Ca sĩ hologram: Em còn sống hay em đã đi...

NGUYỄN VŨ 07/11/2018 07:11 GMT+7

TTCT - Mặc dù hologram mở ra những khả năng khai thác thương mại mới, hầu như không có ca sĩ nổi tiếng nào mặn mà với nó cả.

Hatsune Miku biểu diễn tại San Francisco trong chuỗi lưu diễn khắp nước Mỹ. Ảnh: Crypton Future Media
Hatsune Miku biểu diễn tại San Francisco trong chuỗi lưu diễn khắp nước Mỹ. Ảnh: Crypton Future Media

Amy Winehouse - ca sĩ người Anh nổi tiếng - đã qua đời năm 2011 lúc vừa mới 27 tuổi. Thế nhưng cô sẽ hát trong một tour biểu diễn ở Bắc Mỹ bắt đầu vào cuối năm 2019 cùng ban nhạc từng biểu diễn với cô. 

Đó là nhờ kỹ thuật dựng hình 3 chiều hologram, do một công ty đóng tại Las Vegas đảm trách dàn dựng sao cho hình ảnh Amy Winehouse xuất hiện trên sân khấu y như người thật.

Ngay lập tức tranh cãi nổ ra: Bên phản đối nói rằng cuộc đời Amy Winehouse đã khốc liệt quá rồi (cô nghiện ma túy và chết vì uống rượu quá liều), hãy để cô ấy yên nghỉ, đừng khai thác cạn kiệt cô ấy nữa. 

Bên ủng hộ nói tour trình diễn do cha của Amy tổ chức nhằm gây quỹ tưởng niệm cô - một quỹ hỗ trợ cho giới trẻ nghiện ngập điều trị miễn phí - là điều nên làm.

Sử dụng hologram để dựng người chết dậy, bắt họ biểu diễn, đi lại, nói cười, kể cả giao lưu với khán giả là điều đã có khá lâu. Nổi bật là lần trình diễn của ca sĩ nhạc rap Tupac Shakur (lúc đó đã qua đời 12 năm) cùng hai rapper còn sống sờ sờ là Snoop Dogg và Dr. Dre vào năm 2012. Đến nay công nghệ sản xuất hình ảnh 3D đã có những bước tiến vượt bậc.

Thêm vào đó, kỹ thuật đối đáp dựa vào trí tuệ thông minh nhân tạo (kiểu như bạn nói chuyện với trợ lý ảo Siri, nhưng mạnh hơn nhiều) giúp “ca sĩ 3D” có thể trò chuyện với các ca sĩ đang cùng diễn trên sân khấu hay nói vài câu cảm ơn khi khán giả vỗ tay nồng nhiệt là điều tương đối dễ dàng.

Từ đó nảy ra các câu hỏi về quyền sử dụng hình ảnh 3D, quyền được yên nghỉ, quyền sống bất tử trong không gian ảo... mà trước đây chưa từng ai đặt ra. Năm 2012, gia đình Marilyn Monroe dọa sẽ kiện một công ty mới ra đời - Digicon Media vì nơi này định khai thác hình ảnh Marilyn ảo thành diễn viên ảo đầu tiên sống và diễn trên không gian mạng. Cuối cùng Digicon phải từ bỏ ý định dàn dựng để Marilyn biểu diễn “ảo” không mệt mỏi trên mạng.

Hiện nay để khai thác hình ảnh hologram của bất kỳ ca sĩ nào, nơi sản xuất phải mua bản quyền nhạc và video như bất kỳ buổi diễn nào khác trong đời thực. Sau đó phải thương thảo với người nắm giữ quyền thừa kế hình ảnh của ca sĩ đó để có thể tạo ra hình ảnh mới. Tour diễn ảo qua hologram của Whitney Houston phải hủy bỏ vì tranh chấp giữa bên nhà sản xuất là Hologram USA và gia đình người nữ ca sĩ này.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là phản ứng khó lường trước của dư luận. Có lẽ các bạn vẫn còn nhớ ca sĩ Prince nổi tiếng, qua đời năm 2016 vì dùng thuốc quá liều. Khi anh chàng ca sĩ kiêm diễn viên Justin Timberlake úp úp mở mở rằng rất có thể anh sẽ song ca cùng hologram của Prince, những người hâm mộ Prince nổi giận. 

Họ tung ra các lời đồn, các bằng chứng cho rằng lúc sinh thời Prince ghét Timberlake như thế nào nên không đời nào chịu diễn chung sân khấu với anh.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Guitar World, chính Prince bác bỏ khả năng cùng trình diễn với hologram của một nhạc sĩ nổi tiếng khác - Duke Ellington, đã mất từ năm 1976. “Đó là điều kinh dị nhất ai mà tưởng nổi. Chuyện gì cứ để ra chuyện đó. Nếu tôi mà diễn chung với Duke Ellington thì chúng tôi phải sống cùng thời. Chuyện hiện thực ảo này thiệt tình là kinh dị. Tôi đâu phải là quỷ dữ” - Prince nói.

Vẫn có những buổi diễn được chào đón nhiệt liệt, khán giả ồ à, kinh ngạc trước công nghệ kỳ ảo này như lần Michael Jackson hát một bài chưa từng tung ra thị trường tại buổi lễ trao giải Billboard năm 2014, Frank Sinatra song ca với Alicia Keys tại Grammy 2008, Elvis Presley cùng diễn với Celine Dion tại American Idol năm 2009...

Thế còn hologram các ca sĩ còn sống thì sao? Ca sĩ nhạc rap Chief Keef lưu diễn ở London, không phải bằng chính anh mà cử hologram đi thay vào tháng 9 năm nay sau đó về lại Chicago và nhiều thành phố khác. Ca sĩ này bị cấm diễn ở Chicago và London nên cử “hình nhân 3D” diễn thay. Ca sĩ Feist từng diễn một lúc ở ba thành phố Vancouver, Toronto và Montreal - dĩ nhiên là bằng hologram

Mặc dù cách diễn này mở ra những khả năng khai thác thương mại mới, hầu như không có ca sĩ nổi tiếng nào mặn mà với nó cả. Có lẽ với người chết, yếu tố ngạc nhiên sẽ xóa đi các thô vụng của buổi diễn hologram chứ với ca sĩ còn sống, ai mà chịu xem.

Trường hợp ca sĩ nhạc pop người Nhật Hatsune Miku là một ngoại lệ. Cô tổ chức tour lưu diễn bằng hologram khắp Bắc Mỹ thành công ngoài sức tưởng tượng vào năm 2016. Giá vé vào xem cô diễn “ảo” lên đến 60-150 đôla, chẳng thua kém gì buổi diễn của Beyonce hay Taylor Swift. 

Chỉ có điều các ca sĩ khác khó lập lại ngoại lệ này - bởi Miku là người ảo, như một nhân vật trong phim hoạt hình anime, luôn ở tuổi 16.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận