​Bán quyền công dân, nên không?

TRẦN KHUÊ (MBA - HOA KỲ) 26/05/2015 03:05 GMT+7

Câu chuyện di dân luôn là vấn đề phức tạp, gây nhức đầu cho nhà quản lý. Một góc nhìn khác về câu chuyện này như hình thức để thu hút nhân tài và tăng thu ngân sách. Nhiều quốc gia đã có chương trình “bán quyền công dân” dưới nhiều hình thức khác nhau.

 

HỌ ĐÃ LÀM NHƯ THẾ NÀO?

Gần đây Chính phủ Úc đang xem xét đề nghị bán quyền công dân, thay thế cho hệ thống tuyển chọn di dân dựa trên khả năng đầu tư hay có quan hệ gia đình. Mục đích là để cải tổ bộ máy quản lý di trú và tăng thu cho ngân sách của quốc gia.

Những đề xuất này thường gặp nhiều cung bậc phản ứng khác nhau, từ nhiệt liệt ủng hộ cho đến kịch liệt phản đối. Đối với Chính phủ Úc, xét duyệt di dân kiểu “bán vé” này sẽ giảm được rất nhiều nhân sự và tinh giản biên chế thủ tục xét duyệt hồ sơ di dân, phỏng vấn rườm rà và tăng thu cho ngân sách ước tính vài chục tỉ USD hằng năm để bù đắp thâm thủng ngân sách và giảm thu.

Các doanh nghiệp và công đoàn phản đối và yêu cầu chính phủ tiếp tục cho nhập cư miễn phí những di dân có học vấn, tay nghề, kỹ thuật cao để bù đắp thiếu hụt trầm trọng các nguồn nhân lực hiện nay ở Úc. Các hộ gia đình cũng phản đối việc chính phủ ưu tiên xét duyệt các di dân “giàu có, học cao” và phân biệt đối xử với các di dân nghèo, không trình độ.

Rẻ nhất và công khai nhất là các quốc đảo nghèo St. Kitts và Nevis với yêu cầu “hiến tặng 250.000 USD cho nhà nước” để được cấp hộ chiếu và quyền công dân. Hiện nay, hấp dẫn nhất là chương trình “Visa vàng” của Bồ Đào Nha với giá 500.000 euro. Trong bối cảnh tỉ giá euro đang xuống thấp, chương trình này đã hấp dẫn hàng nghìn nhà đầu tư di dân, trong đó 80% đến từ Trung Quốc. Kém hấp dẫn hơn là Malta (cộng đồng EU) với giá 1,15 triệu euro cho quyền cư trú và trở thành công dân.

Canada cũng có chương trình di dân đầu tư với giá 400.000 USD nhưng đã khóa sổ. Ngay cả Hoa Kỳ cũng có nhiều chương trình cấp quyền cư trú trị giá từ 500.000-1 triệu USD tùy loại visa, giới hạn toàn cầu 10.000 visa/năm với điều kiện khá gắt gao.

VIỆT NAM, NÊN CHĂNG?

VN cũng có nhiều thuận lợi trong việc tiếp nhận các di dân có trình độ cao và ở lại công tác, sinh sống lâu dài. Những người này thường mang theo gia đình với điều kiện kinh tế cao. Một “bài toán tình huống” để tính toán giá trị của “di dân” có thể được sử dụng cho mục đích tham khảo.

Giả sử nếu VN nhận thêm 10.000 di dân/năm có trình độ kỹ thuật cao cộng với mức đóng góp đầu tư hợp lý cho ngân sách nhà nước thì sẽ không gây quá tải nghiêm trọng cho hệ thống dịch vụ công, cơ sở hạ tầng của VN. Hiện nay số lượng chuyên gia kỹ thuật có trình độ cao đang làm việc lâu dài ở VN đã vượt nhiều lần con số này, nhưng với họ muốn mua một căn nhà để ở như công dân VN không hề dễ.

So với hai đảo quốc là St. Kitts và Nevis ở giữa trùng khơi, giao thông không thuận tiện mà vẫn thu hút các di dân nhà giàu “hiến tặng ngân sách 250.000 USD”, VN có những lợi thế ưu việt hơn hẳn. Với vị trí nằm trên trục chiến lược trung tâm vùng phát triển năng động nhất châu Á, giao thông mọi mặt đều thuận tiện dễ dàng, VN có thể đề nghị mức “hiến tặng ngân sách” 300.000 USD/đầu người. Với giả thiết trên, ngân sách sẽ tăng thu hằng năm là 64.500 tỉ đồng, chiếm 6,4% tổng chi cân đối ngân sách hiện nay. Một con số không hề nhỏ có thể đóng góp cải thiện ngân sách.

Lao động của số di dân trình độ kỹ thuật cao này tạo ra GDP lan tỏa tạm tính là 30.000 USD/người/năm, quy ra là 6.450 tỉ đồng/năm, tạo ảnh hưởng tích cực đối với GDP. Hiệu ứng này sẽ còn kéo dài theo cấp số nhân hàng chục năm nếu có chính sách phù hợp hấp dẫn về di dân.

Tầng lớp di dân này sẽ góp phần đáng kể bù đắp các thiếu hụt lao động trình độ kỹ thuật cao hiện nay đang rất cần thiết cho công cuộc hiện đại hóa đất nước. Ngoài ra, do yêu cầu phải “thường trú lâu dài” khi cấp quy chế di dân và quốc tịch, những di dân trình độ kỹ thuật cao này sẽ có nhu cầu tiêu thụ bất động sản cao cấp và các dịch vụ giá trị cao, giúp tăng trưởng kinh tế thêm bền vững lâu dài. Quan trọng hơn là giảm được áp lực phải gia tăng các loại thuế phí hiện nay vốn gây ra nhiều hiệu ứng xã hội không tích cực.

Về môi trường, VN có mức độ gần gũi thiên nhiên tương đối cao trong mắt du khách nước ngoài. Hình ảnh những công viên rừng nguyên sinh, những khu cao nguyên khí hậu trong lành, đặc biệt là cùng với những hang động hoang sơ đẹp đến kinh ngạc được truyền hình Mỹ giới thiệu đến toàn thế giới đã đem lại sức hấp dẫn đáng kể.

Hạ tầng viễn thông, thông tin đóng vai trò quan trọng trong việc hấp dẫn các chuyên gia thích làm việc không ràng buộc một nơi chốn nhất định. Nhờ mạng Internet và các ứng dụng, họ có thể làm việc mọi lúc mọi nơi, có thể hưởng gió biển và thưởng thức hải sản tươi trên hàng nghìn kilômet bãi cát vàng của đất nước hình chữ S. Hệ thống y tế hiện nay đang từng bước hiện đại hóa và chuyên môn hóa cao, chuẩn quốc tế đã hình thành ở Hà Nội, TP.HCM phục vụ chuyên gia người nước ngoài.

Nếu Chính phủ thực hiện tốt các chính sách đã đề ra như hiện nay và hướng đến cuộc sống văn minh, thân thiện môi trường, đảm bảo an ninh và ổn định, dịch vụ công chất lượng cao, duy trì chính sách thuế mang tính cạnh tranh với khu vực trong nỗ lực, quyết tâm cao mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân Việt thì nỗ lực ấy cũng hấp dẫn các di dân đến VN sinh sống lâu dài và cống hiến. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận