Cây gạo gù

TRUYỆN NGẮN CỦA PHAN AN 24/03/2016 22:03 GMT+7

TTCT - Cây gạo gù mọc ở đầu con dốc. Giờ thì tôi không còn nhớ con dốc tên là gì - rất có thể nó cũng chẳng có tên.

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa


Biết bao nhiêu sự vật sự việc trên đời đâu có được cái tên. Hoặc cũng có thể nó là dốc Bà Bộ, tôi không chắc. Làng có một con dốc tên là dốc Bà Bộ thật.

Nghe nói dưới chân dốc từng có nhà bà kia tên là bà Bộ, xong rồi hồi chiến tranh một quả bom rơi ngay vào mâm cơm nhà bà Bộ, thế là nhà bà Bộ bảy tám người ông bà cha mẹ con cháu cùng bay tuốt luốt, giờ chỉ còn lại cái dốc Bà Bộ.

Nhưng như đã nói, tôi không chắc cái dốc có cây gạo có phải là dốc Bà Bộ hay không. Thật ra thì chuyện đó cũng không quan trọng.

Tôi nghe kể hồi chiến tranh không phải mỗi nhà bà Bộ là biết bay. Nhà ông Húy Ngọng cũng biết bay, và ổng xui còn hơn bà Bộ, nhà ổng bay khi tưởng đã yên vị chắc nịch dưới hầm. Lúc ổng vừa mới xoa tay vỗ đùi hả họng kêu: “Ây tao ây, cả nhà tao ây, tụi bây ngon thì thả bôm xuống hầm luôn i, ụ ẹ” thì tình cờ làm sao một quả bom rơi xuống hầm thật.

Tóm lại là cây gạo gù mọc ở đầu một con dốc. Ta hãy gọi con dốc này là dốc Bà Bộ.

Bạn biết cây gạo chứ? Người hồi xưa nói “Thần cây đa, ma cây gạo” và người hồi nay làm thơ “Thế rồi chị ơi rụng bông gạo đỏ”. Chuyện ma cỏ thì tôi không có kinh nghiệm, nhưng đúng là bông gạo nó đỏ thật.

Nếu bạn lên mạng tìm từ khóa “hoa gạo” thì sẽ ra một mớ hình bông gạo và những thứ liên quan, ví dụ cây gạo ở bến sông có cành chìa ra như thế này, bông mọc đùm đề như thế này, rồi lại có một cô tay ấp vào má tay cầm bông gạo ngửi ngửi như thế kia, hình nào hình nấy đỏ rực nhìn đẹp mắt lắm.

Nhưng đó là cây gạo của người ta, cây gạo làng quê Bắc bộ, nơi già trẻ gái trai đều lãng mạn và thích lụm bông gạo bỏ vào cái mủng xong đứng từ xa chụp ảnh làm mờ phông nền, xong lại bôi bôi cho da dẻ trắng ra.

Cây gạo làng tôi không có vẻ gì như thế cả. Cây gạo làng tôi nhìn tướng hèn như cây mít, gù hẳn sang một bên, cho nên mới gọi là cây gạo gù, và dưới gốc lại có khắc xiêu khắc vẹo một câu sau đây: “Cu Tây rượn đựt”. Dĩ nhiên cu Tây không phải tay vừa. Cu Tây khắc trả lại một câu khác chữ to hơn, thẳng thớm hơn, viết hoa tử tế và hoàn toàn đúng chính tả: “BÉ MÓM CHIM SUN”.

Hỡi bạn đang nhăn mặt, bạn phải thông cảm cho tôi thôi. Đó là lời con nít nói ra, nhiệm vụ của tôi chỉ là ghi lại cho chân thực, rõ ràng. Bọn con nít làng tôi, không phân biệt trai hay gái, chúng nó hết thảy đều tục tĩu một cách ngây thơ, nói mà chẳng hiểu chi, nghe người lớn nói thì cứ bắt chước.

Chúng nó hát “Năm mới năm me, lấy que thọc đít”. Chúng nó hát “Cô lô cô lốc, có chốc trên đầu, có râu dưới háng”. Đâu phải ai cũng được học hành tử tế để mà nói và viết những lời thơm tho tử tế. Với đâu phải ai cũng có thói quen lượm bông gạo bỏ vào cái thúng và đứng cười một mình.

Người duy nhất ở làng tôi từng lượm bông gạo bỏ vào thúng rồi đứng cười một mình như vừa đạt được thành tựu chính là Thu Yên Bến Dầu, mà chỉ cũng chỉ làm việc ấy có duy nhất một lần thôi, trước khi chuyển hẳn lên chợ Bến Dầu khởi đầu công cuộc vừa xé quần xé áo vừa hát bài Tình đất đỏ miền Đông, trong có những câu rất thể thao như “Đi đá banh mặc quần xanh áo đỏ, đi đánh võ mặc quần đỏ áo vàng” đại để.

Những người khác, con nít thì khắc chữ chửi nhau như chúng ta đã biết, người lớn thì đái vào gốc cây. Tất nhiên là con nít cũng đái vào gốc cây. Làng tôi, già trẻ trai gái gì cũng đái vào gốc cây. Ở đó nếu có ma, ắt là ma cũng bỏ chạy lâu rồi.

Cây gạo gù mọc ở đầu con dốc. Gốc cây sần sùi, nổi nhiều u cục, lắm hang hốc, cu Tây với bé Móm hay ngồi chơi trò giấu que. Tất nhiên trò giấu que là một trò chơi vô cùng ngớ ngẩn, chắc chỉ có con nít làng tôi mới chơi.

Như thế này: hai đứa cầm hai cái que nhỏ, dài cỡ lóng tay, ví dụ bẻ từ nhánh dâm bụt chẳng hạn, giấu ở hai bên gốc cây, xong rồi đổi chỗ cho nhau mà tìm. Đấy, như thế đấy. Cu Tây với bé Móm ngồi dưới gốc cây khai nồng mùi nước đái, mắt căng ra nhìn, hai tay sờ soạng vỏ cây, thỉnh thoảng lại gỡ gỡ bóc bóc, rất nghiêm túc.

Bà Chín gánh đậu hũ từ thôn Hai gánh xuống, vừa đi vừa rao “Ai đậu ơ”, thấy cu Tây tự nhiên đứng lên đá vào đít bé Móm một cái bẹt té chỏng gọng, kêu “mi chơi gian như chó”, xong bé Móm cũng đứng lên há mồm nhe răng cắn lút bàn tay cu Tây, kêu “mi chơi gian thì có”, xong rồi hai đứa bỏ luôn que, bỏ luôn cây gạo gù, quay sang đánh nhau to.

Bạn đừng hỏi tôi cái trò chơi đơn điệu vậy thì chơi gian ở chỗ nào, vì tôi biết đâu, con nít mà, nó muốn chơi gian kiểu gì chẳng được, tôi có rảnh đâu mà đi tìm hiểu ba cái bọn con nít.

Cây gạo gù mọc ở đầu con dốc. Dưới chân dốc, ông Bảy Riệu dựng một cái quán, người ta gọi quán của ổng là quán Cây Gạo. À không, dân quê tôi phát âm ao thành ô - như trong những truyện cười hai người chọc léc, cái bao người ta gọi là cái bô, con dao người ta gọi là con dô, cá rao người ta gọi là cá rô, cái xao người ta gọi là cái xô, thành pháo người ta gọi là thành phố - quán Cây Gạo người ta gọi là quán Cây Gộ.

Quán Cây Gộ của ông Bảy Riệu. Sao cũng được. Quán Cây Gạo lợp mái lá, dựng trên bốn cái cột tre, trong kê cái chõng, trên cái chõng lại kê hai thứ nữa là thẩu kẹo nuga và dừa miếng ngâm trong thau nước. Kẹo nuga vuông vuông bọc bằng giấy kính mờ, trời nóng chảy nhẽo ra, hai trăm đồng một cục.

Dừa miếng to bằng nửa bàn tay, năm trăm đồng một miếng. Cu Tây với bé Móm lâu lâu bán được cái xao bể cho ông Đợi hàn nồi dưới Xuân Nam đi lên, ra quán Cây Gạo, đứa mua kẹo nuga, đứa mua dừa miếng, xong chạy lên đầu con dốc đứng dưới gốc cây gạo gù mà ăn, vừa ăn vừa nhìn nhau và kêu “nhem nhem”.

“À, anh nói chuyện cái bài Trèo lên quán dốc ngồi gốc í a cây đa chứ gì?”. Bạn sẽ ngắt lời tôi. Không, không phải thế. Tôi đã nói rồi, cây gạo gù làng tôi không phải cây gạo Bắc bộ. Với cây gạo không phải cây đa, cây gạo có ma còn cây đa có thần. Với cu Tây, bé Móm cũng không ngồi. Tụi con nít có bao giờ ngồi yên một chỗ.

Cu Tây với bé Móm đứng ăn kẹo nuga với dừa miếng xong rồi, nhem nhem nhau xong rồi, mút ngón tay mấy cái xong rồi thì đi. Cu Tây đi chăn bò ngoài sông, bé Móm đi mót củi ngoài đồng. Ngoài sông có một bãi cỏ rộng, người làng hay thả trâu bò cho ăn.

Ngoài đồng có mấy bụi tre và cây bồ kết gần cái lò gạch. Bụi tre có nhánh khô, con nít nhỏ người có thể chui vào lượm, tuy rằng cũng bị gai tre cào một chút. Trái bồ kết khô rớt xuống có màu đen, dài, đốt được mặc dù có nhiều khói. Khi nào bãi cỏ ngoài bờ sông hết cỏ, rặng tre ngoài đồng hết nhánh khô, cây bồ kết hết trái thì cu Tây lại đi chăn bò ngoài đồng, bé Móm đi mót củi ngoài sông, và cứ thế luân phiên.

Thế rồi cu Tây lớn lên.

Thế rồi bé Móm cũng lớn lên.

“Cu Tây lớn lên, bé Móm lớn lên. Hai đứa yêu nhau, nhưng cu Tây chăn bò bị bò húc chết, còn bé Móm mót củi bị hiếp”. Bạn sẽ nói thế.

Không, cũng không phải. Chuyện cu Tây bị bò húc chết và bé Móm bị hiếp là chuyện trong tiểu thuyết. Chuyện hai đứa yêu nhau lại càng viển vông bôi bác hơn cả tiểu thuyết, nó là phim truyền hình. Sự đời không thế. Không ai bị chết, không ai bị hiếp. Buồn hơn, cũng không ai yêu nhau.

Cu Tây với bé Móm lớn lên, đơn giản thế thôi. Con người ta dù muốn dù không cũng phải lớn lên, sự thể là như vậy. Cu Tây lấy vợ sớm, vì ở quê tôi lấy vợ sớm là chuyện thường. Bé Móm lấy chồng còn sớm hơn, vì ở quê tôi lấy chồng sớm lại càng thường hơn.

Bây giờ chị bé Móm cắp cái rổ ngang hông đi chợ bên Phú Đa, gặp anh cu Tây vác cuốc trên vai đi đào mương ngoài Rộc Đìa thì nhe hàm răng ra cười chào: “A anh cu Tây”, thế rồi anh cu Tây cũng nhe hàm răng ra cười chào lại: “A chị bé Móm”. Cả hai hàm răng đều vàng và hô vì hút thuốc vấn nhiều quá, riêng răng chị bé Móm lại còn rụng mất mấy chiếc vì có lần quen tật cắn tay, bị chồng phang cho cái ghế long mộng vào mặt.

Hai người đi ngang qua quán Cây Gạo mà không ai tạt vào, bởi vì lớn lên rồi thì người ta không chơi giấu que nữa, không ăn kẹo nuga với dừa miếng nữa, người ta còn con cái, còn vợ chồng để mà lo nghĩ chuyện đánh đấm, chuyện tiền nong. Hai người đi qua cây gạo gù mà không ai dừng lại, bởi vì chị bé Móm còn phải đi chợ bên Phú Đa, anh cu Tây còn phải đào mương ngoài Rộc Đìa.

Vài năm sau, quán Cây Gạo đang đêm tự nhiên bốc cháy. Mái lá cháy trước, cây cột cháy sau, rồi chõng tre cũng cháy nốt. Lửa cháy rừng rực, sáng cả dốc Bà Bộ, sáng cả thân hình Thu Yên Bến Dầu vừa nhảy nhót vừa kêu những tràng ú ớ. Đến sáng thì cả quán chỉ còn là mớ tro tàn.

Không ai biết ai đốt quán. Quán bị đốt, ông Bảy Riệu cũng chẳng buồn dựng lại. Ổng nói dựng làm chó gì, lời lãi chẳng bao nhiêu, rồi cười khà khà.

Vài năm sau nữa, đến lượt cây gạo gù bị đốn. Cây gạo gù bị đốn sát gốc, mất luôn đoạn có những dòng khắc chữ chửi nhau của bọn trẻ con ngày xưa. Mà cũng không ai thèm để ý. Một ngày nào đó sẽ có một cu Tây khác viết một dòng chữ khác dưới một gốc cây gù khác để trả đũa một bé Móm khác. Một ngày nào đó.

“Rồi có khi nào anh cu Tây với chị bé Móm nhớ cây gạo..., à cây gạo gù không? Nhớ quán Cây Gạo không?”. Bạn sẽ hỏi. Vì rằng trong văn chương các tiểu thuyết gia luôn sáng tạo ra một nhân vật nhiều ký ức, nhân vật này cứ mỗi buổi chiều buồn lại sẽ nhìn lên bầu trời có mây khói bảng lảng bay, nhìn ra con rồng con rắn con chó con mèo, suy ngẫm chuyện bức tranh vân cẩu mà mênh mang hồi tưởng về cái tuổi thơ êm đềm của y của thị.

Tôi trả lời rằng không. Chúng ta hay có thói quen tìm kiếm những câu chuyện giật gân thê lương, nhưng những người bình thường, cả đời cặm cụi chẳng có lý nào không thể trở thành nhân vật. Anh cu Tây với chị bé Móm đều học hành lôm côm, như đã nói, chữ nghĩa đựng chưa đầy lá mít, đến cái từ “mênh mang” nghĩa là gì bảo đảm cũng không biết. Từ “hồi tưởng” cũng không. Từ “ký ức” lại càng vạn lần không.

Thật ra, nói cho công bằng thì ký ức với hồi tưởng chẳng qua cũng chỉ là những thứ mơ hồ vô nghĩa, chẳng có ích lợi gì cho đời. Tôi chẳng đã nói rồi sao: chị bé Móm còn phải đi chợ bên Phú Đa, anh cu Tây còn phải đào mương ngoài Rộc Đìa, hai người có con có cái để chăm nom, có vợ có chồng để cãi chửi.

Có lẽ một buổi sáng sớm nào đó hai người sẽ đi ngang qua dốc Bà Bộ, chỗ ngày xưa có cây gạo với quán Cây Gạo của ông Bảy Riệu, há hai cái mồm vừa thiếu vừa thừa những chiếc răng vàng hô, hềnh hệch cười chào nhau một tiếng, bốn khóe mắt đầy nếp nhăn cùng rúm ró lại đâu trong một nửa giây đồng hồ rồi đi thẳng.

Có lẽ một buổi tối nào đó anh cu Tây đi xem tivi trắng đen nhà Ba Hưng về ngang dốc Bà Bộ, tới chỗ có gốc cây gạo gù còn sót lại thì tự nhiên mắc đái, liền vén quần đứng đái, vừa đái anh vừa thở phì phò, nước đái anh tung bay trong gió.

Có lẽ còn chẳng ai nhớ chỗ ấy từng có một cây gạo gù nữa, với quán Cây Gạo nữa. Có lẽ cùng lắm người ta chỉ biết chỗ ấy là dốc Bà Bộ, vì hồi chiến tranh dưới chân dốc có nhà bà Bộ, và nhà bả bị thả bom chết sạch bách khi đang ngồi ăn cơm bên bếp, cũng như nhà ông Húy Ngọng chết sạch bách khi đã yên vị dưới hầm.

Mà thật ra cái dốc ấy không phải tên là dốc Bà Bộ đâu, tôi chỉ viết nhăng cuội thế thôi, bạn đừng tin làm gì. Biết bao nhiêu thứ trên đời đâu có được cái tên. Quê tôi trung du, làng tôi có bao nhiêu là dốc, ai rảnh đâu mà đặt cái dốc lơ mơ nào đó là Bà Bộ với lại chẳng Ông Bộ.■

Không có chữ có câu nào buồn, nhiều chỗ còn mắc cười, nhưng truyện buồn teo. Một Phan An không còn ráo riết cười cợt như hồi viết Quẩn quanh trong tổ hay Trời hôm ấy không có gì đặc biệt, mà bình thản kể về những cuộc đời bình thường đến mức tầm thường, chúng ta có thể gặp ở bất cứ đâu, nhưng là kiểu nhân vật hay bị những người viết bỏ qua.

Phan An, sinh năm 1985, hiện sống và làm việc ở Singapore.

Nguyễn Ngọc Tư

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận