Bão khi trời rất đẹp

KHẢI ĐƠN 19/03/2013 22:03 GMT+7

TTCT - “Sao Sài Gòn lãng mạn đến thế, những ngày lạnh êm dịu” - một người nhắn tin cho bạn bè. Hôm đó nhìn xuống đường lá vàng rụng lơ thơ, trời không chút nắng, gió se se dịu dịu.

Sau tin nhắn, nhóm bạn ra ngoài nhà thờ Đức Bà uống ly cà phê, đi dạo, chụp ảnh và cười đùa thật thư thái.

Phóng to
Ảnh: Salem

Trong lúc ấy, trên đài phát thanh viên đọc bản tin về một cơn bão xa đang đổ vào biển Đông, thuyền bè phải đi tránh bão.

Thành phố giữ định mệnh của điều may mắn tuyệt vời, trời luôn đẹp và nắng mênh mông, khi cơn bão hung hăng đang chuồi mình quấy phá nơi xa tít tắp nào đó.

Vị cà phê thương mến, hơi tiếc tiếc chút gì...

Thưa bố con đi

Đó là lời chào bố viết ở cuối lá thư vĩnh biệt của ca sĩ Duy Quang gửi từ Mỹ về cho cha, giờ cũng đã là cố nhạc sĩ Phạm Duy. Đọc thương quá. Ngoài gợi lên phút đau thương tình cảm cha con ly biệt trong đời ai rồi cũng hoặc đã trải qua, hai cha con họ là nghệ sĩ nổi tiếng, mấy chữ đó còn đem đến thương cảm sâu xa.

Không chỉ biết Phạm Duy qua âm nhạc, người ta còn biết ông dù rất đào hoa nhưng vẫn tôn vợ là “thánh nữ” và chính ông nuôi nấng yêu thương một đàn con. Tuổi già đau yếu không qua được với con lúc con lâm chung nơi xa, nỗi đau đã góp phần đánh gục ông...

Mấy chữ thưa bố con đi còn làm tôi nhớ lại cung cách Hà Nội xưa, “Bắc kỳ rặt”. Cái thời mà theo thi sĩ “Phan Vũ - Hà Nội phố” thì đó là thời yên bình, con người lễ phép, hàng phố sáng ra ran tiếng chào.

Bây giờ thời hiện đại bao chuyện giật gân, mỗi ngày một mức độ cao làm tim đau nhói hơn.

Một dạo người Bắc vào Nam ngạc nhiên thấy trẻ em trong này dù lớn vẫn khoanh tay chào ông bà cha mẹ. Người bảo ngoan quá, nhưng người khác bảo làm gì phải “nô lệ” khúm núm. Thế là chỉ sau ít năm đã thổi bay một nét đẹp trong cư xử. Nên tôi vẫn ngạc nhiên thấy ngày lễ, giỗ, các cô chú tôi dù tóc đã hoa râm, bước vào nhà phải đi lên lầu thưa chào người trên đã rồi mới xuống nhà uống nước, chuyện trò.

Bây giờ con cái đi đâu chả cần chào hỏi, cứ việc biến ra khỏi nhà, má chạy theo hỏi trưa có về ăn cơm không thì gắt lên bảo chưa biết. Điện thoại xịn để nhắn tin với bạn bè chứ chẳng gọi về nhà để báo. Dân Hà Nội xưa chào “Lạy ông ạ, lạy cụ ạ”. Bây giờ mà lạy thế người ta tưởng chào đểu chửi xéo: “Thôi thôi con lạy bố, tôi lạy các anh các chị”.

Mỗi thời có ngôn ngữ của mình, giống như bây giờ hỏi bác đi đâu chứ chẳng ai hỏi “bác về đâu ta?” hoặc “thế ru?” thay cho “Vậy à”. Chuyện này để các nhà ngôn ngữ nói hay hơn. Nhưng điều đáng nghĩ ở đây là cái nội hàm của nó, tình cảm, sự lễ độ ngày nay đã mất đi nhiều.

Mấy chữ của Duy Quang gợi lại một thời, thời các cụ dạy con cái phép tắc đâu ra đấy. Đừng nói là hiện đại thì chẳng thể sống đẹp như xưa. Ca sĩ Duy Quang sống ở xã hội Mỹ bao năm vẫn giữ được đó thôi. Đó là văn hóa dân tộc đấy, nói gì lý luận cao xa. “Thưa bố con đi” là câu được dùng hằng ngày, xin phép đi ra khỏi nhà. Lúc về chào thưa bố con về...

Câu chào thân quen ấy vẫn dùng vào lúc vĩnh biệt. Nó chứa tình cảm, sự nền nếp theo con người tới lúc lìa đời. Con chào như con đi ra phố rồi lát nữa đây thôi con sẽ về. Bốn chữ nhói lòng làm xót thương cả nền nếp dạy dỗ của người Việt nay đang mất khá nhiều để đổi lấy lối sống vật chất.

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

TTCT cảm ơn các bạn: Mai Nam Hà, Nguyễn Thị Mỹ Nữ, Nguyễn Quang Hòa, Hồ Sĩ Bình, Mai Huy Thăng,... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận