Anh chủ hiệu lồng đèn

NGUYỄN THÀNH CÔNG (CÀ MAU) 10/09/2011 10:09 GMT+7

TTCT - Thành phố mới, đi lên từ thị xã nhỏ miền sông nước. Một vài con đường đã rất đẹp, nhiều nơi đang xây dựng ngổn ngang…

Phóng to
Minh họa: Đỗ Trung Quân

Qua cây cầu mới, đổ xuống gặp đèn xanh đèn đỏ. Một dãy phố sầm uất đầy ắp hàng hóa, bên kia đường là bưu điện cổ kính.

Hằng ngày đi làm hai lượt ngang qua dãy phố ấy, song chưa ghé mua bán gì. Nhưng cảm giác thật thân thuộc. Người ta bày hàng ra cả vỉa hè, vui mắt. Vỉa hè được lát bằng một thứ gạch vàng óng, đẹp tuyệt.

Chiều hôm qua mẹ sai đi mua cái lồng đèn cho cháu, mà mẹ lại dặn dò quá kỹ lưỡng: to như thế nào, màu gì, tua đỏ ra sao…

Thương mẹ, thương cháu, mình lòng vòng mấy con phố tìm cho bằng được chiếc lồng đèn ấy. Mệt xỉu, chẳng thấy ở chỗ nào bán đúng như thế.

Không hiểu sao, cuối cùng lại tìm đến đúng dãy phố thân thuộc ngày hai lượt ngang qua, nơi người ta bày hàng tràn ra cả vỉa hè. Đi đại vào tiệm có người đàn ông hiền lành ngồi trên chiếc ghế đẩu trước hiên, và thấy ngay chiếc lồng đèn đúng theo ý mẹ, cứ như vừa khít! Người chủ hàng bỏ chiếc lồng đèn vào thùng, còn mình mê mải ngắm các kệ hàng đầy ắp. Bâng quơ nói chuyện, anh chủ bảo: “Mai mốt có mua, anh nhớ đến giúp nhé!”. Lẽ ra có thể nhìn bảng hiệu, mình lại hỏi luôn trước khi lên xe: “Ở chỗ này gọi là gì anh?”, anh chủ nói với theo khi xe mình đã chuyển bánh: “Đức Phát!”. Không hiểu sao anh còn nói với thêm lần nữa: “Dãy này toàn là Phát, mà chỗ mình là Phát đầu tiên”, lúc ấy mình chẳng hiểu gì cả.

Sáng nay đi làm liếc nhìn chỗ ấy một cái, thấy ngờ ngợ. Chiều chạy xe chậm chậm ngang, nhìn kỹ hơn dãy phố thì vỡ ra: à, Toàn Phát, Thịnh Phát, Tấn Phát, Tài Phát… và chỗ hôm qua là Đức Phát, vị trí đầu tiên tính từ cầu đổ xuống. Anh chủ ghê thật đấy, anh ấy muốn nói: nhiều thứ phát, nhưng Đức Phát - đạo đức, sự thịnh về đạo đức, là đầu tiên!

Có vẻ anh chủ không nói bâng quơ đâu.

Mình nghĩ suốt về cái dáng hiền lành của anh ấy và vỡ ra: ai nói thương buôn chỉ biết có tiền, họ cũng thâm thúy lắm.

Trung thu đến rồi, chiếc lồng đèn đẹp của cháu có một kỷ niệm mà chỉ mình và anh chủ hiền lành ấy biết.

Anh ấy vẫn ngồi trước hiên, ở dãy phố có vỉa hè lát gạch vàng óng và hàng hóa cứ tràn ra…

Vỗ về hương thị

Buổi trưa, đang phóng xe ào ào để trốn cái nắng gay gắt Sài Gòn, mũi chợt bắt được mùi hương từ những mẹt quả vàng ươm bên đường. Như có một cơn chấn động nhẹ xốn xang trong lòng. Bất giác xe cũng chậm lại. Mùi hương quen quá. Cả một miền ký ức tuổi thơ bỗng chốc tràn về cùng một mùi hương.

Ngày ấy tôi ở với bà ngoại. Làng tôi và tất cả những làng quanh đấy đều không trồng thị. Bởi đứa trẻ ham chơi ngày ấy là tôi lông bông khắp xóm, chẳng trông thấy cây thị bao giờ. Nhưng cứ đến ngày lễ hằng năm của xóm đạo trong làng là lại có những bà những chị không biết từ đâu đến đội những thúng, mẹt đầy thị thơm ngồi bán hai bên đường làng. Lúc ấy cũng vào dịp Trung thu. Nếu là ngày thường trẻ con chúng tôi chẳng đứa nào có lấy một đồng bạc lẻ nhưng những ngày này thể nào cũng xin bà, xin mẹ bằng được một trăm, hai trăm lẻ. Thị chỉ một trăm, hai trăm đồng một quả nhưng cũng chỉ đủ tiền mua một quả thôi. Trẻ con như tôi hồi ấy chỉ cần cầm cái rọ nhỏ đựng quả thị to bằng nắm tay là thấy như đủ cả niềm vui ngày lễ. Rồi so xem thị của đứa nào to hơn, thơm hơn. Thị càng to thì càng oai, càng thích. Nhảy chân sáo xách cái rọ thị về nhà, xin bà một sợi chỉ rồi treo lủng lẳng ngay cái cây cột giăng màn (mùng), thi thoảng cũng chỉ rỏn rẻn cầm lên ngắm rồi ra sức hít hà. Nâng niu như thể đó là cục vàng, là của quý.

Đến lúc vào lớp 1, tôi theo bố mẹ vào Nam. 18 năm sau, tôi ngây người nhìn những mẹt thị phơi dưới nắng trưa giữa dòng xe cộ ngược xuôi, mịt mù khói bụi của Sài Gòn, mũi cố hít căng ngực mùi thơm nức lòng ấy. Không ít người tấp vào mua. Những trái thị tròn tròn, nhỏ xinh, thơm ngào ngạt như dụ dỗ. Lại như có vị cổ tích. Và cũng có không ít những kẻ như tôi, say say khi hít hà hương thị như tuổi còn thơ. Sài Gòn thi thoảng cũng biết cách vỗ về lòng người tha hương với những món quà quê dịu ngọt như thế.

TTCT cảm ơn các bạn: Lê Thị Hoàng Yên, Ngọc Hóa, Kim Tuyến, Việt Hải, Nguyễn Thanh Bình, Trần Như Quỳnh... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận