“Ao làng” vẫn đáng xem

HUY ĐĂNG 30/04/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Đấu trường SEA Games có thể ngày càng nhạt dần trong mắt người hâm mộ, nhưng với cộng đồng thể thao của khu vực, kỳ đại hội Đông Nam Á vẫn là sân chơi vừa sức nhất.

Một tuần trước khi SEA Games 31 khởi tranh, báo chí khu vực tỏ ra khá sôi nổi khi bình luận về cơ hội của các đoàn thể thao nước mình (SEA Games 31 khai mạc ngày 12-5, và môn bóng đá thi đấu sớm nhất từ ngày 6-5).

 
 Sự vắng mặt của Tú Chinh là nuối tiếc lớn của SEA Games 31. Ảnh: Nguyễn Khánh

Truyền thông khu vực quan tâm SEA Games

“Điền kinh Singapore sẽ hồi sinh ở Hà Nội” - tờ The Straits Times của Singapore giật tít. Nhật báo tiếng Anh số 1 đảo quốc sư tử chạy loạt bài giới thiệu những gương mặt triển vọng giành HCV tại SEA Games, như tay vợt cầu lông Loh Kean Yew, kình ngư Letitia Sim, các đội tuyển võ thuật...

Báo New Straits Times của Malaysia còn sôi nổi hơn khi mạnh dạn đưa ra dự đoán về cơ hội của thể thao nước nhà tại SEA Games 31. “5 HCV trong tầm tay” - New Straits Times dẫn lời HLV Abdul Jalil của tuyển điền kinh Malaysia. 

Với sự thăng tiến của điền kinh Việt Nam những năm qua, cũng như phong độ luôn vững vàng của “anh cả” Thái Lan, đây là một tuyên bố đầy tự tin. Tương tự là với các môn karate, bắn cung, thể dục dụng cụ... 

New Straits Times còn tỏ ý chỉ trích chủ nhà VN vì đã loại bỏ nội dung thế mạnh của họ ở môn taekwondo. “Bằng một đòn tổ chức, Việt Nam đã loại bỏ cơ hội để bảo vệ tấm HCV của Malaysia”, báo này viết.

Trong khi đó, truyền thông Thái Lan - anh cả của thể thao khu vực - không quá hào hứng về SEA Games. Đoàn thể thao nước này đã quyết định giảm số lượng VĐV tham dự giải từ 1.050 còn 832, tức giảm khoảng 20%. 

Nguyên nhân chính có thể nằm ở việc SEA Games bị hoãn lại gần một năm, khiến nhiều VĐV bị ảnh hưởng kế hoạch thi đấu các giải quốc tế. Thêm vào đó, hậu quả của dịch bệnh cũng khiến đoàn thể thao Thái Lan tinh lọc bớt đội ngũ, không thể cử ồ ạt những VĐV trẻ dự SEA Games như kế hoạch.

Nhưng mặt khác, người Thái lại đặc biệt quan tâm đến bóng đá. Việc HLV Alexandré Polking - người dẫn dắt tuyển Thái Lan vô địch AFF Cup 2021 - được chỉ định dẫn dắt đội U23 tham dự SEA Games cho thấy sự nghiêm túc của họ. 

Ở các kỳ SEA Games 2015 và 2017, Thái Lan đều chỉ cử trợ lý HLV ở tuyển dẫn dắt đội U23 dự giải. Năm 2015, họ vô địch với trợ lý Promrut Choktawee của HLV Kiatisak Senamuang, và 2 năm sau vẫn đăng quang trên đất Malaysia dù chỉ được dẫn dắt bởi trợ lý Worrawot Srimaka của HLV Milovan Rajevac. 

Nhưng thất bại ở Manila 2019 đã khiến làng bóng đá Thái Lan giờ đây “nóng mặt”. Trước thềm SEA Games 31, truyền thông Thái Lan nói khá nhiều về nhiệm vụ giành lại tấm HCV môn bóng đá nam.

Không SEA Games, cũng... không biết đấu giải nào

SEA Games là “ao làng”, nhưng sự thật là hầu hết các VĐV Đông Nam Á cũng chưa đủ sức bơi ra biển lớn. Đặc biệt 2 năm qua, làng thể thao thế giới đình trệ vì đại dịch, càng khiến các VĐV Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia... không có cơ hội đến với những giải đấu quốc tế.

Điển hình như Muhammad Hanafi - VĐV điền kinh người Malaysia - vô địch nội dung 100m nam ở SEA Games 2019. Trên đất Philippines, anh giành tấm HCV khi mới 20 tuổi. Là một tài năng đầy hứa hẹn của điền kinh Malaysia, nhưng suốt 3 năm qua, Hanafi hầu như không có thêm bước tiến đáng kể nào.

Như nhiều VĐV khác, anh phải nghỉ thi đấu suốt năm 2020 vì đại dịch, đến cuối năm 2021 mới bắt đầu thi đấu trở lại các giải trong nước. Sang năm 2022, Hanafi mới “nóng máy”, tham dự một loạt giải đấu trong và ngoài nước. 

Nhưng thành tích tốt nhất của anh - 10,58 giây, vẫn không sánh được với 10,35 giây từng giúp anh giành HCV ở Manila 2019. Và nói chung, các giải đấu mà Hanafi tham dự cũng chỉ là các giải mở rộng trong khu vực. Chân chạy nước rút người Malaysia hoàn toàn không có khả năng chen chân vào các cuộc đua tầm cỡ châu lục hay thế giới.

Một số VĐV Đông Nam Á sống ở phương Tây có nhiều điều kiện hơn trong việc tiếp cận các giải thế giới. Kieran Tuntivate - người giành cú đúp HCV chạy 5.000m và 10.000m ở SEA Games 2019 là ví dụ.

Tuntivate sinh ở Mỹ, trưởng thành từ hệ thống thể thao sinh viên của Mỹ (đội Đại học Harvard). Nước Mỹ đi tiên phong trong việc chấp nhận sống chung với dịch, các VĐV ở đây cũng sớm việc thi đấu và tập luyện trở lại nhất. 

VĐV người Thái Lan vì vậy đã tham dự hàng chục giải đấu các năm 2020 - 2021. Dù đó chủ yếu là các giải khu vực và trường đại học, nhưng cũng đủ để anh giành vé dự Olympic Tokyo. Trên đất Nhật, chân chạy người Thái Lan giành hạng 23 - không quá tệ. 

Nhưng nếu muốn giành được một tấm HCV đáng giá trong sự nghiệp, SEA Games vẫn là đấu trường khả dĩ nhất với anh.

Marie Knott (Philippines) - người cạnh tranh ngôi vị “nữ hoàng tốc độ” ở Đông Nam Á với Lê Tú Chinh - cũng là VĐV trưởng thành từ hệ thống thể thao sinh viên của Mỹ. Ngoài những tấm huy chương ở SEA Games, thành tích tốt nhất của Knott trong sự nghiệp chỉ là lọt vào chung kết nội dung 200m ở Asian Games 2018.

Hứa hẹn những “khách mời”

Xu hướng “tìm về nguồn cội” của các VĐV phương Tây gốc Đông Nam Á cũng hứa hẹn nâng trình độ SEA Games. Trong đội bơi của Singapore hiện tại, Letitia Sim là một cái tên đáng chú ý, cô đi lên từ hệ thống NCAA (giải thể thao sinh viên) của Mỹ.

Cô gái 19 tuổi hiện đang theo học Đại học Michigan - một trong những trường có thành tích thể thao ấn tượng nhất nước Mỹ. Các sinh viên trường này từng giành đến 185 huy chương tại các kỳ Olympic (nổi tiếng nhất là kình ngư Michael Phelps). 

Thành tích bơi lội của Sim chỉ quanh quẩn ở các giải sinh viên Mỹ, nhưng việc cô xuất thân từ lò đào tạo Đại học Michigan đã đủ để hứa hẹn mang đến một làn sóng thú vị cho đường đua xanh SEA Games.

Không chỉ Singapore, Philippines cũng hứa hẹn mang đến một đội hình gồm toàn những VĐV thi đấu ở NCAA, từ bơi lội, điền kinh đến bóng rổ... 

Cả đoàn thể thao VN những năm gần đây cũng ngày càng quen mặt với các VĐV Việt kiều. Ở 2 kỳ SEA Games gần nhất, người hâm mộ đã biết đến Lê Nguyễn Paul - kình ngư trở về từ Mỹ giành đến 6 tấm huy chương cho đội bơi VN.

Ngoài Lê Nguyễn, đội bơi VN lần này còn có Jeremie Lương - Việt kiều Pháp. Có mẹ người Việt, cha người Pháp, kình ngư 22 tuổi này sở hữu chiều cao đáng nể (gần 1,95m), và từng có giai đoạn tập luyện tại Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu trước khi sang Pháp học đại học. 

Tiến bộ nhanh trong những năm gần đây, Jeremie hứa hẹn là sự bổ sung đáng kể cho tuyển bơi VN.

“Một VĐV Việt kiều quay trở về khoác áo tuyển quốc gia, cũng tương tự một VĐV sinh trưởng ở VN được cho đi tập huấn dài ngày ở Tây phương vậy. 

Nhiều năm gần đây chúng tôi vẫn luôn chào đón những kình ngư ở nước ngoài muốn quay về VN thi đấu. Đa số họ có thể hình và tâm lý thi đấu rất tốt”, HLV Nguyễn Thị Kiều Oanh - phó giám đốc Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu - nói.■

Tú Chinh bất ngờ vắng mặt ở SEA Games 31

Đội điền kinh VN bất ngờ phải nhận tin sốc giờ chót khi nữ hoàng tốc độ Lê Tú Chinh sẽ phải vắng mặt ở SEA Games 31 vì chấn thương sụn chêm đầu gối phải. Qua chụp MRI, các bác sĩ đều thống nhất cô phải tiến hành phẫu thuật ngay để gắp mảnh vụn xương bị vỡ nằm trong gối. Thậm chí khả năng thi đấu đỉnh cao trong tương lai của Tú Chinh cũng bị đe dọa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận