Cầu thủ cũng vỡ nợ như ai

L.TẤN 29/04/2013 05:04 GMT+7

TTCT - Paul Gascoigne và Lee Hendrie hai cựu ngôi sao bóng đá gần như phá sản sau khi rời sân cỏ. Hiện tượng này ngày càng tác động đến bóng đá Anh và châu Âu.

Phóng to
Tuyển thủ Na Uy John Arne Riise từng bị tòa án Liverpool tuyên bố vỡ nợ vì không trả được 100.000 bảng Anh - Ảnh: wikimedia.org

Tại Anh, cứ trong số năm cầu thủ thì ba người bị phá sản chỉ sau năm năm ngừng thi đấu. Số liệu này là kết quả điều tra của Xpro, một tổ chức trợ giúp các cựu cầu thủ nhà nghề Anh và Ireland. Đây chủ yếu là các cựu cầu thủ của Giải Premier League từng được trả lương trung bình 30.000 bảng Anh/tuần trong nhiều năm trời nhưng rồi bị cạn túi sau đó.

Từng lãnh lương cao nhưng không trả được nợ

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bi kịch: đầu tư sai lầm, phí tổn ly dị, lối sống buông thả, nhà quản lý tồi và cả những tác động xấu từ gia đình, bạn bè và những nhà đại diện. Theo nhật báo El Pais của Tây Ban Nha, chỉ vì dính một trong những nguyên nhân trên mà một số cầu thủ bị phá sản: Lee Hendrie (Aston Vila) hoặc Colin Henry (cựu đội trưởng Blackburn Rovers). Trong khi đó, nhiều tờ báo cho rằng John Arne Riise (Fulham) hoặc Eric Djemba-Djemba (cựu ngôi sao CLB Manchester United (M.U) người Cameroon) đang gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng.

Tờ The Guardian cho biết tuyển thủ người Na Uy Riise từng bị tòa án Liverpool tuyên bố vỡ nợ cách nay sáu năm vì không thể trả được 100.000 bảng. Cần biết trong thời hoàng kim của mình ở Liverpool, Riise lãnh 50.000 bảng/tuần. Anh có dính đến vụ kiện người đại diện cũ đã đầu tư tiền bạc của mình trước thời điểm năm 2005. Riise có liên quan đến những khoản nợ từ chuyện thua lỗ doanh nghiệp, trong đó có một khách sạn.

Theo Daily Mail, vào thời “đá bóng ra tiền” của mình, tiền vệ Djemba-Djemba có đến 10 chiếc xe 4x4 và 30 tài khoản ngân hàng. Từng được Sir Alex Ferguson rước về M.U với chữ ký trị giá 2,5 triệu bảng năm 2003 nhằm chuẩn bị thay thế Roy Keane, nhưng sau đó cầu thủ Cameroon này không kiểm soát được thu nhập của mình và mất hết tất cả, phải chuyển sang thi đấu ở Qatar với mức lương khiêm tốn 15.000 bảng Anh/tháng.

Liệu các cầu thủ Tây Ban Nha có dính vào vòng nợ nần tương tự? “Tôi còn nhớ một cầu thủ của Real Madrid trong những năm 1970 và đầu thập niên 1980 bị bắt gặp phải đi rửa xe buýt. Nhưng chuyện này trở nên hiếm nhờ các cầu thủ được tư vấn tốt” - Alfredo Relano, giám đốc nhật báo thể thao As, nói.

Vài trường hợp riêng lẻ có thể nhắc đến như Cresciencio Cuéllar, cựu cầu thủ đội Meridar. Xuất hiện trong chương trình truyền hình thể thao Larguero trên kênh SER, anh kể rằng đã bị đói và mất hết tài sản trong chuyện làm ăn. “Khi các cầu thủ đến xin giúp đỡ, chúng tôi biết họ đang trải qua giai đoạn khó khăn. Chỉ cần một vụ ly dị hoặc đầu tư sai lầm là mệt ngay. Nhưng chuyện này cũng hiếm” - Vicente Blanco, giám đốc Hiệp hội Các cầu thủ Tây Ban Nha (APE), khẳng định.

Quen sống trong tháp ngà

Nếu được quản lý tốt, thu nhập khủng của các cầu thủ đỉnh cao cho phép họ sống thoải mái đến cuối đời. Một cầu thủ Barca kiếm trung bình 118.000 euro/tuần, trong khi mức này ở Real là 106.300 euro. Theo trang web Sporting Intelligence, đó là các cầu thủ được trả lương hậu hĩnh nhất thế giới, vượt xa các cầu thủ bóng rổ của đội Los Angeles Lakers (85.600 euro/tuần).

Thế nhưng theo thừa nhận của ông Relano, bóng đá không có giới hạn. Các cầu thủ nổi tiếng rồi cũng bị ám ảnh bởi hình ảnh của họ, sự nghiệp, tiền bạc... Họ như sống trong một tháp ngà được gia đình và người đại diện canh gác cẩn mật. “Tôi luôn bảo với các cầu thủ của mình đừng tin ai về chuyện tiền nong, kể cả ngân hàng” - Manuel Garcia Quilon, người đại diện của Alvari Arbeloa và Pepe Reina (hiện thi đấu ở Real và Liverpool), kể. Ông cũng cho rằng người đại diện là “nguồn gây căng thẳng trong gia đình, bạn bè, người thân và thậm chí CLB”.

Trên sân, các cầu thủ thi đấu tập thể, nhưng ngoài đời họ phải một mình đối mặt với tiền bạc. “Chúng tôi không xen vào tài chính của cầu thủ. Đó là trách nhiệm của họ, của người thân họ” - một lãnh đạo Real Madrid nói rõ. Nhưng đúng là “một số cầu thủ quen sống như thời đỉnh cao dù thu nhập của họ không còn tương xứng” - Felix Plaza thuộc Công ty Garrigues Sports & Entertainment giải thích.

Nếu như một số cầu thủ trở thành những cái giỏ thủng đáy, thì số khác lại là nhà quản lý tài ba. David Beckham là một trường hợp. Anh đã tạo dựng tài sản bằng hình ảnh thương hiệu vượt qua tài năng chơi bóng. Chỉ sau này một số CLB mới quan tâm bằng cách giúp các cầu thủ nghĩ đến tương lai dài hạn, chủ yếu tư vấn về “thuế và bảo tồn tài sản”, hai nguồn lo âu lớn nhất của cầu thủ bởi họ thường bị đánh thuế rất nặng trong khoảng thời gian ngắn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận