​Ba hạt tím, năm hạt xanh

HẢI MIÊN 25/01/2015 03:01 GMT+7

Tôi chợt nghĩ giá như từng một lần được trông thấy cái màu hoa bâng khuâng như S. nói thì có lẽ tôi đã biết thiết tha; hay giá như mình thương xót và chăm sóc cái cây chỉ vì nó là cái cây thôi thì bây giờ hẳn nó đã đông đúc và ra hoa, dâng tặng cho tôi cái màu tím nhạt mà S. hằng mong mỏi.

Minh họa Trương Tiến Trà

S.ở Đà Lạt xuống, mang cho tôi một cây con trồng trong cái chậu mủ đen chật chội nhồi xơ dừa, tro trấu trộn với đất cao nguyên.

Cây mảnh và non yếu, thân màu tím sẫm, lơ thơ vài chiếc lá bé như vỏ trấu. S. nói anh bứng trong một lần trèo Lang Bian, dưỡng vào cái chậu này đã được nửa tháng, chắc rễ rồi mới mang đi. S. hai lần gọi tên nó cho tôi, có ba chữ, nhưng ngay sau đấy tôi lại quên mất.

Trong quán cà phê mù mịt khói thuốc lá ở gần bến xe hôm đó, khi S. khẽ khàng đưa tay vào chiếc túi nilông tái chế nhấc cái cây ra đặt lên bàn, một mùi thơm mảnh dẻ chợt cồn lên chốc lát rồi tắt lịm.

Tôi hỏi S. một lần nữa cái cây tên gì. S. miêu tả, gắng giúp tôi hình dung được chính xác cái màu tím khi nó ra hoa: “Bâng khuâng nhạt như một câu chuyện đang trôi dần vào quá khứ, nhưng lại luôn nhắc nhớ ta về quá khứ. Là cái màu gọi quá khứ quay về”.

Tôi bật cười, gật đầu nhiều lần. S. không có khiếu ngôn ngữ, khi đánh vật với nó anh có xu hướng trở nên văn chương, vốn là “lãnh địa” của tôi chứ không phải của anh.

Trước đó, tôi cũng bật cười khi trông thấy S. lù lù xuất hiện trong quán cà phê, một mình lấy đi ánh sáng của mấy mươi con người. Anh đứng chắn giữa khung cửa ra vào độc nhất, đưa mắt quanh quất tìm tôi, một tay anh xách chiếc túi nilông sau tôi mới biết bên trong có cái cây này, tay kia xách một chùm ba, bốn túi to nhỏ khác nhau, lưng anh đeo balô vượt quá đầu người như bọn Tây đi bụi, trước ngực bám chiếc balô đựng laptop.

Trông S. hệt một kẻ vô gia cư lắm đồ đạc dạt từ đâu đến. Từ bến xe anh đi bộ qua đây, rồi tí nữa cứ thế này kêu xe ôm đi vòng vòng quanh thành phố để thả bớt những chiếc túi đang cầm trên tay kia xuống và dỡ bớt những món đồ trong chiếc balô căng phồng sau lưng anh ra.

Toàn là những tấm lòng nhớ nhung thương mến của đồng bào ta gửi đồng bào mình, không nhận người ta buồn theo từng cặp thì mình buồn chết. S. nói vậy rồi cười, đôi hàm răng chắc khỏe, ngời lên sáng bóng như những viên cuội lăn dưới đáy suối. Tựa một tấm chăn dày trong gia đình nghèo đông con, sải tay S. dang ra đủ ôm vào mình hàng mấy mươi người, và anh cũng trao mình cho mấy mươi người.

Trước khi chia tay, S. nhắc lại một lần nữa rằng em nhớ san nó ra cái chậu đất lớn hơn, chậu càng rộng cây càng sum sê vì nó là giống cây biết đẻ.

“Hai gói phân này lớn bằng nhau, nhưng cứ mỗi tuần em lấy ba hạt tím, năm hạt xanh hòa tan vô nước rồi tưới cho nó. Gắng đi tới khi nó ra hoa, nhìn cái màu tím nhạt ấy em sẽ thấy thật bõ công. Nhớ đó, ba hạt tím năm hạt xanh, đừng làm ngược lại”. Tôi nhắc lại: “Ba tím, hai xanh. Em nhớ rồi”. S. cau mày: “Ba tím, năm xanh”, tôi nhắc lại: “Ba tím, năm xanh”.

Đưa cái cây trở lại vô túi nilông, S. xách ra ngoài quán rồi mới trao qua tay cho tôi. Trông cách anh lấy ra đưa vào, nhấc lên đặt xuống cái cây ẻo lả mà tất cả vẻ đẹp của nó còn nằm ở thì tương lai, tôi biết trên chuyến xe đò chen chúc từ Đà Lạt về đây, cái cây đã ngồi trong lòng anh suốt một đêm dựa dật.

Đưa bàn tay trái giờ đây đã được rảnh rang trượt nhẹ qua mái đầu tôi, S. nói: “Lại uốn lại nhuộm, em hành hạ nó quá, tội nghiệp mái tóc của em”. Tôi lườm kiểu yêu yêu, biết S. thật lòng thương xót từng sợi tóc của mình, những sợi trên đầu và những sợi rụng xuống. Nhưng tôi cũng biết S. không sao có thể hiểu để thương được tôi mỗi lần tôi hành hạ mái tóc của mình.

Tôi ở chung cư tầng mười ba, sống một mình, không chịu được bụi bặm và những thứ gì không sạch sẽ, kể cả thứ đó là ý nghĩ.

Tôi không sinh ra ở nông thôn và gia đình tôi là công chức nhiều đời, tôi không mang trong mình tình yêu và nỗi luyến nhớ đất đai, cây cối. Để có màu xanh sự sống, có chút thiên nhiên góp mặt tô điểm cho không gian của mình, để có tinh khôi, để có cảm giác về nhịp đi của mùa và quyền lực tuyệt đối của thời gian, tôi cắm hoa tươi và thay hoa hằng tuần hoặc hằng ngày, tùy vào những cơn nóng lạnh của cảm xúc.

Thỉnh thoảng tôi cũng mua hoa chậu là những bụi hoa đã mãn khai rực rỡ, họ bán cho khách mang về chưng trên bàn hoặc treo ngoài bancông, tàn một vòng đời hoa là vứt bỏ, có để nữa chúng cũng không bao giờ ra hoa lần thứ hai. Trên tường, tôi treo tranh của những họa sĩ tôi quen biết hoặc yêu thích. Dọc theo bức bình phong, tôi có một chiếc kệ lớn để chưng đồ gốm Bát Tràng và gốm Nhật. Những cái đẹp không phải cho ăn. Những gần gũi không có trái tim và cái dạ dày.

Tôi không nuôi con vật nào cả. Tôi từng nuôi một con mèo bội bạc mà tôi gọi nó là Cậu Ấm. Cậu Ấm bỏ tôi đi luôn luôn, bao giờ cũng đúng vào lúc tôi cần ôm nó vào lòng để khóc cùng nó nhất. Rồi cuối cùng nó tự làm cho mình mất tích, đẩy nỗi mong ngóng và tìm kiếm của tôi vào vô vọng.

Khi bắt nó ở ổ mèo con bốn đứa của Dương, để lại con khôn nhất và con đẹp nhất, tôi bế lên ấp vào ngực mình con có ánh nhìn và tiếng kêu tình cảm nhất, nghĩ tình cảm nhất rồi thì sẽ hết đường bội bạc. Những con vật hiện sống trong căn hộ cùng tôi đều không do tôi nuôi, chúng có muỗi, kiến, gián và chuột, tất cả đều ở số lượng và mức làm phiền chấp nhận được.

Đôi khi thèm gặp gỡ quá mà lại không muốn gặp ai, tôi đổ đầy nước máy vào cái chậu gốm vẫn dùng để thả hoa tươi, mang ra bancông hứng ánh sáng rồi cúi nhìn mặt mình trong đó...

Cây S. cho là cái cây duy nhất có ở nhà tôi. Tôi đẩy nó vào góc cuối bancông, lấy sợi dây giày cũ buộc ngang cái chậu vào thanh chắn hàng rào bảo hiểm, giữ cho nó không rơi ụp xuống mỗi khi trời nổi gió. Đứng từ đây, cúi xuống hay ngước lên đều chóng cả mặt, bởi đất trời gì cũng sâu hun hút.

Những khi ra phơi hoặc rút quần áo, vấp mắt phải nó, tôi thấy nó chênh vênh đứng đấy, phất phơ, gầy còm, không rõ ra buồn tủi hay kiêu hãnh như một trữ tình ngoại đề cho cái chuồng bêtông sắt thép.

Qua tin nhắn, thi thoảng S. hỏi thăm “cái cây của S.”. Đó là những lúc tôi sực nhớ, bưng ly nước uống dở vẫn luôn có mặt trên bàn làm việc ra đổ vào gốc cho nó. Có khi tôi ra thì nó đã héo, lá rũ đi và thân cành gầy tóp, nhăn nheo.

Được tôi tạt cho một ngụm nước thiếu đủ mặc lòng, hôm sau đã thấy chúng hớn hở sống dậy, thân cành và mấy chiếc lá vỏ trấu nở nang ra vẫy vẫy. Những khi như vậy tôi mủi lòng mất một lúc.

Phần lớn thời gian ở cùng tôi nơi căn hộ tầng mười ba, cái cây của S. sống trong hấp hối. Để chờ được cứu sống. Rất nhiều đợt tôi biết cái cây cầm cự được là nhờ những giọt mưa hắt qua chấn song bancông, hoặc quất tạt hung hãn hoặc lây rây như bụi.

Lâu lâu S. lại nhắc tôi về công thức “ba hạt tím năm hạt xanh” và hứa hẹn với tôi về cái màu tím lạ lùng mà nó sẽ dâng tặng vào một ngày không xa. Tôi vâng dạ nhưng biết rõ cái màu tím kia là nỗi mong chờ của S., không phải của tôi.

Là kẻ ân tình rời rạc, tôi không biết nuôi cho mình những mong chờ từ những xây đắp dần dà, tỉ mẩn. Đã sẵn có, đã hoàn chỉnh, mua về, sử dụng, vứt bỏ và thay thế - ký ức được cập nhật và tân trang liên tục - đó là xã hội của tôi, là chủ nghĩa của thế hệ tôi, nơi mỗi cá nhân được định nghĩa như một đơn vị tiêu dùng.

Tôi sống ở một thành phố mắc lời nguyền: không được trời đất ban cho mùa thu và mùa đông. Mất đi những mùa có chiều thời gian và không gian sâu thẳm nhất, con người ta không bị ngã vào xao xuyến khi thu sang và tê tái khi đông về, thành ra họ cứ mãi tưng bừng, khó trầm mặc và không thể lặng lẽ tiếc thương - ngay cả trong đám tang của mình.

Tôi buồn bực vậy khi bắc ghế duỗi dài cái cơ thể ươn ươn của mình ngoài bancông, trong một đêm đã mất điện lại còn oi ả, lại còn nhà hàng xóm có đám ma, không khí nồng nực mùi phân rã. Thả mắt mình đi lang thang vào bóng tối nhợt nhạt của đêm trăng hạ tuần, tôi nhận ra cái cây của S. đã chết. Đổ vào một cốc nước đầy, dư thừa đến theo đáy chậu men ra ướt cả sàn gạch, tôi ngồi thu lu dựa lưng vào tường đăm đắm chờ cái phép mầu cải tử hoàn sinh tôi đã ban cho nó không biết bao nhiêu lần. Nhưng, nó đã bị bỏ khát đến nỗi không còn uống được nữa.

Một cái gì đấy hết sức kiên cường và cả khiêm nhường nữa đã mất đi.

Nó chết trong cái chậu mủ màu đen chật chội, lỏng lẻo đi trong nhúm tro trấu khô rang, với một cái tên không phải của mình. Không còn cái màu xanh li ti vẫy vẫy, không còn màu tím nhạt lạ lùng sẽ bừng nở như hứa hẹn, chỉ còn khô cong và giòn gãy.

Khi ánh sáng điện nhất loạt chói lòa trở lại, cũng đột ngột như lúc sụp xuống tối om, tôi cầm chậu cây của S. đem thả vào sọt rác. Đi ngang tấm gương lớn áp trên bức tường bên phải, tôi thấy tôi tóc cuộn cao đỏ rực như một con rắn lửa trên đầu, áo phông rộng dài trùm lút cả quần short, nổi rõ hai đầu núm vú hồng hồng nhòm qua lần vải cotton, tay phải cầm cái cây đã chết đưa ngang ngực, tay trái buông thõng.

Tôi dừng lại nhìn tôi trong ấy, lạ lùng thấy mình phẳng dẹt như trong một bức họa với nét mặt và dáng vẻ toát lên nỗi chống chọi thảm thương. Quanh tôi, sách vở và đồ đạc tràn ra đến sát mí lối đi, như một cuộc xâm thực tự sinh chứ không phải do chính tay tôi tha về. Thả cho cái cây rơi vào sọt rác, nghe vang lên một tiếng “xoạch” khô khan, độc nhất, tôi nghĩ giá như mình yêu S. thì nó đã không rơi vào hẩm hiu.

Cùng với cái cây chết đi là sự sụt áp trong tình cảm của tôi và S., vốn lâu nay sống được nhờ anh tiếp sức hà hơi. Tôi báo tin buồn cho S. bằng tin nhắn: “Màu tím đẹp nhất có lẽ là màu tím đừng bao giờ nở ra”. S. dẫn một câu thơ của F. để trả lời tôi: “Anh vẫn chờ điều không thể xảy ra”. Tôi tin. Tôi tin S.. Và tôi thấy cả một bầu trời nặng nề, u ám lơ lửng mãi trên đầu.

Rồi tôi cũng quên cái cây đi, quên S. đi, như chuyện gì đã qua thì cũng dần phai nhạt.

Sáng nay, trong khi lục tìm một cuốn sách để trả cho Dương, hai gói phân hóa học một tím một xanh bé như miếng nem nằm kẹt giữa những chồng sách chất tràn ra sàn nhà bỗng văng ra, thao láo nhìn tôi.

Cầm chúng trên tay, lần đầu tiên tôi đặt mắt mình vào đấy. Lạo xạo chứa đầy những viên tím, xanh tròn nhẵn, đều tăm tắp trông xinh như mắt chim sẻ, chúng nhắc tôi về công thức “ba hạt tím, năm hạt xanh”.

Mân mê hai cái túi nilông vẫn còn kín miệng, tôi chợt nghĩ giá như từng một lần được trông thấy cái màu hoa bâng khuâng như S. nói thì có lẽ tôi đã biết thiết tha; hay giá như mình thương xót và chăm sóc cái cây chỉ vì nó là cái cây thôi thì bây giờ hẳn nó đã đông đúc và ra hoa, dâng tặng cho tôi cái màu tím nhạt mà S. hằng mong mỏi.

Và biết đâu, nở ra cùng với màu tím ấy, sẽ là một cái gì ấm áp như là tình yêu cũng bừng nở trong mảnh tâm hồn trong suốt và lạnh lẽo như cốc nước lọc luôn luôn uống dở của tôi. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận