16 ngày hè không rực rỡ

HẢI MIÊN 08/09/2013 07:09 GMT+7

TTCT - Vài bộ quần áo mùa hè, một dúm tiền, tai gắn iPod, vai đeo laptop, tay cầm cuốn sách (đúng hơn là cuốn bản thảo) duy nhất mang theo, ta bước lên tàu.

Phóng to

“Trang bị đến tận răng” với ta là như vậy, thêm con tim hoang mang vì không biết lần thứ mấy của cuộc đời, bàn tay số mệnh lại dắt ta thả giữa ngã ba đường.

Tàu chạy xuyên đêm. Đèn điện chập chờn, chuếnh choáng như người say.

Ta đắm vào trang sách, trong tốc độ 50-70 km/giờ. Trước mặt, sau lưng ta, ngay hàng thẳng lối là hàng trăm, hàng trăm đôi mắt nhắm. Sự đông đúc cô đơn là thế này chăng.

Ta bất thần thức giấc khi con tàu dừng ở ga S. quê nhà của ta, nơi ta không định về. Tấm vé của ta còn đi được gấp đôi thời gian thế nữa, đến tận ga cuối của chuyến tàu. Lại một lần nữa ta hành động theo sự xô đẩy tức thời mơ hồ của cảm xúc. Ta cuống cuồng lấy hành lý, chào từ biệt người chung ghế, nhảy xuống tàu vào lúc 3 giờ sáng, gió lồng lộn thổi trên ga trống như một cuộc đuổi xua giận dữ. Chẳng ai chờ đón ta trên sân ga, chẳng bàn tay nào đưa ra xách đỡ chiếc vali nặng, không - định - đến - mà - đến luôn có nghĩa là như thế.

Tình cảm, nó là cái gì, ngoài như một sợi xích xích vào cổ con chó yếu, lôi ta sềnh sệch theo sau, cắt đôi cuộc hành trình, xô ta vào những ngả rẽ bất ngờ không định trước.

Về đến nhà, nhìn thấy mảnh bát vỡ con con chứa đầy nước mưa lẩn trong một góc sân thượng, ta như rơi vào lỗ hổng thời gian. Đấy là mảnh bát vỡ của 25 năm về trước. 25 năm về trước con mèo tam thể ta nuôi vẫn hay uống nước mưa trong mảnh bát vỡ này, nó thường yểu điệu uống rồi ngúng nguẩy bỏ đi, như hạ cố.

Nay ta già và mèo đã chết, mảnh bát vỡ vẫn chứa đầy nước mưa. Trong bụm nước mưa, ngày có chút mặt trời, đêm có chút mặt trăng, không thế thì chứa đầy bóng tối, bóng tối dịu dàng, bóng tối như ru...

Về phía ta, ta không hối tiếc cái ngày tan nát ấy, bởi chính nó đã đẩy ta vào hành trình sống mà ta đang đi, nhưng chiếc bát tay ta ném vỡ đôi đã cứa vào cuống tim mẹ ta. Lòng mẹ ta có hai vết thương hiểm sâu như miệng vực, một vết bởi do ta, đứa con gái út vốn được nuông chiều. Con đường nào cũng dẫn đến hư vô, hành trình là đích đến. Đích đến không nằm ở hư vô, đơn giản vậy sao không ai chịu hiểu - để biến ta thành kẻ không người thấu hiểu?

Những nỗi day dứt... Ở nơi nào có lắm nỗi day dứt như khi ta trở về ngôi nhà tuổi nhỏ, đối mặt với người thân, lén nhìn khuôn mặt khổ ải cam chịu của hai đấng sinh thành?

Ta xuống nhà đi vào phòng học thuở xưa của ta - nơi đây ta miệt mài 12 năm đèn sách, không biết gì ngoài đèn sách. Ngày chị cả dắt tay ta đến trường, đẩy ta vào vòng tay và nụ cười rộng mở của cô giáo vỡ lòng, chị không hề biết đấy là cú đẩy em mình bay lên trời cao, và rơi vào vực thẳm.

Trong chữ có ánh sáng, trong chữ có hương mê, chập chờn cơn tỉnh cơn mê (*), khi mê mong tỉnh, khi tỉnh mong mê, cứ thế mà trôi dạt, cứ thế mà lửng lơ, cứ thế mà mọc cánh, để rồi chiếc kéo đời xén lông cánh rụng tả tơi...

Phòng học không có người học thành ra hoang, dù mọi thứ vẫn giữ nguyên và được quét dọn hằng tuần. Tay ta lần theo gáy những sách vở cũ, mắt ta rưng rưng ve vuốt những cái tên, ký ức dào lên, đổ ập vào ta, cuốn phăng ta vào quá khứ - những tháng năm tươi đẹp không mật ngọt trần gian nào sánh nổi...

Ta rút vội cuốn sách ta yêu quý nhất, cuốn sách đọc một lần, theo ta suốt cuộc đời; cuốn sách đã ấn định cho ta một cung cách yêu lạc lõng, ngây thơ, biết bao nhiêu lần làm trò cười cho bè bạn: Mối tình đầu của Turghenev.

Mối tình đầu, Axya, Lũ xuân. Ta ngồi bệt xuống sàn và đọc cho đến khi bóng tối loang đầy trang sách hẩm. Bao nhiêu thời gian đã trôi qua? Ngoài kia đám đánh ghen đã khởi lên và tan đi từ lúc nào ta không biết, giờ mới nghe chị cả thuật lại với mẹ ta, đứng dưới chân thang, họ ôm bụng cười rục rĩu, và mắt, hẳn là ràn rụa nước. Nỗi đau khổ dại cuồng của ba con người quẫn trí vì yêu kia sao có thể đem đến nhiều tiếng cười và niềm vui cho thiên hạ đến thế.

Hãy cắt giúp ta sợi dây nối ta với cuộc đời ngoài kia, ta không muốn có đường quay lui nữa...

(*): Kiều - Nguyễn Du.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận