"Bóng tuồng" giữa phố thị

PHẠM CẨM VÂN 29/11/2011 19:11 GMT+7

TTCT - Những ngày thơ bé, ấn tượng duy nhất khi được xem vô tuyến truyền hình là những vở hát bội coi cùng bà ngoại. Nếu như lúc đó có thể diễn tả được, bằng vốn từ vô cùng đơn giản tương ứng với độ tuổi đó, tôi sẽ nói rằng “chán ngắt”.

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

Đến tận tuổi này, nói chữ “tận” nghe to tát vậy chứ cũng mới đến ngưỡng ba mươi thôi, nhưng cũng đủ để nhớ lại và hiểu được cái “chán ngắt” ngày thơ đó. Tôi chán, không phải vì loại hình nghệ thuật kén người này đơn điệu hay quá cũ kỹ so với nhận thức của đứa trẻ tôi khi đó. Nói chính xác hơn, tôi thấy hơi sợ mỗi khi coi, sợ vì các nhân vật trong vở hát cứ mang một nỗi buồn man mác, nhưng lại ám ảnh khôn nguôi.

Một ngày như bao ngày lượn lờ phố xá Sài Gòn, tôi vô tình lướt qua những chiếc mặt nạ tuồng đang lủng lẳng treo trên chiếc xe đạp của một người đàn ông gầy đen, bên góc đường Trương Định. Thoáng chốc, tôi được gặp lại nào là ông Trương Phi mặt rằn, nào là tên nịnh bợ mặt trắng Lý Thông, hay Triệu Đình Long của “Triệu Đình Long cứu chúa”... Điều lạ là lúc đó tôi không thấy chán nữa, ngược lại những chiếc mặt nạ tuồng xanh đỏ này lại như đang đưa tôi về một thế giới đầy lý thú.

Hỏi người bán hàng, tôi được biết thêm rằng những chiếc mặt nạ xinh xinh này do chính tay chú làm ra. Vốn người Bình Định, cái nôi của nghệ thuật hát bội, thêm vào đó tình yêu khôn xiết muốn cổ xúy cũng như truyền lại ít nhiều cái thuộc về bộ môn nghệ thuật này trong lòng lớp trẻ ngày nay mà chú làm mặt nạ.

“Mặt tuồng độc đáo lắm! Trước đây, các diễn viên thường mang mặt nạ tuồng để diễn, rồi dần dần họ vẽ thẳng lên mặt. Với hát bội, người ta không để cho khán giả phải mất một khoảng thời gian để biết nhân vật đó thiện hay ác đâu, chỉ cần nhìn mặt là biết ngay bản chất nhân vật đó rồi” - chú giải thích.

Vô tình mà trùng hợp, lời chú y như lời bà ngoại tôi ngày trước, với giọng miền Bắc đặc trưng cũng từng nói: “Cha bố cô, mặt tuồng này là cả một nghệ thuật đấy, nhìn vào là biết ai thiện ai ác ngay...”, mỗi khi tôi thốt lên: “Bà ơi, nhìn mặt họ ghê quá!”. Giờ nghĩ lại, chắc đây là cách “yêu” của những người cùng một niềm đam mê rồi!

Tôi mua về một mặt Quan Công, một mặt Trương Phi như khấp khởi mang bóng dáng tuổi thơ trở lại. Vô tuyến truyền hình giờ chẳng còn chiếu những vở hát bội ngày xưa nữa. Trẻ con được hỏi đến thì ngây thơ đáp: “Hát bội là gì?”, còn người lớn thì ắt hẳn phải nhớ lắm đây!

Núi trong phố

Núi không nhiều đến mức để được gọi là phố núi nhưng vẫn làm lòng người xao xuyến và mê hoặc. Nằm ở phía nam của thành phố, bên con sông Lam hiền hòa, núi lừng lững cái vẻ tự tại của một chứng nhân trải qua bao thăng trầm lịch sử. Những vết tích của hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ vẫn còn hằn sâu trên thân mình núi: những hầm trú bom, hầm giữ vũ khí, những giếng nước nhỏ... Tất cả đã ghi lại một phần những tháng ngày gian khổ, ác liệt của núi và của thành phố.

Trước mặt nhà tôi là núi. Cái cảm giác xao xuyến mỗi lần “chạm mặt” với núi ùa đến thật khó tả. Như là đang đứng trước một vị thần, như là đang được trò chuyện với lịch sử và ký ức, và có khi chỉ giản dị như một người bạn của phố, của gia đình.

Từ ngày còn học cấp I, tôi và lũ bạn thường rủ nhau leo núi. Lên được tới đỉnh núi là việc không dễ dàng. Đường lên rất hiểm trở, cây cối um tùm, gai góc. Có lần tôi đã bị lăn núi. Giờ núi đã trở thành một điểm du lịch. Có đường lên dành cho người đi bộ và có cả đường dành cho ôtô. Nhưng cái cảm giác ngày xưa - được leo lên từng chặng và lại ngoái xuống thành phố thật thích thú, giống như một cuộc chinh phục. Khi đã phóng hết tầm mắt, chúng tôi thi nhau tìm ra các tòa nhà lớn, trường mình và nhà mình... dù lúc ấy mọi thứ hiện lên thật bé nhỏ.

Năm tháng trôi qua. Tôi vẫn gắn bó với núi và với thành phố. Mỗi lần đi công tác xa về, bao giờ cũng vậy, một cách vô thức tôi đưa mắt tìm núi. Thấy núi là thấy thành phố, thấy nhà mình...

TTCT cảm ơn các bạn: Nguyễn Quang Hòa, Trần Hữu Ngư, Trần Văn Nghĩa, Lam Giang... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận