Cây gừa tàu

NGUYỄN THÀNH CÔNG 07/05/2012 02:05 GMT+7

TTCT - Em tôi trọ ở nơi này thuộc loại thâm niên: chín năm! Trong chín năm ấy làm vừa đủ sinh nhai, có vui có buồn, nhìn lại vẫn trắng tay, hoàn lại y như lúc đầu mới đến...

Phóng to

Hôm qua em kể chuyện mình, một chuyện be bé mà ngẫm lại không hề bé: về cây gừa tàu (*).

Ngày mới về, thấy chủ nhà đã trồng mấy bụi gừa tàu trong chậu, ngoài sân. Gừa lâu năm, bị đày trong chậu uốn xoắn gân guốc, rễ thòng nhiều, trông lạ. Lại được tạo dáng, đáng mặt là cây chủ lực trong vườn kiểng của ông chủ sành chơi.

Em thường tưới mấy chậu gừa, và thích. Bữa nọ, cũng cách đây tám năm, khi ông chủ tỉa bớt cành gừa, em gom những nhánh bị vứt đi, lựa nhánh nhỉnh nhất đem ra sau găm đại xuống. Mưa, mấy nhánh gừa nhanh chóng bắt đất, ra chồi non trông đến là hay...

Gừa lớn âm thầm trong mớ cỏ mọc lu bù, chi chít quanh ao. Chúng lớn hồi nào em tôi không để ý. Một ngày ra sau nhà bẻ bắp chuối, phải chen vào khe hẹp lòng thòng rễ gừa, em mới giật mình: gừa đã cao ngút, sum sê. Ra ngoài đất rộng, không bị đày, có mưa gió, lại gần ao, gừa lớn nhanh chóng mặt.

Ông chủ sau đó xây biệt thự, nghiên cứu phong thủy sao đó, chấm mấy bụi gừa em trồng, thuê mười mấy lực điền đào lên. Nhìn trai tráng mồ hôi nhễ nhại, căng sức đào gốc gừa, mất gần đứt bờ ao mới dứt được nó lên, em bần thần về sự lớn của nó. Rồi phải mượn đủ thiết bị kéo, đẩy, vận chuyển, chật vật đưa bụi gừa vào sân, mất hai ngày ròng rã không nghỉ. Nhìn bụi gừa được đặt chễm chệ trước biệt thự, em ngây ngất bất ngờ và tự hào.

Xong xuôi, ông chủ mời em vào phòng khách uống trà. Nâng ly trà ô long, ông ngắn gọn: “Mấy bụi gừa chú trồng phải không, của chú đây!”. Rồi ông trao cho em tôi một xấp tiền dày. Chín năm mưu sinh xứ lạ, chỉ lo đủ ăn đủ mặc, rốt cuộc lại được mấy bụi gừa tàu, nếu không em tôi vẫn kể như hai bàn tay trắng.

Nhưng với em tôi, sự tích lũy ấy, gia tài ấy có được hết sức ngẫu nhiên chứ không phải là sự cần mẫn có chủ ý. Việc trồng được những cây gừa cao to, hoành tráng tua tủa rễ như thế này là ngoài dự tính của em tôi. Bởi nó chỉ là kết quả của một lần ngẫu nhiên cắm chơi mấy nhánh gừa mà người ta tỉa bớt vứt bỏ, vậy thôi. Cái lẽ tích tiểu thành đa, kiên trì dài lâu mà em chưa từng nghĩ tới, nay bỗng hiển hiện trong mấy nhánh gừa thành cả một gia tài.

Em từng sống nôn nóng, vội vàng, nhìn ngay trước mặt, chưa bao giờ ngẫm nghĩ điều gì dài lâu nên không có thu hoạch. Mà nào chỉ có em, nhiều bạn đồng trang lứa với em cũng đang sống như thế. Chẳng những chuyện thắt lưng buộc bụng đã xa lạ mà chuyện đặt kế hoạch cho tương lai, vun vén dự liệu cũng ít người quan tâm... Cho nên cuộc sống là những ngày tháng cơm áo bấp bênh, không biết đâu là bến bờ tương lai bền vững.

Ở xứ miệt vườn có cây trái ngắn ngày và cây lâu năm. Người ta lấy ngắn nuôi dài, trồng hoa màu để xoay xở áo cơm chờ đến ngày thu hoạch những cây lâu năm. Nuôi nấng những gì lâu năm là công việc dài hơi, dành cho những người kiên trì, chịu khó, chịu thiếu, nhẫn nại với những ngày trước mặt. Cây lâu năm kết trái, họ hưởng lộc trời, có số tiền lớn để xây cất cưới gả, tạo lập cơ nghiệp. Tầm nhìn là ở đấy.

Chuyện xưa tích cũ về sự kiên trì có nhiều, đông tây kim cổ đủ cả. Chuyện những quốc gia được nể phục vì dám vạch kế hoạch dài cho đất nước, dựng được những sự nghiệp lớn lao từ nhiều năm tháng thắt lưng buộc bụng, gầy dựng cơ đồ từ những vốn liếng nhỏ nhoi ban đầu... không hiếm. Bởi rất ít thứ lớn lao đáng kể lại có được dễ dàng trong ngày một ngày hai. Mấy cụm gừa tàu của em tôi may ra là chuyện có ích cho nhiều người.

__________

(*) Gừa tàu: một loại si (tên khoa học Ficus benjamina L).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận