Chấm phá video art Việt từ Góc nhìn

THẢO NHÂN - THANH TRÀ 26/09/2013 07:09 GMT+7

TTCT - Nghệ thuật không vị kỷ, nghệ thuật cần đến sự tương tác đa chiều và phản ánh thực tế xã hội được thể hiện trong nhiều tác phẩm tại triển lãm Góc nhìn.

Phóng to
Cây cầu II (Le Brothers - ảnh trích từ video) - Ảnh tác giả cung cấp

Phóng to
Sự sống và cái chết (Phan Lê Chung - ảnh trích từ video) - Ảnh tác giả cung cấp

Với tác phẩm Nhớ cố hương, nghệ sĩ Nguyễn Như Huy đã mang đến cho công chúng nhiều thông điệp sâu sắc của đời sống hiện tại, nơi con người sống trong sự tổng hòa nhiều tác động ngoại biên, nơi họ tan chảy để hòa cùng nhịp sống của ngôi làng toàn cầu.

Tác phẩm Cây cầu II của Le Brothers lấy bối cảnh tại Hàn Quốc - một địa điểm không xa biên giới Nam - Bắc Hàn - lại mang đến âm thanh đồng vọng của tâm thức về những vết thương ở các vùng đất đã và đang bị chia cắt. Vùng trắng của nghệ sĩ Lê Hào về hành trình đến ngôi đền Preah Vihear phản ánh chân thực cuộc sống của những con người trong vùng chiến sự.

Trong những năm gần đây, với sự giao lưu quốc tế mạnh mẽ, nghệ thuật Việt Nam nói chung và video art nói riêng đã dần tiếp cận các phong trào nghệ thuật trên thế giới. Nghệ sĩ Việt dần có cơ hội nói chuyện bình đẳng bằng các ngôn ngữ nghệ thuật với bạn bè quốc tế. Sự hướng ngoại đã mang lại những chuyển biến tích cực về cả quan điểm nghệ thuật, nội dung tác phẩm và phương tiện thể hiện.

Những buổi nói chuyện của các nhà giám tuyển, nghệ sĩ uy tín quốc tế như Dinh Q. Le đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho chính những họa sĩ trong dự án cũng như công chúng quan tâm. Đối thoại là cái mà các nghệ sĩ đương đại cần đến bởi lẽ chỉ khi tác phẩm nghệ thuật được bình luận và soi rọi, tác phẩm mới đi được xa hơn và sâu hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số trong các tác phẩm tham gia dự án Góc nhìn thể hiện sự hạn chế cả về thông điệp chuyển tải lẫn cách sử dụng phương tiện nghệ thuật video. Ngày nay, nhiều nghệ sĩ video art trên thế giới đã tự tìm ra cách riêng để phá vỡ những quy tắc và cấu trúc cũ, từ đó tạo nên sự mới lạ khác biệt cho tác phẩm. Nhưng phá cách đó luôn được thực hiện trên sự am hiểu sâu sắc những lề lối, khi nghệ sĩ thật sự có thể vượt qua được những khuôn luật.

Phá vỡ lề lối hoàn toàn khác biệt với vô lối, một số nghệ sĩ trẻ tham gia dự án ít nhiều vẫn đang hiểu sai về điều này. Có lẽ đó là một trong những lý do mà tác phẩm video art của họ vẫn chưa thật sự có chỗ đứng trong lòng khán giả, xa hơn là tác phẩm của họ khó để có chỉ số ảnh hưởng trong khu vực và thế giới.

Một thực tế là hiện nay video art chưa được đưa vào chương trình chính khóa trong các trường mỹ thuật tại Việt Nam, vì thế nghệ sĩ chỉ có thể tự học hỏi thông qua các dự án nghệ thuật. Và Góc nhìn chính là cơ hội để các nghệ sĩ trong nước gặp gỡ, trao đổi lẫn nhau.

Dù không hẳn là đại diện nhưng thông qua những tác phẩm video art trong dự án Góc nhìn, ít nhiều chúng ta có thể chấm phá vài nét về diện mạo video art Việt và quan trọng hơn, đây là một cơ hội tốt để những người làm nghệ thuật nhìn lại những tồn tại và vạch ra con đường phát triển trong tương lai.

Góc nhìn là dự án video art do New Space Art Foundation (NSAF) tổ chức tại Trung tâm văn hóa Phương Nam - làng nghề Huế (TP Huế) từ ngày 6 tới 17-9-2013, với sự tham gia của 11 nghệ sĩ đến từ Hà Nội, TP.HCM, Thừa Thiên - Huế (trong đó các nghệ sĩ Nguyễn Trinh Thi và Le Brothers (Lê Ngọc Thanh - Lê Đức Hải) đều có tác phẩm video art tham dự Biennale Singapore 2013). Bốn khách mời thuyết trình là: Nguyễn Trinh Thi, Nguyễn Như Huy, Trần Lương và Lê Quang Đỉnh (Dinh Q. Le).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận