Bóng đá có thể đoàn kết nước Pháp?

TRẦN TRỌNG 23/06/2016 16:06 GMT+7

TTCT - Chiến thắng 2-1 trước Romania ở trận mở màn Euro 2016 đã giúp chủ nhà Pháp có một khởi đầu thuận lợi. Nhưng liệu giải vô địch châu Âu lần này có giống như World Cup 1998, khi một tuyển Pháp đa văn hóa và chủng tộc đã giúp đoàn kết cả quốc gia với một chiến thắng vang dội trên sân nhà?

Giroud và Payet - những người lập công trong chiến thắng mở màn 2-1 của Pháp trước Romania -Getty Images
Giroud và Payet - những người lập công trong chiến thắng mở màn 2-1 của Pháp trước Romania -Getty Images


Thật ngẫu nhiên, ba cầu thủ đã góp công vào hai bàn thắng của tuyển Pháp trong trận khai mạc, Olivier Giroud (ghi bàn mở tỉ số), Dimitri Payet (ghi bàn thứ hai và kiến tạo bàn đầu) và N’golo Kante (kiến tạo bàn thứ hai) có xuất thân rất điển hình cho tình trạng nhân khẩu học của nước Pháp ngày nay.

Giroud là người Pháp chính gốc, sinh ở Chambery, miền trung đông Pháp. Payet lớn lên ở đảo Reunion, xưa là thuộc địa, giờ là lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Ấn Độ Dương. Còn Kante tuy sinh ở Paris nhưng trong một gia đình người nhập cư từ Mali.

Tranh cãi chưa dừng lại

Nhìn vào danh sách đó, ký ức cũ của những người yêu mến tuyển Pháp lại ùa về. Trong những người hùng đã diễu hành với chiếc cúp vô địch thế giới qua Champs-Élysées gần 20 năm trước có con trai của một gia đình Algeria nhập cư, sinh ở Marseille: Zinédine Zidane.

Những hậu vệ da đen Lilian Thuram và Marcel Desailly, một tấm băngrôn lớn “Bầu Zidane làm tổng thống Pháp” được giăng ra trên Khải Hoàn Môn, và màu cờ tam tài của Pháp “Bleu, Blanc, Rouge” (xanh, trắng, đỏ) được báo chí chơi chữ thành “Black, Blanc, Beur” (đen, trắng, Ả Rập). Cả đất nước khi đó đứng đằng sau một đội bóng đa văn hóa và sắc tộc.

Nhưng di sản của chiếc cúp vàng không duy trì được lâu. Chỉ vài ngày trước khi Euro 2016 khai mạc, khó khăn của tuyển Pháp không phải ở vấn đề chấn thương và nhân sự, mà là những chia rẽ nội bộ.

Giận dữ vì bị loại khỏi đội hình dự Euro, tiền đạo Karim Benzema, sinh ở Lyon trong một gia đình nhập cư từ Algeria, đang là ngôi sao ở Real Madrid, nói với báo Tây Ban Nha Marca rằng HLV đội tuyển Pháp Didier Deschamps đã “cúi đầu hèn hạ trước áp lực của những kẻ phân biệt chủng tộc ở Pháp”, cụ thể là “một đảng cực hữu”, ý muốn nói tới Mặt trận dân tộc (NF).

Eric Cantona, một ngôi sao cũ của “Les Bleus” và huyền thoại ở Manchester United, nói trên báo Anh The Guardian rằng Deschamps, “kẻ có một cái tên rất Pháp”, đã loại Benzema và Hatem Ben Arfa vì “gốc gác của họ”, ý chỉ nguồn gốc Bắc Phi của hai cầu thủ này.

Nam diễn viên Jamel Debbouze, tế nhị hơn một chút, thì bày tỏ lo ngại sự phân biệt đối xử có thể làm nản lòng những cầu thủ trẻ gốc ngoại quốc vốn đã đóng góp rất nhiều cho bóng đá Pháp.

Trong bối cảnh chính trị hiện giờ ở Pháp và châu Âu, những nhận xét đó rất dễ bị “ném đá”. Nhiều người chỉ ra rằng không thể nói có vấn đề gì về chủng tộc với danh sách triệu tập tuyển Pháp hiện giờ, do họ có nhiều trụ cột là những cầu thủ da màu và xuất thân ngoại quốc.

Deschamps, bản thân là một thành viên của đội bóng “Black, Blanc, Beur” vinh quang năm 1998, cho tới giờ đã im lặng một cách khôn ngoan, và một số cầu thủ đã lên tiếng bảo vệ ông.

Công bằng mà nói, Benzema là tiền đạo giỏi nhất của Pháp hiện giờ, đang vướng rắc rối pháp lý vì bị tình nghi tống tiền một đồng đội khác, sự có mặt của anh có thể gây ra xào xáo trong đội tuyển.

Sau rất nhiều sự cố làm hoen ố hình ảnh bóng đá Pháp từ thế hệ vàng của Zidane, bao gồm việc các cầu thủ từ chối không ra sân tập ở World Cup 2010 dưới thời HLV Raymond Domenech, Deschamps muốn mang lại trước hết là kỷ luật và sự tập trung cho đội bóng của ông. Đó là lý do Benzema vắng mặt.

Nhiều chính trị gia, học giả cũng đã nhập cuộc. Tổng thống François Hollande đã dành cả buổi tối chủ nhật trước giải tới thăm nơi tập trung của đội.

“Những cuộc tranh luận này chẳng ích gì, điều quan trọng là đội tuyển - ông nói trên một đài phát thanh trước chuyến thăm - Một cầu thủ được chọn đá cho tuyển Pháp vì anh ta là một cầu thủ giỏi, không liên quan gì tới vùng miền hay xuất thân. Đây là đội tuyển quốc gia, và đội tuyển cần tập trung vào giải đấu. Đội tuyển không chỉ phải chơi thứ bóng đá hay nhất, mà còn là tấm gương nữa”.

Thuram, nhà cựu vô địch thế giới sinh ở Guadeloupe (lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Caribê) và là người đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, từng nói Benzema và các cầu thủ da màu “phải làm gương nhiều hơn so với các cầu thủ khác, tôi biết điều đó là bất công với họ, nhưng họ phải hiểu đây là xã hội mà chúng ta đang sống”.

Tuy nhiên, đòi hỏi đó phải chăng chính là sự phân biệt chủng tộc. Tất cả mọi người phải cư xử tốt dù màu da của họ có ra sao, và đó mới là xã hội mà nước Pháp muốn, chứ không phải những gì còn rơi rớt của thời kỳ thuộc địa như hiện giờ.

Hi vọng gửi nơi trái bóng tròn

Khi Smail Zidane, cha của huyền thoại Zidane, tới Pháp vào những năm 1950, ông làm việc ở một công trường xây dựng tại Saint-Denis chỉ cách sân vận động quốc gia Stade de France vài chục mét, và ngủ luôn ở đó vì không có tiền thuê nhà.

Những lúc ông trát ximăng và vác gạch, Smail hẳn không thể tưởng tượng rằng cũng ở nơi đó, bốn thập kỷ sau, con trai của ông sẽ là người hùng của cả nước Pháp. Giờ nhắc lại nhiều người hẳn không còn nhớ, nhưng Pháp bước vào giải năm 1998 với rất nhiều nỗi lo.

Họ chỉ xếp hạng 18 thế giới, thua trận giao hữu trước giải dưới tay Nga, và chỉ hòa được Thụy Điển hay Morocco. HLV Aime Jacquet, lúc đó 56 tuổi, cũng bị chỉ trích rất nhiều (một chi tiết thú vị: ông Jacquet từng là lính thuộc địa và suýt nữa thì đã tham gia chiến tranh Algeria, ông cũng dùng rất nhiều ngôn ngữ trận mạc trong các cuộc họp báo).

Khi đó, lãnh đạo NF Jean-Marie Le Pen, cha của nữ lãnh đạo hiện giờ Marine Le Pen, chỉ trích “Les Bleus” đa sắc tộc là “nhân tạo” và “không phải là một đội bóng Pháp”. Nhưng rồi chiến thắng đã đoàn kết cả quốc gia, và những kẻ cực hữu phải im miệng.

“Tôi nghĩ mọi người Pháp đều nhớ họ đang ở đâu vào ngày hôm đó - Vincent Duluc, phóng viên của tờ báo bóng đá L’Equipe, nói về trận chung kết World Cup 1998 Pháp - Brazil (3-0) - Bạn sẽ nhớ bạn ăn trưa với ai, làm gì buổi chiều hôm đó, gia đình bạn đi đâu vào buổi tối.

Đó là những kỷ niệm bạn nhớ suốt đời, miễn bạn là người Pháp”. Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm sau đó (1999), NF, từng nhận 15% sự ủng hộ trong các cuộc thăm dò hai năm trước, có đúng 5,7% số phiếu.

“Le Pen đã tấn công đội Pháp đa sắc tộc, nhưng đội bóng đó đã chiến thắng - Laurent Dubois, tác giả cuốn Soccer Empire viết về chiến thắng năm 1998, nói - Chức vô địch World Cup cũng là chiến thắng cho cái nhìn khác về nước Pháp: ý tưởng rằng chúng tôi có thể sống hòa hợp bên cạnh nhau, mỗi người đều có chỗ trong xã hội này.

Ai cũng nghĩ về nó với sự vui mừng và hứa hẹn”. Lần này, sự chia rẽ và những thách thức kinh tế - xã hội với nước Pháp xem ra còn trầm trọng hơn 18 năm trước. Những cuộc thăm dò mới nhất cho thấy Marine Le Pen còn được ủng hộ nhiều gấp đôi so với người cha cực hữu của bà, với 30% các cử tri nói sẽ bỏ phiếu cho bà ở vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm tới. Một lần nữa, rất nhiều hi vọng của nước Pháp lại được gửi gắm nơi trái bóng tròn ở Euro 2016.■

Đội hình đa sắc tộc của Deschamps

Những ai nói Deschamps phân biệt đối xử với các cầu thủ của ông vì xuất thân có lẽ chưa tìm hiểu kỹ tuyển Pháp.

Trong danh sách triệu tập cho Euro 2016 của đội chủ nhà, những cầu thủ có gốc gác hoặc sinh ở nước ngoài còn đông hơn những người “Pháp gốc”: Hugo Lloris (bố là người Catalunya), Steve Mandana (sinh ở Zaire), Patrick Evra (Senegal), Adil Rami (bố mẹ là người Morocco), Samuel Umtiti (Cameroon), N’golo Kante (bố mẹ là người Mali), Yohan Cabaye (bà nội là người Việt Nam), Blaise Matuidi (bố là người Angola), Paul Pogba (bố mẹ là người Guinea), Moussa Sissoko (bố mẹ là người Mali), Kingsley Coman (bố mẹ là người Guadeloupe), Dimitri Payet (sinh ở Reunion).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận