Bánh bò trong

DẠ NGÂN 09/08/2016 21:08 GMT+7

TTCT - Bà lão năm ấy vào khoảng tám mươi. Rất đẹp lão. Da mặt không một vết đồi mồi, gò má hơi nhăn vẫn phớt hồng, dáng đi hơi khòm nhưng tấm lưng vẫn thông tin về một thời thắt đáy, thon thả.

Minh họa: Mặc Tuân
Minh họa: Mặc Tuân


 Bà hay đi qua đi lại trên đường nội thị khu dân cư, trời nắng bà bật dù, mưa lâm thâm dĩ nhiên cũng bật dù và khi trời râm thì dù xếp lại cầm ở tay.

Người ta chú ý nhất hai gót chân rất trắng của bà, trên đôi dép có đế cao vừa phải, hai ống quần lụa được tém lên bởi một bàn tay không cầm dù. Tóm lại, một bà lão còn sang, dù Nhật màu tím sen, bộ đồ lụa trắng và đôi gót chân đài các.

Khu tập thể của thị xã tỉnh lẻ mới hình thành trên khu đất từng là nghĩa địa Công giáo. Nhà chủ trương cộng với nhà thiết kế nghĩ cho nhà có thu nhập xoàng, không xoàng mà chấp nhận sống trên đất nghĩa địa sao?

Hai dãy nhà áp lưng nhau, chia cách bằng một đường cống không có nắp đậy. Đối diện là khu hai tầng, diện tích nhỏ bằng lỗ mũi dành cho người dưới mức xoàng, tức là thấp hết cỡ thấp.

Mỗi căn áp đất được thiết kế bốn thước chiều ngang, thời cư dân còn chưa biết gì về cắt xén và ăn bớt, chủ công trình đã “thiến” mỗi suất năm tấc ngang để cuối cùng dư ra mỗi lô nhà được vài suất đất chia nhau (họ bán ngay trước mũi bàn dân thiên hạ!).

Mồ mả được đếm khống để nhận chi phí bốc dỡ, mộ xây đập ra bốc cốt, nhưng những ngôi mộ đất thì đã có lũ cát đánh lừa, dân cư sống với những âm hồn rên rỉ bên dưới và đám ván thôi lăn lóc trên miệng cống!

Thật sự khu chung cư mới này không xứng với người như bà lão. Vì hương và sắc một thời còn đậm đà trên cách thức bà sống giữa đám thu nhập thấp. Và vì nhân thân của bà mới nghe nói cũng đã thấy choáng.

Nghe nói bà là con nhà danh giá đất cố đô làu làu tiếng Pháp và có thể biết cả tiếng Anh. Nghe nói bà là phu nhân cuối cùng của một vị tướng huyền thoại, hay một triết gia, học giả gì đó, chao ơi, ở cái hốc sình bùn này mấy danh xưng ấy nghe cao vời như vịt nghe sấm.

Nghe nói bà từng ngồi chung mâm với các loại lãnh tụ, con cái bà có nhà cao cửa rộng ở Sài Gòn. Nghe nói và nghe nói, bị tò mò, tổ trưởng tổ dân phố ở cách căn hộ của bà một khoảng hở chỉ móm mém cười: “Các thím các bà hỏi lầm địa chỉ rồi, bạn già với nhau ai thóc mách chi!”.

Hỏi công an khu vực, gã này cũng không biết gì hơn ngoài cái giấy nhà đất cấp thẳng nhà cho bà (đốt cháy giai đoạn cho thuê rồi mới nghiên cứu cho mua hóa giá), một cô gái phục phịch mặt đầy mụn bọc ở cùng có tạm trú hẳn hoi. Đồn là cháu nuôi, nhưng mỗi ngày ả nhỏ còn đi bán vé số dạo kiếm thêm thu nhập, hoặc đơn giản là để ra ngoài cái không gian bí bách của bà lão.

Bấy nhiêu xầm xì về bà lão cũng không đáng là gì so với đề tài mà cư dân đất nghĩa địa này quyết “sống chết” với nó. Ấy là chuyện bà gần như thường trú trong khu lão khoa của bệnh viện.

Một người già ra vô như cơm bữa chỗ lão khoa thì có gì phải đàm tiếu? Ậy, không có chuyện giật gân làm mồi thì bầy người đói chuyện sẽ sống mà như chết à? “Bả có bồ, một ông già, họ hẹn nhau vô đó sống!”, “Già cỡ đó sống kiểu gì?”, “Thì sống, là phòng ai nấy ở, sát vách nhau, đêm đêm ma ăn cỗ ai biết!”, “Ối trời, còn ăn cỗ được sao?”, “Thì ăn kiểu già, chấm chấm mút mút!”.

Hết biết! Nhiều người cứ cái điệp khúc hết biết ấy mà kêu với trời hoặc là kêu với nhau. Bà lão được lén nhìn theo mỗi khi bà đi ăn sáng ở cụm quán đầu khu, hoặc đi mua gì đó ở tiệm tạp hóa cũng cùng hướng đó.

Riêng việc bà ưa lim dim trên cái ghế dựa ngoài hàng hiên với cây quạt tay rất điệu cũng làm xốn con mắt người ta. Cô gái bán vé số không hiểu sao mình được cư dân đoái hoài, mua không nhiều nhưng được giữ lại lâu, dỗ dành khai thác. Cô một mực chỉ biết rõ bà khi bà ở nhà.

“Thì bà ở nhà ra sao?”. Cô gái trợn mắt với đám người như nhìn thấy những con bệnh: “Thì ăn cơm, ăn bằng đũa, múc canh bằng muỗng, ngủ trưa ngủ tối, tắm táp gội đầu, thích quạt tay, mà quạt thơm có cái hộp sơn mài đựng nó cũng thơm!”.

Có vẻ người ta rất chịu khó với một “công trình” mà họ đã lỡ đầu tư thời gian và tâm sức. Vì vậy mà có một người ở cách ông tổ trưởng tổ dân phố hai căn thử đưa bà mẹ vào an dưỡng ở khu lão khoa. Giả vờ khó ăn khó ngủ, người già nào cũng dễ thuyết phục y bác sĩ lý do đến khám và xin nằm lại.

Và dân phố đã được chiêu đãi nhiều bữa nóng sốt có thể làm no nê đám người rỗi hơi. Họ định vị được căn phòng mà bà lão không biết làm cách nào được dành hẳn cho bà, và bên cạnh phòng ấy là của một ông không biết bằng cách nào cũng được dành hẳn cho ông.

Hai căn phòng hai cửa sổ nhìn ra khu vườn nhỏ, bông hồng đỏ, bông mẫu đơn nhiều màu và bông nở ngày tím biếc. Họ còn mô tả cái bàn nước của phòng bà lão có ly để cắm hoa tươi. Và dĩ nhiên, cái ông lão kia mới là tiêu điểm để mô tả: chừng tám mươi lăm tuổi, tóc bạc trắng húi cua, lùn mập đen đen dơ dơ, cái tướng đi cũng thấy dơ mà cái mông của ổng thì chè bè, cũng thấy dơ!

Họ nhìn ông lão bằng góc độ đạo đức truyền đời, đàn ông trên tám chục mà còn sung thì hẳn phải dơ dơ!

Không ai thèm bước vào với bà để nghe chuyện cuộc đời. Ban đầu bà xa vời như một vì sao xa. Những thứ “nghe nói” khiến họ nghẹn thở, bao bọc quanh bà là ánh hào quang như voan như lụa. Nhưng khi tin đồn ở khu lão khoa được một người của dân phố cất công đi mục sở thị thì bà như bị tước hết mọi thứ, trơ ra cái lõi dâm đãng khác thường.

Bấy giờ thiên hạ mới thật sự cho bà biết sức mạnh của dư luận: không ánh mắt trầm trồ cũng không nép nhìn, như không ai nhìn thấy khi bà lướt qua với cây dù và cách tém quần đặc trưng mệnh phụ; không đếm xỉa cũng không mua vé số cho cô gái ăn ngủ chung nhà với “con mẹ hư thân mất nết đó”.

Chỉ tội ông tổ trưởng dân phố phải gọi thợ giúp bà làm nắp cống phía sau hay trồng cây lấy bóng mát từ khoảng hở giữa hai căn hộ; điện nước trục trặc chỉ ông trám lại cái nền nhà ximăng bong tróc; cũng ông tìm đứa cháu gái ham bán vé số quên cả cơm nước cho bà, cũng là ông.

Thiên hạ bỗng rùng rùng, sao không nghĩ bà lão quan hệ với ông tổ trưởng dân phố, cũng hàng xóm, cũng những khóm hoa giữa hai nhà, cũng đêm tối a tòng, tiện nhất là ông ấy góa vợ đã nhiều năm nay, một mình một nhà, thi thoảng con trai con dâu ở đâu đó trong nội ô thị xã ghé qua như thăm một cái bẫy.

Ông lại nổi tiếng với hình ảnh bài múa quyền thể dục sáng trên vỉa hè, ông nói năng rổn rảng, từng đứng ra quyên dân phố tiền làm đường, tiền ghế đá, tiền thùng rác... Ông hơn hẳn cái lão trong khu nghỉ dưỡng kia, thôi rồi, chắc chắn cùng lúc hai ông, ai chớ bà già này dư sức!

Rồi bà lão nằm liệt sau một trận cảm. Thấy cô gái bán vé số đi mua lá xông mỗi ngày và ông tổ trưởng dân phố lăng xăng thăm hỏi, thiên hạ mới loan tin cho nhau. Chẳng để làm gì. Chẳng qua là mồi đã hết, màn đã hạ, chuyện đã xong, một đời người đang leo lét.

Bà ra đi vào buổi xế, trời đang mưa, mùa mưa dầm lắt khắt, lá cây trứng cá rụng đầy, những khóm bông giập nát. Đứa cháu nuôi lặng lẽ quét dọn sau trước trong lúc ngóng chờ ai đó về với bà. Mọi người lao xao đến ngóng từ ngoài thềm rồi quay đi, họ chưa biết sẽ cư xử ra sao với đám tang của bà.

Họ lỡ xa lánh bà ngay từ đầu rồi mà. Ông tổ trưởng dân phố không ở trần như mọi khi, qua qua lại lại trong bộ sơ-vin trông rất trang trọng, tươm tất. Bây giờ chỉ ông là mồi của đám người, bởi không có mồi để họ rỉa róc chắc họ không sống nổi!

Những đứa con “nghe nói” của bà lão xuất hiện với cả một dàn xe. Xe chở quan tài, xe chở người và xe chở những ai hay những gì gì nữa mà rất hoành tráng. Họ lặng lẽ tẩm liệm mẹ mình và đưa về Sài Gòn trong đêm. Cô cháu nuôi không biết gì cụ thể, chỉ được dặn giữ nhà, vậy thôi.

Ông tổ trưởng được người thân của bà tiếp đón như đại diện của địa phương; không thấy ông khóc, chỉ thấy ông buồn khi đoàn xe lăn bánh bỏ lại ông và cô gái hàng xóm trong căn hộ vắng lặng như hồi bà lão hay đi ở trong khu lão khoa.

Người ta vẫn cứ thắc mắc sao cái lão bồ dơ dơ của bà trong khu nghỉ dưỡng không thấy xuất hiện, chắc chết trước bà rồi cũng nên. Rồi người ta quên ông ta đi, như một thứ tin đồn không giật gân gì lắm. Riêng ông tổ trưởng dân phố còn được xầm xì thêm ít lâu, liệu ông ấy có từng là... Mọi thứ qua nhanh, như viên đá với ao bèo, sự tù đọng ngự trị.

***

Tôi là một cư dân cũng từng bị cho là cá biệt của khu tập thể trên đất nghĩa địa. Chuyện bà lão khiến tôi luôn nghĩ về một bà thím của mình ở trong quê. Chú tôi hiền rù, người ta nói chú bị vợ át mọi thứ nên rù. Làm sao người đàn bà ấy bước được vào gia tộc của tôi, đã có lúc tôi đơn giản nghĩ vậy, như mọi người.

Rồi mọi thứ bỗng trở nên sáng rõ khi hai người lần lượt nằm xuống. Thím là một người đẹp, trước hết bà đẹp một cách ma lực và phồn thực. Má luôn hồng, da luôn sáng, mày luôn rậm, vai hơi khòm, lưng dầy nhưng eo thon và tiếng cười thì giòn tan hết cỡ.

Bảo sao chú của tôi không mệt và không rù? Bà còn để lại chút tài tình trong món bánh bò sáng tạo của riêng bà. Bánh bò thì các bạn biết đó, bột gạo ướt ủ trong men, men dậy thì đưa nước đường có cả nước cốt dừa vào khuấy đều, hấp lên.

Thím hấp bánh bằng muỗng canh, bánh màu trắng, bánh màu hồng xirô, bánh màu tím lá cẩm, bánh màu xanh lá dứa, những miếng bánh vừa để cầm lên ngắm nghía trước khi ăn, đẹp đến mức không nỡ ăn.

Khi chú mất, dân xóm xầm xì về thím không ngớt với một ông thợ mộc ngoài vàm, với một ông mua bắt heo xã bên có chiếc vỏ lãi màu lá mạ rất oách, có thể cả với ông hàng xóm già đầu đinh mặt đầy mụn, “ngữ đàn ông đó mạnh trong mình phải biết!”.

Thím cứ bơ đi, sống, cười, làm bánh, đi đám giỗ nhà này nhà kia và giỗ chồng thì nhất thiết phải món bánh bò ai cũng mê, dĩa bánh nằm bàn, còn những cái túi sẵn cho từng nhà cầm về, bánh bò trong để trong túi nilông trong, bánh màu hồng màu trắng màu tím màu xanh.

Dị nghị là thói đời, thị phi là số của những con người đặc biệt. Tôi luôn ân hận vì thời trẻ người non dạ, tôi chỉ đứng xa xa nhìn thím mình xoay xở. Bà xoay xở với ruộng vườn, bầy con, với góa bụa và cả với tố chất bánh bò trong mà trời phú một cách thiên vị cho bà.

Và âm thầm, đến nay, dù bà lão ở khu dân cư xập xệ ngày xưa đã quy tiên và bị thời gian vùi lấp lâu rồi, tôi vẫn ngậm ngùi nhớ một quãng tỉnh lẻ đìu hiu. Nhớ một bóng hồng mỗi ngày đi qua miệng thế, đài các, không nao núng, đến và sống bằng hết những ngày trời cho (hay trời đày mình) và rồi vút đi, thoát ra với đôi gót sáng, trắng và rất sáng.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận