​“Biện pháp cực đoan”

MINH THƯ 31/10/2014 07:10 GMT+7

TTCT - Không biết vô tình hay hữu ý mà kênh Cinemax mới đây - vào cao điểm dịch Ebola - cho chiếu lại bộ phim cũ Extreme measures (Biện pháp cực đoan, đạo diễn: Michael Apted).

Bộ phim kể về bác sĩ thần kinh trẻ tài năng Guy Luthan (Hugh Grant đóng) suýt phải đi tù chỉ vì quyết tìm cho ra nguyên nhân cái chết bí ẩn của một bệnh nhân trong ca trực của mình.

Đó là một nam bệnh nhân vô gia cư, với những triệu chứng kỳ lạ mà y văn chưa từng biết đến.

Cuộc tìm kiếm nguyên nhân tử vong đã khiến Luthan gặp hết tai họa này đến tai họa khác, cuối cùng cũng dẫn Luthan tới được bệnh viện của bác sĩ thần kinh học nổi tiếng Myrick, người thú nhận không thể chờ đợi theo đúng quy trình y học để thử nghiệm phương pháp điều trị mới chữa tê liệt của ông.

Phải mất ba năm thử nghiệm trên chuột rồi mới đến chó, tiếp đó là trên loài linh trưởng trước khi được phép thử nghiệm trên người. Mà việc thử nghiệm trên người không mấy khả thi: nguy cơ tê liệt quá lớn nên sẽ khó có người tự nguyện. Trong khi bác sĩ Myrick đã lớn tuổi và nóng lòng muốn để lại tên tuổi cho đời. 

Như Myrick rao giảng cho bác sĩ trẻ Luthan: “Bác sĩ tốt làm việc đúng, nhưng bác sĩ xuất sắc là người cả gan làm việc đúng”. Và Myrick đã “cả gan” tự tiện tìm người - chuột bạch cho thí nghiệm của mình. Đó là những người vô gia cư, không có gia đình thân thuộc để nếu thử nghiệm thất bại thì sẽ không để lại hậu quả nghiêm trọng! Chính từ đây diễn ra cuộc đấu tranh y đức giữa bác sĩ trẻ Luthan với “cây đại thụ” Myrick.

Bộ phim được chiếu lại vào lúc mà dịch Ebola hoành hành ở Tây Phi và thế giới chưa có văcxin.

Kể từ những đợt bùng phát trước, phòng thí nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới chỉ mới thực hiện đến bước thử nghiệm văcxin trên chuột, trong khi các thử nghiệm trên người chưa được thực hiện vì phí tổn cao, các hãng dược chưa sẵn sàng bắt tay do chưa đong đo được lợi nhuận (thật mỉa mai là những đợt bùng phát lẻ tẻ trước đây không đe dọa sinh mạng hàng loạt con người nên đứng từ quan điểm kinh doanh, không phải là nguồn lợi để đầu tư!).

Vì vậy khi dịch bệnh bùng phát năm 2014 này, người ta lúng túng: liệu có thể sử dụng phương pháp điều trị cho chuột lên người khi chưa qua thử nghiệm? Y đức không cho phép làm điều đó.

Nhưng có đúng không khi có phương pháp điều trị (dù chỉ mới trên động vật) rồi mà con người vẫn phải chết? Liệu có thể chờ đợi không khi virút Ebola không cho người ta chờ đợi? Cuối cùng thế giới cũng quyết định áp dụng “biện pháp cực đoan”: đằng nào bệnh nhân nhiễm virút Ebola cũng có thể chết nếu không được điều trị.

Phác đồ điều trị cho động vật nếu có thể cứu được động vật, sao ta không thử trên động vật - người? Các nhân viên y tế Mỹ nhiễm Ebola ở Tây Phi đã chấp nhận làm “chuột bạch” cho thử nghiệm này. 

Đầu tuần này, vào ngày 20-10, Canada bắt đầu gửi 800 liều văcxin cho WHO. Tổ chức này sẽ tư vấn các nước đang bị virút Ebola hoành hành để quyết định sử dụng văcxin như thế nào, đơn giản vì chưa chứng minh được hiệu quả trên người. Văcxin này do Phòng thí nghiệm vi trùng học Canada bào chế.

Cùng với Canada, phòng thí nghiệm của GlaxoSmithKline cũng đang thử một loại văcxin riêng của họ chống Ebola. Các chuyên gia ở đây cho biết các dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của văcxin này không thể có trước cuối năm 2015.

Nhưng dịch bệnh và những nạn nhân của nó thì không thể chờ tới cột mốc này. Gửi văcxin đi, các chuyên gia đều nhấn mạnh “cần phải nghiên cứu thêm các vấn đề về y đức”...

Đến ranh giới nào thì y đức là y đức và đến ranh giới nào sẽ là tội ác? Biện pháp cực đoan, được sản xuất từ năm 1996, đã đặt vấn đề người ta phải đối phó hôm nay...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận