Cấm hay không cấm?

THẢO TRẦN 19/05/2016 03:05 GMT+7

TTCT - Tuần trước, thị trưởng thành phố Nice ở Pháp đã làm dấy lên tranh cãi dữ dội khi tuyên bố sẽ cấm các cầu thủ theo đạo Hồi ở vùng Riviera ăn mừng bàn thắng trên sân bằng cách quỳ lạy hướng về thánh địa Mecca, một nghi thức vốn đã khá quen thuộc với họ lâu nay.

Kaka ăn mừng một bàn thắng khi còn khoác áo AC Milan -christianpost.com
Kaka ăn mừng một bàn thắng khi còn khoác áo AC Milan -christianpost.com


Ông Christian Estrosi, người đứng đầu thành phố ven biển miền nam nước Pháp khá đông người Hồi giáo và là đô thị lớn thứ năm ở Pháp với gần 350.000 dân, đã yêu cầu các đội bóng vùng Riviera phải tuân theo “hiến chương thế tục”. Theo đó, họ không được tiến hành các nghi lễ cầu nguyện trong lúc trận đấu đang diễn ra. Bất kỳ CLB nào làm trái luật sẽ bị cắt ngân sách tài trợ.

Là một đảng viên thuộc phe trung hữu Les Républicains của cựu tổng thống Nicolas Sarkozy, ông Estrosi từ lâu đã có thái độ cứng rắn với người Hồi giáo nhập cư. Ông từng kêu gọi đóng cửa một nhà thờ Hồi giáo lớn ở Nice, và khởi kiện lên chính quyền Pháp nhằm ngăn chặn việc khánh thành một nhà thờ Hồi giáo khác do giới tài phiệt Ả Rập tài trợ ở phía nam thành phố.

Trong các cương lĩnh chính trị, ông cũng hay nhắc tới việc cơ quan tình báo Pháp tìm thấy những manh mối về kế hoạch tấn công khủng bố các bãi biển ở miền nam nước Pháp và Ý của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Hồi World Cup 2014, ông từng ký một sắc lệnh cấm treo cờ nước ngoài ở Nice, mà thật ra là nhắm vào cộng đồng người Algeria đông đảo ở đây khi đội tuyển quốc gia của họ làm nên kỳ tích vào vòng 16 đội.

Theo ông Estrosi, “hiến chương thế tục” mới của thành phố Nice có nền tảng pháp lý lâu đời từ cuộc cách mạng Pháp năm 1789 chống lại giới tăng lữ và đạo luật năm 1905 chia tách nghiêm ngặt nhà thờ và nhà nước.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều chính trị gia ở Pháp, cả hai phe tả và hữu, đã bị cáo buộc sử dụng nguyên tắc trong đạo luật năm 1905 như một chiêu bài chống người nhập cư và Hồi giáo. Hiến chương của Nice bao gồm bốn nguyên tắc cơ bản: các không gian công cộng có tính trung lập về tôn giáo, bình đẳng giới, tự do tín ngưỡng và bình đẳng trước pháp luật, không kể tôn giáo nào.

Đối với bóng đá, ông Estrosi dẫn lại một báo cáo mà ông nhận được vào tháng 10-2015 cho biết nhiều cầu thủ theo đạo Hồi cầu nguyện trên sân trước hoặc trong thời gian trận đấu diễn ra. Chưa hết, các trọng tài nam theo đạo Hồi cũng từ chối bắt tay cầu thủ nữ do những cấm đoán tôn giáo.

Nghiêm trọng hơn, theo ông Estrosi, các cầu thủ nam giới theo đạo Hồi đã từ chối bắt tay những phụ nữ trong các phái đoàn bóng đá quốc tế, đủ mọi tôn giáo và quốc tịch tới thăm Nice. Đạo Hồi quy định nam giới không được phép tiếp xúc thân thể với phụ nữ nếu họ không phải là thành viên trong gia đình.

Quan điểm của thị trưởng Estrosi nhận được sự đồng thuận từ chủ tịch Eric Borghini của Liên đoàn Bóng đá Pháp. “Thời gian qua, chúng tôi biết có nhiều cầu thủ đạo Hồi thực hiện những hành động không thích hợp trong phòng thay đồ, trên sân bóng và cả những ứng xử bên ngoài sân.

Tôi không muốn cấm đoán ai thể hiện niềm tin tôn giáo, tuy nhiên điều đó cần được thực hiện đúng thời điểm và phù hợp về không gian. Họ có thể không làm tổn thương mọi người, nhưng họ đang làm tổn thương những nguyên tắc của nền cộng hòa Pháp” - ông Borghini giải thích. Cho tới nay, đã có một CLB chấp hành nghiêm chỉnh quy định mới với tuyên bố treo giò cầu thủ hai trận nếu anh ta cầu nguyện trên sân.

Dễ hiểu là quy định này vấp phải sự phản đối dữ dội từ cầu thủ và người Hồi giáo ở Nice. Một cầu thủ giấu tên nói với kênh truyền hình BFMTV: “Tôi không thấy có gì không phù hợp khi có người cầu nguyện vào giờ nghỉ. Nếu họ làm điều đó ở một góc riêng và không làm phiền đến ai, thì tại sao điều này bị cấm đoán chứ”.

Karim, một thanh niên Hồi giáo 21 tuổi ở Nice, cũng nói với BFMTV: “Ông Estrosi đang châm ngòi cho một cuộc chiến giữa người địa phương chống lại người Hồi giáo”.

Thật ra, thể hiện lòng tin tôn giáo trên sân bóng không phải là chuyện gì xa lạ. Bóng đá là một trò chơi với không ít may rủi và nhiều cầu thủ rất sùng đạo, coi đó là điểm tựa tinh thần lớn lao, cũng như cầu xin vận may tới với họ trong những trận cầu lớn.

Ngôi sao nổi tiếng người Brazil Kaka chẳng hạn, thường xuyên ăn mừng bàn thắng bằng cách chỉ hai tay lên trời và thì thầm lời cầu nguyện cảm ơn Chúa trời. Anh cũng luôn mặc chiếc áo lót ở trong với dòng chữ “Tôi thuộc về Người, Jesus” và sẽ cởi áo đấu ở ngoài để cho mọi người thấy dòng chữ đó mỗi khi anh ghi bàn.

Vì thế, có nguy cơ không nhỏ là đạo luật mới của thị trưởng Estrosi sẽ gây ra chia rẽ trong thành phố. “Thật buồn cười khi ông ta trở nên kích động mà chẳng hề có lý do chính đáng. Các cầu thủ theo đạo Thiên Chúa có thể làm dấu thánh trước mỗi trận đấu. Điều gì đang xảy ra với sự bao dung của tôn giáo? Đây không phải lần đầu đạo Hồi bị ghẻ lạnh ở Nice” - một cổ động viên bóng đá Nice lâu năm nói.

Nhưng sau những vụ khủng bố đẫm máu ở Pháp và Bỉ thời gian qua, ông Estrosi rõ ràng đang thắng thế.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận