​“Ca tụng bóng tối” - Bảo vật phương Đông

MAI K. 07/03/2015 02:03 GMT+7

TTCT - Không hổ danh là tiểu thuyết gia nổi tiếng nhất xứ Phù Tang chỉ sau Natsume Soseki, đã gần một thế kỷ trôi qua kể từ khi Ca tụng bóng tối (*) của Junichiro Tanizaki xuất bản, cuốn sách tụng xưng cái đẹp cổ điển phương Đông của ông không những không mất đi giá trị, mà càng ánh lên vẻ đẹp của thứ bảo vật đã qua thử thách thời gian.

 

Sinh ra trong một gia đình thuộc giai cấp thượng tầng tại đô thành Tokyo, Junichiro Tanizaki (1886-1965) lớn lên giữa tinh hoa nghệ thuật và văn chương của thế hệ. Cùng lúc ấy, làn sóng phương Tây tràn vào Nhật Bản, mang lại một làn gió mới mẻ cho xứ sở đang khao khát vươn mình này.

Sự hòa quyện tân cổ đã biến Nhật Bản thành một con rồng hùng mạnh, mang trong mình bản sắc văn hóa độc đáo. Song không tránh khỏi việc sóng mới xô sóng cũ, những giá trị cổ điển rồi phải hao mòn đi khi những giá trị tân thời chiếm thế thượng phong.

Tanizaki - lúc đó đã là một văn sĩ ngoại tứ tuần, trước thời cuộc xoay vần cũng đau đáu những niềm ưu tư của kẻ sĩ hoài tiếc quá khứ vàng son.

Ca tụng bóng tối là tập hợp những tản văn thâm trầm mà thanh tao Tanizaki dành riêng để luận bàn về cách bóng tối ngự trị trên cái đẹp kiến trúc cổ điển của Nhật Bản, kịch Nō, đồ sơn mài, ngọc bích hay chính trong cái đẹp của người đàn bà.

Một cuốn sách mỏng mang theo thứ giọng văn chìm lắng, mê hồn - bản thân cấu trúc cuốn sách đã gợi về những nét kiến tạo của một ngôi đền phương Đông với phần mái vòm nặng trĩu cất giấu thứ bóng tối huyền bí bên trong.

Bắt đầu từ những luận đàm về nhà vệ sinh cổ, Tanizaki bằng con mắt anh tường hơn người và tài văn tao nhã, dẫn dắt độc giả tới những mảng tối trong nội thất căn nhà, quán xá hay đền đài của Nhật Bản.

Thứ bóng tối vốn dĩ bị ghẻ lạnh ở phương Tây lại là nàng thơ trong nhãn quan phương Đông. Bóng tối ấy phủ những nét mờ ảo, mềm mại lên ngọc ngà, giấy bút, trau chuốt đường nét của làn da vàng và mái tóc đen. Cổ nhân phương Đông không xua đuổi bóng tối như kẻ thù truyền kiếp, mà vui lòng đón nó vào không gian, áo quần của mình.

Đường nét tinh tế của cái đẹp chỉ hiển lộ nhất dưới tấm áo choàng của bóng tối, như những nét văn hoa óng ả của bộ đồ ăn sơn mài nơi bàn tiệc, hay sợi vàng sợi bạc đan cài phủ lên vai người đạo sĩ chốn thâm nghiêm.

Bóng tối là nơi cái bất toàn và vô thường ngự trị. Ấy cũng chính là quan điểm mỹ học thiền nổi bật của văn hóa Nhật Bản. Trong bóng tối ấy, những thức xúp đen như bùn hóa thành thứ mỹ vị ấm áp, một miếng mứt mỏng nhẹ, một hạt gạo nhỏ nhoi hóa thứ ngọc quý.

Trong bóng tối ấy, những người đàn bà của ngôi nhà khoái lạc trở nên trắng hơn tuyết, quyến rũ hơn mây mù ma mị, và cuối cùng phải chăng từ chính những nếp áo, những chỗ trũng trên cơ thể họ, bóng tối đã lại từ đó mà sinh ra?

Khi ánh sáng và hơi nóng - phần dương quá thắng thế thì con người ắt sẽ suy yếu đi, cả về thể chất và tinh thần. Chính khi ấy người ta mới thấu thị minh triết phương Đông trong phần âm của bóng tối và hơi lạnh. “Sự tao nhã thì lạnh lẽo”. Thế nhưng nếu vắng bóng sự tao nhã ấy, thế giới hẳn thô thiển và xấu xí đi vài phần.

Nói về bóng tối cũng là cách Tanizaki nói về lối sống chậm rãi, thưởng thức cuộc đời và thiên nhiên, chiêm ngưỡng những điều tuyệt diệu vi tế từ món ăn đơn sơ đến thứ đồ dùng cũ kỹ. Đó phải chăng cũng chính là điều mà phương Tây hiện đại đang đưa tay ra kiếm tìm trong thời đại công nghệ tất bật này?

Ca tụng bóng tối đã khiến giới học thuật và độc giả bình dân Âu - Mỹ trầm trồ, nay lại có cơ hội cho mảnh đất phương Đông như Việt Nam ngẫm lại mình. Tanizaki đã thành công hơn cả điều ông muốn: “Tôi sẽ giữ lại ít ra trong văn chương cái thế giới của bóng tối mà chúng ta đang đánh mất”.

Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách được giới thiệu tới độc giả Anh ngữ bởi một kiến trúc sư, rồi may mắn đến với độc giả Việt ngữ nhờ một kiến trúc sư khác. Charles Moore - kiến trúc sư danh tiếng người Mỹ - đã viết lời bạt cho bản in tiếng Anh đầu tiên, để rồi 80 năm sau kiến trúc sư Trịnh Thùy Dương lại đưa cuốn sách về Việt Nam với bản dịch của mình.

 

(*): Ca tụng bóng tối, Junichiro Tanizaki. Dịch giả: Trịnh Thùy Dương, Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM, 2014.

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận