Ăn Tết nơi rừng giáp biển

LÊ MINH NHỰT 24/02/2015 21:02 GMT+7

“Nghe” mùi gió thốc lên qua kẽ hở sàn nhà, thêm mấy tấm rèm cửa giũ phần phật, dân nơi rừng giáp biển biết gió chướng vừa về tới.

Trẻ em nô đùa trong những ngày giáp tết ở phường Mũi Né, Phan Thiết - Ảnh: Hữu Thành

Ở xứ này người ta nói đất biết nở qua từng năm. Bằng chứng là năm nay mấy cây trụ đỡ sàn đã lún xuống thêm vài phân. Chuyện đất nở theo từng năm chắc chỉ là chuyện vui, vì nhìn dòng phù sa ngầu đục kia cứ mỗi đợt nước lên chắc chắn sẽ để lại trên bờ vài lượt phù sa. Giẫm lên lớp phù sa mới tinh đó, nghe như có tiếng cựa quậy của hạt phù sa vừa rứt mình ra khỏi bến sông trước nhà vào mùa trước, nay đã về lại sau bao bận lênh đênh.

Mùa chướng là mùa dư dật gió. Trong luồng gió chướng người ta ngửi được cả mùi nôn nao tết. Gió chướng vừa về, có bà già chép miệng: ngoảnh đi ngoảnh lại sắp tới Tết nữa, nhanh thiệt. Cũng bà già ấy, như sợ mình lầm, bèn dụi mắt mấy lần nhìn ra đoạn bờ đất gió đang tung bụi phèn mù mịt: thấy rõ ràng hàng so đũa đã lợp dày những mớ bông trắng phau. Mấy đứa nhóc tì làn da mốc cời cũng chạy ra hít hà mùi gió với một kiểu cách vừa đủ lộ liễu để cho người lớn nhìn thấy: vân vê vạt áo đã bạc phếch nước mặn của mình ý như than thở: sao tự dưng thèm đồ mới quá ta ơi!

Vài cây dừa hiếm hoi trồng ở bờ liếp cao ráo nằm giữa vuông may mắn không bị nước mặn hỏi thăm, qua một mùa mưa bị bỏ quên đã khoe những buồng tròn trịa trái. Dừa ở xứ nước mặn nên trái cũng khiêm tốn, như chỉ dám rón rén lớn lên từng chút một. Mấy buồng dừa ngoài liếp đó là của để dành, chỉ được hái xuống lúc trái gần rám da, đúng cữ sên mứt vào dịp tết.

Mứt này không phải mua ngoài chợ đâu nghen, mấy cây dừa trồng ngoài vuông đó!” - chủ nhà nhón tay đưa cho khách cọng mứt dừa trắng muốt, mỏng manh. Khách ra bộ khách sáo thì chủ nhấn giọng: “Ăn thử coi!”. Ăn thử tức là... ăn thiệt, thiệt lòng thiệt dạ; coi là coi tài nghệ làm mứt của chủ nhà, chuyện này là coi gần, còn coi xa là coi giữa tứ bề nước mặn như vầy mà tui vẫn trồng được mấy gốc dừa... Nói theo kiểu truyền thông đại chúng bây giờ là “biết thích ứng với biến đổi khí hậu” (!). Không phải chủ nhà nổ dàn trời mây trong khi chỉ có mấy trái dừa nhỉnh hơn cái chén ăn cơm. Chỉ là bụng thiệt tình, nghĩ sao thì miệng nói vậy mà thôi. Vài cây dừa ấy như đang nuôi nỗi nhớ về một miền nước ngọt xa xăm nào đó, thỉnh thoảng dịu dàng lướt qua trên đầu lưỡi của dân vùng nước mặn.

Món thường trực trong ngày tết ở nơi rừng giáp biển so với những nơi khác cũng không khác mấy: cũng thịt mỡ, dưa hành, bánh tét thay cho bánh chưng... Mấy món ấy tuy thường trực nhưng không phải là món chủ lực. Món chủ lực là mấy món cây nhà lá vườn của xứ biển, làng rừng. Sò huyết, ốc len “rọng” túi lưới để dưới gốc mắm ngoài bãi. Hàu nằm xếp lớp ở miệng cống vuông. Keo ba khía muối, mắm chua cá cơm để trên gác bếp...

Dĩ nhiên không thể thiếu món khô các loại: tôm khô khoe sớ thịt đỏ au; khô mực, khô cá đuối được phơi nắng ngay khi tàu vẫn còn lắc lư giữa biển... tất cả đều chính cống là hàng tự sản tự tiêu. Riêng cặp dưa hấu chưng trên bàn thờ thì chịu thua, phải đón ghe hàng đi ngang để bưng lên nhà.

Dường như cả năm chỉ đợi có mùa Tết, lũ lượt ghe hàng bông chất nghễu nghện sắc màu rủ nhau kéo về xứ rừng. Thời buổi này xuồng ghe chỉ mất vài tiếng là đã “phụp” vô xứ rừng, cũng không còn cảnh chiếc trước chiếc sau đủng đỉnh hò ơ Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi/ Khúc sông này bờ bụi khó qua như hồi xửa xưa. Trên những khúc sông qua, thỉnh thoảng ghe hàng lại tấp vào một bến bờ um tùm xanh đước, nhìn kỹ mới thấy có chiếc cầu thang mòn lẵn chân người chìa ra mé sông thay cho cái ngoắt tay. Vàng mai cúc, đỏ trạng nguyên, sặc sỡ mồng gà... được bê lên ngắm nghía tại chân cầu. Ít đôi co giá cả. Tết nhứt mà, ai lại nỡ đi mặc cả với niềm vui tự dưng tìm đến trước cửa nhà mình.

Chợt nhớ cái Tết cuối cùng được “ăn ké” tại quê biển, trong đám người đang uống “chuyền nhông” ở căn chòi vá lưới, một giọng của ai đó cất lên đầy “màu mè”: “Mấy con khô này cầm trên tay thì sực mùi sóng biển, nướng lên lại dậy mùi nhớ đất liền của mấy tay ngư phủ vẫn còn lênh đênh ngoài kia từ trước đêm giao thừa!”.

Chưa say nhưng chẳng ai để ý: ly rượu trên tay thiếu phụ chỉ chạm hờ vào môi, sau đó đã đặt xuống. Mắt thiếu phụ dõi về hướng biển, gửi ngược chiều cơn gió chướng nỗi rưng rưng về đâu đó giữa trùng khơi...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận