Xây dựng chuỗi cung ứng khu vực

NGUYỄN PHI VÂN 20/01/2016 23:01 GMT+7

TTCT - Trước khi những thỏa thuận mang tính nguyên tắc đầu tiên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được công bố, hẳn nhiều doanh nghiệp đã xây dựng chiến lược để hưởng lợi từ hiệp định thương mại lớn nhất thế giới này. Một trong những toan tính được nhắc nhiều chính là chuỗi cung ứng khu vực.

Việt Nam sẽ đứng đâu trên bản đồ chuỗi cung ứng khu vực? -Hữu Khoa
Việt Nam sẽ đứng đâu trên bản đồ chuỗi cung ứng khu vực? -Hữu Khoa

Nhìn vào tổng chi tiêu của 12 nước thành viên TPP, chiếm tỉ lệ 40,7% tổng chi tiêu toàn cầu, dễ thấy ngay nếu chỉ cần tập trung khai thác thị trường 12 nước này cũng có nghĩa khai thác được gần một nửa thị trường thế giới.

Và khi định nghĩa về ranh giới và độ lớn thị trường thay đổi nhờ vào luồng chảy tự do thương mại, một doanh nghiệp ở tâm thế tận dụng hiệp định để khai thác chắc chắn sẽ đặt lại bài toán về chuỗi cung ứng để giảm thiểu chi phí sản xuất, qua đó tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh cho mình.

Bài học của doanh nghiệp nước ngoài

Một vấn đề nghe có vẻ “choáng” nhưng không hề vô lý: chuỗi cung ứng mang tính chất quốc gia sẽ bị xóa bỏ và khái niệm về chuỗi cung ứng khu vực được đặt ra. Muốn cho chuỗi cung ứng khu vực hiệu quả để khai thác thị trường TPP cần đặt lại những câu hỏi hậu TPP như sau: chi phí lao động ở nước TPP nào là thấp nhất?

Nguồn nguyên vật liệu chính cấu thành nên một sản phẩm ở đâu trong TPP là rẻ nhất để có thể tận dụng quy tắc xuất xứ của TPP mà hưởng lợi ích ưu đãi thuế quan? Cơ sở hạ tầng ở nơi nào là hợp lý và hiệu quả nhất trong quá trình vận chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa? Và có hay không sự giao thoa của các yếu tố trên tại một quốc gia nào đó, nơi tạo ra những điều kiện tối ưu để doanh nghiệp có thể chọn làm công xưởng?

Lâu nay Trung Quốc được biết đến với cái tên “công xưởng của thế giới”. Năm 1990, tổng sản lượng hàng hóa sản xuất tại châu Á chiếm 26,5% sản lượng thế giới, năm 2013 con số này đã tăng lên 46,5%, trong đó một nửa là hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc. Tại sao?

Đơn giản vì Trung Quốc trong hai thập kỷ qua đã trả lời cho thế giới những câu hỏi trên đây: chi phí lao động thấp, nguồn nguyên vật liệu có sẵn, cơ sở hạ tầng được chính phủ tập trung nâng cấp phục vụ cho việc trở thành công xưởng của thế giới.

Họ tạo ra sự giao thoa cần thiết để biến mình thành trung tâm “làm công” cho thế giới. Và thế giới ùn ùn đổ tiền vào đầu tư xây dựng nhà máy tại đất nước này để hưởng lợi về hiệu quả chi phí chuỗi cung ứng, nhưng cũng là để lấy cái lợi thế này mà khai thác thị trường nội địa khổng lồ.

Đã làm kinh doanh ai cũng biết rằng muốn cạnh tranh tốt cần phải nằm lòng bí quyết bốn chữ “P” gồm: Product - Price - Place - Promotion (sản phẩm, giá cả, hệ thống phân phối và quảng cáo - quảng bá).

Bằng vũ khí thứ nhất là sản phẩm, chúng ta dễ thấy rằng phần lớn doanh nghiệp từ các thị trường phát triển như Mỹ, Canada, Nhật, Úc... xây dựng và kinh doanh rất thành công nhờ cải tiến liên tục dựa trên hiểu biết từ nghiên cứu nhu cầu khách hàng mục tiêu, được sản xuất theo công thức khoa học và công nghệ tiên tiến. Vũ khí thứ hai của họ là quảng cáo - quảng bá đã sử dụng hiệu quả để chiếm giữ lòng tin của người tiêu dùng.

Cứ nhìn cách những tập đoàn lớn của thế giới làm quảng cáo ở Việt Nam là đủ biết vũ khí này của họ lợi hại thế nào. Phần còn lại, giải được bài toán chuỗi cung ứng là coi như giải xong bài toán giá thành. Câu chuyện xây dựng hệ thống phân phối của các doanh nghiệp nước ngoài để lại nhiều bài học lý thú.

Họ có thể tận dụng người dân địa phương xây dựng hệ thống phân phối cho mình dưới hình thức cấp phép hoặc bổ nhiệm nhà phân phối trước, rồi dùng sức mạnh tài chính chiếm luôn hệ thống phân phối khi thị trường đã sẵn sàng.

Họ cũng có thể mua luôn một doanh nghiệp địa phương đang có sẵn hệ thống phân phối đã dày công xây dựng trên thị trường, chủ yếu để phân phối sản phẩm và thương hiệu của mình, còn thương hiệu địa phương được mua lại. Với thương hiệu này, nếu thấy còn giá trị mua bán thì giữ lại, nếu không, khai tử cho xong.

Đó cũng là cách mà doanh nghiệp nước ngoài khai thác thị trường Trung Quốc hơn hai thập kỷ qua. Nhưng kể từ năm 2001 chi phí lao động Trung Quốc bắt đầu tăng, trung bình 12% mỗi năm, Trung Quốc không còn là nơi có chi phí lao động thấp nữa.

Các doanh nghiệp nước ngoài phải cân nhắc việc giữ công xưởng ở Trung Quốc hay chuyển đi nơi khác. Nơi khác là ở đâu? Myanmar, Indonesia, hay Việt Nam? Đây đều là những thị trường có thể tận dụng với chi phí lao động thấp, tuy cơ sở hạ tầng và nguồn nguyên vật liệu vẫn chưa thể sánh bằng Trung Quốc. Sở dĩ phải cân nhắc vì tổng chi phí xuất xưởng chưa chắc gì chuyển qua các nước này lại hiệu quả hơn.

Lợi thế nào cho Việt Nam?

TPP hình thành, bài toán trên trở nên đơn giản. Trong TPP hiện nay nước nào có chi phí nhân công thấp nhất? Tất nhiên là Việt Nam. Lương công nhân sản xuất tính theo giờ tại Việt Nam là 0,84 USD/giờ, Peru 2,1 USD/giờ, Mexico 2,8 USD/giờ, Malaysia 4,9 USD/giờ, Chile 5,3 USD/giờ.

Tham khảo tại các nước phát triển trong TPP như sau: Singapore 19,5 USD/giờ, Nhật 20,2 USD/giờ, Canada 22,3 USD/giờ, New Zealand 22,5 USD/giờ, Mỹ 24,7 USD/giờ và Úc là cao nhất 29,7 USD/giờ. Tính ra cụ thể như vậy để thấy doanh nghiệp nước ngoài sẽ chọn nước nào có sự giao thoa về chi phí lao động thấp và nguồn nguyên vật liệu có sẵn để đầu tư nhà máy, nhất là đối với các sản phẩm có tỉ lệ nguyên vật liệu thô cao trong cấu trúc sản phẩm của mình để hưởng ưu đãi từ quy tắc xuất xứ của TPP.

Lấy ví dụ ngành dệt may Việt Nam. Muốn tận dụng ưu đãi thuế quan TPP, nguyên vật liệu và công sản xuất phải có nguồn gốc từ các nước TPP. Mặc dù Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ, trên thực tế chỉ có thể sản xuất được 1/5 tổng số vải cần dùng cho ngành (1,5 tỉ mét vải/năm).

Hơn 80% còn lại (6,7 tỉ mét vải/năm) chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, trong đó riêng Trung Quốc là gần một nửa với tổng giá trị gần 5 tỉ USD/năm. Với yêu cầu đặt ra mới của chuỗi cung ứng khu vực TPP, ngành dệt may của Việt Nam sẽ phải giải bài toán khó này ra sao? Bỏ thị trường Trung Quốc để thu mua từ Mexico hay Mỹ, hai thị trường sản xuất vải lớn trên thế giới?

Chuyển toàn bộ hoạt động thu mua và sản xuất sang Mexico, nơi giá nhân công vẫn còn thuộc hàng thấp trong khu vực TPP và có vị trí địa lý thuận lợi để vào thị trường Mỹ? Nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư vào công nghệ để có thể sản xuất sản phẩm và đáp ứng số lượng vải cần thiết cho ngành?

Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan đã làm xong bài toán chuỗi cung ứng khu vực trước Việt Nam. Hiện đầu tư của ba quốc gia và vùng lãnh thổ cung cấp nguyên vật liệu chính cho ngành dệt may Việt Nam vào các nhà máy sản xuất vải để chuẩn bị cho TPP tăng vọt trong hai năm qua. Một số dự án lớn có thể kể tên như dự án đầu tư 400 triệu USD của Trung Quốc vào khu dệt may Nam Định, dự án đầu tư 660 triệu USD của Công ty Hyosung (Hàn Quốc) vào Đồng Nai...

Xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng, nhưng trong đó bao nhiêu phần trăm là thương hiệu nước ngoài gắn nhãn “Made in Vietnam”? Doanh nghiệp Việt Nam sẽ ra sao? Bán hệ thống phân phối? Bán nhà máy? Tiếp tục gia công? Những câu hỏi khó này được đặt ra để gợi ý doanh nghiệp quyết định thay đổi thay vì làm theo cách cũ. Cần giải bài toán chuỗi cung ứng khu vực để cạnh tranh, để tận dụng được lợi ích từ TPP - một hiệp định mang tính chất thay đổi cuộc chơi thế giới.

Việt Nam cần quy hoạch lại các ngành xuất khẩu chủ đạo và tập trung xây dựng nền tảng chuỗi cung ứng cũng như nguồn nhân lực mạnh cho các ngành này. Chỉ khi Việt Nam xác định được mình nằm ở đâu trong chuỗi cung ứng khu vực và vai trò của từng cụm doanh nghiệp Việt là gì trong chuỗi giá trị thì cơ hội của TPP mới thành hiện thực.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng cần được hỗ trợ nhiều hơn để tận dụng được những cơ hội mới từ TPP, nhất là khả năng xây dựng chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu và mô hình xuất khẩu thương hiệu do chính mình sở hữu. Nếu không làm được điều này, chỉ còn cách đi “làm công” trong cái gọi là “công xưởng thế giới”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận