Bóng quê trong "Đàn bà yêu thành phố"

SA MỘC 11/09/2015 02:09 GMT+7

TTCT - "Đàn bà yêu thành phố" của Kiều Bích Hương có những câu trả lời thật hợp mốt.

M.N.
M.N.

1 Đôi khi tôi vẫn nghi ngờ liệu có tồn tại những dấu mốc rõ ràng cho cái gọi là “lịch sử văn học”. Đối với thế hệ 8X, mọi thứ được trích dẫn trong sách giáo khoa văn học đã là cũ. Thế hệ 9X còn “ghê gớm” hơn, thật khó để bắt họ ngồi yên đọc cho hết một cuốn sách không có bóng dáng của người trẻ lăm lăm balô trên đường hay ít ra cũng lướt tay điện thoại trong quán cà phê sành điệu.  

Bạn không thể đọc xong một quyển sách mà không bị gián đoạn giữa chừng, vậy cái gì sẽ đẩy bạn quay trở lại đọc hết nó?

Và rồi chúng ta có những câu trả lời “hợp mốt”. Trong khi các tít báo đang được điều chỉnh cho phù hợp với thói quen lướt mạng, thì những cuốn sách văn học lại đang ngắn hơn về đoạn và câu. Và nhất định đấy, sẽ phải có một điều gì đó thật thời sự. Về một giấc mơ du lịch giá rẻ. Về một cuộc sống xa xôi trải nghiệm.

Đàn bà yêu thành phố (*) của Kiều Bích Hương có những câu trả lời hợp mốt như thế.

2 Sau tập sách đầu Vợ Đông chồng Tây khá hấp dẫn so với các cuốn cùng đề tài cô dâu Việt xa xứ, Kiều Bích Hương trở lại với những câu chuyện ngắn hơn. Ngồn ngộn trải nghiệm từ chuyện xứ người về đến quê ta, từ các vị khách ghé nhà đến những ngày đi làm khách nhà người.

Từ một bà mẹ Việt lần đầu đặt chân đến trời Âu trong Chicken soup của mẹ cho đến anh nông dân Bỉ (cũng lần đầu) được ra nước ngoài nghỉ dưỡng trong Tin ở nông dân, chung những nỗi lo, chung niềm háo hức. Tính báo chí rất mạnh trong văn của Kiều Bích Hương đẩy chị thiên về mô tả hiện thực, cái được là các chi tiết của hiện thực ấy phần lớn đã được cân nhắc, chọn lựa.

Có lời bình hay không có lời, độc giả vẫn có thể bằng con mắt và trải nghiệm của riêng mình, tự đưa ra các nhận xét sau đó.

Kể nhiều về nội dung có thể sẽ làm mất hứng của bạn đọc muốn tự mình khám phá, nhưng tôi vẫn muốn lướt qua tên các phần của sách: “Ở hai đầu nỗi nhớ”, “Bóng quê in tuyết”, “Những vị khách qua đêm”, “Nhớ Tết từ Giáng sinh”, “Về nông thôn”, “Những câu chuyện giáo dục”, “Bốn mùa cơm, phở, bún, nem...”, “Chuyện riêng xứ người”, từ tên gọi đã đủ biết đây là một cuốn sách “tất tần tật”, về chuyện đời của một cô vợ Đông mà lấy chồng Tây.

Đến châu Âu vào những ngày lục địa cũ đang thời khủng hoảng chưa biết tới bao giờ mới dứt, Kiều Bích Hương có cái nhìn bình tĩnh về sự khác biệt Tây - Ta. Có gì đó một đôi chút ấm ức như trong “Vietnam style”, nhưng trên hết là sự thấu hiểu căn nguyên, lý lẽ như trong “Toàn cầu xấu xí” hay “Tết Việt có tội gì đâu?” (ừ có tội gì đâu, tôi hi vọng các tâm hồn sùng ngoại sẽ ghé đọc cuốn sách này của chị).

Về mặt hình thức, toàn bộ cuốn sách là các câu chuyện cá nhân. Nhưng tác giả đã gắn kết được các mạch chảy thành một góc trải nghiệm phong phú về văn hóa, về xã hội, về những thân phận người khác nhau. Có những đối thoại, có những mô tả và trên hết là sự chân thực của ngòi bút ghi lại tất cả những điều ấy.

3 Nếu còn điều gì có thể hi vọng hơn ở Kiều Bích Hương thì đó là hi vọng về tính “văn” sẽ nhiều hơn trong một cuốn sách. Chẳng phải vũ trụ có thể thấy trong một hạt bụi hay sao, nữa là những sự thật ngồn ngộn va đập trong sách của chị.

Như thế, một đôi mắt thấu nhìn, hoặc bay bổng hơn thì còn tốt nữa, sẽ còn khiến cuốn sách đọng lại, lâu hơn nữa trong lòng độc giả.■

(*): Đàn bà yêu thành phố. Tản văn, Kiều Bích Hương, NXB Trẻ phát hành tháng 6-2015.

“Con dâu cộng dồn hóa đơn lại, không quên tính cả tiền cà phê và sôcôla sữa nóng. “Mẹ trả tổng cộng 70 euro”. Mẹ đập tay vào trán: “Thôi đúng rồi, gã bán rau. Hắn trả thiếu tiền cho mẹ, mồm năm miệng mười làm mẹ loạn đầu, hoa mắt”. Mẹ xoay người nhìn ra ngoài đường, lắc đầu liên tục. “Trước đây thấy người già người ta muốn giúp. Bây giờ thấy người già người ta muốn lợi dụng”. Sôcôla sữa lạnh ngắt trên môi. Trước mặt con dâu Việt, mẹ chồng Tây bỗng như xọp lại, chỉ còn bằng vừa in hình ảnh mẹ đẻ ở quê nhà. Mẹ ơi!”.

(Chợ tươi thứ sáu)

“Lúc này, chính nhiều người nước ngoài đang truyền cho tôi cảm hứng yêu nước mình hơn. Ví như một phụ nữ Bỉ cùng ngồi ở phòng chờ bệnh viện hỏi “Cô người nước nào?”, “Việt Nam”, “Ôi, tôi đến chơi rồi. Chơi vùng núi phía Bắc cả tháng, tuyệt đẹp. Rồi về Hà Nội ăn phở, tuyệt ngon, nhớ mãi”. Nhiều lúc từ chính chồng mình, khi anh giở album ra khoe “Biển Việt Nam đẹp thế chứ đâu như biển bên này” khiến đám bạn gật gù “Tao cũng muốn sang Việt Nam lấy vợ”. Tôi an ủi chồng rằng thời thanh niên sôi nổi đã qua, nhưng cứ chăm chỉ làm ăn, phấn đấu kiếm đủ tiền mỗi năm về thăm mẹ ở Việt Nam một lần”.

(Tự nguyện)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận