Bóng đá Brazil: Khi khán giả ngại đến sân

TRƯỜNG MINH 16/06/2013 23:06 GMT+7

TTCT - Trong lúc Brazil đang chuẩn bị cho World Cup 2014, người dân nước này ít đến sân bóng đá vì giá vé cao, chất lượng trận đấu giảm và lại hay có chuyện đánh nhau.

Phóng to
Một CĐV của Corinthians rời nhà tù San Pedro ngày 6-6 sau khi bị bắt giữ từ ngày 22-2 vì vụ đốt pháo làm thiệt mạng cậu bé 14 tuổi người Bolivia trong một trận đấu ở Copa Libertadores - Ảnh: Reuters

Các cuộc chạm trán nảy lửa ở giai đoạn đầu của giải vô địch bang Sao Paulo giữa ba CLB hàng đầu gồm FC Sao Paulo, Corinthians và Palmeiras thu hút khán giả ngày càng ít, trung bình 25.000 người/trận, kém hơn đến 3.000 người so với mùa giải 2012. Theo tờ Folha de São Paulo, giá vé cao, tiện nghi kém, bạo lực trên sân, sự cạnh tranh với truyền hình xem theo yêu cầu và lịch đấu không thích hợp là một vài nguyên nhân giải thích tình trạng trên.

Cổ động viên “ngồi ghế bành”

“Thật khó tìm được nhà vệ sinh sạch sẽ và ăn một ổ bánh mì ngon” - Fábio Helfstein than thở. Từ ba năm nay, kiến trúc sư trẻ này cùng người em chia sẻ chi phí xem truyền hình theo yêu cầu. Từ năm 2004-2007, Helfstein không bỏ lỡ trận nào của FC Sao Paulo ở giải Copa Libertadores. Nay anh bằng lòng ngồi ghế bành xem bóng đá trên tivi.

Theo kênh Premiere FC của Tập đoàn Globo, Helfstein không phải là trường hợp duy nhất. Năm ngoái, số khán giả truyền hình đăng ký xem các trận của giải vô địch bang tăng 9%. Nhìn chung, Brazil chỉ mới đứng hàng thứ 15 thế giới về số khán giả trung bình đến sân xem bóng đá với 12.900 người/trận, còn kém xa so với Đức dẫn đầu với 45.000 khán giả, thậm chí kém hơn cả Mỹ, quốc gia đến với bóng đá muộn màng nhưng cũng có tới 18.700 khán giả/trận.

Dù số người đăng ký xem truyền hình tăng nhưng kênh Premiere FC vẫn thích khán giả lấp đầy sân vì nhờ đó trận đấu hay hơn và sinh lợi hơn. “Các cầu thủ chỉ chơi máu lửa khi cổ động viên đầy ắp khán đài, hô vang tên họ và hát bài ca của CLB” - tiền vệ Paulo Ganso của FC Sao Paulo nói.

Các CĐV thích ngồi ghế bành viện dẫn bối cảnh hiện nay để giải thích lựa chọn của họ. “Thời tôi còn là thành viên của Gavioes (một trong những CLB CĐV của Corinthians), tôi sưu tập vé vào cửa cả hàng trăm cái” - Stefan Menon kể. Từ ba năm nay, ông chuyển sang truyền hình vì sợ ra sân. Tại giải Copa Libertadores 2006, ông thoát chết trong vụ đụng độ giữa CĐV với quân cảnh. Valdecir Fossaluza, 53 tuổi, cũng bỏ sân Palmeiras khi được các con thanh toán phí truyền hình.

“Cha tôi thuộc những người rất đau buồn khi chứng kiến bạo lực trên sân” - con trai ông khẳng định. Trường hợp của Menon và Fossaluza khẳng định kết quả một nghiên cứu trong năm nay giúp xác định 17 lý do người dân không ra sân xem bóng đá, trong đó theo thứ tự là tình trạng sân quá xấu, giá vé cao, khả năng xem trên truyền hình và bạo lực.

Giá vé tăng gấp bốn lần

Theo Văn phòng tư vấn Pluri, từ năm 2003-2013 giá vé trung bình rẻ nhất đã tăng từ 9,35 lên 38 reais (từ 3,6 đến 14,5 euro). “Lĩnh vực kinh tế nào cũng có xu hướng giảm giá khi mức cầu quá yếu. Nhưng bóng đá thì đi ngược lại luật cung cầu” - ông Fernando Trevisan, giám đốc một công ty tiếp thị thể thao, nhận xét.

Theo ông Paulo Nobre - chủ tịch CLB Palmeiras, giảm giá vé chẳng giúp khán đài đầy người. Đồng tình ý kiến này có ông Roberto Natel, một trong những lãnh đạo của FC Sao Paulo: “Chúng tôi đã dành hơn 10.000 chỗ ở khu vực gia đình cho những trận đấu có giá vé 10 reais (chưa tới 4 euro) mà cũng không làm đầy nổi. Lời giải thích nằm ở tầm quan trọng của trận đấu”.

Giá vé chỉ là một phần nhỏ trong doanh thu của các CLB. Đối với ba CLB hàng đầu ở bang Sao Paulo, tiền vé không vượt quá 10% doanh thu, trong khi bản quyền truyền hình mang về đến 40%. Mùa giải 2012, CLB Corinthians thu về 385,5 triệu reais (138 triệu euro). Trong khi ở châu Âu, tiền bản quyền truyền hình chiếm tỉ lệ ít hơn vì khán giả chịu khó mua vé vào sân nhờ được phục vụ như thượng đế.

Brazil đứng đầu danh sách số nạn nhân chết vì bạo lực trong bóng đá, theo nhà xã hội học Mauricio Murad, tác giả một quyển sách viết về đề tài này. Theo ông, về lâu dài phải giáo dục lại các CĐV. Tuy nhiên, một số người lạc quan khi cho rằng tình trạng bạo lực được cải thiện đáng kể, bằng chứng là trên sân vẫn có những trẻ em cùng cả gia đình. Đối với một giáo sư, CĐV ngồi ghế bành chỉ là triệu chứng cho thấy chất lượng trận đấu đang giảm.

“Người ta vẫn xem bóng đá đấy thôi, chỉ có điều họ sẽ không đến sân” - ông này nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận