Chi đẹp cũng phải hợp lý

THANH PHONG 30/10/2012 21:10 GMT+7

TTCT - Trung tuần tháng 9, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) thông báo tạm thời không trả tiền thưởng tham dự các cúp châu Âu của 23 CLB với lý do các CLB chậm chi trả những khoản tiền còn nợ.

Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy UEFA ngày càng cứng rắn trong giai đoạn chuẩn bị áp dụng những quy định fair-play (trung thực) tài chính trong bóng đá châu Âu.

Phóng to
Chủ tịch UEFA Michel Platini khẳng định không có chuyện thụt lùi trong việc triển khai quy định trung thực tài chính theo lịch trình - Ảnh: Reuters

Những quy định trung thực tài chính được Ủy ban Kiểm soát tài chính của UEFA thông qua vào tháng 9-2009 và sẽ được áp dụng chính thức từ mùa bóng 2014-2015. Nguyên nhân ra đời những quy định này là việc UEFA lo ngại có gần một nửa các CLB châu Âu bị lỗ nặng trong mùa bóng 2008-2009. Trong số đó, nhiều CLB đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Chi nhiều hơn thu

Ở Tây Ban Nha, nợ của các CLB được nhà nước bảo đảm một phần bằng cách... xóa nợ. Bất chấp tình yêu bóng đá cuồng nhiệt ở nước này và do khủng hoảng kinh tế, chính phủ đã quyết định yêu cầu các CLB trả nợ số tiền hiện vượt qua 750 triệu euro.

Ở Anh, thâm hụt trong bóng đá được các ông bầu giàu sụ như Roman Abramovich ở Chelsea hoặc Malcolm Glazer của Manchester United móc hầu bao chi trả. Theo atlantico.com, từ năm 2003 ông Abramovich đã bỏ tiền túi hơn 2 tỉ euro!

Điển hình là trường hợp của Portsmouth ở Premier League. Đoạt Cúp FA năm 2008 nhưng Portsmouth thua lỗ nặng nề và phải tuyên bố vỡ nợ vào tháng 4-2010. Nguyên nhân sa sút tài chính của Portsmouth và nhiều CLB khác được chủ tịch UEFA Michel Platini tóm tắt trong phát biểu của ông nhân dịp thông báo sự hình thành những quy định trung thực tài chính: “50% số CLB làm ăn lỗ và xu hướng này ngày càng tăng lên... Các CLB đã chi tiêu nhiều hơn so với những gì mà họ thu được và không thể trả những món nợ. Chúng tôi không muốn tiêu diệt hay gây tổn thương cho họ mà chỉ muốn giúp đỡ họ”.

Quy định trung thực về tài chính của UEFA có thể tóm tắt như sau: chỉ những CLB có cân bằng trong thu chi mới có thể tham dự Champions League hoặc Europa League. Để có thể tham dự một trong hai giải nói trên, các CLB phải có báo cáo tài chính cân đối trong ba mùa bóng trước đó. Mỗi CLB chỉ được phép lỗ tối đa 45 triệu euro trong ba năm và giảm xuống còn 30 triệu euro kể từ mùa 2015-2016.

Tờ Le Temps (Thụy Sĩ) cho biết tổng lỗ của 665 CLB được UEFA kiểm toán lên đến 1,64 tỉ euro vào cuối năm 2010, tăng 36% so với năm trước. Điều tệ hại là có đến 3/4 các CLB đại gia có doanh thu hơn 50 triệu euro đã thua lỗ nặng. Chính phán quyết Bosman năm 1995 đã khai phóng thị trường chuyển nhượng cầu thủ và dẫn đến bùng nổ lương. “Hậu quả của tình trạng siêu lạm phát này là tổng quỹ lương của các CLB châu Âu tăng lên và chiếm trung bình 64% doanh thu trong năm 2010. Nhưng ở một số CLB thuộc Đông Âu, con số này vượt quá 100%” - tờ Le Temps nhấn mạnh.

Trên tờ Daily Mail, nhà báo Martin Samuel cho rằng việc đặt ra khoảng thời gian ba mùa bóng trước khi áp dụng đã biến những quy định này thành “một chiếc cầu di động được rút lại”. Theo ông, việc Manchester City lỗ 194 triệu bảng trong mùa 2010-2011 là đã được tính toán trước để tránh quy định về số tiền lỗ tối đa trong ba mùa trước mùa bóng 2014-2015.

Phóng to

Còn trong giai đoạn thử nghiệm

Đa số CLB hiểu rằng những quy định trung thực về tài chính không những giúp họ tránh rơi vào khủng hoảng mà còn tạo sự công bằng trong việc củng cố lực lượng, tránh trường hợp vung tay quá trán mua cầu thủ đắt giá hoặc hứa hẹn những mức lương khổng lồ. Vì vậy từ một năm qua, có 38 CLB châu Âu sử dụng thử nghiệm một phần mềm quản lý tài chính dựa theo những yêu cầu của UEFA.

Thông qua phần mềm này, mỗi CLB tham gia cung cấp những con số thu chi của họ trong mùa bóng 2008-2009 hay 2009-2010 để từ đó biết được kết quả lỗ lãi bao nhiêu. Tổng giám đốc Philippe Perez của CLB Olympic Marseille nói: “Đây là giai đoạn tìm hiểu để làm sao kết quả tài chính của chúng tôi thích ứng với những yêu cầu của UEFA”. Andrea Traverso, viên chức của UEFA phụ trách việc kiểm soát trung thực tài chính và cấp giấy phép cho các CLB, khẳng định tất cả còn trong giai đoạn thử nghiệm. “Chúng ta còn trong thời kỳ tập sự” - ông nhấn mạnh.

Từ trung thực trong quy định tài chính của UEFA dễ khiến người hâm mộ nghĩ đến sự bình đẳng giữa các CLB. Tuy nhiên, thực tế những quy định này không làm thay đổi tương quan giữa các CLB. Đơn giản là các CLB lớn - vốn có lực lượng CĐV đông đảo và lực lượng cầu thủ hùng hậu, nhiều ngôi sao - sẽ thu hút khán giả đến sân đông hơn, bán được nhiều sản phẩm lưu niệm hơn, thu hút các hợp đồng tài trợ nhiều hơn so với những CLB nhỏ. Tính công bằng ở đây chỉ có ý nghĩa là các CLB, dù lớn hay nhỏ, đều tránh được nguy cơ vỡ nợ nhờ không thể chi tiêu nhiều hơn số tiền mà họ kiếm được.

Trong số 23 CLB châu Âu bị tạm treo tiền thưởng tham dự các giải bóng đá của UEFA hồi trung tuần tháng 9 có Atletico Madrid - đội ĐKVĐ Europa League và đoạt Siêu cúp châu Âu 2012. Nguyên nhân của sự trừng phạt này là Atletico chậm trễ trong việc trả các khoản tiền thuế và an sinh xã hội cho nhà nước.

Tờ El Pais cho biết Atletico hằng năm phải trả 15 triệu euro cho ngân khố Tây Ban Nha. Đó là tiền lãi của món nợ 115 triệu euro. Dù CLB đã thỏa thuận với chính quyền về việc trả chậm, nhưng họ vẫn vi phạm một trong những quy định trung thực tài chính của UEFA: các CLB phải trả các khoản thuế cho nhà nước đúng hạn. Ngoài ra, tờ Marca cho biết Atletico không trả đúng hạn số tiền mà họ còn nợ Porto liên quan đến vụ chuyển nhượng ngôi sao Falcao từ CLB nổi tiếng của Bồ Đào Nha sang Atletico vào tháng 7-2011.

Malaga là CLB Tây Ban Nha thứ hai bị treo tiền thưởng của UEFA. Tương tự Atletico Madrid, đội bóng của các ông chủ người Qatar này đã không chi trả đúng hạn những món nợ mà họ đã vay để tăng cường lực lượng và giành được suất dự Champions League mùa bóng hiện tại. Trong số những đội được nêu tên trong danh sách trừng phạt của UEFA còn có hai đội bóng đáng chú ý khác là Sporting Lisbon và Rubin Kazan (CLB Nga ba lần tham dự Champions League). Còn lại là những CLB thuộc Bosnia, Croatia, Romania và Serbia.

Các chủ tịch CLB nói gì?

* Chủ tịch Jean-Michel Aulas của Lyon: “Những quy định này hơi nặng nề lúc ban đầu và có vấn đề về bảo mật thông tin của những CLB có tham gia thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, UEFA đã chứng tỏ sự mềm dẻo và cải thiện cách thực hiện. Về khả năng tạo ra một chuẩn tài chính chung cho bóng đá châu Âu là điều mà chúng tôi (Hiệp hội Các CLB bóng đá châu Âu và UEFA) còn suy nghĩ, nhưng tôi rất lạc quan. Tất cả những biện pháp này là cơ hội để bóng đá châu Âu không rơi vào một vòng xoáy có thể hủy diệt tất cả”.

* Chủ tịch Karl-Heinz Rummenigge của Bayern Munich: “Khi nhìn chi tiêu trong mùa chuyển nhượng của PSG, Manchester City hay Chelsea, tôi cho rằng những CLB này bị lỗ đáng kể. UEFA có trách nhiệm làm cho những CLB này tôn trọng các quy định hoặc phải chịu sự trừng phạt”.

* Chủ tịch Nasser Al-Khelaifi của PSG: “CLB chúng tôi không sợ trung thực tài chính. Chúng tôi tiếp tục phát triển các nguồn thu nhập một cách đáng kể. Tất cả các lĩnh vực đều có sự tăng trưởng gấp đôi. Nhìn chung, lợi nhuận PSG tăng lên 81%. Chi tiết hơn, tiền bán vé của chúng tôi tăng 265%, lợi nhuận từ bán các vật phẩm tăng 94%, tiền tài trợ cũng tăng 57%. Số người mua vé dài hạn từ 16.000 nay tăng lên 23.500”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận