khoảng 3 triệu người bị nhiễm độc và ít nhất có 1 triệu người sức khỏe bị ảnh hưởng trầm trọng. 

Chất độc này trong thực tế đã không chừa bất cứ ai, quân nhân hay thường dân cả hai miền Nam Bắc, do tiếp xúc trực tiếp với chất độc trong chiến tranh hay do di truyền. Cho nên, có thể nói vụ kiện này là vụ kiện của tất cả nạn nhân của chất độc da cam, “không ranh giới”...

Theo Thông tấn xã AP, thẩm phán Jack Weinstein, người xét xử vụ kiện này, đã phát biểu rằng vụ kiện có thể còn động chạm đến các vấn đề nhân quyền, tội ác chiến tranh và diệt chủng. 

Không rõ có phải tình cờ mà thẩm phán Jack Weinstein chính là người đã từng thụ lý vụ kiện đầu tiên (thành hình) giữa một nạn nhân của chất độc này, bà Shirley Ivy - vợ góa của một cựu quân nhân, chống lại Công ty Diamond Shmarcok Chemical cùng các công ty khác, tại Tòa án quận Brooklyn năm 1988. 

Theo các bác sĩ điều trị người chồng quá cố của bà Ivy, cựu đại úy thủy quân lục chiên Mỹ Donald Ivy đã chết vì bị ung thư gan và tụy, có thể do bị nhiễm chất độc da cam khi còn phục vụ tại Nam VN. 

Khi còn sống, Donald Ivy đã kể rằng trong chiến tranh sau mỗi khi phải tiếp xúc với chất độc này, ông và các đồng đội được cho đi tắm biển (ở Đà Nẵng) để “cọ rửa” ô nhiễm...! Sở dĩ gọi vụ kiện này là vụ kiện đầu tiên được thành hình do lẽ trước đó bốn năm một cựu quân nhân Mỹ khác cũng đã đâm đơn kiện, song tòa đã bác đơn và các công ty hóa chất thắng kiện từ trong trứng nước (xem Seeking Texas Justice). 

Nhắc lại vụ kiện trên là để thấy rằng đấu lý với các “đại gia” của ngành công nghiệp hóa chất Mỹ không phải dễ, nhất là khi họ đã từng có kinh nghiệm “chạy làng” ở cả Mỹ lẫn trên thế giới. 

Thế nhưng cũng có một số cơ may. Đầu tiên là thẩm phán Jack Weinstein từng am hiểu vấn đề như đã nêu trên, song  điều đó không có nghĩa là trông mong một “ân huệ” từ vị thẩm phán được coi là công minh này. Bởi vào đầu năm 2004, ông đã bác đơn của các cựu binh Mỹ đòi tăng tiền bồi thường. 

Một cơ may khác là đã có những phán quyết tiền lệ mà phần thắng nghiêng về các nạn nhân cựu chiến binh Mỹ. Ngoài ra, còn có một thực tế không thể chối cãi được: chất độc này “không phân biệt màu da”.

Khi tôi đến nhà gia đình anh Hùng ở tổ 24 đường Đề Thám, thị xã Thái Bình, cô con gái vừa trông chừng người anh tật nguyền cho mẹ đi làm vừa học bài, còn Huấn nằm liệt trên giường. Nét tươi vui hồn nhiên của em đã làm ngôi nhà tràn đầy sinh khí và đủ để tôi hiểu được rằng dẫu có bao khổ đau cuộc đời vẫn còn đáng sống biết chừng nào!" (Đoàn Đức Minh).

Cái "áo giáp" khoa học

Thế nhưng, cũng có một số khác biệt cơ bản. Nếu trong trường hợp cố đại úy Donald Ivy, vốn đã uất giận khi biết mình bị ung thư (vì dioxin) quá muộn: năm 1987, tức một năm trước khi ông qua đời, thì các nạn nhân ở VN đã biết rõ về bệnh tình của mình từ lâu, và không một chính phủ Mỹ nào, một công ty Mỹ nào liên quan đến chất độc này cùng việc sử dụng nó tại VN đã từng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ có thể có khi sử dụng nó. 

(Người Mỹ) có biết (người Việt cũng bị nhiễm chất độc da cam) hay không biết? Câu trảlời cho câu hỏi này lại thuộc phạm trù đạo đức. Tiếc thay, đạo đức, trong không ít trường hợp, lại “co dãn”, nhất là khi khoa học được huy động để phủ định, bao che, bào chữa cho tội ác.

Cũng đã có những hợp tác Việt - Mỹ về vấn đề này, bằng cớ các hội nghị khoa học trong hai năm qua, song những bước tiến thì còn chậm rãi. Trần Đình Thanh Lâm của Asia Times (19-3-2002) đã tỏ thái độ qua bài US in no hurry to resolve Agent Orange legacy (Hoa Kỳ không vội vã giải quyết di sản của chất độc da cam). 

Tác giả viết: “Các nhà khoa học của Washington nói rằng (để) đổ lỗi cho chất da cam và dioxin về các dị tật bẩm sinh nơi các thế hệ sau này cùng các bệnh tật khác tại VN cần phải nghiên cứu thêm nhiều năm nữa.

Còn các nhà khoa học của EPA (Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ) và NIEHS (Viện Khoa học y tế môi trường Hoa Kỳ) cho rằng phải xem xét lại và lặp đi lặp lại các nghiên cứu từ phía VN. 

Thế nhưng VN lại thiếu phương tiện để cung cấp những bằng cớ tuyệt đối xác định mỗi vụ là hậu quả của chất độc này. Các xét nghiệm tốn khoảng 10.000 USD/vụ, quá nhiều đối với ngân sách eo hẹp của Chính phủ VN. 

William Farland của EPA bảo rằng Hoa Kỳ sẵn sàng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nhằm giảm nhẹ chi phí xét nghiệm. Song dự án thí điểm, trị giá 400.000 USD, lại chỉ tập trung cho việc xét nghiệm thổ nhưỡng... Chưa nghe nói gì về việc Mỹ tham gia vào những chương trình như thế”. Cái “áo giáp” chứng liệu khoa học này quả là “che chắn”!

Bản đồ của quân đội Mỹ về các khu vực bị rải chất độc dioxin

Những người tổ chức và tham dự Hội nghị môi trường Campuchia, Lào và VN tại Stockholm ngày 26 và 28-7-2002 đã giải thích về chuyện “chậm rãi” này trong báo cáo mang tên “Hậu quả lâu dài của chiến tranh VN” (tr.55-56): ”Cánh cửa sổ khoa học của cơ hội cứ hẹp dần trong khi chất dioxin còn đọng lại trong môi trường cứ trôi ra biển... Cơ hội tiến hành các nghiên cứu cơ bản đã mất đi, và tất nhiên các điều kiện cần thiết cho các nghiên cứu dịch tễ học cũng tan biến theo."

William Farland của EPA nhấn mạnh: “Ngày càng giảm độ (nhiễm) và khả năng xác định ai bị nhiễm, ai không bị nhiễm càng khó khăn hơn”. 

Chính trong bối cảnh đó, thiếu các chứng cứ khoa học, các quan chức VN lại bị tố cáo là “có ít xít ra nhiều” và “thủ đoạn chính trị” trong vấn đề chất độc dioxin khi khẳng định các liên quan trực tiếp giữa chất da cam với các vấn đề về sức khỏe, mặc cho Chính phủ Mỹ đã thừa nhận các liên hệ trực tiếp giữa việc tiếp xúc với chất dioxin với một loạt các điều kiện y khoa...

Có những hậu quả chiến tranh đâu cần phải được điều tra một cách khoa học. Có thể lấy thí dụ: chuyện các khu vực, các kho quân sự cũ và các điểm nóng khác tập trung cao độ chất dioxin đe dọa đặc biệt đến người dân địa phương đã quá rõ rồi”. 

Thế nhưng, do lẽ đây là vụ kiện “không ranh giới” - chất dioxin đâu có phân biệt ai là Mỹ, ai là Việt - nên có thể tin vào tiền lệ phần thắng nghiêng về các cựu chiến binh Mỹ.  

Andrew Wells-Dang, đại diện tại Hà Nội của Quĩ Hòa giải và phát triển (Fund for Reconciliation & Development, FFRD),  nhắc lại với TTCN rằng: “Các cựu chiến binh Hoa Kỳ đâu có cần phải chứng minh nồng độ dioxin trong máu họ cao bao nhiêu hoặc họ bị bệnh vì chất độc da cam. Chỉ cần họ đã phải tiếp xúc với chất này và nay có một trong những chứng bệnh được Viện hàn lâm Khoa học Mỹ xác nhận là đủ”.

“Cậu bé Gregory và mẹ là Dr. Cheryl ở San Francisco đã chia sẻ với tôi nhiều lắm về công trình ảnh mà tôi đang thực hiện, cả ba chúng tôi đều muốn thảm cảnh như thế này thôi xảy ra bất kỳ nơi đâu trên thế giới còn đầy rẫy những bạo tàn đang xảy ra từng ngày. Buồn thay Gregory không còn nữa: em đã mất cách đây vài tháng vì di chứng của chất độc hóa học mà cha Gregory đã mắc phải trong cuộc chiến vùng Vịnh". (Đòan  Đức Minh)

"Con kiến" có cô độc?

Một vụ kiện luôn là một sự kiện truyền thông, cần được công luận biết đến. Andrew Wells-Dang của FFRD cho TTCN biết: “Người Mỹ biết chất độc da cam là gì và hiểu rằng vụ kiện này là thích đáng, do lẽ cựu chiến binh Mỹ cũng đã từng kiện các công ty hóa chất ra tòa vì những tổn thương do chất dioxin. Các nhóm đấu tranh vì hòa bình ở Anh, Pháp và Thụy Sĩ... đang luân chuyển bản ký tên ủng hộ vụ kiện. Tổ chức FFRD cũng đang thực hiện việc này tại Mỹ”. 

Tổ chức mà Andrew Wells - Dang  đại diện đang tiến hành “Dự án giáo dục về chất da cam” tại Hoa Kỳ nhằm nâng sự hiểu biết của dân chúng về những hậu quả của chất độc da cam, thu hút công luận hướng đến mục tiêu Chính phủ Mỹ sẽ đưa việc hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam vào chương trình viện trợ nhân đạo.

Trong số các đại diện dân cử, cũng đã có người hiểu biết và tham gia giải quyết vấn đề chất da cam như dân biểu Lane Evans, Đảng Dân chủ, thuộc Ủy ban cựu chiến binh Hạ viện Mỹ.

Không chỉ ở Mỹ mà tại Anh, vụ kiện này cũng đã có được nhiều hậu thuẫn. Nhờ hoạt động chí tình của tổng thư ký Hội hữu nghị Anh - Việt Len Aldis, vụ kiện này được biết đến trong Hạ viện Anh và được hai dân biểu Cohen và Harry (Đảng Lao động) đưa vào nghị trình ngay từ hạ tuần tháng 2-2004, dưới dạng một kiến nghị với nội dung như sau: “Hạ viện hoan nghênh tin ba người Việt, vốn phải chịu đựng các tác dụng của chất da cam mà trước kia được quân đội Mỹ phun xuống đất nước họ, nay tiến hành kiện chống lại các nhà sản xuất, nhằm đòi bồi thường thiệt hại. 

Hạ viện cũng ghi nhận rằng vào tháng 5-1996, tổng thống Clinton đã thừa nhận “việc gây thương tổn một cách không cố ý cho con em đất nước này bằng cách để họ tiếp xúc với chất da cam”. Hạ viện mong thấy một kết cục thành công cho vụ kiện quan trọng này đối với 2 triệu nạn nhân người Việt của chất da cam”.

Trở lại với các nhà khoa học Mỹ, không phải ai cũng đều “vô cảm” cả. Có những nhà nghiên cứu như tiến sĩ Jeanne Mager Stellman của Trường Y tế công cộng Viện đại học Columbia, tiến sĩ Wayne Dwernychuk ở Vancouver (Canada) với các nghiên cứu thực địa ở A Lưới - một trong những “điểm nóng” , phó tiến sĩ Diane Fox... 

Việc các nhà khoa học năm ngoái công bố trên chuyên san khoa học Nature các số liệu mới về số lượng chất da cam đã được phun xuống VN là một bằng chứng cho tinh thần khoa học chân chính “không ranh giới”.

Củ khoai lớn thật nhưng con kiến không cô độc và lẽ phải luôn thắng, trừ phi kẻ bị kiện chơi cờ bạc bịp. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận