Ăn chậm ở nước Mỹ

TÔ VÂN NGA 26/02/2014 00:02 GMT+7

TTCT - Trong khi Việt Nam vừa mở cửa đón nhận những chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh thì ở Mỹ, nơi sản sinh ra những thương hiệu này, người dân lại phát triển khuynh hướng ngược lại: chọn cách ăn chậm và nấu ăn từ nguyên liệu tươi sống.

Châu Á "nghiện" thức ăn nhanh hay muốn sành điệu ?
Thức ăn nhanh: người lớn lây nghiện cho con trẻ?

Vợ chồng anh Randy và chị Suanaree (ở Pensacola) nấu ăn đãi khách - Ảnh: L.N.M.

Từ nhanh qua chậm

Món ăn chậm là những món ăn mà người ta không lấy ra từ các hộp hoặc túi để bày lên đĩa ăn liền. Ở Mỹ, bạn có thể thấy cảnh nhiều người ăn sáng trên xe buýt với vô khối những món ăn như thế. Món ăn từ nguyên liệu chưa chế biến là những món đòi hỏi có thời gian nấu từ đầu thay vì mua những nguyên liệu đã được sơ chế.

Ví dụ để nấu nước dùng gà, bạn sẽ lọc thịt gà lấy xương và hầm lấy nước ngọt thay vì dùng viên Knor vị thịt gà. Có lẽ món ăn chậm và món ăn từ nguyên liệu chưa chế biến là món ăn không chứa hoặc chứa ít chất bảo quản, giữ được hương vị tự nhiên, ít dầu mỡ và ít tính thương mại so với thức ăn nhanh và thức ăn nấu từ thực phẩm sơ chế.

Bạn có thể kiểm soát được sự tươi ngon và dinh dưỡng thực của những gì sẽ đưa vào bụng, những gì sẽ trở thành một phần cơ thể mình.

Dường như ở Mỹ những người hưởng ứng phong trào món ăn chậm nhiều nhất là những người có điều kiện để tâm đến sức khỏe hơn và sẵn sàng bỏ nhiều tiền để mua rau tươi quả sạch từ những trang trại địa phương, học hỏi những văn hóa ẩm thực mới tự nhiên và tốt cho sức khỏe.

“Ngay từ nhỏ, khi đi ăn nhà hàng, tôi đã cho con trai tập ăn các món ăn người lớn dù có nhiều rau, gia vị như ớt, cà ri, hành, sả thay vì món ăn trẻ em mà phần lớn là thức ăn nhanh như gà chiên, pizza, khoai tây chiên” - cô Eva, một người gốc New York làm việc cho dự án phát triển kinh tế của Anh tại Liberia, Tây Phi, cho biết.

Cô thường xuyên đưa con trai mình là Brook, 8 tuổi, đến tham gia lớp học nấu ăn món Việt Nam tại thủ đô Monrovia nơi cô và gia đình đang sống.

Trọng hương vị tự nhiên

Thức ăn chậm ở Mỹ một cách nào đó vẫn là sự sang trọng về thời gian, mang một ý nghĩa đặc biệt cho bữa ăn. Hôm đầu về gia đình chồng ở Mỹ, tôi được chào đón với món pizza gọi từ nhà hàng vì gia đình bận đi đón chúng tôi ở sân bay. Sau đó, gần như hằng ngày mẹ chồng tôi nấu bữa ăn ba món (rau trộn khai vị, món chính và tráng miệng trái cây tươi trộn hoặc bánh ngọt).

Gia đình vui như hội và tôi hiểu rằng ở một đất nước văn hóa công việc như Mỹ, nếu bạn được nấu cho ăn gần như hằng ngày có nghĩa là bạn được đặc biệt yêu quý.

Ở Việt Nam, vào những dịp lễ tết hay nhà có khách, các mẹ, các chị thường nấu những bữa cỗ năm bảy món cầu kỳ từ nguyên liệu tươi. Bữa ăn ngày thường luôn có canh rau, cơm, dưa cà và món mặn như thịt, cá. Nếu bạn có thể nấu khoảng bốn món đãi gia đình hoặc bạn bè ở Mỹ mỗi ngày, bạn sẽ thật sự làm được điều bất ngờ thú vị.

Gia đình chồng và nhiều bạn bè ở Mỹ của tôi thật sự rất mê những món ăn “siêu chậm” và hương vị tự nhiên ba miền của Việt Nam như: phở, bún riêu làm từ đầu tôm hùm thay vì cua đồng; gỏi cuốn tôm thịt; rau thơm; gỏi xoài; chả cá; gà kho gừng tươi, nước mắm; nộm hoa chuối, canh chua cá... Mẹ chồng tôi không chỉ thích, bà còn ghi lại công thức nấu những món này để tự nấu.

Dù sao có thể nói thức ăn nhanh vẫn chưa ở giai đoạn thoái trào tại Mỹ vì các thương hiệu ăn nhanh vẫn nhan nhản khắp nơi. Nhưng có lẽ sau một thời gian dài sử dụng thức ăn nhanh, nhiều người Mỹ đã ngộ ra và chuyển sang khuynh hướng chọn món ăn chậm và món ăn dùng nguyên liệu chưa qua sơ chế.

Vì thế, những tập đoàn thức ăn nhanh ở Mỹ nhận ra sự sống còn phải phát triển, mở rộng ra nước ngoài, ngay cả tại những thị trường có nền văn hóa ẩm thực nổi tiếng về hương vị tươi ngon, tự nhiên, tốt cho sức khỏe như món ăn Việt Nam.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận