Cá nhân ưu tú cho thành quốc lý tưởng

HUNGTHUAT 28/02/2013 01:02 GMT+7

TTCT - Nhan đề sách lắm lúc làm cho người đọc lầm đường lạc lối, nhất là sách của các tác giả cổ điển. Chẳng hạn, phớt lờ tính định hướng trong nhan đề, người ta vẫn có thể tìm thấy nhiều nhận xét thú vị về nghĩa vụ công dân hay dân tộc tính trong Émile hay là về giáo dục.

Phóng to

Hoặc trong chính tác phẩm nói trên của Rousseau, tác giả khuyên chúng ta đọc Cộng hòa(*) của Plato và đừng vội đánh giá nó qua cái tên vì theo ông, nó không chỉ là tác phẩm triết học mà còn là luận thuyết về giáo dục xuất sắc nhất từng được viết.

Ðể có những thành phố công bằng

Chữ "Cộng hòa" trong bản dịch tiếng Việt cũng như tiếng Anh xuất phát từ tên tiếng Latin (Res publica), trong khi tên gốc tiếng Hi Lạp (Politeia) bắt nguồn từ chữ polis gần với nghĩa nhà nước hay xã hội hơn. Các dịch giả thời xưa còn đặt cho nó nhan đề thứ hai: Bàn về công bình. Qua các đối thoại giữa Socrates và thân hữu trong mười phần, Plato phân tích bản chất của sự công bằng và lý giải sự bất công bất chính sẽ dẫn đến hậu quả gì đối với thành quốc lẫn con người cá thể.

Theo Plato, mỗi cá nhân sẽ có sự công bằng khi ba căn nguyên trong con người họ vận hành hài hòa: tâm trí, sự hung hăng và lòng thèm muốn. Thành quốc cũng sẽ giữ được sự công bằng nếu thiết lập được mối hài hòa giữa ba tầng lớp mà Plato muốn thiết lập dựa vào ba căn nguyên trên: vệ quốc, trợ thủ và người lao động. Plato đề ra cho chúng ta một chiến lược hay liệu pháp để xử lý tính hung hăng (thumos), quy phục nó dưới sự kiểm soát của tâm trí và giúp chúng ta đạt được sự cân bằng, tự kiểm soát và tiết độ. Câu hỏi đặt ra là liệu thứ công bằng lý tưởng đó có thể được dùng như một hình mẫu cho chính trị.

Socrates cho rằng việc kiểm soát các yếu tố của tâm hồn như nhục thú, đam mê cũng phải giống như cai trị một thành quốc. Ở đây có mối quan hệ nhân quả giữa sự thành lập tính cá nhân và thể chế chính trị. Mỗi thể chế đều sản sinh một mẫu người đặc thù và mẫu người này sẽ thể hiện bản chất của thể chế đó. Plato mong muốn tạo nên một thành quốc lý tưởng mà xương sống là mẫu cá nhân ưu tú. Chưa có thể chế nào trong lịch sử tập trung độc nhất vào việc sản sinh chủng loài người có thể nói là hiếm hoi và khó tạo nhất, Plato gọi đơn giản là triết gia chân chính.

Trị quốc kiểu nào?

Sự thành lập một thành phố công bằng chỉ có thể bắt đầu với việc kiểm soát âm nhạc, thi ca và nghệ thuật, hay là phải giám sát giáo dục. Socrates đề nghị cải cách thi ca, đặc biệt là thơ Homer. Đây là sự chuyển hướng cấp tiến ra khỏi lề lối giáo dục Hi Lạp.

Ông cho rằng các vị thần trong thi ca Homer giả hiệu, không kiên định, không đáng để thờ phụng. Những anh hùng trong thơ Homer là tấm gương xấu, không đúng mực trong tình dục, quá coi trọng lợi lộc, sa vào nhiều tội lỗi. Họ nhiều nhiệt huyết nhưng lòng đầy giận dữ mù quáng và lúc nào cũng nghĩ đến báo thù. Vậy thử hỏi làm sao họ có thể là mẫu người tốt cho thần dân của một thành phố công bằng?

Ở phần 10, Socrates thể hiện nỗi hoài nghi cao độ với bùa lú của nhà thơ. Chúng ta cần tước khỏi họ quyền lực bỏ bùa mê chúng ta và thay thế họ bằng triết gia. Đề nghị của Socrates về việc kiểm duyệt thi ca và nghệ thuật liệu có phải dấu chỉ cho những thôi thúc toàn trị? Chính Socrates lại làm dấy lên nỗi hoài nghi với người đọc. Socrates muốn thành quốc lý tưởng (Kallipolis) chỉ có thi ca và âm nhạc kiểu Socrates để thay thế cho Homer. Vậy chúng phải trông như thế nào?

Nếu như trong Socrates tự biện, Plato suy xét những mối nguy đối với triết gia và đời sống kinh viện trong thành quốc, thì Cộng hòa đặt câu hỏi một thành phố sẽ như thế nào nếu nó được cai trị bởi Socrates và những triết gia. Một thành phố như vậy sẽ đòi hỏi sự kiểm soát nặng nề về thi ca và thần học, sự bãi bỏ sở hữu cá nhân và việc viện đến lời nói dối, huyền thoại hay các công cụ cai trị.

Lý Quang Diệu, vị công thần khai quốc của nước Singapore hiện đại, chịu ảnh hưởng không nhỏ từ tư tưởng trong Cộng hòa. Ông tìm cách đặt sự kiểm soát lên hành vi công cộng và hành vi cá nhân, khuyến khích trọng dụng tầng lớp ưu tú và đề ra hệ thống giáo dục phân tầng. Ông cho rằng sự phát triển bền vững chỉ có thể đạt được khi giới tinh hoa được nắm hoàn toàn quyền kiểm soát với chính sách.

Có thể nói trong đời Lý Quang Diệu phải đưa ra nhiều quyết định không được dân ủng hộ, nhưng ông dùng vị trí độc tài của mình để làm đến cùng, cuối cùng thành ra là quyết định đúng, cho nên càng ngày người dân càng tin ông. Rousseau hay Lý Quang Diệu đều là độc giả lớn của Cộng hòa, và giờ đây người ta phải học tập họ.

TRẦN QUỐC TÂN

___________

(*): Cộng hòa - Plato, dịch giả: Ðỗ Khánh Hoan, Alpha Books và NXB Thế Giới ấn hành tháng 2-2013.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận