Bàn về Quốc phục nam giới Việt

TRỊNH BÁCH 05/05/2013 04:05 GMT+7

TTCT - 1. Người dân và chính phủ của các nước có nền tảng văn hóa cổ truyền vững chãi vẫn thường hãnh diện về trang phục truyền thống đặc trưng của dân tộc mình.

Trong các dịp lễ hay tiếp tân quan trọng, những loại trang phục đó thường được mặc định là quốc phục của họ.

Phóng to
Tổng thống Mỹ Barack Obama (bìa phải) trong lễ phục black-tie - Ảnh: wupr.org

Điển hình là trong kỳ họp thượng đỉnh APEC 2009 ở Hàn Quốc, các nguyên thủ quốc gia đã vừa thích thú vừa trân trọng khi khoác lên người những bộ durumagi, tức là trang phục hanbok nam giới truyền thống của quốc gia chủ nhà. Báo chí Hàn Quốc xem đây là điểm son lớn cho quốc thể của họ.

Trong khi đó thì giới ngoại giao, văn hóa của nhiều quốc gia cho đến nay vẫn không hiểu người Trung Quốc, nước chủ nhà của APEC 2001, đã cho nguyên thủ của họ mặc trang phục gì. Ban tổ chức ở Thượng Hải giải thích rằng cái áo jacket họ thiết kế năm đó “có phong cách” Trung Hoa, dù không có tên gọi.

Sau nhiều phen bàn cãi, Bộ VH-TT&DL nay vẫn đang trong hành trình tập hợp ý kiến, đặc biệt của các chuyên gia, nhà văn hóa để trong tháng 5 xây dựng được đề án lễ phục nhà nước mà Chính phủ đã giao.

Cả thế giới đều biết đến trang phục truyền thống được mặc định là quốc phục của các nước, thí dụ như cái váy kilt của nam giới xứ Scotland, áo kimono montsuki của giới mày râu Nhật Bản, áo choàng besht của các nước Ả Rập, áo kebaya của Indonesia, hay áo kaftan của Afghanistan...

Bên Tây Âu và Mỹ không có quốc phục, nhưng họ rất kỹ lưỡng về lễ phục. Trong các quốc yến, quốc lễ, đại lễ họ mặc lễ phục nơ trắng (white-tie), tức loại trang phục người Việt gọi là áo đuôi tôm. Trong các dịp riêng tư nhưng trọng thể, như đám cưới, tang lễ hoặc các tiệc quan trọng của gia đình, cơ quan, người ta mặc trang phục nơ đen (black-tie), còn gọi là tuxedo.

Mỗi loại trang phục kể trên khi mặc đều phải tuân thủ các lề lối và phụ kiện nghiêm ngặt, từ mũ, cổ áo, đai bụng, khuy áo, tất, giày... Còn ở văn phòng, ở các buổi hội họp hằng ngày hoặc trong các dịp ăn uống gia đình, bè bạn thoải mái thì nam giới mặc loại trang phục làm việc (business suit) mà ta hay gọi là Âu phục hay bộ đồ vét (veston).

Dù sao thì Âu phục tự cách gọi đã mang hàm ý là trang phục của người châu Âu rồi. Vì tiện dụng và ảnh hưởng phương Tây cho nên nó được chấp nhận ở nơi công sở và trong các buổi họp gần như khắp nơi trên thế giới. Nhưng khi người Âu Mỹ đã mặc định chức năng phổ biến cho loại trang phục này của họ rồi thì có lẽ không một quốc gia nào nên, hoặc có quyền, nhận veston là quốc phục hay lễ phục của riêng nước mình.

Phóng to
Áo dài trong lễ tiếp tân triều Nguyễn - Ảnh tư liệu

2. Thế quốc phục nam giới nước ta như thế nào? Từ những năm đầu thập niên 1960, báo chí trên thế giới khi nhắc đến quốc phục các nước thì áo dài bao giờ cũng được lấy làm tiêu biểu cho Việt Nam. Thậm chí thuật ngữ “áo dài” từ khi đó đã trở thành một danh từ trong các bách khoa từ điển trên thế giới.

Trong quyển sách Relation de la Nouvelle Mission des Peres de la Compagnie de Jesus au Royaume de la Cochinchine, xuất bản tại Lille năm 1631, giáo sĩ Cristoforo Borri đã tả rõ về cách ăn mặc của người Việt Đàng Trong đầu thế kỷ 17. Ông cho biết phần lớn đàn ông Việt thời này, nhất là giới sĩ tử, đều mặc một cái áo dài bằng vải lụa hay lương màu đen phủ ra ngoài các áo khác. Và “...đàn ông cũng như đàn bà đều để tóc dài và vấn khăn”.

Năm 1819, khi thuyền trưởng Mỹ John White đến thăm Sài Gòn, cách ăn mặc ở đây vẫn giống như giáo sĩ Borri đã thấy ở Thuận Quảng từ hơn hai thế kỷ trước đó. Ông White cũng cho biết đàn ông, đàn bà Sài Gòn khi ấy ăn mặc giống nhau, với vài lớp áo dài khác màu. Tuy nhiên, giống như bây giờ, theo thuyền trưởng White thì lối ăn mặc đỏm dáng kể trên chỉ dành cho tầng lớp phong lưu, thời thượng. Còn phục trang của đại đa số dân chúng là áo dài sẫm màu.

Áo dài ở nước ta hầu như không thay đổi mấy từ mấy thế kỷ nay, ít nhất là từ triều Nguyễn. Áo dài nam giới truyền thống rất trang trọng, nghiêm cẩn và nam tính. Trong khi cổ áo dài phụ nữ có thể khi cao khi thấp thì áo dài đàn ông bao giờ cũng có cổ khép kín với bề cao độ 3,5cm. Gấu áo dài đến ngay phần dưới đầu gối. Áo xẻ eo thấp. Vạt áo rộng trên dưới 70cm, cắt võng.

Tay áo dài nam giới không bao giờ được cắt kiểu chéo vai raglan mà phải cắt theo lối nối tay. Cách cắt vai raglan để nâng ngực phụ nữ chỉ mới xuất hiện thời gần cuối thập niên 1960, khi phong trào Hippy du nhập vào miền Nam Việt Nam. Áo dài của một hoàng đế trong cung cũng được may giống y như áo dài của một anh khóa ngoài làng. Có khác chăng là chất lượng và màu sắc vải.

Tiếc rằng vì thiếu hiểu biết, hay vì sở nguyện cá nhân, mà ngày nay áo dài nam giới nhiều khi đã bị đồng hóa với áo dài phụ nữ hiện đại để được may một cách thõng thượt, ẻo lả.

Trong những dịp lễ trọng thì đàn ông nước ta khoác thêm ra ngoài áo dài một cái áo lễ may rộng tay, gọi là áo bào, áo cổn ở trong triều; hay áo tấc, áo rộng, áo thụng ngoài hương, phố. Các áo lễ này có cổ chéo (giao lĩnh), cổ đứng hay cổ tròn (bàn lĩnh) tùy theo trường hợp. Áo lễ có cùng chiều dài với áo dài mặc bên trong, tay áo được may rất rộng và dài, khi buông thõng thì dài bằng gấu.

Áo lễ chỉ được khoác phủ ra ngoài áo dài khi hành lễ. Còn trước và sau lễ, cũng như trong tất cả mọi dịp trang trọng khác, người Việt bao giờ cũng chỉ mặc áo dài. Trong mọi trường hợp, áo dài trắng, đen hoặc hai lớp trắng đen luôn phổ biến.

Áo dài và lễ phục bàn lĩnh cổ đứng tay rộng rất đặc trưng Việt Nam. Tự cổ chí kim không nước nào trên thế giới có hai loại áo này ngoài nước mình.

Phóng to
Đám cưới người Việt bên Mỹ với black-tie - Ảnh: Trịnh Bách

3. Ngày xưa phần lớn áo dài, áo rộng đều được may kép, tức là may với lớp lót đính liền vào lớp áo ngoài. Dưới thời Lê Trung Hưng, các quan trong triều mặc thêm một áo lót (ngắn hay dài tùy cấp bậc của người mặc), phần nhiều màu trắng, bên trong áo lễ.

Phong tục mặc áo lót màu trắng bên trong áo dài được kéo dài cho đến gần đây cũng tương tự cách mặc áo sơmi trắng bên trong áo veston của phương Tây và cũng như trong hầu hết lễ phục của các quốc gia Âu, Á. Ở những tình huống bình thường, như khi tiếp khách đến thăm bất ngờ, người Việt hàng phố thường khoác vội cái áo dài ra ngoài bất cứ áo nào đang mặc trên người.

Đi cùng với áo dài ở Việt Nam ngày xưa là khăn vấn. Khăn của văn ban vấn theo kiểu chữ nhân và khăn của võ ban vấn kiểu chữ nhất, bao giờ cũng màu đen. Sau phong trào xóa bỏ búi tóc năm 1927, đàn ông Việt đội lên đầu tóc ngắn của mình một loại khăn đã được vấn sẵn gọi là khăn đóng hay khăn xếp.

Từ những năm giữa thập kỷ 1930, giới trí thức trẻ và các công tử thành thị trong đời sống thường nhật không đội khăn xếp nữa. Thay vào đấy họ đội các loại mũ phương Tây. Chỉ trong các dịp lễ trọng đại hay đám cưới thì người ta mới đội khăn đóng. Cũng từ thời gian khăn vấn bị loại bỏ, các loại quần lụa, lĩnh không còn được nam giới nước ta mặc cùng với áo dài nữa, thay vào đấy người ta mặc quần Âu may bằng vải trắng các loại và đi giày Tây, giày Hạ (Hạ châu) hay còn được gọi là giày Gia Định hoặc dép da.

Cho đến bây giờ, bô lão ở các làng xã vẫn còn giữ được phong tục truyền thống ở nước ta là mặc áo dài vào những dịp trọng đại. Họ cũng khoác thêm áo thụng, giờ đây thường là loại cổ chéo gọi là giao lĩnh, trong lúc tế lễ. Nhưng không ai có thể chối cãi được rằng áo dài chính là bộ trang phục quốc hồn quốc túy, kiêu hãnh, đa năng và thông dụng của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận