Chạy ra… tiền, tại sao không?

KHƯƠNG XUÂN THỰC HIỆN 05/01/2018 22:01 GMT+7

TTCT - Môn thể thao nào đáng được tôn vinh nhất ở VN trong năm 2017? Không đắn đo, chúng tôi xin trả lời ngay, đó là chạy! Bởi, chạy đỉnh cao thắng lớn ở SEA Games.

VĐV Nguyễn Văn Lai chiến thắng tại SEA Games 2017.-Ảnh: Nam Khánh
VĐV Nguyễn Văn Lai chiến thắng tại SEA Games 2017.-Ảnh: Nam Khánh

 

Và chạy phong trào thì ngày càng nhiều người chạy (xin đừng vẹo vọ nghĩ là chạy chức chạy quyền) - chạy marathon, chạy 100km...

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với hai khách mời đại diện cho chạy chuyên nghiệp và chạy phong trào năm 2017, đó là vận động viên (VĐV) đội tuyển điền kinh VN Nguyễn Văn Lai, người giành HCV 5km, HCB 10km tại SEA Games 29, và anh Phạm Duy Cường - doanh nhân, VĐV chạy phong trào có tiếng tại VN, đã chinh phục nhiều cuộc thi marathon danh tiếng thế giới tại Everest, Barcelona, Hi Lạp.

Năm 2017 đã khép lại với những hình ảnh tuyệt vời, sôi động của cộng đồng yêu chạy bộ. Với các anh, năm 2017 đã qua đi như thế nào?

- Nguyễn Văn Lai: Năm 2017 không phải là năm thành công nhất trong sự nghiệp VĐV của tôi, nhưng đây cũng là một năm khiến tôi hài lòng khi tôi mang về cho điền kinh VN 1 HCV và 1 HCB SEA Games 29 tại Malaysia.

Ngoài ra tôi cũng giành 2 HCV ở cự ly 5km, 10km tại Giải điền kinh Thái Lan mở rộng. Do gặp vấn đề về thể lực nên tôi không thể tham dự Giải điền kinh vô địch quốc gia 2017 và không giành huy chương tại Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á.

Dù vậy, năm 2017 với tôi cũng đã là đủ để tôi tiếp tục phấn đấu cho nhiệm vụ của năm 2018 là tập trung cho Asiad tại Indonesia và Đại hội TDTT toàn quốc tại Hà Nội.

- Phạm Duy Cường: Chưa bao giờ tôi lại tham gia và tổ chức nhiều hoạt động chạy bộ như năm 2017, điều đó thật tuyệt vời.

Trong suốt 12 tháng qua, hầu hết các giải marathon ở VN tôi đều tham dự ở cự ly full marathon 42km như: Giải Long Biên marathon, Hạ Long marathon, TP.HCM marathon, Sa Pa marathon, Việt dã báo Tiền Phong, thi 3 môn phối hợp Ironman...

Ngoài ra, tôi cũng tham dự được ba giải marathon quốc tế uy tín trong năm là: Everest marathon (Nepal), Barcelona marathon (Tây Ban Nha), Athens marathon (Hi Lạp).

Sau khi là người VN đầu tiên chinh phục Everest marathon tháng 5-2017, tôi có thêm sứ mạng nữa là tổ chức các sự kiện về chạy bộ. Tháng 10-2017 tôi thành lập Công ty tổ chức sự kiện thể thao Big Prizes và gần như tuần nào cũng tổ chức các sự kiện chạy cho cộng đồng những người yêu chạy bộ ở khu vực Hà Nội tham gia.

Các anh có “quan tâm” đến nhau trong việc chạy hay không, khi mà một người là dân điền kinh chuyên nghiệp, còn một người là điển hình của dân chạy phong trào?

- Phạm Duy Cường: Tôi chỉ biết thông tin về các VĐV điền kinh quốc gia trên báo khi họ giành huy chương quốc tế tại các đại hội thể thao.

Tôi cũng biết vài người vì có kết bạn với họ trên Facebook. Thế nhưng tôi không quá quan tâm đến việc họ chạy như thế nào bởi chưa bao giờ nghĩ sẽ thi chạy với các VĐV đỉnh cao.

- Nguyễn Văn Lai: Tôi xuất thân từ dân chạy phong trào ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa khi còn đi học phổ thông, chạy cho khỏe. Khi tốt nghiệp cấp III tôi nhập ngũ, vào bộ đội tôi thi chạy bộ trong các hội thao của quân đội.

Tôi được phát hiện có khả năng chạy tốt khi đã nhập ngũ - lúc đó tôi đã 21 tuổi (2007), với VĐV thể thao thì như vậy đã là quá già rồi.

Thế nhưng năm 2011, lúc đó tôi đã 25 tuổi, tôi vẫn có thể lần đầu đặt chân lên đội tuyển điền kinh quốc gia và giờ vẫn trụ được. Vì xuất thân từ dân chạy phong trào nên giờ tôi vẫn quan tâm đến phong trào chạy bộ hiện nay.

Thỉnh thoảng tôi cũng đi xem một số giải chạy phong trào như Long Biên marathon, Hạ Long marathon. Phong trào chạy bộ hiện nay phát triển rất mạnh, nhất là ở các thành phố lớn.

Anh Phạm Duy Cường hoàn thành cuộc đua marathon 2017 tại Hi Lạp với khẩu hiệu “Chạy vì mình”.-Ảnh: NVCC
Anh Phạm Duy Cường hoàn thành cuộc đua marathon 2017 tại Hi Lạp với khẩu hiệu “Chạy vì mình”.-Ảnh: NVCC

 

Quan điểm phong trào mạnh là nền tảng để phát triển thể thao thành tích cao liệu có đúng với chạy bộ khi tôi thấy giới phong trào chỉ lo chạy để vui khỏe là chính?

- Phạm Duy Cường: Sau khi tham dự Everest marathon, tinh thần của tôi như được tiếp thêm sức mạnh và luôn nghĩ mình phải làm việc gì đó để thúc đẩy phong trào chạy bộ phát triển.

Vì thế tôi bắt tay vào tổ chức các buổi chạy bộ vào sáng chủ nhật hằng tuần ở hồ Tây, hồ Gươm, Hoàng thành và bất ngờ vì nhận được sự hưởng ứng của rất đông người yêu chạy.

Cuộc đầu tiên tôi tổ chức ban đầu nghĩ chỉ có chục người nhưng sau đó có 100 người tham dự, các cuộc sau đó tăng dần lên và đỉnh cao có buổi chạy thu hút 700 người dự.

Được hưởng ứng, được mọi người cảm ơn vì đã tạo sân chơi để mọi người chạy nên tôi càng say mê việc tổ chức các sự kiện chạy bộ cho cộng đồng.

Tuy nhiên, do tôi còn phải quản lý công ty của mình nên không có nhiều thời gian, tổ chức sự kiện cũng cần có tiền để duy trì. Sau đó tôi quyết định thành lập Big Prizes - công ty chuyên tổ chức các sự kiện chạy bộ cho cộng đồng, đây là doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận.

Nếu chỉ đơn thuần đi chạy như thời gian trước đúng là tôi không quan tâm đến giới chạy đỉnh cao. Tuy nhiên, trong vai trò là một người tổ chức các sự kiện về chạy bộ thì giờ tôi lại quan tâm đến các VĐV chuyên nghiệp.

Lý do nhờ làm sự kiện tôi thấy được nhu cầu của người chạy bộ là rất phong phú. Ví dụ: người chạy bộ có nhu cầu được đào tạo và hướng dẫn cách tập chạy cơ bản để không bị chấn thương, kết hợp với ăn uống phù hợp; người chạy bộ có nhu cầu trang bị trang phục cho việc chạy bộ...

Tôi nghĩ trong tương lai tôi sẽ kết nối nhu cầu của người yêu chạy bộ với người có kiến thức, ví dụ mời VĐV đỉnh cao về hỗ trợ đào tạo cho các VĐV phong trào.

Như vậy VĐV đỉnh cao vừa có cơ hội kiếm tiền còn VĐV nghiệp dư thì có thể được hướng dẫn chạy một cách bài bản. Phong trào và đỉnh cao chắc chắn có thể gặp gỡ nhau trong điều kiện như thế này.

- Nguyễn Văn Lai: Đúng là tôi cũng không nghĩ đến việc kiếm tiền từ việc đi đào tạo cho những người chạy phong trào.

Hiện tôi đang học khoa huấn luyện Trường ĐH TDTT Bắc Ninh, sau khi giải nghệ có thể tôi sẽ là HLV điền kinh Quân đội để đào tạo VĐV thành tích cao. Nếu có cơ hội, tôi sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng chạy bộ từ kiến thức và kinh nghiệm của mình, kiếm được tiền từ việc này thì quá tốt.■

VĐV điền kinh Nguyễn Văn Lai sinh năm 1986 (Quân đội), hiện anh mang quân hàm thiếu tá. Nguyễn Văn Lai là kỷ lục gia VN ở cự ly 5km, 10km. Ở đấu trường SEA Games, Nguyễn Văn Lai từng giành 2 HCV và phá kỷ lục SEA Games 28 năm 2015 ở cự ly 5km, 10km. SEA Games 29 năm 2017 anh cũng giành 1 HCV, 1 HCB ở hai cự ly này.

Anh Phạm Duy Cường sinh năm 1982 và là giám đốc một công ty kinh doanh dụng cụ pha chế cà phê tại Hà Nội. Tháng 5-2017, anh Cường trở thành người VN đầu tiên chinh phục cuộc thi Everest marathon. Về đích với thời gian 7 giờ 47 phút 7 giây, anh Cường xếp hạng 71/202 VĐV tham dự cự ly marathon 42km ở nơi có nhiệt độ khoảng -20 độ C, độ cao 5.364m so với mực nước biển.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận