Cảnh báo phim "truyền hình sơn trại"

TTCT - Hè năm nay, sóng truyền hình Trung Quốc tràn ngập các bộ phim truyền hình phiên bản mới, nhưng dư luận chê nhiều hơn khen.

Phóng to

Dàn diễn viên chính trong phim Tân Tây du ký của đạo diễn Trương Kỷ Trung - Ảnh: wangyi

Bộ phim truyền hình Tân Hoàn Châu cách cách chính thức lên sóng truyền hình vào ngày 16-7 vừa qua ở Trung Quốc (TQ), phim Tân Bạch nương tử truyền kỳ lên sóng từ tháng 6, phim Tân Thủy hử, Tân Tây du ký sau hơn bốn năm quay dự kiến lên sóng vào tháng 8.

Đặc biệt, Tân Hoàn Châu cách cách lên sóng truyền hình TQ trong sự chờ đợi của người dân, nhưng kết quả vẫn cùng chung số phận của những phim truyền hình được dựng lại trước đây, bị khán giả chê thậm tệ, nào là Tiểu Yến Tử chỉ biết mô phỏng, Tử Vi xấu xí, Dung ma ma quá hiền...

Xin “tha” cho các tác phẩm kinh điển

Trước làn sóng phản ứng của khán giả với Tân Hoàn Châu cách cách, nhà văn Quỳnh Dao, tác giả và biên kịch Hoàn Châu cách cách, phải lên tiếng. Bà nói không mong đợi dàn diễn viên phiên bản mới sẽ thay thế phiên bản cũ, chỉ hi vọng họ diễn tốt nhân vật của mình. Bà còn khuyên nếu khán giả thấy không thích thì nên chuyển kênh khác!

Trong năm 2010, Tây du ký phiên bản Triết Giang vừa lên sóng đã bị yêu cầu tạm dừng phát sóng, phim Tam quốc của đạo diễn Cao Hi Hi, Hồng lâu mộng của đạo diễn Lý Thiếu Hồng đều bị chê bai. Khán giả đặc biệt “dị ứng” các chi tiết như nhân vật Phan Kim Liên trở thành bà vợ hiền, Võ Tòng giết hổ bằng... dao găm, còn Tôn Ngộ Không vượt thời gian chơi game online...

Chính vì phản ứng khá gay gắt của khán giả, năm 2010 Tổng cục Điện ảnh truyền hình truyền thanh TQ đã quyết định tạm dừng cấp phép dàn dựng lại bốn bộ phim kinh điển (gồm Tam quốc, Tây du ký, Thủy hử, Hồng lâu mộng).

Cư dân của mạng Sina cho rằng những tác phẩm truyền hình được dựng lại gần đây có thể xem là “những tác phẩm sơn trại” (*) chỉ có ở TQ. Một cư dân mạng khác kêu gọi các đạo diễn “tha” cho các tác phẩm kinh điển, đừng “vẽ rắn thêm chân” với những sáng tạo không giống ai, khiến trẻ em hiểu sai về nguyên tác. 90% cư dân mạng phản đối dàn dựng lại phim cũ trong cuộc điều tra về việc có nên dựng lại những bộ phim cũ trên mạng Nhân Dân vào giữa tháng 7.

Ông Thời Thống Vũ, chuyên viên phòng nghiên cứu thông tin Viện Nghiên cứu khoa học xã hội TQ, cho rằng tác phẩm kinh điển nổi tiếng vì nó mang tính văn hóa, tính dân tộc, nhưng các phiên bản mới lại không quan tâm những yếu tố đó khiến tác phẩm không còn chút dấu ấn của nguyên tác.

Văn hóa theo trào lưu

Theo nhà đầu tư bộ phim Tân Tam quốc, với mức đầu tư 15,5 tỉ NDT (1 NDT = 3.000đ), tiền bản quyền cho bốn đài truyền hình trình chiếu đợt đầu đã kiếm được 16 tỉ NDT, chưa kể những đợt lên sóng tiếp theo, phát hành đĩa DVD... Còn bộ phim Tân Hoàn Châu cách cách đã bán được bản quyền chiếu trên mạng Internet với mức giá kỷ lục 30.000.000 NDT. Chính vì vậy, mặc dù đa số khán giả không thích các bộ phim dựng lại nhưng vẫn theo dõi, khiến các phim này luôn có lượng khán giả kỷ lục, trở thành thị phần béo bở cho các nhà đầu tư phim truyền hình.

Tờ Văn Học cho rằng các tác phẩm truyền hình làm lại đều mang nặng tính thị trường mà quên đi lợi ích xã hội, chú trọng giá trị kinh tế mà quên đi kế thừa truyền thống văn hóa, tôn vinh kỹ xảo mà quên đi giá trị nhân văn khiến các tác phẩm truyền hình phiên bản mới chỉ là những tác phẩm văn hóa theo trào lưu, khó trở thành tác phẩm nghệ thuật.

Nhạc sĩ Hi Đạo cực lực phản đối dựng lại phim cũ, kêu gọi dành thời gian sáng tác, dàn dựng những bộ phim mới. Báo Nghệ Thuật TQ nhận định những tác phẩm “truyền hình sơn trại” này sẽ đánh mất thương hiệu của truyền hình TQ.

__________

(*) Theo trang Baidu, nghĩa đen của từ “sơn trại” trong tiếng Quảng Đông (TQ) có nghĩa là cơ sở sản xuất hàng nhái, hàng không mua bản quyền, hàng copy. Tuy nhiên, nay theo định nghĩa của trang www.shanzhaiba.com, sơn trại không hẳn hàng nhái hoàn toàn mà chỉ là copy 99% + 1% sáng tạo, có đặc điểm giá thành thấp, mang tính bình dân, đại chúng, phù hợp với đại đa số người dân lao động nghèo khó. “Sơn trại” được bình chọn là những “từ tiêu biểu của thế giới ảo trong năm 2008 ở TQ”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận