"2013 - Năm của cho"

THU HƯỜNG 05/02/2013 04:02 GMT+7

TTCT - Xuân Quý Tỵ này, ca sĩ opera Hàn Quốc Park Sung Min sẽ ăn cái tết Việt đầu tiên. Cùng với vợ là nghệ sĩ piano Trang Trịnh, Park Sung Min muốn năm 2013 sẽ là “Năm của cho” (giving year) để đổi lại rất nhiều thứ họ đã nhận được từ cuộc đời.

Phóng to
Ca sĩ opera Hàn Quốc Park Sung Min và nghệ sĩ piano Trang Trịnh - Ảnh: Nguyễn Á

Nhìn lại một năm, Park Sung Min tâm sự: “Năm 2012 chúng tôi đã nhận được rất nhiều: kết hôn và có nhiều ước mơ đã trở thành sự thật. Là một người đàn ông đã có gia đình, tôi cảm thấy tết không còn là nhận (nhận chúc phúc của cha mẹ, lì xì, ăn uống...) mà đã trở thành cho”.

London - Seoul - Hà Nội

Cuối tháng 2 tới, Trang Trịnh sẽ lưu diễn ở một số địa phương miền Trung, trong đó có Hội An và Đà Nẵng. Cô sẽ trình diễn ba bản sonate nổi tiếng của Beethoven: Bão tố, Bi thương và Ánh trăng. Không chỉ bằng những ngón tay lướt trên phím đàn, Trang còn muốn kể cho khán giả nghe câu chuyện cuộc đời của tác giả, những éo le trong giai đoạn đặc biệt 1796-1802 đã khiến Beethoven viết nên những giai điệu bất hủ ấy.

Park Sung Min và Trang Trịnh gặp và yêu nhau ở London (Anh) khi cùng theo học ở Học viện Âm nhạc hoàng gia. Ấn tượng đầu tiên với Sung Min là cô gái Việt Nam nhỏ nhắn chào anh bằng tiếng Hàn Quốc (an-nhơn-ha-xê-ô!), mà đâu có ngờ rằng “Trang cũng chỉ biết đúng câu đấy thôi”...

Sau khi kết hôn, quỹ thời gian của hai nghệ sĩ trẻ được chia giữa Seoul, Hà Nội và những chuyến lưu diễn, nhưng Hà Nội vẫn chiếm phần lớn nhất. Sung Min quyết định học tiếng Việt. “Là một ca sĩ opera, tôi phải học nhiều thứ tiếng: Pháp, Ý, Đức, Anh... nhưng tiếng Việt có đến sáu dấu khác nhau, mà tiếng Hàn của tôi không có dấu nên học khó ghê gớm, nhất là lúc mới bắt đầu” - Sung Min cho biết anh cố gắng hết sức dù “dấu cũng khó mà phát âm cũng khó, nhất là các âm có chữ “ng” như “ong” chẳng hạn.

Thế nhưng Trang và Sung Min đều xác định “hát tiếng Việt có lẽ là cách tốt nhất để đến gần với văn hóa Việt Nam, với hồn của tiếng Việt”. Khi hai người cùng tập, bản thân Trang cũng nhận ra nhiều điều. “Ngày xưa mình nghe bài hát tiếng Việt nhưng chưa bao giờ suy nghĩ về nó với tư duy của một nghệ sĩ sâu sắc như bây giờ. Tôi nhận ra cái hồn Việt và văn hóa người Việt thể hiện rất rõ trong âm nhạc.

Tôi giải thích cho Sung Min ngoài ý nghĩa văn học ra thì ngôn từ bài hát có ý nghĩa tâm linh như thế nào. Ví dụ trong tác phẩm Hà Nội niềm tin và hi vọng là tác phẩm đầu tiên Sung Min hát bằng tiếng Việt nhân kỷ niệm năm hữu nghị Việt - Hàn 2012 thì “mặt hồ Gươm” có ý nghĩa như thế nào với người Hà Nội, Đông Đô, Thăng Long có ý nghĩa thế nào”. Về phần Sung Min, anh cho biết: “Lần đầu tiên nghe bài hát này tôi đã mê rồi. Đó là một ca khúc cổ điển, trữ tình với giai điệu tuyệt vời, âm vực rộng”.

“Cô giáo” của anh thì đặc biệt cảm động khi nghe Sung Min hát “Hà Nội mến yêu của ta, thủ đô mến yêu của ta”. “Sung Min hát với cả tấm lòng và tôi cảm thấy đây thật sự là tình yêu của một người nước ngoài không kém gì tình yêu của người Việt dành cho thủ đô của chính mình. Tôi thấy mình như chiếc cầu nối giữa nền văn hóa Việt Nam và nền văn hóa Hàn Quốc, làm cho chồng mình hiểu hơn về con người của mình cũng như những người Việt Nam khác” - Trang tâm sự.

Kể lại câu chuyện của chính mình

Sung Min và Trang cùng chung một ước mơ: đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng. Sung Min bảo: “Nhờ Trang mà tôi có dịp được biểu diễn ở Việt Nam, đó quả là một may mắn lớn. Thường thì các nghệ sĩ nhạc cổ điển chỉ thích đi châu Âu, Mỹ hay những nơi có nền âm nhạc phát triển chứ ít ai mơ đến Đông Nam Á. Nhưng tôi nghĩ chúng tôi nên biểu diễn nhiều hơn ở khu vực này, đặc biệt là ở Việt Nam, để công chúng cũng có dịp thưởng thức âm nhạc cổ điển. Điều này tốt cho họ, mà cũng tốt cho cả nghệ sĩ nữa”.

Vợ chồng anh dạy đàn, hát cho trẻ em Hàn Quốc và Việt Nam, trong đó có cả những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Họ đang ấp ủ một chương trình biểu diễn chung vào mùa thu.

“Có lẽ chủ đề sẽ là “classic meets romance”, âm nhạc cổ điển gặp gỡ sự lãng mạn, với những tác phẩm cổ điển nổi tiếng về tình yêu. Chúng tôi muốn kể lại câu chuyện của chính mình và qua đó giúp cho nhạc cổ điển được sống động hơn với khán giả, có sự thật về tình yêu và sự lãng mạn trong đó chứ không phải là một thứ nhạc bác học khô cứng nữa” - Trang cho biết. Với nghệ sĩ trẻ đầy tâm huyết này, “mỗi chương trình ở Việt Nam vừa là một chương trình biểu diễn vừa là một dự án giáo dục”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận