Âm nhạc phải đâu chỉ ở nhà hát

DANH ĐỨC 17/10/2018 02:10 GMT+7

TTCT - Có lẽ Pháp là một trong những nước - có đến hàng mấy chục nước chứ không ít đâu - mà chuyện nghe và biểu diễn nhạc, từ đại chúng tới hàn lâm, là một lạc thú trần đời.

Thời buổi này âm nhạc không thể chỉ ở trong nhà hát. Ảnh: LA Times
Thời buổi này âm nhạc không thể chỉ ở trong nhà hát. Ảnh: LA Times

 Biểu diễn (trình độ) cỡ nào cũng có chỗ và có người nghe, từ ngoài phố, công viên, hầm metro tới trong nhà thờ, nhà hát lớn nhỏ...; và nghe cỡ nào cũng có, từ miễn phí đến đặt mua vé trước cả nửa năm!

Nghe miễn phí mà vẫn chất lượng mọi nơi, mọi lúc là trên radio, mà ngày nay là qua các ứng dụng (app) điện thoại. Âm nhạc trên đài và các kênh riêng, tất nhiên là mọi thể loại, muốn nghe gì có nấy, từ nhạc thính phòng, nhạc đại chúng theo thập niên, rock đủ loại, cho tới nhạc nhà thờ cổ điển và hiện đại. Tất cả đều phát và truyền bằng kỹ thuật số, nên “rõ như pha lê”.

Xem và nghe miễn phí thời đại này càng “khỏe”. Có “ghiền” hay lâu lâu muốn tự “dẫn nhập” vào nhạc cổ điển, thì ôi chao ơi, có cả lô kênh YouTube các nhà hát, dàn nhạc giao hưởng, dòng nhạc để nghe và xem. Chỉ cần có Internet và một loa thanh re rẻ - cũng là “âm thanh nổi” rồi. Dàn nhạc giao hưởng Berlin nổi tiếng liên thế kỷ giờ cũng chỉ là một app gọn xinh, luôn có những buổi diễn cũ miễn phí và những buổi diễn mới có trả tiền.

Ví dụ, chủ nhật 14-10 tới sẽ là buổi diễn của Jakub Hrusa và Frank Peter Zimmermann với chủ đề “Một buổi tối nhạc Czech” với các bậc thầy Dvorak, Martinu, Janacek, chất lượng video HD. Còn miễn phí thì xin mời “Dàn nhạc giao hưởng Berlin lưu diễn châu Á”.

Sáo của Michael Hasel Tatu, kèn horn của Sarah Wills... Muốn nghe trình bày lại kiểu jazzy các ca khúc pop đương đại thì có Postmodern Jukebox với hàng mấy trăm ban nhạc và ca sĩ theo dòng jazz... Muốn mãn nhãn balê thì có sẵn “Royal Opera House” của Hoàng gia Anh với Vũ đoàn hoàng gia, sao mà kể xiết! Nếu ai có dàn nghe nhìn “hi-end” giá vài tỉ đồng (số này bây giờ... hơi bị đông) thì coi như có sẵn nhà hát giao hưởng ở nhà!

Ngoài trời thì “xin mời”, chẳng phải đăng ký, kê khai, xin phép xin tắc gì ai cả, cứ tự nhiên vác đàn, sáo, trống ra mà khảy, mà thổi, mà gõ, mà hát. Từ Tây Ban cầm tới Hi Lạp cầm (bouzouki), Nga cầm (balalaika), từ Ấn cầm (sitar) tới sáo xứ Andes (ocarina)..., thôi thì thiên hình vạn trạng.

Muốn chơi nhạc, hát nhạc gì tùy, miễn thu hút được người nghe và... cho tiền. Tự kiểm soát nội dung và cách trình diễn, cho dù có vẻ “hát rong”, song ít nhất cũng có một tối thiểu văn hóa - không đo bằng trình độ cấp mấy hay bằng cấp gì mà là sự hiểu biết và cách thể hiện trước công chúng sao cho thích hợp.

Nếu muốn nghe nhạc sống, rảnh thì đăng ký trước vài tháng, biết bao nhà hát. Riêng ở Paris, Opera Bastille, Palais Garnier, Salle Gaveau, Châtelet... Còn muốn nghe nhạc “cổ kính” thì các nhà thờ lớn, nhỏ khắp nước Pháp thường mở rộng cửa tối thứ tư cho một buổi trình diễn, lớn có, nhỏ có, có khi bán vé ở cửa, có khi “bỏ giỏ”.

Còn nhớ, những năm 1970, nhà thờ Đức Bà Paris 4 rưỡi chiều chúa nhật trình diễn đàn đại phong cầm (grandes orgues), mỗi tuần với một cầm thủ “quản” (titulaire) tại một nhà thờ nào đó biểu diễn. Cả ngàn khán giả xoay ghế về phía cửa, nhìn lên tầng ca đoàn và đàn nhà thờ để “ngó” cầm thủ, quay lưng lại bàn thờ, có người mang theo tập nhạc để dò, “học nghề”!

Tất cả những “thiên đường” nghe và xem đó sở dĩ đầy dẫy và phong phú là do hai yếu tố không thể không có (sine qua non): cung và cầu. Số người chơi nhạc “đông như quân Nguyên”, số người nghe nhạc đông như sao trên trời, nên mới có chừng đó chỗ để trình diễn và chừng đó người đến nghe.

Muốn đủ cung - cầu đó, phải từ giáo dục. Ở Pháp, hiển nhiên là người ta dạy “chán chê”: không một học sinh nào không học và nghe nhạc, không một trò cấp 3 nào không “tụng” hết mấy quyển kịch của Corneille, Racine, Molière... Từ đó hình thành một nhu cầu nghe - xem từ nhỏ, và một nhu cầu thể hiện, nếu có khả năng.

Các nhà hát chỉ tồn tại khi mở cửa thường xuyên, và chỉ mở cửa được khi xã hội đã đào tạo đủ và dư người biểu diễn, và người biểu diễn chỉ sống được khi xã hội đông đảo người nghe và xem. Các nhà hát không thể chỉ sừng sững như một tòa kiến trúc lạ kỳ, đắt đỏ. Sự tồn tại của nó là nhờ hằng tuần có bao nhiêu buổi diễn. Đó là chưa kể thời buổi này, âm nhạc đâu còn chỉ ở nhà hát! ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận