​Áo quần buồn tẻ

ĐỨC HOÀNG 30/12/2014 08:12 GMT+7

TTCT - Nhiếp ảnh gia người Hà Lan Hans Eijkelboom đã bỏ ra 20 năm để chụp ảnh những con người trên đường phố.

Tranh: Lê Thiết Cương
Tranh: Lê Thiết Cương

Và khi ông in chúng thành một cuốn sách, người ta nhận ra: nhờ vào ngành công nghiệp thời trang, chúng ta đang trở nên giống nhau ở khắp nơi trên thế giới.

Trong Ngôi nhà hạnh phúc, bộ phim truyền hình đã làm mưa làm gió tại châu Á suốt những năm đầu thế kỷ này, vai nam chính và nữ chính cùng chơi một trò chơi mà sau này trở thành “mốt” của nhiều bạn trẻ: họ ngồi trong quán cà phê và bắt đầu đoán về cuộc đời của những vị khách bước vào quán.

Người này là công chức, người kia là nội trợ, người này có con cái, người kia còn độc thân thông qua vẻ ngoài.

Đó không phải là một trò chơi nhảm nhí mà có cơ sở xã hội học: từ lâu, khái niệm “dress code” (mã trang phục) đã được sử dụng phổ biến. “Dress code” nghĩa là những người thuộc một tầng lớp xã hội nào đó sẽ ăn mặc giống nhau. Đôi khi nó được quy định bởi sắc tộc, tôn giáo hay luật pháp.

Ví dụ đơn giản như chiếc khăn trùm đầu của phụ nữ ở các quốc gia Hồi giáo, hoặc những biển cấm mặc quần ngắn khi bước vào Vatican hay một ngôi chùa bất kỳ. Nhưng “mã trang phục” thường xuyên là thứ được tạo ra một cách vô thức bởi những quy chuẩn xã hội vô hình.

Trong bộ ảnh của Hans Eijkelboom, người ta có thể bắt gặp những trang sách gồm 15 bức ảnh nhỏ mô tả một người đàn ông mặc áo sơmi trắng, quần âu tối màu và cà vạt kẻ. Ta hiểu rằng trang sách ấy có thể được mở rộng đến vô biên với 15 vạn, hay thậm chí là 15 triệu người đàn ông như thế.

Rốt cục thì ai muốn được coi là người “lịch sự” mà không ăn mặc như thế ở công sở? Đó là “dress code”. Không cần một nhà nước tôn giáo nào để ép buộc những người đàn ông ấy ăn mặc như thế.

Cũng trong bộ ảnh ấy, ta sẽ bắt gặp một trang gồm 15 người đàn ông cùng mặc một chiếc áo phông màu với họa tiết ngộ nghĩnh giống hệt nhau trên ngực. Ngay cả khi chúng ta muốn phá cách khỏi sự nhàm chán thì chúng ta cũng sẽ chọn những thứ quần áo giống nhau và trở nên nhàm chán.

Đó cũng là “dress code”. Nó nói rằng người mặc chiếc áo có họa tiết ngộ nghĩnh ấy nhiều khả năng là một người sống phóng khoáng, không thích tuân theo... “dress code” nào.

Tiếc rằng ngành công nghiệp thời trang không đủ sáng tạo để họ thật sự thoát ra khỏi thế giới nhàm chán của chúng ta. Những người nghệ sĩ, những con người có mong muốn phá cách đến tận cùng, đến một thời điểm nào đó cũng có nguy cơ rất cao... ăn mặc giống nhau.

Có một điều sẽ dấy lên nếu bạn nhìn vào sách của Hans Eijkelboom, nhìn hàng chục con người ăn mặc giống nhau trên cùng một trang sách: có điều gì đó không ổn ở đây?

Tại sao nhân viên công sở không thể mặc những bộ quần áo nhiều màu sắc và chi tiết một chút - sự lịch thiệp và chuyên nghiệp liệu có được tạo ra từ áo sơmi và quần âu, khi mà ai cũng ăn mặc như vậy?

Tại sao những nghệ sĩ không thể mặc áo sơmi và quần âu - cái gọi là “chất nghệ” và mong muốn thoát ra khỏi thực tại của họ liệu có được chứng minh thông qua những chiếc quần rộng thùng thình và những chiếc áo vải thô rách rưới?

“Chiếc áo không làm nên ông thầy tu”, và một bộ vest chỉn chu không thể phân biệt một nhân viên bán hàng với một vị tổng giám đốc.

Trang phục có thể trở thành một hình thức giao tiếp, và bạn sẽ bị cho là bất lịch sự nếu không tuân theo một số “mã trang phục” nhất định. Nhưng nếu không rơi vào các tình huống thật sự cần giao tiếp thì việc tự trói buộc vào một “mã” nào đó thực chất chỉ là một sự tự giam cầm tinh thần.

Đó là điều diễn ra tại trung tâm sáng tạo hàng đầu thế giới, nếu không muốn nói là nơi tụ tập những bộ óc vĩ đại nhất hành tinh và chi phối nền công nghiệp toàn cầu - Thung lũng Silicon.

“Ở đây, trừ khi bạn làm các công việc cần tiếp xúc với khách hàng, không ai quan tâm đến vẻ ngoài” - Amy Andersen, chủ một công ty mai mối chuyên phục vụ các thành viên Thung lũng Silicon, nói.

Có lẽ đó là một thái độ cần học tập, ít nhất là để giải phóng chính bạn khỏi những băn khoăn tốn kém nhiều năng lượng trong chuyện ăn mặc hằng ngày.

Lần sau khi bạn khoác lên mình một bộ đồ, trừ khi bạn chắc rằng nó được sản xuất cực hạn chế trên toàn thế giới, hoặc tự may bằng vải trải bàn như một nhà thiết kế đình đám vẫn đang làm, thì hãy biết rằng đang có hàng vạn người khác cùng mặc một bộ đồ như thế.

Chẳng có gì đặc biệt.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận