Cánh buồm của mỗi người

NGUYỄN HIỆP 28/01/2013 23:01 GMT+7

TTCT - Chạp vàng ngó tháng hổ ngươiNgó năm mai rụngNgười rơi chẳng mùa...

Phóng to
Tranh: Đức Trí

Trong những buổi chạp vàng nắng mật thế này, tôi thường rơi vào tâm trạng nuối tiếc, hổ thẹn, ray rứt vì đã từng để một quãng thời gian quý giá của đời mình vuột trôi vô vị. Chiều nay, tôi lại được lấp đầy nỗi nhớ con trai mình, tâm hồn nối dài của tôi: đây là năm đầu con ăn tết xa nhà. Tôi mở Skype, gửi cho con file hình chụp năm con 10 tuổi với cây đàn kèm theo lời nhắc: “Waves of the Danube”. Sóng Danube là bài nhạc mà con đã bằng những ngón tay 10 tuổi vụng về của mình gõ những nốt rời rạc đầu tiên.

Không gì đáng sợ hơn sự hoang sơ phẳng lặng trong tâm hồn mỗi con người, bởi như thế là bất hiếu với cha sinh mẹ đẻ, là không thật sự sống đời sống sinh mệnh mà tạo hóa ban cho. Vậy mà có lúc chính tôi đã buồn chán thả mình trong nước trũng, tồn tại vô hồn trong ngày hai bữa hết nhìn lên rồi nhìn xuống để so sánh và tủi thân. Thuở ấy, tôi như một cỗ máy nằm trơ không điện, nếm nỗi buồn gỉ sét từ bên trong. Tôi nhìn thấy nơi ở dưới chân núi Tà Cú của mình, nơi nắng bụi mưa lầy, sơn lâm chướng khí, khỉ ho cò gáy này thật tồi tệ, miễn cưỡng chấp nhận trong bế tắc.

Một lần cha con tôi lên núi uống cà phê. Tôi và con nhấc hai chiếc ghế ra sát mép sân ga, gọi hai ly cà phê. Trời lúc này đang trong veo, tầm mắt có thể nhìn tới Hòn Bà tít xa ngoài biển. Vì góc nhìn ngược sáng nên cả vùng đất quanh núi Nhọn, núi Đất cũng chỉ hiện lên như kiểu “Google Maps”, cứ tưởng tượng những gã núi kia là những họa sĩ khổng lồ đang vung nét cọ với trăm vạn mảng màu quanh mình, thi thố pha bằng được cái màu xanh đời sống độc đáo nào đó trên tấm toan bờ bãi đồi núi chập chùng.

Cà phê đang nhỏ giọt thì một hiện tượng làm chúng tôi lặng người: sương núi đang tràn xuống, “con sóng màu sữa” ấy chầm chậm chiếm lĩnh nuốt lấy từng ngọn cây, từng mỏm đá. Sương núi trườn mình đi theo con đường quanh co khúc khuỷu, nó như kẻ lạ lần đầu lạc bước xuống trần gian. Cả dọc sườn núi biến loạn sắc điệu, tao lộng tiết tấu, sự tham dự mới đã tạo ra thay đổi. Chúng tôi bất động trước vẻ đẹp kỳ vĩ hiếm thấy này, cả thung lũng phía trước chìm ngập, bồng bềnh trong sương trắng, hai ly cà phê đang chao trôi trên mặt bàn sữa đục.

Tôi đưa bàn tay trước mặt để thấy sự chuyển động của những hạt sương trắng li ti, hai bàn tay áp nhẹ vào ly cà phê, nâng lên trân trọng thực hành một nghi lễ. Uống cà phê núi lúc này nghĩa là ta uống cả sương mát, cả trời lạnh, cả tinh khiết, thanh tao vào người. Con tôi vốc tay đầy sương rồi lặng ngồi xuống trầm ngâm, nó đang cảm nhận về cái đẹp theo một cách nào đó.

Trong sương trắng phủ đầy, tôi ngồi quan sát con trai, thật thân, thật gần, đến mức đọc được hết những gì trong mắt con, trong lời con, trong hành vi của con và ánh mắt lấp lánh của nó làm cho tôi chợt nhận ra mình quá giàu. Tôi có nhiều thứ trên đời nhưng tôi đã thờ ơ, lãng quên. Tôi đã vô trách nhiệm đối với con mình.

Tôi đã có tội với má tôi, người mang nặng đẻ đau ra tôi, người bất chấp cái chết gánh anh em tôi băng mình trong cơn lửa đạn. Tôi có tội với cha tôi, người quên cả sinh mạng bị đe dọa, rình rập, đêm lẻn về đứng lặng nhìn tôi và ký thác một lời gan ruột: “Con hãy thực hiện tiếp giấc mơ của ba nghen con!”. Tôi mang tội với chính mình khi không nhận biết tôi là người có nhiều của cải.

Tôi có một bài ca để hát
Trong đêm sâu một mình,
Tôi có một giấc mơ để khóc
Trong một ngày lặng thinh...

Và thế là tâm hồn tôi sáng rực lên, tôi hiểu ra mình đang loay hoay trong chính vực thẳm do mình đào nên. Tôi quyết định phải trèo lên, vươn lên ngược với dòng “sương đục” nghiệt ngã, ru dụ một thời.

Tôi viết những điều vụn vặt này chỉ ước sao ai đó đã từng yếu đuối buông xuôi một thời như tôi đọc được, để trong khoảnh khắc thay đổi mà tra được đúng chiếc chìa khóa riêng mình mở căng cánh buồm ý chí, lướt gió, lướt sóng trên dòng sông sinh mệnh lớn lao mà tạo hóa vốn công bằng trao cho tất cả mọi người.

Và riêng với con trai tôi, một đứa bé sinh ra trong mái nhà tranh dột nát, trường kỳ ăn bột gạo lức, giờ đang ngồi học ở Sorbonne, rằng: “Con đã đến rất gần với những con sóng trên dòng Danube ước mơ ngày nào rồi đó. Hãy luôn nhớ tiếng sóng trong khúc dạo đầu vang lên từ những ngón tay vụng về của con ngày ấy, hãy dám ước mơ, luôn ước mơ là cánh buồm mùa xuân trong mỗi đời người”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận