​Bây giờ đã đến tháng 10

KIỀU BÍCH HƯƠNG 21/10/2014 08:10 GMT+7

TTCT - Cũng là một phụ nữ sáng tác, gần đây có đầu sách Vợ đông chồng tây nhiều nỗi niềm, từ Bỉ, tác giả Kiều Bích Hương gửi một câu chuyện tháng 10 của mình.

Minh họa: Đức Trí
Minh họa: Đức Trí

Dù rất riêng tư như lời chị nói, nhưng cũng là góp một tiếng nói để “chia sẻ với nhiều người đàn bà khác và để yêu thương, kính trọng phụ nữ hơn”

Tôi nằm trong bệnh viện ở thành phố Leuven (Bỉ). Tuyệt nhiên không nghe tiếng trẻ khóc hay giọng mẹ nựng con. Y tá Cathy bước vào, nhỏ nhẹ: “Ở đây cô được an toàn, gắng nghỉ ngơi. Mai ra viện thấy những bà mẹ đẩy xe nôi dạo phố cô sẽ lại đau đớn. Mạnh mẽ lên”.

Đó là lời dành cho những bà mẹ bị lưu thai.

Lần sinh nở đầu tiên thành công, tôi liên tưởng bà mẹ sinh con giống như người lính bước vào một trận chiến vô cùng vẻ vang. Bởi đi một mà về hai, thậm chí hơn hai. Tôi nhầm, người lính ấy cũng có khi không trở về, hoặc về một mình với tâm hồn thương tổn trầm trọng. 

Ở lần thứ hai, bác sĩ phát hiện cân nặng thai nhi năm tháng mà như mới bốn tháng. Từ bệnh viện gia đình, tôi được chuyển lên bệnh viện của trường đại học. Vừa đặt ống nghe lên bụng, bác sĩ thốt lên: “Tôi xin lỗi. Cô mất em bé rồi, không nghe nhịp tim nữa”.

Buổi sáng ấy tôi đã thức dậy với dự cảm không lành: cơ bụng lỏng ra và nhẹ bỗng. Bé Kobi đã bỏ tôi mà đi. Giờ thì tôi hiểu vì sao làm bố mẹ là một nghề nguy hiểm. Nó nguy hiểm đến nỗi nếu không đủ sức vượt qua nỗi đau kiểu như thế này, ta chẳng còn thiết sống nữa.

Tôi được chuyển lại viện cũ để thực hiện ca sinh nở bất thường. Căn phòng cách ly nơi sinh thường để các bà mẹ bất hạnh không bị tổn thương dồn dập khi nghe tiếng khóc trẻ sơ sinh dội vào.

Bác sĩ hỏi: “Vợ chồng cô có muốn phẫu thuật em bé để tìm nguyên nhân? Sẽ hữu ích cho lần sinh sau”. Chúng tôi từ chối, cơ thể nhỏ bé ấy làm sao chịu nổi những nhát dao săm soi tìm tòi.

Bác sĩ an ủi: “Đôi khi phẫu thuật cũng không thể tìm ra lý do. Hãy coi đây là sự chọn lọc của tự nhiên để vững vàng bước tiếp”.

Tác giả Kiều Bích Hương - Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà
Tác giả Kiều Bích Hương - Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà

Một chuyên gia tâm lý bước vào. Cô mặc váy màu đen điểm hình trái tim nhỏ xíu, mái tóc nâu buộc gọn phía sau, đôi mắt mở to đồng cảm và nhẫn nại ngồi nghe tôi khóc lóc. Cô vỗ vỗ lưng tôi như nựng trẻ, nói: “Rất nhiều cặp vợ chồng gặp hoàn cảnh tương tự. Cứ khóc đi cho bớt đau đớn. Nếu cô cần tôi đến nhà trò chuyện, xin sẵn lòng”.

Bỗng cô hỏi: “Có muốn xem mặt con không?”. “Sao cô hỏi vậy?”. “Vì nhiều bà mẹ không đủ sức nhìn mặt đứa con đã mất của mình. Không sao. Chúng tôi đều chụp ảnh, in dấu chân tay của bé và lưu lại trong cuốn album đặc biệt. Có cặp vợ chồng khi đã nguôi ngoai, sau mười năm trời họ vẫn quay lại bệnh viện xin nhìn mặt con”.

Đêm ấy tôi nhấn chuông gọi y tá Cathy: “Làm ơn mang con lại cho tôi”. Cathy bước vào, trên tay là một tấm chăn nhỏ như chiếc khăn vuông ghép vải in hình sư tử, hươu cao cổ xinh xắn.

“Đây là chăn may riêng cho những em bé xấu số” - Cathy nhẹ nhàng đặt tấm chăn vào lòng tôi. Cô ngồi ngắm con cùng tôi, cất giọng êm ái: “Cậu bé thật đáng yêu”. 

Trước khi tôi rời viện, cô gái mặc váy đen điểm hình trái tim nhỏ xíu lại xuất hiện: “Đây là số điện thoại của anh Paul, người chăm sóc bé Kobi ở bệnh viện cho đến ngày chuyển bé về nghĩa trang địa phương. Cô có thể gọi Paul bất cứ lúc nào để xem mặt con. Tôi đã sắp xếp với dịch vụ an táng, họ sẽ đến nhà bàn ngày giờ cụ thể, vợ chồng cô không phải lo lắng gì cả”.

Về đến nhà, chính quyền địa phương thông báo miễn phí an táng tại nghĩa trang và gửi kèm thiệp chia buồn. Buổi chiều muộn tháng 6, người ta đào một cái hố nhỏ như chuẩn bị trồng cây trong nghĩa trang.

Viên chủ lễ đặt bên cạnh hố chiếc ghế phủ vải trắng rồi bê ra một giỏ mây nhỏ đậy nắp kín. Ông lặng lẽ đeo kính, lôi một tờ giấy từ túi áo ra và vừa cất giọng đọc: “Có những câu hỏi tại sao không lời hồi đáp...”, cảnh vật đã nhòe đi.

Tháng 10, nông dân ở đây ra vườn chọn trái bí ngô to đẹp nhất mang về nấu xúp và khoét vỏ quả thắp nến đón Halloween, ấy cũng là mùa tảo mộ ở một số nước châu Âu. Lại một tháng 10 nữa đến.

Người trong gia đình, bạn bè thân thiết an ủi tôi bằng chia sẻ: “Chị cũng từng bỏ mất một đứa con”, “Mẹ tớ bị lưu thai hai lần ở tháng thứ bảy, giờ còn ám ảnh”...

Trước đây họ giấu kín, chuyện buồn ấy chẳng ai muốn nhắc làm gì. Nhưng nay họ kể ra để tôi hiểu chẳng có nỗi đau nào là đơn độc trên đời này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận