Cánh đồng ngoại ô

DUY NGUYÊN 08/09/2013 20:09 GMT+7

TTCT - Ở trọ xa thì nhiều bất tiện. Nhưng bù lại, mỗi sáng có một niềm vui nhỏ là được chạy xe qua cánh đồng rộng ngập nắng này.

Phóng to

Sáng nào, chiều nào cũng qua mà vẫn thấy thích, thấy phấn khích mỗi khi được chạm mặt làn gió trong lành, dịu ngát của đồng nội. Những ô ruộng nhỏ, những bóng người nhỏ. Đoàn tàu cũ kỹ lạch cạch chạy qua. Những mùa vụ nối tiếp nhau. Quen thuộc nhưng không gây chút nhàm chán nào.

Mỗi sáng, chạy xe qua cánh đồng rộng như được tiếp thêm chút sinh khí. Cánh đồng là một đặc ân, nằm yên ả giữa thành phố xô bồ, giữa cuộc sống xô bồ. Từ nhà ra ngõ gặp ngay mấy quán cà phê san sát, tranh nhau bật nhạc xập xình từ sớm, loại nhạc trẻ sợ bị người ta chê là hời hợt, dễ dãi nên cố gồng lên cho ra vẻ sâu sắc, triết lý.

Tới tí nữa là anh chủ quán thịt chó sáng nào cũng ra vỉa hè ngồi đốt rơm thui chó, vài ba chú nằm trợn mắt nhe răng trông rất thảm. Khu này buổi chiều thì khỏi nói, tấp nập khách ăn nhậu, ồn ã những thầm thì tâm trạng, những nạt nộ, những cung kính mời mọc...

Rồi cánh đồng bỗng hiện ra, một thế giới khác, từ tốn, hiền lành, khoáng đạt. Mấy con trâu đứng gặm cỏ. Vài ba cánh cò. Anh bù nhìn sặc sỡ lắc lư đầy tâm trạng giữa những thửa ruộng xanh. Người ta hít thở không khí đó rồi lướt qua, rồi nhập vào thế giới ngoài kia.

Đi qua cánh đồng nhưng vội vã không để ý, chỉ vài ngày thôi đã giật mình với những đổi thay của nó. Lúa mới đó đã phổng lên, đóng đòng, chẳng còn mấy nữa mà trĩu bông. Màu sắc khác đi, mùi vị của cánh đồng cũng cứ thế đổi theo từng thời khắc, mùi mạ non, của lúa ngậm sữa, của rơm rạ, của hăng hắc bùn non... Những cây lúa cần mẫn chắt chiu nhựa sống, đi hết một vòng đời của nó để trĩu bông, mình cũng bước thêm được một bước ngắn trong dự định.

Hai bên đường tàu kẹp theo đường lộ mùa này nở đầy những khóm hoa dại gì đó không biết tên, nhìn giông giống hoa lau nhưng bé hơn, mong manh hơn. Những khóm hoa ngậm đầy nắng, lung lay nhè nhẹ theo gió. Sáng nay đi sớm, không phải vội, chầm chậm hít căng ngực không khí trong lành. Tôi nhẩm hát chữ được chữ mất bài dân ca rất thích với giai điệu da diết của vùng Okinawa nước Nhật. Bài hát về những dòng chảy, của sông, của hoa, của người, của tình yêu: “...Hãy cứ cười đi, hãy cứ khóc đi. Rồi một ngày hoa kia sẽ nở…”. Trong làn gió đồng mát rượi, mùi lúa ngậm sữa nghe đã rõ lắm rồi.

Thị Nở đón rằm tháng tám

Thị Nở tái xuất phố Hàng Mã để cùng đón rằm tháng tám với thiếu nhi. Thị Nở cười toe toét. Xấu như Thị Nở, nhưng đặt Thị Nở bên đèn lồng Trung Quốc thì Nở vẫn được nhiều người chọn hơn.

Mặt nạ đêm rằm là một món đồ chơi có từ ngày xưa được duy trì đến nay của người Hà Nội. Khuôn mặt của các nhân vật thoát thai từ văn học đã được một đôi vợ chồng ở phố Hàng Than đúc khuôn, vẽ màu trang trí để mang ra phố bán. Thị Nở, Chí Phèo, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới... đã treo lủng lẳng trên giá kệ đợi người mua, đợi một đêm trăng vằng vặc nô đùa cùng trẻ thơ.

Đôi vợ chồng có nghề gia truyền làm mặt nạ này có những nét vẽ hồn nhiên, mềm mại, đôi khi rực rỡ. Họ miệt mài vẽ trong những ngày Hà Nội nắng to để tiện phơi khô nước sơn. Chị Đặng Hương Lan cho biết: “Vợ chồng tôi đã làm nghề này hơn 30 năm rồi”. Trên căn gác nhỏ, một “xưởng” sản xuất nhỏ của hai đôi tay có nghề đã cho ra lò hàng nghìn sản phẩm thủ công. Giá mỗi mặt nạ từ 20.000-40.000 đồng.

Mùa thu năm trước, vợ chồng chị Lan đã phải đổ “cốt” - là phần mặt nạ được làm trên khuôn đúc sẵn bằng ximăng. Nguyên liệu làm khoảng 20 mẫu mặt nạ của nghề riêng này chủ yếu là giấy và hồ làm từ bột sắn. “Cốt” được phơi khô tự nhiên và đóng gói chống ẩm, đợi đến cuối hè năm sau mang ra trang trí màu sắc.

Tròn vành vạnh một ánh trăng rằm, phố vẫn phảng phất sự hồn nhiên từ xưa còn lại. Nhìn đôi tay cần lao tỉ mẩn tạo tác nhiều khuôn hình mặt nạ kia, đã thấy được niềm vui lắng lại của nhân gian với rằm trung thu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận