Ai đã làm gì tuổi thơ ta?

DẠ NGÂN 11/07/2012 19:07 GMT+7

TTCT - Năm con bé học lớp 3, nó cười một đứa bạn không biết một con gà để tả. Con gà trong bài làm văn của đứa bạn ấy là con gà mua ở siêu thị Metro, một con gà chết, móng chân hồng hồng, mình mẩy trắng hếu và đầu vật sang bên.

Còn bài của nó, cô giáo khen nó tả con gà tre hết ý. May mắn của nó (nếu đó là may mắn) là vì nó ở chung cư cũ, người dân tầng một chiếm dụng công viên trước cửa để nuôi rất nhiều gà kiểng. Con gà tre trong lồng của một người cùng chung cư đã khiến cho bài văn của nó được đọc trước lớp.

Phóng to
Minh họa: Đỗ Trung Quân

Đến đề bài về cây lúa thì nó không còn may mắn nữa. Cô giáo biết đề khó nên nói trước để các trò chuẩn bị. Nó đòi mẹ chở đi ngoại thành. Người mẹ trẻ lâng lâng, hai mẹ con khăn nón rộn ràng, một buổi sáng cuối tuần hương đồng gió nội ngất ngây. Người mẹ rót cho nó một ít mật ký ức, nó kêu lên tuổi thơ của mẹ sướng quá.

Mẹ mà sướng à con? Người ta gọi thời đó là hậu chiến và thời bao cấp, tết nào hè nào ngoại cũng đẩy mẹ với cậu con về vườn của bà cố bắt ốc hái rau, soi nhái soi cóc, sình bùn từ chân tới đầu. Đứa con vẫn cả quyết: “Nhưng mà mẹ biết con gà với cây lúa”. Ừ, mẹ biết nhiều thứ thật, tất cả, những điều làm nên con người của mẹ bây giờ.

Năm sắp sang lớp 4, nó được ngoại cho về quê của ngoại. Quê của ngoại tức là nơi chôn nhau cắt rốn của ngoại, vườn hương hỏa nay thuộc về một người chị ruột của ngoại, hiểu không? Ngoại rời vườn nhà đi kháng chiến, rồi lên thành sau khi hòa bình, tuổi thơ của bà tươi tắn nhưng tuổi già thì có khác gì tuổi thơ của con, bà bị bao vây bởi những bức tường của đất Sài Gòn này, hiểu không?

Đường xa một ngày, bà ngoại tỉ tê trước với nó rằng quê của ngoại không còn gì đâu. Vườn tạp cỏ ống, có con vắt và con rắn chứ muốn thấy con cóc không dễ. Cánh đồng không có cây lúa cây bắp, người ta nói làm lúa không có lời, người ta trồng mía rồi để mía khô đốt luôn khỏi tốn công vì mía cũng rớt giá.

Quả đúng như ngoại phi lộ, vườn mênh mông cỏ, cây không một tiếng chim, nhà nào cũng chỉ người già qua lại với nhau, người trẻ ly hương hết rồi, ngoại nói ở đây giống một trại dưỡng lão ngắc ngoải. Mới sập tối, bà dì của nó đã bắt đóng hết cửa sổ cho đỡ muỗi. Không thấy nhà bà có con gà nào, bà nói ở đây trộm đạo dữ lắm, làm chuồng kiểu gì cũng bị chúng bắt.

Đề văn lớp 4 tả một chuyến đi, nó viết về quê của ngoại nó. Cô giáo phê sao em nói xấu nông thôn, nông thôn tươi đẹp lắm mà. Rồi là những đề bài “Hãy viết một lá đơn xin vào Đội thiếu niên tiền phong”, nó không phải bận tâm với con trâu hay cây bắp nếu cô giáo lại bắt nó quay lại đề bài tả con và tả cảnh.

Với những đề bài “Hãy viết lại cảm nghĩ của em về trận Điện Biên Phủ trên không”, hoặc là “Hãy viết một bức điện tín” thì mẹ nó đã mớm hết cho nó, coi như mẹ nó làm thay, nó không cần lo nghĩ nữa. Nhưng rồi hè đến, mẹ nó chạy đôn chạy đáo bạn bè có điền trang để nó được tạm rời cuộc sống bêtông hóa. Nhưng ba mẹ phải đi làm, con cái không dám gửi cho người ta, con sông cái vũng, cành cây và con ong con kiến, cuối cùng nó lại trở về với cái cũi bêtông để suốt ngày bị ngoại mắng sao cứ ôm tivi, sao cứ dán mắt vào iPad.

Nó thường nghe mẹ than thở với ngoại: “Ước gì mình có quê ở Gò Vấp hay Củ Chi để con của con được an toàn trong ngày tết với ngày hè, không bị nhốt như con khỉ”. Mẹ nó còn nói làm một đứa bé Việt Nam có thể không ghiền KFC, không mê phim 3D và mơ iPad nhưng phải biết con trâu và cánh đồng, tiếng chim và vòm cây, hạt thóc và mùi rơm. Nó vặn hỏi tại sao phải như vậy dù nó cũng cảm nhận lờ mờ rằng sâu xa nó rất thích những thứ ấy. Mẹ nó bảo khi nào lớn con sẽ nghiệm ra vì sao con cần chúng cho hành trang của mình.

Tuổi thơ của đứa bé ấy là cuộc sống bốn bề bêtông, là triền miên tất tả vật lộn đường sá trên yên xe máy với mẹ và là những đề văn không biết học chúng để làm gì. Nhất định nó sẽ vẫn chết thèm thiên nhiên, bóng mát và mọi thứ của đất nước mãi mãi là của nông dân và nông sản. Nhất định không bao lâu nữa nó sẽ ngậm ngùi cay đắng: “Ai đã làm gì tuổi thơ ta, những bài văn ấy và những mảnh vườn có mà không thể đi về ấy?”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận