Catherine Karnow và những câu chuyện Việt Nam qua ảnh

LAN PHƯƠNG 27/04/2012 21:04 GMT+7

TTCT - Gặp lại nhà báo ảnh nổi tiếng người Mỹ Catherine Karnow trong một chuyến tác nghiệp tại TP.HCM, chúng tôi được nghe những chuyện kể thú vị của một nhiếp ảnh gia từng lui tới VN hơn 20 năm qua...

Catherine Karnow gặp lại mẹ con bà Trần Thị Điệp trong chuyến đi chụp ảnh tại VN. Ảnh: Trần Ngọc Sơn

Việt Nam - nơi buộc phải quay về

* Chúc mừng chị trở lại VN. Chị đã chụp nhiều ảnh về VN, lần này chủ đề sẽ là gì?

- Năm 2012, National Geographic mời tôi làm người diễn thuyết về chủ đề VN. Để có thể diễn thuyết, tôi cần phải trở lại VN để chụp ảnh, cập nhật và hiểu hơn về VN hiện nay. 

Thật ra, nếu nhìn tổng quan lại cả quãng đời vừa qua, đã có một điều gì đó rất gắn kết tôi với nơi này. Tôi đã được chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được gặp tướng Phạm Xuân Ẩn, các nhà văn Diệp Minh Châu, Bảo Ninh. Nhìn lại, tôi có cả một thời gian dài trong đời với VN. 

Bài diễn thuyết lần này ở National Geographic là một cái cớ để tôi tự tạo cho mình một thời hạn buộc phải quay về VN. VN quan trọng với tôi và cả vì cha tôi. Tôi muốn thực hiện một tập sách ảnh về VN, mà cha tôi sẽ là người viết lời giới thiệu cho nó. Nhưng tôi phải làm thật nhanh mới kịp.

* Vì sao, như chị nói, phải tạo cho mình một thời hạn buộc phải quay về?

- Tháng 3 và 4-1990, cha tôi đến VN để làm một phỏng vấn độc quyền tướng Giáp cho The New York Times. Mẹ tôi đi cùng ông. Lúc đó tôi chỉ mới bước vào nghề nhiếp ảnh. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ theo đuổi các câu chuyện của cha nên không đi cùng ông đến VN. 

Sau khi trở về mẹ tôi đã nói: "Lẽ ra con phải là người chụp ảnh cho cha!".

Tôi suy nghĩ nhiều về việc đó. 

Tháng 7-1990, tôi lấy visa báo chí đến VN. Tôi đã đi Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Hà Nội. Đến thăm Bệnh viện Từ Dũ, tôi biết có nhiều nạn nhân chất độc da cam ở đó. Rồi tôi đến thăm tướng Giáp. Tôi cũng đi xem đường sắt Thống Nhất và các trại mồ côi. 

Giống như một giấc mơ. Xúc động bởi những gì tôi đã thấy và ghi vào ảnh, tôi muốn chụp được những bức ảnh thật đẹp về VN, ghi lại được một lát cắt về văn hóa nơi này.

* Tấm ảnh về vịnh Hạ Long của chị với chiếc thuyền buồm xuất hiện trên rất nhiều tạp chí ảnh lớn. Chị đã chụp nó thế nào? Và tại sao lại là Hạ Long? 

- Khi còn nhỏ, tôi sống với mẹ ở Hong Kong và cuối tuần thường cùng bà đi thuyền buồm ra những đảo nhỏ ở Hong Kong. Khi đến Hạ Long, Hạ Long trông thật giống Hong Kong những năm 1960 với những cảnh đẹp trong kỷ niệm của tôi với những mái thuyền mảnh mai ấy. Mẹ tôi là một họa sĩ và lần đầu tiên nhìn thấy Hạ Long, tôi cảm thấy nơi này giống như bức tranh từ nét cọ của mẹ vậy. Tôi muốn chụp bức ảnh đẹp về Hạ Long đúng với những gì trong ký ức của tôi, với cảm giác như một bức tranh vẽ. 

* Nghe kể đó là một chuyến tác nghiệp vất vả?

- Chúng tôi đến Hạ Long và đi tìm thuyền buồm. Nhưng nơi này chỉ còn khoảng sáu chiếc thuyền buồm. Mọi người đều đã mua máy nổ cho thuyền của mình, những chiếc thuyền rất to và hiện đại. Chúng tôi phải đi qua rất nhiều làng chài để tìm những chiếc thuyền buồm chèo tay kiểu cũ. Cuối cùng, tôi cũng tìm được hai chiếc thuyền ở gần nhau. Nhưng chủ thuyền đã đưa thuyền ra khơi đánh cá. Thời đó không có điện thoại di động, không email. Người ta không biết bao giờ hai chiếc thuyền sẽ về. 

Từng ngày một tôi phải quay lại chỉ để hỏi: "Họ đã về chưa?". Cuối cùng, khi chúng trở về, tôi thuê cả hai thuyền và đề nghị họ chèo đến nơi tôi muốn chụp ảnh trong vịnh. Nhưng vì thuyền chèo đi rất chậm, tôi lại phải thuê một chiếc thuyền du lịch gắn máy kéo cả hai chiếc thuyền ra thật xa để tôi tìm một nơi thật đẹp cho bức ảnh. Tôi yêu cầu họ cứ chèo tới lui một cách thoải mái. Tôi trèo lên các vách đá cách xa hàng dặm và chụp tấm ảnh đó ròng rã hai ngày liên tiếp. Tôi chỉ có thể hét thật to từ xa và chỉ trỏ trong khi leo lên các vách đá để các con thuyền di chuyển đúng ý tôi. 

Và khi nhìn vào bức ảnh, nhiều người xem sẽ nghĩ ồ cảnh quan thật bình yên biết bao... (cười).

Nhiếp ảnh gia Catherine Karnow, con gái của nhà báo - nhà sử học Mỹ Stanley Karnow, hiện đang làm việc cho National Geographic Traveler Magazine, Smithsonia Magazine. Chuyên về ảnh trên mục Du lịch VN cho tạp chí National Geographic, Catherine đã đi khắp VN. 

Hai mẹ con bà Điệp và bức ảnh do Catherine Karnow chụp trên tàu Thống Nhất năm 1990, trở thành ảnh bìa của Lonely Planet sau đó - Ảnh: Cao Mạnh Tuấn

Hai mẹ con và bữa tiệc 12 món

* Còn bức ảnh người phụ nữ với các em bé Việt trên chuyến tàu Thống Nhất?

- À, trong chuyến tác nghiệp năm 1990, tôi đã chụp ảnh người phụ nữ Việt mỉm cười ở khoang cửa đoàn tàu Bắc - Nam. Đó là khi chúng tôi đến gần những dãy núi ở miền Trung Việt Nam. Con tàu di chuyển chậm, thậm chí còn chậm hơn và vòng vòng để đi từng bước qua núi. Khi đó tôi nghĩ có thể sẽ là một bức ảnh đẹp khi con tàu bắt đầu lao xuống và bạn có thể thấy những dãy núi cũng như các toa tàu phía sau. 

Tôi đi lên phía trước tàu, tìm cách để chụp hình mọi người qua cửa sổ và thấy cả con tàu đang bò phía sau. Tôi cần phải sẵn sàng khi chúng tôi bắt đầu đổ dốc. 

Tôi tiến đến gần một phụ nữ trẻ với mấy đứa bé. Không đi cùng phiên dịch nên tôi phải ra dấu xin chụp ảnh cô. Cô gật đầu mỉm cười. Và khi con tàu bắt đầu lao xuống núi, cuối cùng chúng tôi cũng cảm thấy hơi gió đầu tiên trong nhiều ngày. Tôi nghiêng người ra ngoài cửa sổ để có được góc ảnh tốt, và tất cả chúng tôi đều cười, cảm thấy thích thú như rơi tự do. 

Tấm ảnh đầy sức sống trong số đó đã trở thành bức ảnh nổi tiếng. Nó được xuất bản nhiều lần và đã xuất hiện trên bìa quyển Lonely Planet Guide to Vietnam trong nhiều năm. Tôi thường tự hỏi cuộc sống của người phụ nữ đó và các em bé như thế nào. Và tôi luôn mong muốn có thể chia sẻ bức ảnh thành công đó với cô.

Cơ hội đã đến khi không lâu sau bài báo trên TTCT (*), tôi đã nhận được một tin nhắn trên Facebook từ Rossalyn, cô gái nhận mình là con của người phụ nữ - lúc ấy tôi mới biết tên là Trần Thị Điệp - trong ảnh. Chúng tôi liên lạc với nhau. Cuối năm 2011, trong một dịp tới Hà Nội, tôi đã được cô Điệp và con gái mời tới nhà. Chúng tôi đã chia sẻ những câu chuyện thú vị sau 20 năm.

* Chị kể lại cuộc gặp gỡ đó đi

- Rất háo hức gặp lại Điệp, tôi nhờ một trợ lý chở tôi đến nhà cô. Điệp và con gái Rossalyn chào đón tôi rất nồng nhiệt, đầy cảm xúc. Đã 20 năm rồi. Thật quá ấm áp với tôi. Điệp vẫn rất xinh như trong bức ảnh ngày đó. 

Hai mẹ con đã mở cửa nhà đón tôi, mở lòng đón tôi. Lúc đó chưa đến tết nhưng họ đã bỏ ra hai ngày để nấu một bữa ăn kiểu tết cổ truyền của người VN cho tôi, với những món đặc trưng nhất của ngày lễ đó. Đó là một bàn tiệc rất đẹp, có lẽ đến 12 món các loại. Tôi đã rơi nước mắt. 

* Tại sao chị lại khóc trong ngày gặp lại vui như thế? 

- Đó là ngày đặc biệt của tôi. Tôi quá xúc động vì được gặp lại họ và cả sự tử tế họ dành cho tôi, vô điều kiện. Với riêng tôi, được gặp lại và nhìn thấy họ đã là đặc biệt lắm rồi, nhưng họ còn dành cả tình cảm ấm áp cho tôi nữa. 

Tôi đã chụp tấm ảnh Điệp trên tàu. Tấm ảnh dễ thương, được xuất bản nhiều và nhiều người xem rất thích tấm ảnh đó. Tôi nhận ra Điệp cũng cảm thấy bức ảnh đặc biệt với riêng cô ấy. Cô chờ đợi việc được hội ngộ cũng nhiều y như tôi vậy. Không chỉ Điệp, mà nhiều người VN dường như còn có một tính cách rất đặc biệt trong gìn giữ quan hệ giữa người với người. 

Tôi đã nói với Điệp trong suốt những năm qua tôi luôn mong được gặp lại cô và nói lời cảm ơn. Tôi là nhiếp ảnh gia, tôi chụp ra bức ảnh. Nhưng chính Điệp mới là người làm bức ảnh đẹp bởi chính tính cách của riêng cô trong bức ảnh đó. Cuối cùng tôi cũng đã có cơ hội nói rõ cho Điệp biết sự quan trọng đó của cô trong bức ảnh.

Bức ảnh Vịnh Hạ Long nổi tiếng của Catherine, chụp năm 1990

Người Việt tìm ra cái đẹp trong những nỗi buồn...

* Cuộc thuyết trình của chị ở National Geographic vừa diễn ra. Chị đã nói gì về chủ đề VN?

- Tôi đã thuyết trình bốn lần, mỗi lần trước khoảng 2.500 khán giả, trong một khán phòng hòa nhạc rất lớn ở Seattle. Đó là lần đầu tiên tôi nói trước lượng khán giả lớn như thế.

Tôi đã tốn nhiều tuần để làm nội dung cho buổi nói chuyện, với số lượng ảnh tôi đã chụp VN hơn 20 năm qua. Tôi đã chọn những chi tiết rất quan trọng về nạn nhân chất da cam, trẻ em lai Mỹ sau chiến tranh, về sự phát triển của VN, về Đà Lạt xinh đẹp, ảnh chân dung một số người VN tôi theo chụp nhiều ngày, về sự giàu có mới của quận 2 và quận 7 ở Sài Gòn.

Đó là một bộ ảnh rất nghiêm túc và nhiều cảm xúc. Với tôi, đó là một sản phẩm rất riêng tư, tôi đã có 21 năm - trên tư cách cá nhân - đến và tự thân muốn chụp ảnh VN. Tôi tự chi trả, tôi tự chụp những gì tôi mong muốn chứ không phải vì một tạp chí nào thuê. 

* Khán giả có phản hồi như thế nào trước sự tích cóp tư liệu của chừng ấy năm về VN của chị không? 

- Một phụ nữ lớn tuổi dự buổi nói chuyện viết cho tôi rằng bà đã khóc khi trở về nhà, vì xúc động trước những lời tôi nói: "Người VN biết cách tìm ra cái đẹp trong những nỗi buồn". Bà khóc trước vẻ đẹp của những bức ảnh đó. Tôi mừng vì biết mình đã có thể lay động một ai đó bằng tình yêu rất cá nhân của tôi với VN. 

Tôi đã trao đổi với tổng cộng hơn 9.000 khán giả và đã có thể khiến họ hiểu về tình yêu riêng tư của tôi theo cùng một cách VN đã lay động tôi. Tôi thật sự thấy vinh hạnh vì làm được điều đó. 

* Lần đến VN này, chị thấy điều gì thay đổi từ trong các bức ảnh cũ mà chị đã chụp?

- Sau năm 1990, tôi đến VN rất nhiều lần. Nhưng lần này tôi đến và thấy quá nhiều thay đổi với Hạ Long. Du lịch tràn lan khắp nơi. Tôi mới ở đó một tuần trước. Tôi đi cùng với một nhóm người, thuê chiếc thuyền và ra khơi để ngắm vịnh. 

Chủ tàu đưa tôi đến nơi khách du lịch hay xem, rồi theo tuyến đường này. Khách du lịch đông đến nỗi như thể một cái sở thú du lịch. Tôi nói chủ tàu phải đi qua một vòng khác và dừng lại. Thật tuyệt. Cảnh quan không hề khác gì năm 1990, thật đẹp và bình an. Ngoài nơi khách du lịch hay dừng lại, mọi nơi khác vẫn rộng mênh mông và tĩnh lặng. 

Điều khác biệt lớn nhất là vào năm 1990, Hà Nội hoàn toàn yên lặng. Bạn có thể nghe thấy tiếng thì thầm của mình. Chỉ có xe đạp và xích lô. Và tiếng xích lô như tiếng một chú chim lớn đập cánh, lạo xạo và ào qua phố, cũng rất nhẹ. Hà Nội cũng buồn lãng mạn, ít màu sắc, không quảng cáo, không bảng đèn. Sài Gòn sống động hơn, không yên tĩnh lắm. Giờ thì mọi thứ ồn ào. Nhưng nơi này đang phát triển và phải như vậy thôi. 

* Cảm ơn chị về cuộc trao đổi.

Rossalyn là nick trên Facebook của Vũ Phương Thảo (sinh năm 1992), sinh viên Đại học Ngoại thương tại Hà Nội, con gái của bà Trần Thị Điệp. Cô là người đã nhờ Google và Facebook để “tìm ra” Catherine Karnow sau bài báo trên TTCT năm 2010. 

Cô kể lại: “Nửa năm trước khi đọc bài báo này, một người bạn tôi đã đi hiệu sách và phát hiện quyển Lonely Planet Guide Vietnam có ảnh bìa là mẹ tôi nên đã mua quyển sách tặng mẹ. Mẹ rất bất ngờ. Mẹ vẫn còn nhớ đó là năm 1990. Mẹ bảo hôm đó trên tàu Bắc - Nam có cô Tây chụp ảnh mẹ, không ngờ lại được lên sách nữa. Hôm đó mẹ đi với cả đoàn của cơ quan từ Bắc vào Nam để đi Đà Lạt. Mấy đứa bé trong ảnh là con của đồng nghiệp mẹ. Vì vậy, sau bài báo tôi đã quyết tâm “tìm ra” tác giả.

Ngay sau khi bắt liên lạc được trên Facebook, cô Catherine đã nhờ đồng nghiệp mang sang VN tất cả ảnh cô đã chụp mẹ tôi hồi ấy, rửa tặng mẹ. 

Cuối cùng, cuối năm 2011, khi Catherine đến Hà Nội, chúng tôi mời cô ấy đến nhà. Trước đó mẹ chỉ nhớ có một phụ nữ Tây đã chụp ảnh mẹ mà thôi...”. 

Bà Trần Thị Điệp, người phụ nữ trong bức ảnh nổi tiếng, nhớ lại: “Hôm ấy đi tàu có cả con của các cô trong cơ quan nữa. Catherine chụp hình tôi và bọn trẻ. Mấy cô cháu được chụp ảnh thì rất vui sướng nên cười to vậy thôi. Sau đó Catherine còn tặng bọn trẻ bút sáp, màu”.

Cuối năm 2011, khi Catherine quay lại Hà Nội, bà Trần Thị Điệp đã mời chị về nhà đãi một bữa cơm thân mật. Bà kể: “Mời Catherine đến nhà, tôi đã nấu một bữa ăn kiểu ngày tết của người Việt cho cô ấy, có bánh chưng, món giò và thịt gà kiểu miền Bắc. Catherine đã khóc trong bữa ăn, sau 20 năm gặp lại”.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận