Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể: Cả tĩnh và động đều có vấn đề

HÀ HƯƠNG 30/11/2013 00:11 GMT+7

TTCT - Tám di sản văn hóa phi vật thể mới nhất (*) vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã góp vào kho di sản văn hóa Việt Nam những vẻ đẹp đa dạng, độc đáo.

Giữa bảo tồn hay phá hủy chúng là một lằn ranh vô cùng mong manh, nhất là khi “di sản hóa” là một quá trình không thể cưỡng lại, như mối lo của PGS.TS Lương Hồng Quang (phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam).


Nghề chạm khắc bạc của người Mông ở Sa Pa - một nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời, được hình thành và phát triển từ nhu cầu làm đẹp và phục vụ đời sống văn hóa tâm linh - Ảnh: Sở VH-TT&DL Lào Cai cung cấp

Hằng năm có thêm hàng loạt di sản được công nhận danh hiệu, từ cấp tỉnh, cấp quốc gia đến cấp...Unesco, kéo theo những lễ đón nhận rầm rộ, di sản bị sân khấu hóa, bị biến dạng và dần trở thành “người lạ” với chính cộng đồng đã sáng tạo và gìn giữ nó.

PGS.TS Lương Hồng Quang cho biết: “Di sản hóa” là một xu hướng thịnh hành ở Việt Nam gần đây. Lý thuyết này được một học giả người Anh đặt ra trong những năm 1970, chỉ ra việc nhà nước can thiệp rất nặng vào di sản của cộng đồng. Xu hướng này dẫn đến nhiều hệ quả: một mặt là sự khát khao danh hiệu, chạy theo và kiếm tìm sự tôn vinh danh hiệu; mặt khác, di sản cũng đang được sử dụng như một thế mạnh và tiềm năng để phát triển du lịch.

Vấn đề này đang trở thành áp lực với hàng loạt nước châu Á, Nam Mỹ chứ không chỉ Việt Nam.

Nhà nước, cộng đồng, cá nhân đều ham thích danh hiệu

* Vậy Việt Nam sẽ phải đối diện với xu hướng “di sản hóa” như thế nào, thưa ông?

- Tôi cho rằng đây là một xu hướng không thể cưỡng lại được. Vấn đề là giảm tác hại của nó bằng cách nào. Nhận thức là điều cần phải thay đổi đầu tiên, trong đó quan trọng nhất là phải nhấn mạnh nguyên tắc đa dạng văn hóa. Sẽ không có chuyện văn hóa cao, văn hóa thấp, di sản chưa được công nhận là không có giá trị. Chính bản thân quá trình công nhận danh hiệu cũng đã đi ngược lại quá trình đa dạng văn hóa.

Nên nhớ những di sản không được công nhận cũng là di sản cần phải bảo tồn. Nhưng nhận thức này đang bị lệch lạc, không chỉ phía Nhà nước mà cả người dân cũng đang đẩy mạnh quá trình “di sản hóa” này một cách rầm rộ. Bởi hiện nay ở Việt Nam đang có xu hướng cứ có danh hiệu, cấp tỉnh, cấp quốc gia hay cấp Unesco thì sẽ được đầu tư.

Ngay chương trình mục tiêu quốc gia cũng rất chú trọng đến các di sản đã được công nhận. Từ đó đặt ra câu hỏi: còn các di sản khác thì sao? Đây là bài toán phải tính kỹ. Với các quốc gia có nguồn lực hạn chế thì phải ưu tiên cho di sản đã xếp hạng chính thức theo kiểu “con nhà tôi thì tôi phải lo hơn con nhà bác”. Chính thực tiễn đó cổ vũ cho phong trào “di sản hóa”, chứng tỏ ngay từ trong chính sách cũng có những mâu thuẫn.

* Nghĩa là sự ham muốn danh hiệu không chỉ là vấn đề của Nhà nước mà còn xuất phát từ bản thân cộng đồng?

- Nhà nước, cộng đồng và từng cá nhân đều muốn danh hiệu. Đây là thời truyền thông rầm rộ xuất hiện, cũng là thời kinh tế thị trường, có danh hiệu về mặt văn hóa cũng là một cách để định vị thương hiệu. Do vậy phải nâng cao năng lực giám sát và sự tham dự của cộng đồng vào quá trình thực hành di sản, áp dụng tư duy quản lý hiện đại với những công cụ quản lý mới.

Thực tế hiện nay cho thấy bối cảnh của di sản, đặc biệt di sản phi vật thể, đã biến đổi rất nhiều. Hội làng ngày xưa đã biến thành lễ hội vùng, những màn hát ca trù hay hát quan họ không còn dành cho cộng đồng nhỏ nữa.

* Ông cho rằng “di sản hóa” là quá trình không thể cưỡng lại, nhưng ít ra cũng phải có điểm dừng chứ?

- Chúng ta đang quá say sưa với danh hiệu, tất cả đang say sưa và tôi không biết cơn say sưa này tới bao giờ mới kết thúc. Bởi vì “di sản hóa” hiện nay vẫn phát huy tác dụng của nó. Vấn đề bây giờ là phải cảnh tỉnh, cả khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực của trào lưu “di sản hóa” này. Quá trình này sẽ làm biến dạng di sản, góp phần khiến di sản ngày càng trở nên xa rời cộng đồng. 

Nếu anh là nhà quản lý, anh phải nhận thức được những hệ quả không mong muốn là sự ganh đua của các cộng đồng. Ví dụ: quan họ nhà tôi với nhà anh, quan họ Bắc Ninh với Bắc Giang. Chính Unesco từ những năm 1980 đã bắt đầu có sự cảnh tỉnh về biến dạng di sản. Các nước Âu - Mỹ đã trải qua thời kỳ này từ rất lâu rồi, còn chúng ta chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu.

Một lễ cấp sắc của người Dao quần trắng, thôn Thanh Vân, xã Hùng Đức (Hàm Yên, Tuyên Quang) - Ảnh: Hà Hương

Nhà nước vẫn là “người ngoài”

* Nếu không thể cưỡng lại “di sản hóa”, Nhà nước và cộng đồng sẽ phải làm gì để di sản không bị biến dạng?

- Theo tôi, việc bảo tồn các di sản văn hóa phải dựa trên hai nguyên tắc. Nguyên tắc thứ nhất là tăng cường sự tham dự của cộng đồng vào các di sản. Nguyên tắc thứ hai là tôn trọng quyền văn hóa của chủ thể, tức là quyền tự do biểu đạt, tự do sáng tạo, sở hữu. Trong đó, quan trọng nhất là phải có tự do sáng tạo, biểu đạt. Trong các hoạt động phải tránh sự can thiệp của Nhà nước vì dù sao Nhà nước vẫn cứ là “người ngoài”.

Có hai hình thức bảo tồn là bảo tồn tĩnh và bảo tồn động. Bảo tồn tĩnh tức là tư liệu hóa các loại hình văn hóa phi vật thể, bao gồm làm phim tài liệu, chụp ảnh rồi cất vào kho hoặc trình chiếu. Bảo tồn động là gắn di sản đó với không gian và môi trường sống của nó. Cả hai cách đều có những phức tạp riêng và dĩ nhiên cách nào cũng tốn tiền như nhau. Tuy nhiên, bảo tồn động có khả năng kiếm tiền cho chủ thể tốt hơn.

Tất nhiên, muốn kiếm tiền thì phải biết làm và làm tốt. Đây là một bài toán kinh tế chứ không đơn thuần là một dự án phát triển để bảo tồn di sản. Nó sẽ nảy sinh các mối quan hệ giữa chủ thể văn hóa với Nhà nước và chủ thể văn hóa với doanh nghiệp. Bên cạnh vấn đề tiền thì vấn đề vô cùng quan trọng là bản thân cộng đồng phải được chuyển giao công nghệ tổ chức, sản xuất và vận hành việc này.

* Về lý thuyết là thế nhưng thực tế bảo tồn ở Việt Nam, cả tĩnh và động đang bị chê trách vì làm chưa tới?

- Với bảo tồn, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn không có. Các nhà nghiên cứu vẫn còn tranh luận về các công cụ hướng dẫn bảo tồn. Họ có những cách tiếp cận khác nhau và chưa tìm được tiếng nói chung trong việc chuẩn hóa các công cụ này.

Trước đây, Unesco có một bộ hướng dẫn nhưng chỉ bao gồm những nguyên tắc chung chứ không phải là một bộ công cụ đầy đủ, cụ thể để có thể thực hành theo. Đối với những di sản không có tư liệu ghi chép, ký ức của cộng đồng chỉ là những mảnh vụn thì sự tham gia của nhà khoa học là rất quan trọng. Họ sẽ phải tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, tư vấn cho cộng đồng trên cơ sở tôn trọng tính chủ thể của di sản văn hóa đó.

Như Nhật Bản chẳng hạn, người ta vẫn biết đến những di sản của họ dù nó nằm ở những khu vực hẻo lánh. Vấn đề là họ tư liệu hóa di sản của mình rất tốt. Trên cơ sở các nguyên tắc bảo tồn, họ cũng đã xây dựng được một bộ công cụ hướng dẫn rõ ràng.

Bên cạnh đó, những nước làm bảo tồn tốt còn có các lớp tập huấn cho những nhà báo chuyên viết về di sản, coi đó là một kênh cực kỳ hữu hiệu trong việc truyền tải thông điệp của di sản tới công chúng. 

Trao đổi với TTCT, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cũng quan ngại về một đường hướng bảo tồn khá mơ hồ và thiếu chuẩn hiện nay.

* Nhiều năm nay, một số ý kiến đặt ra là không nên xếp hạng di sản đối với các di sản phi vật thể bởi sẽ tạo nên sự chênh lệch giữa các di sản được xếp hạng và không được xếp hạng. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

- Đây chính là điều đòi hỏi sự nhạy cảm của nhà quản lý. Đúng là có hiện tượng so bì này nọ giữa các di sản được và chưa/không được công nhận danh hiệu.

Thông thường, người ta chỉ nên trao danh hiệu cho những di sản có vị trí độc đáo, đặc sắc nhất trong cộng đồng mà hiện có nguy cơ mai một, biến mất khỏi đời sống xã hội thời nay. Mục đích trao danh hiệu khi đó nhằm đánh thức, khuyến khích cộng đồng khu vực có ý thức giữ gìn, bảo vệ tài sản văn hóa nghệ thuật của quá khứ.

Ngoài ra sẽ thấy cũng không thể phong danh hiệu cho toàn bộ di sản được, bởi như thế sẽ làm giảm giá trị của việc công nhận. Và công cuộc bảo tồn toàn bộ sẽ trở nên bất khả thi vì đòi hỏi một cơ chế quản lý hoàn hảo kiểu “ba đầu sáu tay”, là điều hoàn toàn bất cập với trình độ quản lý văn hóa hiện nay ở các cấp thiết chế.

* Di sản phi vật thể sau khi được xếp hạng luôn đối mặt với nguy cơ đến từ chính cơ quan quản lý văn hóa đó là bị nhà nước hóa và sân khấu hóa. Rất nhiều cộng đồng đánh đổi một tấm bằng công nhận di sản tinh thần của mình để biến nó thành một loại hình trình diễn. Nhìn ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực, ông đánh giá như thế nào?

- Việc tích cực như người ta vẫn hô hào nào là “để quảng bá, để tôn vinh, để lan tỏa, để phát triển du lịch”... thì tôi không bàn. Ở đây xin được nhấn mạnh rằng chúng ta chưa có giới luật sai/đúng về việc này để chính sách được thực thi một cách triệt để nhất.

Bấy lâu nay di sản được ứng xử theo một đường hướng bảo tồn/phát huy, kế thừa/phát triển khá mông lung, thậm chí mơ hồ, không hoàn toàn theo công ước quốc tế mà UNESCO đã đề ra. Mỗi nơi một phách, thi nhau “hoành tráng hóa”, sân khấu hóa, lễ hội nhà nước hóa các hệ giá trị.

Bên cạnh việc làm di sản tiếp tục duy trì nguy cơ mai một, không thể không nói những cách làm đó đã tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của Nhà nước mà chẳng giúp ích được bao nhiêu cho sự sống còn thật sự của di sản. Điều này nói ra đau lòng lắm, không chỉ tôi mà rất nhiều nhà chuyên môn khác cũng nhìn thấy rõ khi đi điền dã.

Có những di sản sau khi được công nhận vẫn bị bỏ mặc lay lắt, thậm chí nội hàm giá trị còn bị bóp méo dần theo cách làm sai của địa phương.

* Chúng ta ít thấy những người trẻ trong công cuộc bảo tồn di sản. Theo ông, phía Nhà nước lẫn giới nghiên cứu sẽ phải làm gì để đưa di sản văn hóa dân tộc đến gần hơn với công chúng? Để di sản văn hóa của dân tộc không phải “người lạ” trong đời sống đương đại?

- Điều này được hiểu hết sức ngắn gọn trong mấy chữ “Giáo dục có hệ thống”. Chúng ta chưa làm được điều này, mọi sự tuyên truyền bấy lâu nay chủ yếu nhờ vai trò của báo chí mà thôi. 


(*): Lễ hội Roóng poọc (xuống đồng) của người Giáy, lễ Pút tồng của người Dao Đỏ, nghề chạm khắc bạc của người Mông, nghề chàng slaw (làm tranh cắt giấy) của người Nùng Dín, hát Páo dung của người Dao, nghi lễ cấp sắc của người Dao, nghệ thuật xòe Thái, lễ hội cúng biển Mỹ Long



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận