Ai trả lời được câu này?

NGUYỄN LỆ BA 31/10/2013 04:10 GMT+7

TTCT - Những người thường xuyên ra vào bệnh viện không mấy ai không biết đến loại hình dịch vụ khám chữa bệnh mang danh “xã hội hóa”.

Lằng nhằng xã hội hóa y tế

Phóng to
Với rất nhiều người, bảo hiểm y tế giúp họ trang trải gánh nặng chi phí khi bệnh tật

Đây là một cách để triển khai những kỹ thuật điều trị cao, tận dụng nguồn vốn của xã hội và trình độ chuyên môn, tay nghề của đội ngũ cán bộ y tế nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh của những nhóm đối tượng khác nhau.

Lợi... thì có lợi

Lợi ích của hình thức xã hội hóa y tế đã được nhìn thấy rõ ở nhóm người có thu nhập và vị trí cao trong xã hội. Ở đó, họ được chăm sóc y tế tốt hơn, nhanh chóng, thuận tiện và chu đáo hơn với những tiến bộ mới của y học và đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao...

Bên cạnh những lợi ích này, những đối tượng người nghèo, những người khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế thì lại nảy sinh những vấn đề khác, những thiệt thòi, những sự phân biệt đối xử gây nhiều hiểu lầm. Và những hệ lụy không đáng có về lòng tin của người dân trong việc tham gia đóng bảo hiểm y tế, một chủ trương lớn mà Nhà nước đang ra sức vận động nhân dân tham gia.

Đối với một bệnh nhân ung thư nghèo, nếu không dựa vào bảo hiểm y tế thì bản thân họ và gia đình không thể nào đủ tiền để điều trị căn bệnh nhiều tốn kém này. Ở tuổi nghỉ hưu, sẽ là công bằng và hợp lý nếu sau mấy mươi năm tham gia đóng bảo hiểm, họ được quyền thừa hưởng những gì đã góp vào cùng xã hội trong hình thức tương trợ đầy tính cộng đồng và nhân văn này.

Những năm trước, khi cần thực hiện các xét nghiệm sinh hóa hoặc chẩn đoán hình ảnh, bệnh viện thực hiện khá nhanh chóng và thuận tiện cho bệnh nhân, dù là khám và điều trị do bảo hiểm y tế chi trả.

Cách đây một tuần, người thân của người viết bài này đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM làm xét nghiệm và khám định kỳ sáu tháng/lần theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Sau khi nộp hồ sơ xin siêu âm toàn thân, bộ phận chuyên môn hẹn năm ngày sau mới có thể thực hiện được công việc này.

Từ Đồng Tháp lên TP.HCM khám bệnh, việc ở lại năm ngày quả là mệt mỏi và tốn kém cho người bệnh. Thế nhưng khi trình bày nguyện vọng muốn được siêu âm sớm hơn, người trong bệnh viện đã mách: Nếu sử dụng “dịch vụ” thì sẽ được giải quyết ngay vào sáng sớm hôm sau! Có những điều bệnh viện nên giải thích để bệnh nhân khỏi thắc mắc: Cùng cơ sở vật chất trong bệnh viện, sao lại có sự khác biệt như thế?

Bài toán và lời giải

Là giáo viên đã nghỉ hưu nên bệnh nhân đã cân nhắc: năm ngày ăn ở tại TP.HCM tốn ít nhất 1 triệu đồng, cộng thêm thuốc đặc trị mua bên ngoài trong thời gian chờ đợi bác sĩ duyệt đơn thuốc 375.000 đồng nữa, vị chi 1.375.000 đồng. Nếu đồng ý làm siêu âm “dịch vụ” chỉ tốn 300.000 đồng và chỉ mất một ngày chờ đợi! Dù muốn dù không, bệnh nhân cũng phải làm một bài toán và cuối cùng là chọn sử dụng dịch vụ y tế xã hội hóa vì có lợi hơn về tiền bạc, thời gian, sức khỏe...

Nếu hỏi ai có lợi trong chuyện này, dĩ nhiên câu trả lời sẽ là mọi người! Bản thân bệnh nhân tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng và năm ngày chờ đợi mệt mỏi. Bệnh viện có thêm nguồn thu không nhỏ từ dịch vụ. Phía bảo hiểm y tế bớt đi một lượt chi trả, một mối lo mà họ vẫn than thở hằng ngày là thua lỗ do thu không đủ chi... Tuy nhiên, bệnh nhân và gia đình không có sự lựa chọn.

Bệnh viện không hề từ chối khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế và chỉ hẹn theo lịch làm việc. Dịch vụ y tế xã hội hóa cũng không có tội, ở đây cũng không có dấu hiệu móc ngoặc hay o ép bệnh nhân. Đây là sự chọn lựa tự nguyện của bệnh nhân, một sự chọn lựa khá đau lòng khi phải móc từ túi những đồng tiền ít ỏi từ lương hưu trong lúc họ vẫn tin tưởng và trông cậy vào sự bảo bọc của xã hội qua hình thức bảo hiểm y tế...

Ai cũng có lợi trong chuyện này, vậy ai là người chịu thiệt? Có lẽ là lòng tin mà cái này thì... trừu tượng nên chẳng đáng quan tâm chăng?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận