Ai mua quan tôi bán quan cho!

DUYÊN TRƯỜNG 30/11/2016 19:11 GMT+7

TTCT - Thời gian gần đây, có ba vụ việc khiến cho thiên hạ xôn xao chưa dứt, bàn tán chưa thôi, luận bàn chưa kết!

Tranh: Lê Thiết Cương
Tranh: Lê Thiết Cương

Chuyện thứ nhất có tên phỏng theo một câu tục ngữ: “Một người làm quan cả họ làm quan”! Số là ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội), việc điều động sáu “con cháu các cụ cả” từ Ban quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn về làm việc tại các cơ quan huyện giúp người ta phát hiện thêm rằng huyện này có 13 phòng ban, thì đã có đến hơn chục cán bộ có dây mơ rễ má cùng nhau.

Cụ thể là, có mấy người gọi hai ông phó chủ tịch huyện là cha, có mấy người gọi ông bí thư huyện là cháu, là em họ, là anh họ, là chú ruột, là cha chồng, là bác sui gia, riêng đồng chí trưởng ban tổ chức huyện ủy thì gọi bí thư huyện ủy là anh!

Có thể hình dung không khí hội họp và làm việc tại huyện này hẳn là hết sức đầm ấm, vô cùng tình thương mến thương!

Chuyện thứ hai, tựa là “bổ nhiệm quan nhiều là vì nhân dân”, căn cứ theo phát biểu của một người trong cuộc, tức từ một vị tiền nhiệm đã để xảy ra cơ sự này. Ấy là tại Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Hải Dương, với 46 công chức, thì có 4 vị lãnh đạo sở, có 9 vị trưởng phòng ban chuyên môn, và có đến 31 vị là phó trưởng phòng ban.

Hầu hết các phòng ban nơi này có từ ba đến năm vị cấp phó. Nếu một số thủ phó đang phải làm luôn chuyện đưa công văn, đun nước, pha trà thì xem ra hai vị chuyên viên còn lại của sở vốn đã thuộc vào loại quý hiếm, càng đáng được nhiệt liệt biểu dương vì đã “gánh vác” sự nghiệp chung với một tinh thần trách nhiệm ắt là rất cao, rất rất cao!

Chuyện thứ ba, có thể đặt tên theo cách nói của một đại biểu Quốc hội là “chuyến tàu vét”.

Đó là khi Thanh tra Bộ Nội vụ kiểm tra công tác cán bộ tại Thanh tra Chính phủ, thấy có vị nguyên tổng Thanh tra Chính phủ đã dồn dập bổ nhiệm trước khi về hưu đến 11 cán bộ cấp vụ, 24 cán bộ cấp phòng mà không thực hiện điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu trong bối cảnh một số nơi vẫn thừa cấp phó, vẫn bổ nhiệm cán bộ cấp phòng trong vụ, và có trường hợp bổ nhiệm vụ phó “phụ trách” vụ trong khi vẫn còn vụ trưởng...

Nếu làm bài toán lấy 35 chức danh bổ nhiệm chia đều cho 6 tháng cuối nhiệm kỳ, trung bình cứ mỗi tháng phải công bố từ năm đến sáu quyết định, đó cũng là một kỷ lục không thể xem thường!

Thật ra, những chuyện giống vậy ở xứ ta nào phải là ít! Có bộ, con trai bộ trưởng liên tục mấy lần được giao làm lãnh đạo chủ chốt cấp cao của mấy tổng công ty do bộ chủ quản. Có tỉnh, tại một sở có đến tám phó giám đốc sở. Có huyện, bà chủ tịch có chồng là trưởng ban quản lý dự án...

Tất nhiên, khi trả lời trước công luận, công thức “ba đúng ba quy” (đúng quy trình, đúng quy hoạch, đúng quy định) vẫn được nhắc đi nhắc lại như là tấm bùa hộ mệnh, kèm theo những lý do hết sức “khách quan”: do trùng hợp ngẫu nhiên, do yêu cầu công việc, do quần chúng tín nhiệm, do cán bộ xứng đáng...

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!

Ai mua trăng tôi bán trăng cho

Lời rao này là của Hàn Mặc Tử. Lời rao ấy khiến Hàn Mặc Tử trở thành bất tử, có thể vì đây là... người đầu tiên kinh doanh trăng! Nắm được cái nhu cầu phổ biến ai ai mà không mê đắm chị Hằng, ông đã thúc đẩy trong thiên hạ một ham muốn ngông cuồng: được sở hữu nàng Nguyệt! Vấn đề đáng suy ngẫm là ở chỗ, ông rao bán trăng ngay cả trong lúc không hề có trong tay quyền sở hữu trăng!

Nghĩ mà xem, toàn bộ hệ thống các chức vụ/ chức danh từ trên cao đến dưới thấp là tài sản của ai? Trong bản chất, đó chính là tài nguyên chính trị của đất nước!

Nguồn của cải này, nếu được phân phối và sử dụng một cách có kiểm soát bằng sức mạnh của pháp luật và nền chính trị vững mạnh theo một chiến lược nhất quán, công bằng, hợp lý, tối ưu sẽ tạo nên sức mạnh phát triển, đưa đất nước tiến lên những tầm vóc mới!

Thực tế lịch sử đã chứng minh thời nào triều nào vua tôi đồng lòng, trên chính dưới nghiêm, pháp bất vị thân, chức không mua bán... thì chống được ngoại xâm, đất nước hưng thịnh, dân chúng an vui.

Bằng như, nguồn tài nguyên ấy vốn là tài sản quốc gia, bỗng dưng biến thành cơ hội trục lợi cho một cá nhân, một gia đình, một dòng họ, một nhóm lợi ích thì ắt sẽ là mầm loạn! Người bán chức để cầu lợi riêng. Người mua chức để kiếm quyền, có quyền rồi lại tiếp tục bán quyền bán chức để cầu lợi riêng! Cái lợi cái danh ấy kết lại tầng tầng lớp lớp sớm muộn gì cũng tàn phá cơ đồ của cha ông!

Có phải nhiều thứ đang được mua đi bán lại đúng như mô hình kinh tế học: cung và cầu? Về phía cung, người bán cần tranh thủ bán khi còn kịp quyền chức, và để bán được nhiều cần có nhiều thứ để bán: thêm cấp phó, lập phòng trong vụ, tách một cục thành hai cục, tái cấu trúc bộ máy...

Về phía cầu, người mua phải tìm cách mua bằng mọi cách: trước là phải chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy chức danh để đủ điều kiện “tham gia thi đấu”, sau đó là chạy chức chạy quyền bằng cách trao đổi có khi là tiền, là gái, là bất động sản, là tình máu mủ, là quan hệ thế lực...

Kết quả của những cuộc mua bán ấy luôn nảy sinh những nhóm lợi ích gắn bó máu thịt vì quyền lợi riêng có thể đảo điên thế sự, khuynh loát thời cuộc!

Không! Không! Không! Tôi chẳng bán hòn Trăng

Tôi giả đò chơi, anh tưởng rằng

Tôi nói thiệt, là anh dại quá:

Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang

Hóa ra, nhà thơ rao trăng bán trăng chỉ là chuyện giả đò, chuyện giỡn chơi!

Nhưng còn chuyện mua quan bán chức, dứt khoát không thể là chuyện đùa, nhất định không phải chuyện chỉ để nói cho vui!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận